Công tác tư tưởng, văn hóa trong đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng thời kỳ 1945 – 1946

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng mới ra đời đã gặp muôn vàn khó khăn. Nền kinh tế kiệt quệ, hơn 90% dân số mù chữ, các tệ nạn xã hội tràn lan. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được nước nào trên thế giới công nhận. Bên cạnh đó, hơn ba mươi vạn quân của Tưởng Giới Thạch, quân Anh, quân Pháp tràn vào nước ta với âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ phản động làm tay sai cho chúng. Quân đội Tưởng mang theo cả bọn phản động sống lưu vong được tập hợp trong 2 tổ chức Việt Nam quốc dân đảng (Việt quốc) và Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt cách) ra sức chống phá cách mạng. Trong tình thế đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả công tác tư tưởng văn hóa, động viên nhân dân đoàn kết, đồng lòng bảo vệ nền độc lập, tự do và chính quyền cách mạng non trẻ.

Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng nêu ra 6 nhiệm vụ cần kíp: chống đói; chống dốt; tổng tuyển cử; xây dựng nếp sống mới; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tín ngưỡng tự do. Công tác tư tưởng văn hóa lúc này tập trung giáo dục ý chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững lời thề theo Tuyên ngôn độc lập: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (1), cổ vũ nhân dân thực hiện thắng lợi ba nhiệm vụ lớn: diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm.

Ngay sau khi Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cải tổ thành Chính phủ lâm thời, Bộ Tuyên truyền được thành lập do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng, đã tiếp quản các cơ sở tuyên truyền, báo chí của chế độ cũ và đài phát sóng Bạch Mai. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam được thành lập và hoạt động từ ngày 7-9-1945, Việt Nam Thông tấn xã cũng được thành lập để cung cấp tin cho các cơ quan lãnh đạo và phục vụ công tác tuyên truyền. Ngày 15-9-1945 Việt Nam Thông tấn xã đã chính thức phát tin bằng sóng vô tuyến ra thế giới bằng ba thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh. Các tờ báo như: Cờ giải phóng của Đảng, Cứu quốc của Mặt trận Việt minh, Lao động của Hội Công nhân cứu quốc… được phát hành công khai, rộng rãi. Các cuộc mít tinh, buổi nói chuyện về việc thành lập Chính phủ cách mạng, chính quyền địa phương và những nhiệm vụ trước mắt được tổ chức khắp nơi.

Khi quân Tưởng kéo vào nước ta, khẩu hiệu “Hoa-Việt thân thiện”, “Kiên quyết ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm” được tuyên truyền rộng khắp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tổ chức các cuộc biểu tình phản đối quân đội Anh yểm trợ cho quân đội thực dân Pháp trở lại miền Nam. Đối với Nam bộ, ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân miền Nam nêu rõ quyết tâm của toàn dân ta: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” (2), khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta nhất định thắng lợi. Công tác tuyên truyền đã liên tục tố cáo âm mưu và tội ác của thực dân Pháp, động viên lòng căm thù và ý chí quyết tâm chống xâm lược, ủng hộ miền Nam kháng chiến.

Ở miền Bắc, nhờ làm tốt công tác tư tưởng văn hóa mà nhân dân ta ngày càng nhận rõ dã tâm của bọn phản động tay sai nên tỏ rõ thái độ phản đối, bất hợp tác với những hành động vu cáo, phá rối của bọn Việt quốc, Việt cách. Quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, ngày 17-10-1945, trong Thư gửi Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, đều là đầy tớ của dân. Người khẳng định: “Nhưng nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì” (3). Đồng thời vạch ra những lầm lỗi cần phải sửa chữa của một số cán bộ: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.

Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”, xác định cách mạng nước ta vẫn là cách mạng giải phóng dân tộc, kẻ thù chính của nhân dân ta là thực dân Pháp xâm lược. Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện Chỉ thị kháng chiến kiến quốc, các cán bộ Đảng, đoàn thể, Mặt trận được phái đi khắp mọi nơi tuyên truyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, chống đói, xóa nạn mù chữ, phát triển và củng cố các đoàn thể cứu quốc.

Việc chống nạn mù chữ cũng được tuyên truyền rộng rãi, trở thành phong trào ở các địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi chống nạn thất học với phương châm: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo…” (4). Với khẩu hiệu “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, “Thêm một người đi học là thêm một viên gạch xây nền độc lập của nước nhà”, các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ được mở khắp cả nước. Sau một năm, chúng ta đã có 2 triệu người thoát nạn mù chữ. Thắng lợi trên mặt trận chống nạn mù chữ làm cho nhân dân càng tin tưởng vào chính quyền cách mạng và chế độ mới. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới, giáo dục tinh thần yêu nước, chống các hủ tục lạc hậu cũng được tuyên truyền sâu rộng. Công tác thông tin ở cơ sở, phong trào văn nghệ cách mạng có tính quần chúng, nhất là ca hát được phát triển rộng rãi.

Để củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, Chính phủ quyết định tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 6-l-1946 để bầu Quốc hội, xây dựng hiến pháp và lập Chính phủ chính thức. Công tác tuyên truyền vận động bầu cử thực sự là một cuộc đấu tranh gay gắt chống lại sự phá hoại của quân đội Tưởng, bọn tay sai Việt quốc, Việt cách ở miền Bắc và bọn thực dân Pháp ở miền Nam. Khẩu hiệu phổ biến mọi nơi là: “Mỗi lá phiếu là một viên đạn diệt thù”. Cuộc tổng tuyển cử đã đạt kết quả tốt, thu hút đại đa số cử tri đi bỏ phiếu bầu cho các ứng cử viên của Mặt trận Việt Minh. Đây là dịp giáo dục cho nhân dân ta về lòng yêu nước, ý thức làm chủ của công dân một nước độc lập, nâng cao uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên thế giới.

Trong khi ra sức củng cố chính quyền cách mạng, ổn định tình hình, bước đầu xây dựng chế độ mới, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh với âm mưu lật đổ của bọn Tưởng và tay sai ở miền Bắc, đồng thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam. Công tác tuyên truyền, cổ động liên tục vạch trần dã tâm của bọn Tưởng và hành động bán nước của bọn Việt quốc, Việt cách. Mặt khác, giải thích cho dân hiểu rõ và đồng tình với thái độ kiên nhẫn, mềm dẻo, hòa hoãn với bọn Tưởng để tập trung mũi nhọn chống kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 28-2-1946, Pháp và Tưởng ký hiệp ước Hoa – Pháp, Pháp được đưa quân vào thay quân Tưởng ở miền Bắc. Trước tình hình trên, ngày 3-3-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Tình hình và chủ trương. Chỉ thị phân tích âm mưu của đế quốc và tay sai, đánh giá so sánh lực lượng, cân nhắc lợi hại, quyết định hòa hoãn với Pháp để đập tan âm mưu phá hoại cách mạng của bọn Tưởng và tay sai, giành thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngày 6-3-1946, Chính phủ ta ký với Pháp Hiệp định sơ bộ. Trong tình cảnh đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Hòa để tiến (9-3-1946), giải thích rõ chủ trương hòa với Pháp lúc này: “Chúng ta hòa với Pháp để: 1) tránh tình thế bất lợi… 2) bảo đảm thực lực… tóm lại, để chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới” (5).

Triển khai thực hiện Chỉ thị Tình hình và chủ trương và Chỉ thị Hòa để tiến, Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh các địa phương tổ chức các cuộc họp để giải thích cho nhân dân về chủ trương hòa hoãn với Pháp, nội dung của Hiệp định sơ bộ và những nhiệm vụ công tác trước mắt. Nhiều nơi xuất bản các tài liệu ngắn để giúp cán bộ làm công tác tuyên truyền. Qua giải thích, cán bộ và nhân dân ta nhận thức rõ được thắng lợi và lợi ích của việc ký kết hiệp định, đã chống lại những hoạt động chia rẽ, gây rối loạn của bọn Việt quốc, Việt cách, tích cực chuẩn bị để đối phó với các hành động bội ước của bọn thực dân Pháp.

Nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, công tác tuyên truyền vận động đã được đẩy mạnh để thu hút những người còn mặc cảm, chưa có liên kết với Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc, như: các nhân sĩ, trí thức, công thương gia, quan lại cũ, tham gia vào các tổ chức thích hợp. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập ngày 29-5-1946 là tổ chức tập hợp lực lượng không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái… trong mặt trận chống đế quốc, bảo vệ nền độc lập tự do. Trong khi hội nghị Phôngtennơblô đang họp, thực dân Pháp tiếp tục chính sách xâm lược. Chúng âm mưu dùng bọn tay sai Việt quốc nổ súng vào cuộc diễu binh của Pháp nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Pháp (14-7-1946) rồi vu cáo ta, nhưng ta đã kịp thời phát hiện và đập tan âm mưu này, phá tan sào huyệt của bọn Việt quốc ở Hà Nội và các nơi khác, trừng trị bọn đầu sỏ, vạch mặt sự câu kết của chúng với thực dân Pháp.

Do thực dân Pháp chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nên hội nghị Phôngtennơblô tan vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946 quy định một số điều quan hệ tạm thời về văn hóa và kinh tế giữa hai nước, đình chỉ chiến sự ở miền Nam và tiếp tục cuộc đàm phán Việt – Pháp vào tháng 1-1947. Đồng chí Trường Chinh có bài viết Tại sao cuộc đàm phán Việt – Pháp ở Phôngtennơblô bị bỏ dở đăng trên báo Sự thật số 54 ra ngày 20-9-1946, chỉ rõ: “Trước hết phải giải thích rõ nguyên nhân thất bại của Hội nghị Phôngtennơblô để bóc trần âm mưu gian dối của phản động thực dân Pháp trước dư luận và kêu gọi nhân dân chống lại chúng, đả phá mọi thái độ hoài nghi; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Hồ Chủ tịch và phái đoàn chính phủ”. Sau khi có Tạm ước 14-9, các báo chí thống nhất công khai kêu gọi thi hành Tạm ước, đòi thả tù chính trị, phổ biến một số thơ ca, tài liệu kháng chiến và được nhân dân hoan nghênh, tìm đọc, các tờ báo tiếng Việt cũng được phát hành với số lượng lớn ở Sài Gòn và cả một số thị xã khác ở Nam bộ.

Trên mặt trận văn hóa, Đảng ta đoàn kết với các nghệ sĩ, nhà văn hóa yêu nước trong Hội Văn hóa cứu quốc. Nhiều nhà văn đã đi theo các đoàn quân Nam tiến để sáng tác phục vụ cách mạng và kháng chiến. Ngày 24-11-1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất họp ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc chỉ rõ: Văn hóa phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân làm nội dung phản ánh; xây dựng nền văn hóa mới với 3 tính chất: khoa học, dân tộc và đại chúng.

Cuối năm 1946, thực dân Pháp đẩy mạnh những hành động lấn chiếm, liên tiếp tiến công ở Nam bộ và Trung bộ, gây ra các vụ khiêu khích ở miền Bắc. Ngày 20-11-1946, thực dân Pháp đánh chiếm thành phố Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn, đổ bộ hàng ngàn quân lên Đà Nẵng. Ngày 17 và 18-12-1946, quân đội Pháp gây khiêu khích, tàn sát dân ta ở hai phố Yên Ninh và Hàng Bún, Hà Nội. Chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước vũ khí tự vệ, buộc ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, chiếm sở công an và giữ trị an ở thủ đô.

Đứng trước cuộc chiến không thể tránh khỏi, Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Đây là tiếng nói của dân tộc khát khao hòa bình, là mệnh lệnh thiêng liêng giục giã quân dân ta anh dũng tiến lên giành thắng lợi. Lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến là kết quả của sự hội tụ và phát triển đến đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, khi được khơi dậy sẽ trở thành sức mạnh vô địch chiến đấu và chiến thắng trước mọi kẻ thù. Đây được coi là nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, là động lực đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Một số kinh nghiệm rút ra được trong công tác tư tưởng văn hóa thời kỳ 1945-1946, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vững chắc nền độc lập tự do, quyền dân chủ nhân dân, gồm:

Một là, công tác tư tưởng văn hóa phải bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước.

Hai là, trọng tâm của công tác tư tưởng văn hóa là tiến hành cả “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính; khắc phục tình trạng mơ hồ, mất cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn lừa bịp mỵ dân của các thế lực phản động.

Ba là, chỉ đạo kịp thời để báo chí tuyên truyền có hiệu quả các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm bảo đảm tính định hướng; hạn chế tối đa các thông tin có nội dụng phản động, thù địch tác động vào nhân dân.

Bốn là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên trong tiến hành công tác tư tưởng.

Vận dụng kinh nghiệm công tác tư tưởng văn hóa trong bảo vệ chính quyền cách mạng thời kỳ 1945 – 1946; mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao hơn nữa trình độ, trí tuệ, bản lĩnh, năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức, đủ sức tự đề kháng trước những diễn biến phức tạp của tình hình; đồng thời đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

_________________

1, 2, 3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3, 29, 64, 40-41.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.49.

Tác giả: Hoàng Văn Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *