Trong thực tế sưu tầm và nghiên cứu về hệ thống bài bản trong âm nhạc tài tử – cải lương, nhiều nhà nghiên cứu như Trần Văn Khê, Tô Vũ, Vũ Nhật Thăng, Nguyễn Thụy Loan, Bùi Trọng Hiền, Đặng Hoành Loan… đã có nhiều đóng góp đáng kể. Mỗi người có một cách tiếp cận khác nhau, chẳng hạn trực tiếp khai thác từ nghệ nhân, qua băng đĩa tiếng và hình, công trình nghiên cứu, các hội nghị, hội thảo về đờn ca tài tử – cải lương… hoặc qua kho tư liệu sưu tầm của Viện Âm nhạc Việt Nam.
Các vấn đề được phát hiện từ các nguồn tư liệu nói trên rất phong phú, đa dạng, nhưng nhiều khi lại không có tính nhất quán, thậm chí xảy ra tình trạng mâu thuẫn với nhau, khiến cho người muốn tìm hiểu về hệ thống bài bản âm nhạc tài tử – cải lương thật khó nắm bắt vấn đề một cách khoa học. Trong mục tiêu đưa 20 bài bản tổ vào chương trình giảng dạy đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề mang tính chủ đạo trong âm nhạc tài tử – cải lương này.
Về âm nhạc tài tử, GS,TS Trần Văn Khê đã phân tích môi trường diễn xướng của loại hình nghệ thuật này trong nghiên cứu về Nghệ thuật đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam Bộ. Ông cho rằng, đờn ca tài tử là một sinh hoạt văn nghệ thuộc loại thính phòng (một nghệ thuật do một nhóm nghệ sĩ biểu diễn cho một nhóm nhỏ thính giả, không gian ấm cúng trong một căn phòng trong tư gia, chứ không phải trong một hội trường lớn, hay trên sân khấu hoành tráng cho đông đảo thính giả). Theo ông: “Mỗi chữ nhạc dùng trong đờn ca tài tử không có một độ cao tuyệt đối – một cao độ cố định, thường lên dây đờn, nếu phải cùng hòa với nhau… Do đó, chữ đàn cơ bản là chữ “hò”, từ chữ hò mới định cao độ của những chữ khác. Trừ âm hò, xế, liu không thay đổi, xự, xang, cống có thể đàn non (thấp hơn chữ xự thường một chút, không nhất định 1/4 – 1/8, hay nửa cung) hoặc đờn già hơn (cao hơn chữ nhạc thường một chút). Khi học thì thày dặn đờn thế nào để đừng có lạc hơi, non một chút, già một chút tùy theo kỹ thuật nhấn nhá khi đờn và luyến láy khi ca… Cấu trúc của âm nhạc tài tử mang lối cấu trúc khép – mở linh hoạt” (1).
Cấu trúc khép – mở vốn là kết quả của lối tư duy động trong truyền thống âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam, nó chính là cơ sở cho sự bảo lưu giá trị, và cũng là tiền đề cho sự thay đổi thích hợp để tiếp tục phát triển. Âm nhạc tài tử – cải lương vừa mang chất hàn lâm vừa đậm chất dân dã, vừa có sự chặt chẽ của bài bản nhạc lại vừa có sự phóng túng, linh hoạt của ngôn ngữ dân gian…
Theo tôi, âm nhạc tài tử – cải lương nói chung hay đờn ca tài tử nói riêng đã chịu nhiều ảnh hưởng của một số thể loại âm nhạc như nhạc thính phòng cổ truyền, các điệu lý Nam Bộ, ca ra bộ, vọng cổ, nhạc Quảng Đông – Triều Châu.
Năm 1900, bảng sắp loại đầu tiên của ông Ba Đợi được gọi là 20 bản tổ bao gồm: 6 bản bắc: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản; 7 bản lễ: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc; 3 bản nam: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung (Nam đảo); 4 bản oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam (Giang Nam cửu khúc), Phụng cầu (Phụng cầu hoàng).
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan trong Đối thoại đờn ca tài tử (2), cho rằng nhạc tài tử hiện nay có 20 bản tổ bao gồm: 6 bản Bắc trường: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Cổ bản trường, Xuân tình chấn, Tây thi trường (chia thành 6 bản bắc thủ và 6 bản bắc vĩ); 7 bản hạ: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long dăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc; 3 bản nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo còn gọi là Đảo ngũ cung; 4 bản Oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam cửu khúc, Phụng cầu hoàng duyên . Về sau còn có thêm 4 bản oán phụ, hay oán ngoại là các bản: Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên, Ngươn tiêu hội oán, Võ văn hội oán…
Theo nhiều nhà nghiên cứu, ngoài nội dung 20 bài bản tổ, số lượng bài bản được chơi bổ sung vào nhạc mục còn có: Thập thủ liên hoàn, gồm các bản: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hò Quảng, Liên hườn, Bình nguyên, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã; Bát ngự gồm : Đường Thái Tôn, Vọng phu, Ái tử kê, Bát Man tấn cống (Bắc Man tấn cống), Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan; Ngũ Châu có 5 bản: Kim tiền bản, Ngự gia, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp, Tứ Bửu có 4 bản: Minh Hoành thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê (bản này có khác với bản Ái tử kê trong Bát Ngự); Tam bắc nhị oán (5 bản nhạc hay được tài tử Chín Tâm sưu tầm ở Mỏ Cày) gồm các bản: Hội huê đăng, Lục luật tiêu hà, Bắc ngự, Quả phụ hàm oan, Xuân tình bát oán; bản Dạ cổ hoài lang (Cao Văn Lầu); bản Tứ bửu liêu thành (Ba Chột); bản Ngũ châu minh phổ (Nguyễn Văn Thinh).
Theo Những vấn đề về cấu trúc của 20 bài bản tổ của Bùi Thiên Hoàng Quân, có thể thấy sự hệ thống hóa trong cấu trúc bài bản một cách tương đối rõ ràng (3).
Cấu trúc của 6 bài bắc
Lưu thủy trường (được phát triển từ bài Lưu thủy đoản hay Lưu thủy vắn).
Phú lục chấn, một số nhạc sĩ cho rằng, đây là một loại thơ cổ và bài Phú lục Huế có thể là một điệu nhạc phát triển từ loại thơ này. Khi vào Nam Bộ, Phú lục Huế đã được thay tên là Phú lục vắn gồm 17 câu nhịp 1 và sau đó phát triển thành bài Phú lục chấn như hiện nay, mang tính chất âm nhạc sôi nổi, hào hứng.
Bình bán chấn, từ bài Bình bán ban đầu, các nhạc sĩ đã phát triển thành bài Bình bán vắn và sau đó là Bình bán chấn. Tính chất vui tươi có phần giảm đi, nhưng lại tăng tính khoan thai, khúc mắc.
Xuân tình chấn được phát triển từ bài Xuân tình vắn, mang tính chất vui tươi, nhộn nhịp, càng về sau càng sôi động hơn, các câu nhạc gần như đối đáp với nhau.
Tây Thi vắn, hay còn gọi là Tây Thi, mang tính chất nhẹ nhàng, trong sáng, có dung lượng ngắn nhất trong 6 bài bắc. Chúng tôi cũng không tìm thấy bài Tây Thi vắn nhịp 2 nào để từ đó phát triển thành bài Tây Thi nhịp tư này. Tuy nhiên, có thể nói Tây Thi vắn cùng với Lưu thủy trường là hai bài có giai điệu đẹp và dễ nhớ nhất trong 6 bài Bắc nên được giới nhạc tài tử sử dụng nhiều hơn các bài khác.
Cổ bản vắn, tính chất âm nhạc sinh động, vui tươi với giai điệu gãy gọn, tiết tấu nhanh nhưng không dồn dập.
Cấu trúc của 7 bài lễ
Xàng xê, nếu bài Ngũ đối hạ được sử dụng nhiều nhất trong những buổi sinh hoạt của nhạc lễ thì khi đưa vào nhạc tài tử, bài Xàng xê lại là bài thông dụng nhất. Bài có tính chất trang nghiêm nhưng không căng cứng, đôi lúc giai điệu rất du dương, ngân nga, đặc biệt có sự xen lẫn hai thang âm trong cùng lớp tạo cho người nghe cảm giác rất thú vị.
Ngũ đối thượng, với nhịp độ vừa phải, bài được thể hiện với một phong cách đĩnh đạc, cùng với sự xuất hiện của các chữ nhạc I, Phan đã làm cho bài nhạc có màu sắc “hạ” hơn.
Ngũ đối hạ, được sử dụng nhiều nhất trong những buổi trình tấu nhạc lễ, còn gọi là bài hạ và trở thành tên gọi của bộ 7 bài lễ (7 bài hạ). Tính nghiêm trang là tính chất chung của 7 bài Lễ mà Ngũ đối hạ như một đại diện.
Long đăng, với tiết tấu vừa phải, tính chất âm nhạc khoan thai, có chút u buồn, bài không thể hiện rõ nét trang nghiêm như thường thấy trong nhạc lễ.
Long ngâm, không thể hiện rõ tính trang nghiêm của nhạc lễ mà lại nhẹ nhàng, khoan thai, mang nhiều chất tự sự.
Vạn giá, có tính chất âm nhạc trang nghiêm. Tuy đã được chuyển hóa để mang phong cách tài tử, nhưng sự đĩnh đạc của nhạc lễ vẫn còn thể hiện rất rõ.
Tiểu Khúc, có số câu ngắn nhất trong bộ bảy bài lễ – 29 câu. Nhịp độ chậm rãi, tính chất trang nghiêm của nhạc lễ được thể hiện rất rõ trong bài.
Cấu trúc của 3 bài nam
3 bài Nam hay còn gọi là tam Nam trong nhạc tài tử có nguồn gốc từ nhạc lễ Nam Bộ, gồm có: Nam xuân, Nam ai và Đảo ngũ cung (Nam đảo). Mỗi bài mang một âm điệu khác nhau, bộ ba bài nam thực sự là một tuyệt tác trong thể loại âm nhạc tài tử và được sử dụng rất phổ biến trong tất cả các cuộc đờn ca tài tử. Trước đây, giới nhạc tài tử khi hòa đàn điệu nam thường đàn liên hoàn từ Nam xuân, qua Nam ai rồi đến Nam đảo với tổng số là 239 câu. Nhận thấy khi đàn liền một mạch như vậy quá dài, lại có nhiều lớp trùng nhau nên sau này các nhạc sĩ thường đàn từng bài riêng và bỏ những lớp trùng đi.
Nam xuân, khác với tính chất nhanh vui của những bài bắc, trang nghiêm của những bài lễ, bằng nhịp độ vừa phải, có phần chậm rãi, bài Nam xuân mang tính chất thư thái, nhẹ nhàng với âm trục của bài là xàng – xang.
Nam ai, cũng lấy xàng – xang làm trục và có cấu trúc như bài Nam xuân nhưng dài hơn hai lớp, tính chất âm nhạc buồn, bi ai.
Đảo ngũ cung, bài được xây dựng trên hai hơi xuân và bắc. Đảo ngũ cung có sự chuyển điệu thức liên tục xoay quanh 5 âm của điệu gốc, gần như hình thức ly điệu trong âm nhạc phương Tây. Tính chất âm nhạc của Đảo ngũ cung nhộn nhịp, sinh động.
Những vấn đề về cấu trúc của bốn bài oán
Trong thang âm có sự xuất hiện của âm chữ oán đã làm cho âm nhạc trở nên buồn nhưng là cái bi hùng, kịch tính. Có người nói hơi oán diễn tả cái buồn nội tại đối với cuộc sống, còn hơi ai diễn tả sự buồn mang tính chất bi thương như trong nhạc lễ, tức những vấn đề về tang tế.
Tứ đại oán (gọi tắt là Tứ đại), cùng với Giang nam cửu khúc, Tứ đại oán là bài được sử dụng nhiều khi đàn các bài oán. Từ những ngày đầu của nghệ thuật sân khấu cải lương, Tứ đại oán được xem như một trong những bài bản trụ cột trong hệ thống bài bản cải lương thường dùng, khi mà bài vọng cổ chưa được hình thành. Các lớp không gọi theo thứ tự lớp I, lớp II,… mà có tên riêng. Tính chất âm nhạc tha thiết, buồn thảm.
Phụng hoàng lai nghi (Phụng hoàng cầu hay Phụng hoàng), có tốc độ chậm, tính chất âm nhạc não nề, buồn thảm.
Giang nam cửu khúc, được sử dụng nhiều trong nhạc tài tử và cải lương, có tốc độ chậm, tính chất âm nhạc buồn thảm. Người ta còn gọi tắt tên bài là Giang nam hay đọc ngược lại là Cửu khúc giang nam. Bài được viết theo nhịp 8 hay nhịp tư lơi, lái 16, có 4 lớp và 58 câu. Mở đầu bài bằng chữ liu và kết bài bằng chữ xang, nhịp nội song loan.
Phụng cầu hoàng duyên, tính chất u buồn, nhưng tốc độ của bài nhanh hơn 3 bài oán trước và giai điệu vận hành dựa trên trục hò – xang.
Như vậy, theo những phân tích và phân loại của các nhà nghiên cứu về 20 bài tổ trong nhạc đờn ca tài tử, chúng ta có thể lập thành hệ thống gồm các bài như sau:
6 bản bắc: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn, Tây Thi vắn, Cổ bản vắn.
7 bản lễ: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá,Tiểu khúc.
3 bản nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo.
4 bản oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng lai nghi, Giang nam cửu khúc, Phụng hoàng cầu duyên.
Giống như phân tích của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, Bùi Thiên Hoàng Quân cũng cho rằng vốn bài bản còn được bổ sung thêm “ngoài luồng”, ngoài 20 bản tổ còn có: Thập thủ liên hoàn, Bát ngự, Ngũ châu, Tứ bửu, Tam Bắc nhị oán, Dạ cổ hoài lang, Tứ bửu liên thành, Ngũ châu minh phổ.
Qua thống kê về 20 bài bản tổ và các bài bản bổ sung ngoài, có thể thấy rõ sự phong phú, đa dạng trong hệ thống bài bản tài tử – cải lương. Người học đàn bầu cần học thuộc các bài bản, từng bước tiếp cận với phong cách diễn tấu biến hóa lòng bản. Kỹ năng ngẫu hứng cần được phát triển trong quá trình dạy và học đàn bầu, nó chính là cơ sở cho sự bảo lưu những giá trị tinh túy trong âm nhạc tài tử – cải lương, là tiền đề cho quá trình bảo tồn với sự thay đổi thích hợp để tiếp tục phát triển.
_______________
1, 2 .Viện Âm nhạc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Nghệ thuật đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng, Hà Nội, 2011, tr.35, 56.
3. Bùi Thiên Hoàng Quân, Cấu trúc và âm điệu trong các lòng bản nhạc tài tử Nam Bộ, luận án tiến sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015
Tác giả : ĐOÀN QUANG TRUNG
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo