Biên giới phía Bắc Việt Nam bao gồm 7 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh; phía Bắc tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây – Trung Quốc; phía Tây giáp Lào; phía Đông giáp Biển Đông; phía Nam giáp với đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong những năm đổi mới, khối đoàn kết dân tộc ở biên giới phía Bắc không ngừng được xây dựng và củng cố, tạo nền tảng phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Biên giới phía Bắc là một trong những địa bàn giao lưu hội tụ nhiều tộc người, ngoài tộc người Kinh còn có hơn 20 tộc người thiểu số anh em. “Trong quá trình lịch sử, dù ở những trình độ khác nhau, mỗi tộc người đều có ý thức tự giác tộc người, khẳng định một nguồn văn hóa và truyền thống của mình. Khẳng định mình, nhưng khác cực đoan biệt lập, không kỳ thị dân tộc, sống xén kẽ, không có biên giới lãnh thổ tộc người rõ rệt. Trái lại giữa họ có mối quan hệ rộng mở, bao dung hòa hiệp, tôn trọng lẫn nhau, tiếp thu những yếu tố văn hóa tích cực, phù hợp của nhau để tồn tại và phát triển” (1). Trong sản xuất, họ thường làm đổi công giúp nhau. Khi gia đình ốm đau, hoạn nạn, họ hàng đến động viên, giúp đỡ vật chất và giúp canh tác nương rẫy. Mỗi khi có những bất hòa xảy ra, trưởng họ và các bên đều ngồi lại để phân xử, hòa giải. Tinh thần cố kết cộng đồng là giá trị văn hóa, là nguồn động lực nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa tộc người, là nhân tố tích cực mang lại cuộc sống ổn định, bình yên cho đồng bào, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự trên mỗi bản làng.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đồng bào các dân tộc biên giới phía Bắc đã đồng tâm, hiệp lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi như nuôi bò thương phẩm, lợn sinh sản, giống cây lâm nghiệp,… được nhân rộng ở Quảng Ninh. Lào Cai đã phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp gắn với các đặc sản của vùng miền như rượu ngô, mận (Bắc Hà); rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi, cá tầm (Sa Pa); rượu Shan Lùng (Bát Xát); gạo Séng Cù (Mường Khương)… Ở Điện Biên, thực hiện Quyết định 708 của UBND tỉnh về việc phân công các đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các đồn giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Nhé, giúp người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn thực hiện tốt vai trò chủ đầu tư dự án “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở bản Hua Sin 1, 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé”; phối hợp, tổ chức tặng 1.180 con bò giống cho hộ nghèo của bốn huyện biên giới; vận động 15.983 hộ định canh, định cư; tham gia hơn 25.000 ngày công giúp nhân dân lao động, sản xuất, trồng rừng và khai hoang, phục hóa 513,1 ha (2).
Với sự chung tay của các cấp, các ngành, nhất là sự nỗ lực vươn lên của chính đồng bào các dân tộc, kinh tế, xã hội các địa phương vùng biên giới phía Bắc đã có chuyển biến tiến bộ. Kinh tế có sự tăng trưởng khá và đồng đều, cơ cấu kinh tế của vùng từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, bộ mặt miền núi từng bước thay đổi, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy. Tại tỉnh Cao Bằng (tỉnh có 12 huyện và 1 thành phố, trong đó có 9 huyện biên giới với 46 xã biên giới), truyền thống đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố và phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát triển. Đến 31-12-2018, thu nhập bình quân/người/năm của tỉnh là 26,7 triệu đồng; trong đó, thu nhập bình quân/người/năm của hộ dân tộc thiểu số là 25,37 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo là 30,81% và 13,53% hộ cận nghèo; 100% số xã (đến trung tâm xã), phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; số hộ có điện lưới quốc gia đạt 90,89%; số hộ nông thôn có điện lưới quốc gia đạt 87,71%; tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch ước đạt 86%; tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh ước đạt 88%. 199/199 trạm y tế xã đã được xây dựng, 169 xã có trạm y tế có bác sĩ, 2.487 thôn bản (đạt 100%) có nhân viên y tế thôn bản; 99,4% người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 109 trường học đạt chuẩn quốc gia; có 39,8% số phòng học mầm non được kiên cố, tỷ lệ các cháu mầm non đến lớp đạt 96%; tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Toàn tỉnh có 58/199 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 182 xã, phường, thị trấn có nhà thư viện; 113.460 hộ xem được Đài truyền hình Việt Nam, chiếm 93% tổng số hộ toàn tỉnh; 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng internet (3)… Tại Lào Cai, năm 2019 (so với năm 1991), tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao, bình quân đạt 10,1%/năm, quy mô nền kinh tế tăng khoảng 70 lần; sản lượng lương thực bình quân gấp 3 lần, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,84 triệu đồng/năm tăng khoảng 130 lần; 100% số trẻ trong độ tuổi được đi học; 164 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,91%… (4).
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đoàn kết dân tộc ở vùng biên giới phía Bắc cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Tỷ lệ đói nghèo và tái nghèo còn cao, chủ yếu hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng, mức độ phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị biến dạng, mai một. Một số loại tội phạm đang có diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm buôn lậu, buôn, bán ma túy có biểu hiện tăng nhanh ở hầu hết các địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng và gây nhiều hệ lụy xã hội. Hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ đúng pháp luật, nhưng vẫn có dấu hiệu phát triển không bình thường ở một số địa phương. Môi trường sinh thái ở một số nơi vẫn bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Vì vậy, để tăng cường xây dựng khối đoàn kết dân tộc ở biên giới phía Bắc cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đồng bào về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức và phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc điểm, tình hình của khu vực, từng dân tộc; đổi mới hình thức học tập chính trị, sinh hoạt cộng đồng; tăng cường tuyên truyền thông qua các phương tiện đại chúng (sách, báo, tài liệu, đài phát thanh, truyền hình, mạng internet…); lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách khi tổ chức các lễ hội; tranh thủ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ; tăng cường cán bộ, đảng viên xuống những nơi khó khăn, phức tạp để làm tốt công tác vận động quần chúng. Đồng thời, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào, thực hiện 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và phương châm 3 trực tiếp: trực tiếp đến tận nhà dân, trực tiếp nghe dân nói và nói cho dân nghe, trực tiếp làm để dân tin.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Tập trung thực hiện thắng lợi các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tín dụng ưu đãi để người dân có vốn phát triển sản xuất. Chú trọng giúp đỡ đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong sản xuất và đời sống, nâng cao dân trí, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về các địa phương khó khăn công tác. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết hài hòa lợi ích của các tầng lớp nhân dân, các tộc người, chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ba là, chú trọng xây dựng đoàn kết trong nội bộ tộc người và từng cộng đồng dân cư. Cần phát huy tinh thần tương thân, tương ái, xây dựng và nhân rộng các mô hình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, những nghĩa cử cao đẹp, những cá nhân điển hình, tiên tiến trong cộng đồng để mọi người noi theo. Chú trọng xây dựng làng bản văn hóa trên cơ sở kế thừa truyền thống, duy trì và đổi mới các hoạt động cộng đồng cổ truyền (tổ chức lễ hội, xây dựng đường làng ngõ xóm, hoạt động phường hội, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng…), đề cao tính tự quản trong xây dựng nếp sống văn hóa mới và trật tự an toàn xã hội, phát huy tính cộng đồng trong sản xuất, giao thương, giáo dục… Đồng thời, giải quyết dứt điểm những vấn đề gây bức xúc trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là tranh chấp đất đai, tài nguyên rừng, không để những va chạm, mâu thuẫn nhỏ dẫn đến những căng thẳng, mâu thuẫn trong cộng đồng, gây chia rẽ nội bộ.
Bốn là, phát huy vai trò của hệ thống chính trị nhất là cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số, người có uy tín. Cần coi trọng xây dựng tổ chức đảng, chính quyền cấp huyện, xã, làng, bản thực sự trong sạch, vững mạnh; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp; xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ban ngành đoàn thể, chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách về dân tộc, tôn giáo ở địa phương. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khắc phục bệnh quan liêu xa rời cơ sở, xa rời quần chúng trong cán bộ, đảng viên. Chú trọng phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số và người có uy tín trong cộng đồng, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực, có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của họ trong đời sống cộng đồng.
Năm là, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành vi gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, ngăn ngừa tư tưởng dân tộc lớn, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ với mọi biểu hiện lệch lạc trong đời sống cộng đồng, chủ động làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch. Chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang trên địa bàn thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đại đoàn kết dân tộc là di sản văn hóa quý giá của dân tộc ta nói chung, khu vực biên giới phía Bắc nói riêng, là nền tảng tinh thần cao đẹp và là cội nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam. Do đó, cần sử dụng đồng thời nhiều giải pháp để không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực to lớn phát triển bền vững đất vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt, cần chú trọng giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các dân tộc với ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội cho các dân tộc thiểu số; tập trung phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường, thiết thực góp phần xây dựng, bảo vệ vững Tổ quốc trong điều kiện mới.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chí Buyên, Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.200, 201.
2. nhandan.com.vn
3. Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh Cao Bằng, Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX “Về công tác dân tộc”, Số 107 -BC/BCS, ngày 18-4-2019.
4. tapchicongsan.org.vn
Tác giả: Phạm Quốc Khánh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng