Hoạt động văn nghệ quần chúng tại Binh chủng Tăng thiết giáp


Hoạt động văn nghệ quần chúng (HĐVNQC) có vị trí quan trọng trong đời sống chiến sĩ nói chung và tại Binh chủng Tăng thiết giáp nói riêng. HĐVNQC bao gồm: các hoạt động văn học; nghệ thuật quần chúng; mỹ thuật; nhiếp ảnh; điện ảnh; sinh hoạt văn nghệ dưới hình thức câu lạc bộ – chuyên đề; chỉ đạo, quản lý, tổ chức khai thác sưu tầm vốn văn nghệ dân gian. HĐVNQC tại Binh chủng Tăng thiết giáp đã bám sát thực tiễn, đơn vị, góp phần bồi dưỡng nhân cách và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của chiến sĩ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Về Binh chủng tăng thiết giáp và các HĐVNQC

Ngày 5-10-1959, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 449 thành lập Trung đoàn xe tăng đầu tiên – Trung đoàn 202. Từ đó, ngày 5-10 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của bộ đội tăng thiết giáp. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, tận tụy, sáng tạo trong huấn luyện và xây dựng đơn vị, lực lượng ngày càng vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội tăng thiết giáp anh hùng. Cùng với quá trình lớn mạnh và trưởng thành, Binh chủng Tăng thiết giáp đã và đang đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của chiến sĩ, trong đó có HĐVNQC.

HĐVNQC của Binh chủng Tăng thiết giáp bao gồm những hoạt động chủ yếu sau :

 Hoạt động văn học: gồm hoạt động sáng tạo (viết), lưu giữ, truyền bá, hưởng thụ (đọc) ở cấp cơ sở như làm báo tường, tập san, viết tin nội bộ, nhật ký chiến sĩ, viết về điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt… Các hình thức, đề tài luôn gắn bó, phản ánh trực tiếp đời sống cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

 Hoạt động nghệ thuật quần chúng: gồm các hoạt động sáng tác, dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ, ca, múa, nhạc, tranh, ảnh, lưu giữ, quảng bá, thưởng thức… Hoạt động nghệ thuật quần chúng có tính đa dạng, phong phú về thể loại, hình thức, tính cộng đồng cao, đáp ứng rộng rãi nhu cầu hoạt động và thưởng thức nghệ thuật của quần chúng. Hoạt động nghệ thuật quần chúng luôn bám sát nhiệm vụ của văn nghệ quần chúng, trên cơ sở đó tạo dựng được màu sắc đặc thù của đơn vị, gắn bó chặt chẽ với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị và tương xứng với trình độ chiến sĩ.

 Hoạt động mỹ thuật: gồm sáng tác, triển lãm, trưng bày tranh lưu động kết hợp với các hoạt động biểu diễn ca múa nhạc; bồi dưỡng, hướng dẫn chiến sĩ trong sáng tạo, xây dựng hệ thống tranh cổ động, pano khẩu hiệu ở đơn vị; tổ chức tốt các nội dung, hoạt động trang trí, minh họa báo tường, tập san… trưng bày trực quan tại dịp lễ, Tết và các hoạt động cộng đồng khác.

 Hoạt động nhiếp ảnh, điện ảnh: là hoạt động chưa mang tính phổ thông trong quân đội, tuy nhiên với sự phát triển ngày càng cao của khoa học công nghệ thông tin, đây cũng là nội dung cần tiếp cận nhằm định hướng, quản lý tốt những hoạt động này trong quân đội.

 Sinh hoạt văn nghệ dưới hình thức câu lạc bộ – chuyên đề: thu hút chiến sĩ có khả năng, cùng sở thích. Hiện nay, hình thức câu lạc bộ văn nghệ phát triển khá mạnh, thu hút đông đảo chiến sĩ tham gia.

Khai thác, sưu tầm vốn văn nghệ dân gian địa phương: như tác phẩm văn học, dân ca, nghệ thuật có giá trị. Vốn văn nghệ dân gian (ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, trường ca, các làn điệu dân ca, múa…) ở nước ta đa dạng, phong phú sinh động, giúp các chiến sĩ Binh chủng Tăng thiết giáp dễ nhớ, dễ tiếp cận.

Vai trò của HĐVNQC trong đời sống chiến sĩ tăng thiết giáp

     Một là, góp phần bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho chiến sĩ

Việc bồi dưỡng phẩm chất chính trị, phải được đặt lên hàng đầu là giáo dục lý tưởng chính trị. Nếu lý tưởng chính trị được chuyển hóa thành lý tưởng thẩm mỹ chuyển tải đến chiến sĩ nói chung và chiến sĩ tăng thiết giáp nói riêng thông qua HĐVNQC thì chất cảm quan sinh động, cụ thể, giàu hình ảnh, sẽ làm cho việc học tập, thấm nhuần lý tưởng chính trị trở nên hấp dẫn hơn. Các HĐVNQC đã góp phần bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản, giúp họ kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, kẻ thù đang tìm cách thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá đất nước… thì những hoạt động văn nghệ quần chúng sẽ giúp củng cố, khích lệ tinh thần yêu nước, yêu CNXH của chiến sĩ Binh chủng Tăng thiết giáp. Các hoạt động nghệ thuật quần chúng tác động mạnh tới tâm hồn, tình cảm của chiến sĩ, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về nghĩa vụ của mình đối với nhân dân, quân đội và đất nước, đúng với truyền thống “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Từ đó, ý chí, nghị lực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của chiến sĩ Binh chủng Tăng thiết giáp được hun đúc và nhân lên gấp nhiều lần, giúp họ đạt kết quả tốt trong các hoạt động công tác, học tập, huấn luyện, chiến đấu như lời Bác Hồ dành tặng: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Hai là, bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho chiến sĩ

HĐVNQC hướng chiến sĩ tới chuẩn mực đạo đức tốt đẹp. Do đặc thù của các chiến sĩ Tăng thiết giáp, hoạt động trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng với chức năng chủ yếu là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì việc xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ là việc làm có tính quyết định trong việc xây dựng nhân cách bộ đội cụ Hồ. Do vậy, giáo dục đạo đức, lối sống cách mạng cho chiến sĩ Binh chủng Tăng thiết giáp nhằm bồi dưỡng nhân cách bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới phải có sự giác ngộ chính trị cao, tinh thần yêu nước XHCN, ý thức tập thể và trách nhiệm cộng đồng, nhiệt tình lao động tốt, có lối sống giản dị, trong sáng, lành mạnh, không ngừng học tập vươn lên, phấn đấu tu dưỡng đạo đức quân nhân cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư.

Các loại hình như: sáng tác văn học, tấu hài, kể chuyển, ca múa nhạc, văn nghệ quần chúng, phim ảnh… đa dạng về đề tài, phong phú, lôi cuốn và rất hấp dẫn đối với chiến sĩ. Những buổi liên hoan văn nghệ với chủ đề: quê hương, đất nước, gương người tốt việc tốt, truyền thống bộ đội tăng thiết giáp, hình tượng người chiến sĩ tăng thiết giáp…, giao lưu với nhân dân địa phương… đã làm cho các chiến sĩ tăng thiết giáp tăng thêm tình cảm đối với quê hương, đất nước, nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và làm tròn chữ hiếu với nhân dân, thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết quân với dân như cá với nước.

Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục truyền thống, đọc sách báo, tuyên truyền thông tin cổ động, tọa đàm, ca múa nhạc, triển lãm, sáng tác… với nội dung nói về các tấm gương chiến sĩ tăng thiết giáp, truyền thông quân đội nhân dân Việt Nam có tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của chiến sĩ tăng thiết giáp, giáo dục họ lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, trung thực. Từ đó, họ biết tự điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với hoàn cảnh, môi trường quân sự và xã hội. Những cuốn sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi… viết về tấm gương hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc đã thu hút, làm khơi dậy tình yêu quê hương, lý tưởng sống, chiến đấu và cống hiến vì dân tộc của các chiến sĩ.

Ba là, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ cho chiến sĩ

Giáo dục thẩm mỹ được hiểu là việc hướng con người tới các giá trị chân – thiện – mỹ, nâng cao năng lực tiếp cận và cảm thụ nghệ thuật, đưa nghệ thuật đến gần cuộc sống và trở thành thông điệp truyền tải hiệu quả những giá trị của cuộc sống. Giáo dục giá trị thẩm mỹ cho chiến sĩ chính là giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận nghệ thuật, sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng cho chiến sĩ.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có tác động sâu sắc tới đời sống xã hội và từng cá nhân. Bên cạnh mặt tích cực, những đơn vị trong quân đội nói chung và tại Binh chủng Tăng thiết giáp nói riêng cũng ít nhiều có ảnh hưởng từ mặt trái của kinh tế thị trường. Việc bổ sung đầy đủ các loại tài liệu có chất lượng không những phục vụ tốt nhu cầu đọc sách, báo của chiến sĩ tăng thiết giáp mà còn hạn chế hiện tượng sử dụng sách, báo, văn hóa phẩm không lành mạnh trong đơn vị. Hiện nay, thời gian nghỉ ngơi của chiến sĩ đã tăng nhiều so với trước, nếu hoạt động nghệ thuật quần chúng được quan tâm và tổ chức thực hiện tốt sẽ hạn chế được những hiện tượng tiêu cực trong đơn vị.

Thông qua hoạt động thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật, năng lực và thị hiếu thẩm mỹ, hiểu biết về những điều hay, lẽ phải của chiến sĩ được nâng lên nhiều. Từ đó, họ có đủ bản lĩnh, trình độ và sự nhạy bén để đấu tranh với những phản giá trị, những hiện tượng tiêu cực và có suy nghĩ đẹp, hành động đẹp hơn trong cuộc sống.

Bốn là, làm phong phú đời sống tinh thần cho chiến sĩ

Đời sống tinh thần quyết định đến hiệu quả làm việc của cá nhân và hiệu lực của một tổ chức, đơn vị. Nghị quyết T.Ư 5 của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII đã đề ra nhiệm vụ xây dựng con người mới Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, với một mô hình phát triển toàn diện bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ và năng lực lao động. Trong quân đội, việc xây dựng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới cũng phải hướng tới toàn diện và có chiều sâu. Mục tiêu đặt ra không chỉ bồi dưỡng, hoàn thiện và phát triển những phẩm chất tốt đẹp mà còn có đời sống tinh thần phong phú, dồi dào. Biểu diễn và thưởng thức văn nghệ không chỉ có tác dụng tăng cường thể chất mà còn rèn luyện những phẩm chất tinh thần như: ý chí bền bỉ, lòng dũng cảm, tính hoạt bát, thông minh và tinh thần tập thể đồng đội. Ngoài tính giáo dục, các hoạt động nghệ thuật quần chúng còn có tác dụng giải trí sau một thời gian học tập, huấn luyện chiến đấu, làm giàu đời sống tinh thần cho chiến sĩ. Thực tế cho thấy ở các đơn vị có hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển mạnh đã góp phần tăng cường sức chiến đấu, lao động và học tập của bộ đội rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. HĐVNQC tại Binh chủng Tăng thiết giáp đặc biệt chú trọng tới việc duy trì thường xuyên các hoạt động và thành lập Đoàn nghệ thuật Binh chủng Tăng thiết giáp biểu diễn phục vụ chiến sĩ và nhân dân.

Ngoài ra, các HĐVNQC như: đọc sách báo, giáo dục truyền thống, thông tin cổ động, câu lạc bộ, ca múa nhạc, sáng tác… đã cung cấp nguồn tri thức vô tận, góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao hiểu biết nhiều lĩnh vực cho cán bộ, chiến sĩ tăng thiết giáp. Những hoạt động này đã thúc đẩy chiến sĩ tiến bộ, tự bổ sung hoàn thiện nhận thức về các lĩnh vực văn hóa, quân sự, khoa học, kỹ thuật, xã hội, kinh tế… để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ cách mạng mới.

Tác giả: Lê Xuân Hiếu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *