W.A.Mozart sinh ngày 27 – 1 – 1756 tại Salzburg, Thánh chế La Mã (nay là nước Áo), thời kỳ hưng thịnh của chủ nghĩa ánh sáng và Hội tam điểm. Những sáng tác bất hủ của ông chịu sự ảnh hưởng, tác động lớn từ Hội tam điểm ở Áo và châu Âu lúc bấy giờ. Nói cách khác, Hội tam điểm đã góp phần xây dựng lên những lâu đài âm nhạc của Mozart.
Vài nét khái quát về Hội tam điểm
Tên tam điểm xuất phát từ cách gọi nhau của các hội viên người Pháp khi viết thư, họ thường gọi nhau là sư huynh, sư đệ, đại sư phụ, viết tắt là F, M và thêm vào phía sau ba chấm, như đỉnh hình tam giác đều. Cho đến nay, lịch sử xuất hiện của Hội tam điểm chưa rõ ràng, người ta cho rằng, Hội xuất hiện ở Scotland vào cuối TK XVI, sau đó lan sang Anh và các quốc gia khác. Hội tam điểm thay đổi theo từng thời kỳ, từng khu vực, lãnh thổ, tự mô tả mình như một hiệp hội của những người thông thái và bác sỹ, hệ thống luân lý được miêu tả bằng các biểu tượng, hay một bí tích. Nó trở thành Hội phái từ năm 1717 ở London, trên nền tảng tự do.
Hội tập hợp những người muốn hiến thân cho sự tiến bộ, khẳng định sự vươn lên về mặt tinh thần, luân lý trên toàn thế giới. Nó luôn khuyến khích các thành viên hành động vì sự tiến bộ của nhân loại, để mỗi thành viên tự do lựa chọn cách thức thực hiện điều đó. Hoạt động từ thiện là một trong những phương thức hoạt động của mỗi thành viên Hội tam điểm, đây là tôn chỉ mang tính toàn cầu.
Mối liên hệ giữa các kiệt tác âm nhạc của Mozart và Hội tam điểm luôn là đề tài mang tính đại chúng, đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Bên cạnh việc nghiên cứu về Mozart cũng như âm nhạc của ông, ta còn gặp các tác phẩm liên quan đến chủ đề lịch sử, văn hóa TK XVIII của nền giáo dục Đức, Áo, hoặc đề cập đến lịch sử, sự hình thành, phát triển của Hội tam điểm…
Khi khảo sát các khía cạnh khác nhau trong kho tàng âm nhạc của Mozart, ta nhận thấy, ảnh hưởng của Hội tam điểm đối với ông không chỉ là quan trọng mà còn là cốt tử. Những đặc trưng sáng tạo vào cuối đời của ông, điển hình như kiệt tác Cây sáo thần, là một tác phẩm không tách rời tư tưởng tiến bộ của Hội tam điểm.
Trong dòng chảy tư tưởng của TK XVIII ở châu Âu, Hội tam điểm đã được truyền bá rộng rãi. Sau khi nắm giữ và tập trung cả tôn giáo, triết học, nghệ thuật vào vòng ảnh hưởng của mình, thống nhất được cả lý luận và thực tiễn, Hội tam điểm tác động mạnh mẽ vào đời sống nghệ thuật của hầu hết các nước ở châu Âu.
Phong trào hoạt động của Hội tam điểm TK XVIII, ở chừng mực nào đó có thể xem là một trong những hình thái độc đáo của việc hình thành thế giới quan về khai hóa giáo dục (quan điểm, nền tảng, đặc biệt là việc truyền bá nền khoa học kỹ thuật nước ngoài), là bước thể nghiệm đưa đạo đức, lý tưởng vào đời sống con người. Đặc biệt, điều này còn liên quan đến cả nước Đức, do tình hình chính trị, văn hóa mà các nhà hoạt động giáo dục nổi tiếng như Lexint, Gerder, Goeth… ở mức độ này hay mức độ khác đều có quan hệ với Hội tam điểm. Các nhà thiên tài không giới hạn mình trong các chủ đề của Hội tam điểm, mà với sáng tạo cá nhân, họ đã có những đóng góp cho sự phát triển chung, nhất là vấn đề thế giới quan, một vấn đề then chốt trong sáng tác, trở thành một bản hòa âm cho các tư tưởng quan trọng của Hội tam điểm.
Hội tam điểm ở Vienne và những ảnh hưởng tới Mozart
Nửa cuối TK XVIII là thế kỷ vàng của chủ nghĩa tam điểm ở Áo (1780 – 1790), hoạt động của Hội đoàn ở Vienne diễn ra rất tích cực. Hội tam điểm đã trở thành đại chúng. E.X.Trernai cho rằng, các trụ sở của Hội tam điểm là “các trung tâm truyền bá giáo dục độc đáo” lúc bấy giờ. Rất nhiều nhà hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật tiến bộ tập trung ở đây, như Ignas Phon Born, một nhà bác học tự nhiên, nhà hoạt động chính trị, tôn giáo tiêu biểu (có khả năng là nguyên mẫu của Saxtro trong vở nhạc kịch của Mozart). Các hội viên Hội tam điểm đã tiến hành các hoạt động văn học, báo chí, xuất bản rộng rãi, cùng các hoạt động xã hội bổ ích khác.
Sự tìm kiếm tôn giáo, lý tưởng, xây dựng cuộc sống hài hòa, sùng bái tình bạn, tình yêu của con người, là tất cả những điều đưa Mozart đến với Hội tam điểm. Einstein đã nói: “Đối với ông, Hội tam điểm là hiện thân của những khát vọng để trau dồi đạo đức, là tinh thần lao động vì lợi ích của con người, là sự ung dung, tự tại, thư thái trước cái chết. Vì vậy có thể khẳng định rằng: Biểu tượng hoàn chỉnh của Hội tam điểm đã có sức hút và sự cảm thụ tinh thần rất lớn đối với Mozart”.
Ông không những là một hội viên nhiệt tình, đầy trách nhiệm, có niềm tin mãnh liệt, mà còn phát huy ảnh hưởng của mình tới cha và anh trai ông. Mozart mơ ước thành lập một trụ sở riêng với tên gọi Ngôi Động. Bằng chứng cho mối quan hệ tương hỗ về mặt tinh thần của Mozart với các bạn bè trong Hội tam điểm đã được thể hiện trong bài điếu văn của Khenxlerom khi ông mất: “Mozart là môn đồ mẫn cán của Hội chúng ta, tình yêu với bạn bè, bằng hữu, lòng vị tha, sự sẵn sàng cho công việc, lòng từ thiện… Những nét cơ bản trong con người ông là như thế. Một nửa châu Âu quý trọng ông, nhiều vĩ nhân gọi ông là người yêu của mình, còn chúng ta gọi ông là người anh em ruột thịt”.
Âm nhạc đóng vai trò quan trọng, luôn theo sát các sự kiện lớn của Hội tam điểm. Những bài hát, bản hợp xướng do chính các hội viên sáng tác, trình diễn, thường xuyên được vang lên trong các gian phòng, trụ sở của Hội. Mozart luôn hứng thú viết nhạc cho các mục đích đó. Trong nhiều năm sống ở Hội, ông cũng đã sáng tác một số tác phẩm thuần túy về Hội tam điểm, phần lớn đã phổ nhạc trên nền lời ca của bạn bè, thành viên Hội.
Hội tam điểm và bối cảnh sáng tác opera Cây sáo thần của W.A.Mozart
Có thể nói, chủ nghĩa ánh sáng và Hội tam điểm có ảnh hưởng đến phần lớn các tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của Mozart. Trong phạm vi bài viết này, tôi phân tích một trong những kiệt tác của ông, vở opera Cây sáo thần dưới ảnh hưởng của Hội tam điểm.
Những chủ đề súc tích của Hội đã được Mozart sáng tạo và thể hiện một cách trọn vẹn trong vở opera Cây sáo thần. Điều này đã được nhà nghiên cứu về Mozart người Đức Paul Nhetd gọi là bài hát về thiên nga của Hội tam điểm (sau đó 3 năm, tác phẩm này bị cấm ở Áo). Phản ứng của xã hội về Cây sáo thần sau khi Mozart qua đời rất khác nhau, đôi khi mâu thuẫn, trái ngược và đầy bất ngờ. Vở opera được khán giả tiếp nhận với nhiều lớp ý nghĩa khác nhau, có khi nói về cuộc cách mạng vĩ đại Pháp, cũng có khi ca ngợi danh tiếng Hội, bao hàm cả những lời nói mang tính chính trị, trong đó có các hình mẫu lịch sử cụ thể. Có thể nói, Cây sáo thần là một tác phẩm đặc biệt, một kiệt tác trong di sản âm nhạc của Mozart. Dù ông đã đi xa, nhưng ông đã để lại cho thế giới, cho đời sau một ý tưởng mang màu sắc viễn tưởng, một khái niệm về sự công bằng, về một xã hội có lý trí và nhân văn.
Cảnh trong vở Cây sáo thần. Ảnh Internet
Mối liên hệ với Hội tam điểm nằm ở các mức độ khác nhau, từ cốt truyện đến chi tiết âm nhạc. Ngay cả tác giả kịch bản, Amanuel Sicaneder, cũng là thành viên của Hội tam điểm, việc đặt lời cho tác phẩm cũng được bàn bạc, thống nhất. Hệ thống các nhân vật, hình tượng trong vở opera được xây dựng một cách hình ảnh, xuất phát từ quan điểm của Hội tam điểm.
Sự tương phản của ánh sáng – thời trị vì của Saratxtro và bóng tối – thời kỳ đêm đen của nữ hoàng, một đề tài đặc biệt quan trọng đối với các nhà triết học, thành viên của Hội tam điểm, được thể hiện trong nghi lễ hiến tặng. Các nhạc cụ âm nhạc diệu kỳ, những cây sáo, chiếc chuông bạc là biểu tượng hài hòa của thế giới, phương tiện thần kỳ để tạo ra sự hài hòa đó. Người bắt chim lý thú và cảm động Papageno – con người của tự nhiên, cũng là một trong những đề tài độc đáo về Hội tam điểm, đồng thời thể hiện sự khai sáng của Hội.
Tuy nhiên, tất cả sẽ là sai lầm, nếu coi Cây sáo thần như cái loa tuyên truyền cho tư tưởng của Hội tam điểm, mà không tính đến cấu trúc của hình ảnh, tính đa tầng của bức tranh phong cảnh thiên nhiên trong tác phẩm. Đương nhiên, nội dung của vở opera rộng lớn hơn rất nhiều. Trước hết, hình ảnh nghi lễ của Hội tam điểm rất rực rỡ trong cảnh 2 của vở diễn, Mozart không có ý định chỉ dừng lại ở mặt ngoài mang tính nghi lễ của Hội, mà chính bản chất tinh thần của Hội đã làm ông xúc động hơn cả. Và vì thế, trong Cây sáo thần, ông diễn tả không phải bằng tên gọi mà bằng bản chất, tinh thần của Hội tam điểm. Ông cùng những người bạn đều hiểu rõ, thiên nhiên – trí tuệ và đạo lý chứ không đơn giản là vẻ đẹp – sức mạnh và đạo lý. Bằng sự sáng tạo của mình, ông cũng muốn dựng lên tượng dài, biểu trưng của Hội tam điểm.
Trong khi phát triển cốt truyện vở opera, Mozart đã đánh giá vai trò đặc biệt của Pamina (người chống lại quan điểm của Hội tam điểm đối với phụ nữ), “cô ấy không những chỉ vượt qua thử thách để trở thành một trong những người phụ nữ biết cống hiến, mà còn biết dẫn dắt Tamino đến với họ”. Ông còn có ý định đặt tên vở Cây sáo thần là Pamina. Về tính toàn diện của tác phẩm, ở một góc độ nào đó, tác giả cũng muốn gửi gắm ước mơ ngàn đời của con người về một thế kỷ vàng, một thế giới tự do, bình đẳng và bác ái.
Từ quan điểm tuyên truyền cho tư tưởng của Hội tam điểm, trong vở opera, tác giả cho trình diễn một số bài thơ dân gian, cùng một số bài mang đậm dấu ấn ca kịch cổ. Đó là bằng chứng cho sự rộng mở, tính tự do trong tác phẩm của Mozart, từ đó phản bác lại những ý kiến cho rằng, vở opera chỉ là tác phẩm đặc thù của Hội tam điểm.
Thực ra, trong bối cảnh lịch sử đương thời, Cây sáo thần không chỉ thể hiện lòng trung thành với Hội tam điểm, mà còn tạo ra bức tranh trang điểm cho các hoạt động thực tiễn của Hội. Hay đó đơn giản chỉ là sự tái khẳng định quan điểm của Mozart đối với tư tưởng thời đại của toàn châu Âu, trong sự khúc xạ ánh sáng, xuyên qua đặc thù của dân tộc Áo.
Thành quả lao động xuất chúng của Mozart luôn được đề cao, kính trọng. Những bài viết về thân thế, sự nghiệp của ông sẽ cung cấp thêm tư liệu về quá trình sáng tạo nghệ thuật, cùng những ảnh hưởng của tư duy khai sáng trong Cây sáo thần. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu hẹp, tác giả bài viết không tham vọng lấp đầy sự khát khao tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp âm nhạc đồ sộ mà Mozart để lại. Qua đó, góp phần làm sống lại những trào lưu tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật đã tạo nên những tác phẩm âm nhạc bất hủ của ông, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về Mozart và âm nhạc của ông.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG NGA
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo