Nâng cao vị thế của chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở quân đội nhân dân Việt Nam


Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 20-7-2005 về “tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội nhân dân Việt Nam” đã làm cho vị thế của chính trị viên ở đơn vị cơ sở cấp phân đội quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng được nâng cao, trở thành biểu trưng khuôn mẫu hành vi của quân nhân, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội noi theo. Vì thế, nâng cao vị thế của chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện về mọi mặt, nhất là về chính trị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

     1. Một số yếu tố quy định vị thế của chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở

     Cơ chế tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội

     Nghị quyết 51/NQ-TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Ở mỗi cấp có chính ủy (hoặc chính trị viên) là người chủ trì về chính trị và cơ quan chính trị, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị của đơn vị, hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, cơ quan chính trị, chính ủy chính trị viên) cấp trên và sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cùng cấp” (1). Thực tiễn cho thấy, chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở chỉ khẳng định được vị thế của mình trước tập thể khi tổ chức đặt cho họ vào đúng vị trí trong hệ thống lãnh đạo, chỉ huy và trao cho họ vị trí đúng với tư cách là người cán bộ của Đảng, mang và giữ tinh thần của Đảng trong quân đội, người cán bộ lãnh đạo, chủ trì về chính trị trong các đơn vị quân đội.

     Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội

     Mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đặt ra rất nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cho công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách trong quân đội. Việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN sẽ khẳng định vị thế của quân đội trong xã hội, trong đó có vị thế của đội ngũ chính trị viên. Trong thời kỳ mới, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi quân đội phải được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trong mọi tình huống.

     Tính chất, đặc điểm tổ chức hoạt động quân sự

     Quân đội là một tổ chức quân sự với tính chất tổ chức theo chiều dọc từ trên xuống, với đặc trưng trong quan hệ mang tính chức năng: trên ra mệnh lệnh, dưới phục tùng không điều kiện. Do đó trong quân đội dễ dàng tạo lập vị thế cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, đó là vị thế quyền uy của những người đứng đầu trong các đơn vị quân đội. Với bản chất của quân đội cách mạng, cán bộ và chiến sĩ đồng chí hướng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì CNXH nên mối quan hệ trên dưới mang tính chất dân chủ và bình quyền, ít nhiều làm hạn chế các hiện tượng tiêu cực như quan liêu, gia trưởng do quan hệ mang tính chức năng của tổ chức quân sự mang lại. Vì thế, sự đánh giá của quân nhân với chính trị viên mang tính dân chủ, khách quan, chính xác hơn. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với tình trạng thực hiện dân chủ mang tính hình thức hoặc mượn dân chủ để đề cao hoặc hạ thấp vị thế của chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở. Do đó, tính đặc thù của tổ chức quân sự và trình độ dân chủ ở các đơn vị ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh giá vị thế xã hội của chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở hiện nay.

     2. Một số biện pháp để nâng cao vị thế của chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở quân đội hiện nay

     Qua thời gian thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX về việc “tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội nhân dân Việt Nam”, đến nay, trên cương vị bí thư cấp ủy, bí thư chi bộ, các chính trị viên đã giải quyết hài hòa các mối quan hệ, nhất là quan hệ với người chỉ huy, phát huy vai trò trong việc xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, hạt nhân đoàn kết trong đơn vị. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của chức năng đội quân lao động sản xuất và công tác, các chính trị viên đã đề cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ, xây dựng nội dung, quy trình và tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong mọi nhiệm vụ, hoàn cảnh. Các chính trị viên cấp phân đội đã luôn luôn có ý thức về vị thế của mình, từ đó ra sức tu dưỡng, rèn luyện, tìm cách vượt qua những cám dỗ, giữ vững phẩm chất chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống.

     Một số biện pháp để nâng cao vị thế của chính trị viên cấp phân đội ở đơn vị cơ sở quân đội hiện nay

    Một là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định và hoàn thiện các văn bản về thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị.

   Quyết định thực hiện Nghị quyết 51 là một sáng suốt, đúng đắn và kịp thời của Bộ Chính trị nhằm giữ vững và tăng cường sự lãnh tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nghị quyết 51 xác định: “Chính trị viên được Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho những quyền hạn trong phạm vi chức trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động của đơn vị theo phạm vi chức trách, nhiệm vụ” (2). Vì vậy, cần tiếp tục tổ chức quán triệt nghiêm túc trong toàn quân nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị nhằm tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động cách mạng. Đó là cơ sở để khẳng định vị thế của chính trị viên cấp phân đội trong hoạt động thực tiễn.

     Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống và năng lực công tác của chính trị viên.

    Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, tác phong công tác của chính trị viên cấp phân đội có quan hệ chặt chẽ đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của họ sau khi ra trường, là bước khởi đầu cho việc khẳng định vị thế của chính trị viên cấp phân đội trước đơn vị. Nếu như trong chiến tranh, chính trị viên cấp phân đội chủ yếu trưởng thành trong thực tiễn chiến đấu thì hiện nay, việc bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của họ phụ thuộc trước hết vào chất lượng đào tạo ở các nhà trường quân đội. Theo đó, nội dung bồi dưỡng cần tập trung vào lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị, quân sự của Đảng, có kiến thức sâu sắc về công tác đảng, công tác chính trị, có năng lực nắm bắt, dự báo tình hình mọi mặt của đơn vị, để xuất những chủ trương, giải pháp thực hiện có hiệu quả tình huống, nhiệm vụ, năng lực xây dựng tổ chức, đoàn kết nội bộ, biết tổ chức với con người và sử dụng con người một cách khoa học, năng lực vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng vào tổ chức thực tiễn công tác đảng, công tác chính trị. Những phẩm chất và năng lực ấy cần phải được cụ thể hóa cho phù hợp với từng chức danh, loại hình đơn vị, từng quân, binh chủng. Đó là sự nêu gương, dân chủ, tập thể, làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, sâu sát thực tế, gắn bó với bộ đội, có khả năng quy tụ, đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy, đoàn kết trong đơn vị. Những nội dung đó được thực hiện thông qua tập huấn nghiệp vụ, thông qua nhiệm vụ được giao, thông qua cấp trên bồi dưỡng cấp dưới. Đảng ta khẳng định: “Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, thực sự tiên phong gương mẫu, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao” (3).

     Ba là, đề cao trách nhiệm tự học, tự rèn, tự hoàn thiện nhân cách người cán bộ chính trị của chính trị viên cấp phân đội.

     Đây là hoạt động mang tính tích cực, tự giác, tự lực của mỗi người nhằm chiếm lĩnh tri thức, hình thành, phát triển kỹ năng, hoàn thiện nhân cách, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của mỗi cá nhân trong cuộc sống, công tác. Sự trưởng thành của con người về mặt xã hội càng cao thì hoạt động tự học, tự rèn nhằm cải tạo bản thân, nâng cao trình độ nghề nghiệp càng giữ vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy, đẩy mạnh việc tự học, tự rèn luyện nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực của chính trị viên cấp phân đội là một hoạt động thường xuyên mang tính cấp bách. Đó là con đường tất yếu mà mỗi chính trị viên phải đi qua nếu không muốn tự đào thải mình trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị. Mỗi chính trị viên cần nhận thức rõ rằng: Vị thế, vai trò của mình trước hết được khẳng định, quyết định bởi năng lực, đức độ, hiệu quả công tác của bản thân, trong đó có mặt quan trọng được thể hiện ở năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Ra sức rèn đức, luyện tài, nâng cao trách nhiệm trong việc học tập lý luận chính trị và rèn luyện bản lĩnh chính trị để luôn vững vàng về tư tưởng. Chủ động lập chương trình, kế hoạch tự học, tự rèn, phương pháp tự tu dưỡng khoa học, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, vai trò, vị thế trong đơn vị. Việc tự học, tự rèn luyện phải thường xuyên được tiến hành một cách linh hoạt: học ở mọi nơi, mọi lúc, học trong sách, vở, tài liệu, học qua thu lượm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; học ở người chỉ huy cấp trên, ở cán bộ đồng cấp, cán bộ cấp dưới và cả chiến sĩ, học ở nhân dân, học trong quá trình thực tiễn công tác.

     3. Kết luận

    Vị thế của chính trị viên cấp phân đội được khẳng định và nâng cao là một yếu tố bảo đảm cho việc thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên được thiết lập trên thực tế vững chắc, vận hành nhuần nhuyễn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội thời kỳ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” (4).

______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

3. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 51/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội nhân dân Việt Nam”.

4. Chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

Tác giả: Hoàng Gia Khánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *