1. Khái quát về xã Nghi Sơn và những tác động từ khu kinh tế Nghi Sơn
Nghi Sơn trước đây có tên gọi Biện Sơn, được lưu danh trong các sách chính sử nước ta. Với vị trí là một vụng vừa kín gió, vừa sẵn nguồn nước ngọt, thuận tiện đường sông và đường bộ, Biện Sơn luôn là nơi ra vào, buôn bán của các thuyền buôn, là nơi neo đậu, ra vào của thuyền bè để tránh bão; đồng thời còn là căn cứ quân sự của thủy quân và tiền đồn các triều đại phong kiến.
Diêm Phố (Hậu Lộc), Mom (Quảng Nham), Biện Sơn (Nghi Sơn) là 3 làng ngư nghiệp truyền thống điển hình của Thanh Hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cư dân làng Biện Sơn vẫn duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Cùng với quá trình mưu sinh, cư dân nơi đây đã tạo lập những thiết chế văn hóa, các hình thái tín ngưỡng mang những sắc thái riêng của vùng biển đảo.
Ngày nay, Nghi Sơn không chỉ là một xã thuần ngư, mà có một vị trí chiến lược trên vùng biển phía nam của Thanh Hóa. Năm 1984, cù lao Biện Sơn thuộc xã Hải Thượng được tách riêng thành xã Nghi Sơn, thuộc huyện Tĩnh Gia. Ngày 14-1-2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Nghi Sơn là xã đảo. Ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa và đến ngày 14-2-2007, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, xã Nghi Sơn nằm trong quy hoạch khu kinh tế Nghi Sơn – khu kinh tế trọng điểm của Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung.
2. Biến đổi tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xã Nghi Sơn
Biến đổi trong niềm tin và thực hành tín ngưỡng
Trước đây, phương thức mưu sinh nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào biển. Trước thử thách khắc nghiệt của môi trường sống, người dân luôn đi tìm cho mình một niềm tin nhiều khi mơ hồ nhưng lại có tác dụng nâng đỡ tâm hồn họ. Từ xưa, niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xã Nghi Sơn luôn gắn liền với các đối tượng siêu nhiên, những thế lực bảo trợ cho cuộc sống lao động và sinh tồn của họ trước biển cả mênh mông. Tuy nhiên, dưới sự tác động từ khu kinh tế Nghi Sơn và từ nhiều yếu tố khách quan khác, một bộ phận người dân nơi đây đã chuyển đổi sang làm các công việc khác khiến niềm tin và các hoạt động thực hành tín ngưỡng có những thay đổi. Hiện tại, người dân không còn thường xuyên đến các cơ sở thờ tự. Thay vì trước đây từ 3 – 5 lần/tháng thì nay họ chỉ đến từ 1 – 2 lần/tháng.
Biến đổi trong lễ cúng
Xu hướng chủ đạo hiện nay trong thực hiện các nghi lễ cúng tế là đơn giản hóa, thu hẹp về thời gian, duy trì hoặc thu nhỏ quy mô tổ chức, bỏ bớt một số tiểu lễ, cũng như không cầu kỳ, câu nệ trong các lễ vật dâng thần. Vào lễ cầu ngư, việc lựa chọn đồ cúng rất nghiêm ngặt, 3 vật dùng để cúng tế chính (gà, ngan, lợn) phải lựa chọn kỹ càng, nay đã bỏ. Đồ vật dâng cúng thường mua ngoài chợ. Lợn không cúng nguyên con mà chỉ có thủ lớn, đuôi và bộ lòng. Hay như việc làm long châu cho lễ tống ôn vào rằm tháng 7, trước đây được coi là công đoạn chuẩn bị quan trọng nhất, nay, đôi khi họ không làm long châu mà chỉ cúng và kêu cầu bình thường, có chăng thì làm một chiếc thuyền giấy nhỏ để lên bẹ chuối đẩy ra biển chứ không rước ra xa.
Nghi lễ và nghi thức thực hành tín ngưỡng cũng được đơn giản hóa. Trước đây, việc rước kiệu được thực hiện theo quy trình: các kiệu thần được rước ra đền Tứ vị thánh nương, sau đó qua đền Quan sát hải, lăng Vua bà rồi trở về đền thờ Tứ vị thánh nương làm lễ tế thần. Tuy nhiên, hiện nay, việc rước kiệu chỉ còn thực hiện trên trục đường chính của xã, đi từ đền Tứ vị thánh nương ra đến lăng Vua bà rồi quay trở lại.
Đối với lễ kỵ Thánh bà, trước đây, các nghi thức tế lễ trong ngày kỵ của vua bà được tổ chức tại nhà trưởng tộc của dòng họ Trần. Bà con trong xã sẽ đến nhà trưởng tộc thắp hương lễ tế bà. Tuy nhiên, từ thập niên 90 TK XX, lễ tế kỵ Thánh bà sẽ được tổ chức ở lăng Thánh Bà và tại nhà trưởng tộc dòng họ Trần. Việc tổ chức lễ tế hiện nay thực hiện chủ yếu ở ngoài lăng vua bà, còn lễ tế ở nhà trưởng tộc mang tính chất gia đình nhiều hơn.
Đối với tục tống ôn, một trong những nghi thức quan trọng nhất là việc rước long châu đi quanh làng nhằm xua đuổi những điều không may mắn trong làng. Tuy nhiên, hiện nay, nghi thức này đã được đơn giản hóa, sau khi làm lễ tại đền, long châu được rước thẳng theo trục đường chính, ra đến bãi bóng sát bên bờ biển rồi đặt ở đây. Có những năm không tổ chức rước long châu mà chỉ thực hiện việc cúng ở đền, sau đó, đem long châu ra để ở một bãi đất trống sát bờ biển, rồi bà con ra thực hiện nghi lễ.
Trong tổ chức và thực hành nghi lễ, việc chọn người không quá câu nệ như trước. Trước đây, đội tế phải là người có uy tín trong cộng đồng, có gia đình song toàn (từ 3 thế hệ trở lên), con cháu đề huề, làm ăn phát đạt, trong năm không có tang ma, chuyện buồn hay trong nhà có người có mang. Đội tế gồm ông chủ tế và những người giúp việc (đông xướng, tây xướng, 2 bồi tế và 2 phụ tế). Tiêu chí chọn người rước kiệu phải là những nam thanh, nữ tú tuổi từ 17-20, chưa lập gia đình, gia đình gia giáo, trong năm không có chuyện buồn. Nhưng hiện nay, do những yếu tố khách quan nên việc lựa chọn được đơn giản và giảm bớt. Còn đội tế cần là người có uy tín trong cộng đồng, trong năm, gia đình không có tang ma. Các hoạt động trong lễ tế và lễ rước người tham chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi (tuổi từ 45 trở lên).
Biến đổi trong đối tượng thờ tự và cơ sở thờ tự
Cùng với sự thay đổi trong niềm tin và thực hành tín ngưỡng, đối tượng thờ cúng trong các cơ sở thờ tự của cư dân xã Nghi Sơn cũng có thay đổi. Một số vị thần không còn cơ sở thờ tự nên không được thờ cúng và dần mờ nhạt trong tâm thức người dân, điển hình như Tôn Thất Cơ – một vị được xem như thành hoàng làng của bà con nơi đây. Hay như trước đây, cộng đồng cư dân nơi đây có thờ cá voi, mặc dù không có lăng hay miếu mà chỉ có mộ. Tuy nhiên, sau khi ngôi mộ bị phá hủy do chiến tranh, hiện nay ở đây không còn thờ cá voi nữa. Việc thờ Mỵ Châu, Trọng Thủy đến nay cũng không còn, di tích và các dấu vết liên quan đã bị phá hủy hoàn toàn do việc làm đường nối cảng nước sâu Nghi Sơn với sân bay Thọ Xuân.
Bên cạnh đó, cộng đồng cư dân nơi đây đưa thêm các đối tượng thờ tự vào những không gian thiêng của họ. Ở đền Tứ vị thánh nương, cùng với việc đưa Quang Trung thì có đưa thêm mẫu, ngọc hoàng vào thờ. Đền Quan sát hải cũng đưa thêm mẫu vào thờ. Không chỉ vậy, hiện nay, ngư dân còn đưa Quan thế âm bồ tát lên thờ ở trên thuyền với hy vọng Bồ Tát sẽ phù hộ cho họ trong mỗi chuyến ra khơi. Việc này mới chỉ xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây, còn trước đây, trên thuyền chỉ đặt một bát hương để thờ cúng chung tất cả các vị thần.
Về không gian thờ tự tại xã Nghi Sơn, ban đầu các cơ sở thờ tự nằm ở gần với bờ biển để thuận tiện cho người dân khi đi biển có thể đi qua các nơi này thực hành tín ngưỡng. Theo thời gian, dưới những tác động chủ quan và khách quan không gian thờ tự ở đây cũng có những thay đổi. Nhưng tất cả các vị trí của các cơ sở thờ tự đều sát với bờ biển để bà con dễ dàng thực hành các nghi lễ cầu cúng trước khi ra khơi hay như bái vọng khi đi qua.
Không gian cơ học của các cơ sở thờ tự theo xu hướng mở rộng hơn. Các cơ sở thờ tự có xu hướng ngày càng mở rộng để thuận lợi hơn cho bà con nơi đây đến sinh hoạt tín ngưỡng. Ví như trước đây, đền thờ Tứ vị thánh nương có quy mô rất nhỏ, chỉ là một cái miếu nhỏ bên trục đường chính của xã gần bờ biển thì nay, sau khi dịch chuyển đền đã có không gian rộng hơn, có cả sân đền và cổng đền với diện tích hiện nay là 575m2; đền Quan sát hải đại vương trước cũng chỉ là một miếu nhỏ nay đền đã có sân, có cổng và không gian thờ tự lớn hơn với diện tích hiện nay là 211m2. Lăng vua Bà – Trần Quý Phi mở rộng hơn trước với việc xây dựng không gian thờ tự bao chùm lên toàn mộ khu lăng mộ của bà trước đây và có cổng, sân với diện tích hiện nay là 318m2.
Về cơ bản, về kiến trúc các cơ sở thờ tự đã thay đổi hơn so với trước kia theo triều hướng lớn hơn và rộng hơn vào lần xây dựng lại ở những năm đầu của thập niên 90 TK XX. Trước kia chỉ là một miếu nhỏ không có sân, cổng thì nay đã có cổng tam quan, sân rộng để làm nơi thực hành các hoạt động tín ngưỡng và không gian thờ tự lớn hơn trước.
Cùng với đó việc bài trí ở trong các cơ sở thờ tự cũng khác trước như. Trước kia, ở đền thờ Tứ vị thánh nương chỉ có ban thờ Tứ vị thánh nương, và đền thờ Quan sát hải đại vương cũng chỉ có ban thờ Quan sát hải đại vương. Nhưng qua quá trình phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân tại các cơ sở thờ tự có đưa thêm vào các đối tượng thờ tự khác và cùng với đó cách bài trí trong các cơ sở thờ tự này cũng thay đổi. Như đền Tứ vị hiện nay bài trí ở ban thờ chính bao gồm: trên cùng là vua cha ngọc hoàng, tiếp đến là tam tòa thánh mẫu, Tứ vị thánh nương rồi đến vua Quang Trung, 2 bên tả và hữu là các ông hoàng, thổ địa. Đền Quan sát hải đại vương thì ngoài ban thờ ngài nay có thêm ban thờ mẫu thoải và các quan.
3. Một số vấn đề đặt ra với công tác bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xã Nghi Sơn
Tín ngưỡng – một thành tố của văn hóa, giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng, nó là hiện tượng văn hóa tinh thần phản ánh ước vọng thiêng liêng của con người đối với cuộc sống hiện hữu và thế giới tâm linh, đồng thời thể hiện thế ứng xử của con người trong các mối quan hệ với môi trường, môi sinh để sinh tồn và phát triển, thông qua đó, các giá trị văn hóa được sinh thành và bồi đắp. Tín ngưỡng của cư dân ven biển là một bộ phận quan trọng góp phần làm nên cấu trúc và diện mạo văn hóa Việt Nam. Sự biến đổi của tín ngưỡng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho thấy sự vận động để thích nghi của nó với đời sống xã hội đương đại, mà xu hướng chủ đạo là đáp ứng nhu cầu thực dụng…
Mặt khác, sự biến đổi tín của cộng đồng cư dân xã Nghi Sơn còn là biểu hiện của xu thế vận động chung của văn hóa biển đảo Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước và đặt ra một số vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng nói riêng và văn hóa biển đảo nói chung.
Ngư dân là chủ thể của văn hóa, tín ngưỡng cư dân vùng biển, do đó, cách bảo tồn hiệu quả nhất phải do chính chủ nhân của những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đó. Do vậy, cần phải tạo điều kiện để những ngư dân tiếp tục bám biển, đảm bảo cho cuộc sống mưu sinh của họ với nghề, giúp họ có thể sống được với nghề. Giữ được nghề thì các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân mới có cơ sở và môi trường để thực hành các hoạt động tín ngưỡng và theo đó các giá trị tín ngưỡng cũng như những đặc điểm riêng của tín ngưỡng cư dân vùng biển mới được bảo tồn và phát huy. Bức tranh văn hóa của Việt Nam mới đa diện, đa sắc màu và mang những giá trị độc đáo riêng.
Cần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ về giá trị của tín ngưỡng cư dân vùng biển trước những tác động của các giá trị văn hóa mới khác. Là những chủ nhân tương lai trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa nói chung và tín ngưỡng của cư dân vùng biển nói riêng, những thế hệ ngư dân trẻ tuổi cần hiểu rõ và ý thức được vai trò cũng như trọng trách của mình trong việc gìn giữ, phát huy cũng như tạo dựng giá trị văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng trong bối cảnh mới tiên tiến nhưng vẫn mang sắc thái cội nguồn.
Trong công tác trùng tu, tôn tạo các cơ sở thờ tự, bên cạnh việc huy động các nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, cũng cần nâng cao vai trò của quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, giám sát công tác trùng tu, tôn tạo nhằm tránh tình trạng làm không đúng, dẫn đến làm giảm tính thiêng trong không gian của các cơ sở thờ tự.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang tạo ra những tác động không ngừng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của đất nước, trong đó bao gồm cuộc sống của cộng đồng cư dân các vùng biển và hải đảo, làm biến đổi phần nào những giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng như ở xã Nghi Sơn. Những biến đổi này không chỉ đơn thuần làm thay đổi về diện mạo mà còn báo hiệu cho những biến đổi nội sâu bên trong các giá trị văn hóa – những giá trị tạo nên sự độc đáo, khác biệt cho mỗi vùng miền, cộng đồng dân cư, tạo cho bức tranh văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi vùng miền, đất nước sắc mảng màu riêng trong cái tổng thể chung. Do đó, cần thiết phải gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của từng cộng đồng cư dân nói chung và cộng đồng cư dân vùng biển nói riêng, đồng thời phải phát huy, khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa biển để xây dựng nền kinh tế, văn hóa trong bối cảnh mới tiên tiến nhưng vẫn mang sắc thái cội nguồn.
_______________
Tài liệu tham khảo:
1. Viện Sử học, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, 2006.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nghi Sơn, Lịch sử Đảng bộ xã Nghi Sơn 1945 – 2013, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.
3. Viện Sử học, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
4. Viện Sử học, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005.
5. UBND xã Nghi Sơn, Tài liệu ghi chép về dấu tích lịch sử vùng đất Biện Sơn. Số liệu điều tra trong bài là tư liệu cá nhân.
Tác giả: Nguyễn Thị Trúc Quỳnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng