Góp phần phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa


“Diễn biến hòa bình” là chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động nhằm lật đổ chế độ chính trị xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự. Việt Nam là một trọng điểm chống phá và là một mắt xích quan trọng trong mục tiêu tổng thể của chúng. Để thực hiện mục tiêu này, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, trong đó tiến công trên lĩnh vực văn hóa là mũi tiến công lợi hại. Do đó, góp phần phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa là nội dung cần được quan tâm trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay.

Việc phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa đòi hỏi phải quan tâm đến cả hoạt động phòng và hoạt động chống, không xem nhẹ hoạt động nào bởi vì đây là hai mặt của một vấn đề thống nhất cùng hướng về mục tiêu chung. Trong đó hoạt động phòng, nghiêng về xây dựng, lấy xây dựng là chính; chống là chủ động tiến công, ngăn chặn, đẩy lùi nhằm đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Mục đích phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam là ngăn chặn, đẩy lùi, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại trên lĩnh vực văn hóa, đồng góp phần thời giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, giữ vững thành quả cách mạng, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa cần tập trung vào những nội dung chủ yếu là:

Thứ nhất, đấu tranh bác bỏ những luận điểm phản động, sai trái, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng nền văn hóa theo học thuyết văn hóa cách mạng của giai cấp công nhân.

Thứ hai, đấu tranh bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ ba, đấu tranh bảo vệ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử.

Thứ tư, đấu tranh bảo vệ công cuộc xây dựng nền văn hóa và đời sống văn hóa của nhân dân theo đường lối, quan điểm của Đảng và sự chỉ đạo của Nhà nước.

Thứ năm, đấu tranh giữ vững trận địa tư tưởng, ngăn chặn mọi nguy cơ chệch hướng; phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, mọi người Việt Nam cả trong và ngoài nước cùng chống lại và tăng “sức đề kháng, đủ sức miễn dịch” trước mọi thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.

Thứ sáu, đấu tranh phát hiện, kịp thời triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện phát sinh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng văn hóa, các hành vi, sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa xuất hiện trong đời sống xã hội.

Để phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mỗi chủ thể có vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, phạm vi khác nhau nên cần phải kết hợp chặt chẽ và có sự chỉ đạo thống nhất. Đây là cuộc chiến đấu không có khói súng, song diễn ra gay go, phức tạp, quyết liệt, nóng bỏng, không có sự phân tuyến và diễn ra mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội. Do đó, các chủ thể cần quán triệt và thực hiện tốt các vấn đề có tính nguyên tắc sau:

Một là, kiên định và vận dụng sáng tạo thế giới quan Mác – Lênin trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng ta. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó có quan điểm về văn hóa. Trong thời kỳ đổi mới đời sống văn hóa ngày càng phát triển phong phú, đa dạng; xuất hiện nhiều hiện tượng xa lạ liên quan đến sáng tạo, thưởng thức, cảm thụ văn hóa, đồng thời cũng có những luồng, dòng nhận thức sai lệch về văn hóa. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân có biểu hiện suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, dẫn đến mơ hồ, dao động tư tưởng. Chính vì vậy, để phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa có chất lượng, hiệu quả thì phải luôn kiên định và có sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tuyệt đối không dao động, ngả nghiêng, thay đổi lập trường quan điểm.

Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa là hoạt động khoa học nên cần phải dựa trên lý luận khoa học để soi đường. Văn hóa gần gũi và gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, song là lĩnh vực rất nhạy cảm, tinh tế. Các thế lực thù địch cũng thường xuyên lôi kéo, mua chuộc các tầng lớp xã hội để làm sai lệch đường lối văn hóa của Đảng. Do đó, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin mới có đủ khả năng để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam theo mục tiêu, quan điểm mà Đảng ta đã xác định. Đồng thời, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin chúng ta mới phân tích đúng đắn sự vận động của văn hóa hiện nay; hiểu rõ nguồn gốc, bản chất làm phát sinh vấn đề “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, từ đó sẽ có những chủ trương, biện pháp đúng đắn trong phòng, chống. Do đó mới có khả năng phê phán, bác bỏ một cách thuyết phục các luận điệu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tránh rơi vào tình trạng phê phán theo kiểu áp đặt, lập luận không nhất quán, không gắn lý luận với thực tiễn trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa.

Hai là, quán triệt và thực hiện tốt đường lối xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng. Thực tiễn và lý luận đều khẳng định đường lối đổi mới do Đảng ta lãnh đạo và khởi xướng là đúng đắn, sáng tạo, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trong đó đời sống văn hóa có sự phát triển vượt bậc. Thực tiễn đó đã khẳng định đường lối xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay là đúng đắn, khoa học. Những nhận thức về lý luận văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ngày càng sáng tỏ, được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội. Đó cũng là quá trình khắc phục những nhận thức lạc hậu, chủ quan duy ý chí về xây dựng, phát triển văn hóa trong thời kỳ quá độ. Do đó, thực hiện tốt đường lối xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng là tạo nên sức đề kháng từ bên trong để chống lại sự diễn biến về văn hóa.

Cương lĩnh, đường lối của Đảng đã tổng kết cô đọng quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, trong quán triệt, thực hiện quan điểm về văn hóa của Đảng nói chung; phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực này nói riêng ở một số ngành, địa phương còn hạn chế, mang tính hình thức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa nhận thức đúng về mức độ nguy hại của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, cho đó là công việc của cấp trên hoặc đơn vị khác. Vì vậy, còn có hiện tượng mất cảnh giác và chưa có quyết tâm cao trong việc phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Sự phối hợp, chỉ đạo của một số cơ quan chức năng trong việc phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao; đặc biệt là chưa tuyên truyền sâu rộng về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch về nội dung này. Công tác thông tin đối ngoại chưa chuyển tải hết các thành tựu của đất nước nhất là trên lĩnh vực văn hóa để quốc tế hiểu đúng về tình hình Việt Nam. Chính vì vậy, cần thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, gắn kết chặt chẽ sự phát triển của văn hóa với các lĩnh vực khác để tạo nên sức mạnh mới trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực này.

Ba là, xác định đúng nội dung, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa là sáng tạo. Có sáng tạo mới có sự phát triển, song nhiều sự sáng tạo lúc đầu lại chưa được chấp nhận nên dễ dẫn đến cái nhìn thiếu khách quan. Lĩnh vực văn hóa lại không chấp nhận sự áp đặt, cưỡng bức, sự áp đặt chỉ dẫn đến sự trì trệ. Thực tế có một thời trong xã hội ta đã “dùng ý chí luận và quyền lực để áp đặt tư tưởng và nếp sống, thậm chí can thiệp một cách thô bạo vào những sở thích, những sinh hoạt cá nhân, làm cho con người bị gò bó, hạn chế tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, làm cho không ít người phản ứng, hoặc ngấm ngầm, hoặc công khai” (1). Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự hội nhập quốc tế hiện nay không một quốc gia nào có thể khép kín, đóng cửa mà phát triển được. Sự hội nhập với thế giới đem lại cả cơ hội và thách thức, cả tích cực và tiêu cực; trong đó có luôn đi kèm với nguy cơ “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Chính vì thế, trận tuyến đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa rất nhạy cảm và đầy khó khăn nên đòi hỏi phải có nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp, nếu không sẽ khó có thể đạt được mục đích.

Nội dung phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa không phải là bất biến mà luôn có sự vận động, phát triển theo tình hình đất nước và từng địa phương, lĩnh vực cụ thể. Theo đó, tùy theo tính chất, nhiệm vụ, điều kiện để xác định nội dung phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa cho phù hợp, hiệu quả. Nội dung phòng, chống phải đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, phù hợp với trình độ của người tiếp nhận, đảm bảo tính thuyết phục cao. Cần phải khắc phục tính kinh nghiệm chủ nghĩa, giáo điều, máy móc, xơ cứng, hình thức hóa trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa.  

Hình thức, phương pháp phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa cũng cần phải đổi mới theo hướng linh hoạt, đa dạng hơn. Cần phải huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia hoạt động này. Phát huy cao nhất các hình thức, phương pháp truyền thống còn phù hợp; đổi mới, hoàn thiện các hình thức, phương pháp đã lỗi thời, kém hiệu quả; sáng tạo và kết hợp các hình thức, phương pháp mới để tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, cần phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, bởi đây là các phương tiện có sức lan tỏa nhanh chóng và rất mạnh mẽ. Cần có những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị để tạo ra sự định hướng, cảm hóa mạnh mẽ, tác động sâu rộng trong đời sống tinh thần hiện nay, từ đó khơi dậy cái chân, cái thiện, cái mỹ, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác và tác hại của “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa (2).

Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa là cuộc đấu tranh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm chống lại sự xâm lăng về văn hóa hiện nay. Quán triệt và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc trên là vũ khí lý luận sắc bén góp phần tăng cường sức mạnh trong hoạt động này.

_______________

1. Phùng Hữu Phú (chủ biên), Phát triển văn hóa – sức mạnh nội sinh của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.50.

2. Nguyễn Văn Hữu (chủ biên), Phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018.

 

Tác giả: Lê Tuấn Anh

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *