QUYỀN TÁC GIẢ TRONG SỐ HÓA TÀI LIỆU VÀ PHÁT TRIỂN BỘ SƯU TẬP SỐ TẠI CÁC THƯ VIỆN ĐẠI HỌC


Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự bùng nổ của thông tin, công nghệ điện toán đám mây, kỷ nguyên internet vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT). Trong bối cảnh lượng thông tin gia tăng nhanh chóng, việc vi phạm vấn đề bản quyền nói chung, quyền tác giả và các quyền liên quan nói riêng đang trở nên ngày càng phổ biến. Thư viện, với vai trò là cơ quan thu thập, xử lý, lưu trữ, phổ biến và cung cấp thông tin cho cộng đồng cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn. Mâu thuẫn đến từ việc một mặt, thư viện cần phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ để làm gia tăng lượng thông tin được thu thập xử lý; mặt khác, cũng đối mặt với những nguy cơ ngày càng cao liên quan đến vấn đề vi phạm quyền tác giả, đặc biệt là trong bối cảnh hình thành thư viện số và xây dựng các bộ sưu tập số.

Bản quyền chính là vấn đề quan trọng và là thách thức lớn trong việc phát triển thư viện số nói chung, xây dựng các bộ sưu tập số nói riêng. Đây có thể coi là rào cản lớn trong công tác phát triển cũng như phổ biến nguồn tài liệu số. Hiện tại bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn đề toàn cầu không chỉ trong lĩnh vực thông tin – thư viện và còn trong các lĩnh vực khác, vậy yêu cầu đặt ra là các thư viện trong quá trình xây dựng và phát triển bộ sưu tập số cần tuân thủ nghiêm chỉnh vấn đề bản quyền nhằm vừa đảm bảo công tác lưu trữ và phổ biến thông tin, vừa đảm bảo được quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu. 1. Quyền tác giả trong hoạt động thư viện Với tính chất là một loại hình cơ quan tổ chức chuyên thu thập, tổ chức, lưu trữ và phổ biến thông tin, có thể nói hoạt động của thư viện luôn gắn liền với vấn đề bảo hộ quyền tác giả. Điều 1 của Pháp lệnh Thư viện quy định về chức năng, nhiệm vụ của thư viện là “giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (1). Như vậy có thể thấy, quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên đều gắn với vấn đề bảo hộ quyền tác giả, bởi nguồn tài nguyên thông tin của thư viện là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. Bên cạnh dó, các hoạt động thu thập, tổ chức khai thác nguồn tài nguyên thông tin đều có liên quan đến khai thác quyền tác giả. Vậy làm thế nào để thư viện vừa thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả? Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tiến hành khảo sát hệ thống pháp luật của 184 quốc gia trên thế giới thì có tới 129 nước pháp luật có quy định ngoại lệ dành cho thư viện (2). Thực tế trên chỉ ra vai trò của pháp luật bản quyền trong hoạt động của thư viện, nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng có khả năng tiếp cận với nguồn tài nguyên thông tin có giá trị được lưu trữ tại đây. Quay trở lại với Việt Nam, trong các văn bản pháp lý hiện hành các trường hợp sao chép tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao gồm: tự sao chép không quá một bản nhằm mục đích nghiên cứu, giảng dạy (theo điểm a khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ) (3); sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu (theo điểm đ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ) (4). Nhìn chung, pháp luật sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả ở Việt Nam còn quy định khá chung chung và gây cản trở cho hoạt động của các thư viện, đặc biệt liên quan đến vấn đề số hóa tài liệu và xây dựng các bộ sưu tập số. 2. Thực trạng quyền tác giả trong hoạt động số hóa tài liệu và xây dựng bộ sưu tập số Phát triển thư viện số thông qua việc số hóa tài liệu và xây dựng các bộ sưu tập số đang là hướng đi của nhiều thư viện trên thế giới và tại Việt Nam. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc sao chép, số hóa tài liệu ngày càng trở nên dễ dàng, nhanh chóng, từ đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số. Một mặt công nghệ số cho phép nhanh chóng, thuận tiện trong việc phổ biến thông tin/tài liệu tới cộng đồng, mặt khác nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vi phạm quyền tác giả một cách trực tiếp và dễ dàng hơn. Nếu việc số hóa tài liệu và cung cấp bản sao được tiến hành một cách tràn lan, không phải trả tiền bản quyền sẽ gây phương hại đến các quyền và lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả và các quyền liên quan. Hiện nay, qua khảo sát, các thư viện đại học Việt Nam khi xây dựng và phát triển các bộ sưu tập số thường dựa trên hai nguồn tài liệu chính: tài liệu nội sinh và tài liệu ngoại sinh. Nguồn tài liệu nội sinh là các nguồn tài liệu hình thành trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của nhà trường. Còn nguồn tài liệu ngoại sinh là các nguồn tài liệu từ bên ngoài mà Nhà trường không nắm giữ quyền tác giả. Qua nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc… cũng như các quy định hiện hành tại Việt Nam về pháp luật sở hữu trí tuệ, trong hai nguồn tài liệu nói trên, nguồn tài liệu nội sinh được phép tiến hành số hóa. Như vậy, các thư viện đại học cần tư vấn cho Hội đồng trường, Hội đồng khoa học – đào tạo và Ban Giám hiệu về việc quy định các nguồn tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động nghiên cứu, đào tạo của Nhà trường đều sẽ thuộc quyền quản lý và sử dụng của Nhà trường. Dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, khi đó quyền tài sản sẽ thuộc về Nhà trường, trong khi quyền nhân thân vẫn thuộc về tác giả hoặc nhóm tác giả. Thông thường các nguồn nội sinh này bao gồm: khóa luận, luận văn, luận án của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của nhà trường; đề tài nghiên cứu các cấp, kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học của nhà trường; giáo trình, bài giảng, tài liệu được biên soạn theo chỉ đạo của nhà trường; bài viết trên các báo, tạp chí của nhà trường; các loại tài liệu khác theo quy định riêng của từng trường (ví dụ: chương trình máy tính, phần mềm, slogan, logo…). Như vậy, các trường đại học có thể yên tâm về mặt pháp lý trong vấn đề quyền tác giả khi tiến hành xây dựng các bộ sưu tập số về nguồn tài liệu nội sinh để phục vụ người dùng tin. Còn đối với nguồn tài liệu ngoại sinh, có thể thấy các quy định pháp luật hiện còn khá chung chung và chưa phù hợp, bởi thư viện chỉ có thể số hóa tối đa một bản để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và không được phép truyền đạt, phổ biến đến người dùng tin. Quy định này gây cản trở đến khả năng tiếp cận thông tin của bạn đọc ở xa, hoặc những người do các điều kiện đặc thù mà khó khăn trong việc phải trực tiếp tới thư viện (ví dụ: người khuyết tật, người đang chấp hành án phạt tù…). Trong khi đó, luật pháp của một số nước (ví dụ: Úc) cho phép thư viện được số hóa một phần tác phẩm để phục vụ công chúng. Có thể thấy lợi ích của việc này là rất lớn, khi bạn đọc có thể truy cập từ xa để xem trước một phần nhỏ của tài liệu, từ đó đưa ra nhận định về tính phù hợp của tài liệu đó với nhu cầu của mình trước khi tiếp cận với bản gốc đầy đủ có trong thư viện. Quan trọng hơn, điều này cũng không vi phạm quyền tác giả vì không số hóa toàn bộ tác phẩm và công bố rộng rãi cho cộng đồng. Như vậy quy định đã hài hòa được lợi ích của cả ba bên liên quan: thư viện, chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng. Theo quy định hiện hành, các tài liệu ngoại sinh không bị cấm sao chép dưới dạng số thì các thư viện vẫn có thể số hóa để lưu trữ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu mà không cần sự cho phép của tác giả. Lưu ý là không được số hóa quá một bản theo quy định của pháp luật. 3. Một vài kiến nghị Cần tiến hành điều chỉnh, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành về bảo hộ quyền tác giả trong hoạt động của thư viện (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Điều 25 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP). Việc sửa đổi phải tiến hành trên cơ sở đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả, lợi ích của người sử dụng và đảm bảo cho thư viện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Một trong các vấn đề quan trọng cần làm rõ là các quyền của thư viện số trong việc sao chép tác phẩm nhằm mục đích lưu trữ, quyền truyền đạt tác phẩm, phân phối tác phẩm. Nâng cao nhận thức cho các chủ thể liên quan về vấn đề quyền tác giả. Chỉ khi nào cả ba bên liên quan là cán bộ thư viện, chủ sở hữu quyền tác giả và người dùng có đầy đủ kiến thức, cũng như hiểu rõ các khía cạnh liên quan đến pháp luật, đạo đức trong vấn đề này thì tính khả thi của việc điều chỉnh các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả mới đi vào cuộc sống. Cần hướng tới việc xây dựng và hình thành một “văn hóa ứng xử” với vấn đề bản quyền. Quan tâm nhiều hơn đến truy cập mở (open access) và nguồn tài nguyên giáo dục mở (open educational resources). Trong điều kiện còn nhiều rào cản về vấn đề quyền tác giả ở Việt Nam hiện nay, các thư viện cần tận dụng và khai thác tối đa sức mạnh của truy cập mở. Hiện nay, rất nhiều nguồn tài nguyên giáo dục mở đã được xây dựng và trở nên phổ biến trên thế giới, trong đó có nhiều cơ sở dữ liệu học thuật truy cập mở được phát triển bởi các trường đại học uy tín như MIT, Stanford, Harvard… Các thư viện đại học Việt Nam cần tiếp cận nhiều hơn đến các nguồn thông tin này, tổ chức khai thác cũng như hướng dẫn cho bạn đọc cách thức truy cập, sử dụng một cách hiệu quả. 4. Kết luận Hiện nay, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả khi xây dựng các bộ sưu tập số nói riêng, các thư viện số nói chung đang là một trong những yêu cầu cấp bách. Các cơ quan thông tin – thư viện ở Việt Nam đang tiến hành tạo lập các bộ sưu tập số trong bối cảnh thiếu các văn bản quy phạm pháp luật cho vấn đề quyền tác giả trong hoạt động thư viện. Việc thiếu những văn bản quy phạm pháp luật này khiến nhiều thư viện lúng túng trong quá trình số hóa khi tiến hành sao chụp, quét, nhân bản tài liệu; đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình khai thác sản phẩm và cung cấp dịch vụ liên quan đến các bộ sưu tập số tự xây dựng. Trong thực tế, một số thư viện bước đầu đã và đang xây dựng các quy chế phục vụ có giới hạn quyền tác giả khi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của người dùng tin, đặc biệt là các dịch vụ sao chụp tài liệu, khai thác cơ sở dữ liệu, thực hiện các dự án số hóa tài liệu. Vì vậy, trong thời gian tới cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan. ________________ 1. Pháp lệnh Thư viện, số 31/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28-12-2000. 2. Kenneth Crews, Study on copyright limitations and exceptions for libraries and archives, WIPO, SCCR/17/2, 2008. 3, 4. Luật Sở hữu trí tuệ, số 50/2005/QH11 ngày 19-11-2005, được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19-6-2009.                                                                                                             

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018

Tác giả : ĐỒNG ĐỨC HÙNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *