Do vị trí địa lý, phương thức sinh hoạt, tập tục khác nhau, nên từ xa xưa Thanh Hóa đã hình thành nhiều vùng, trung tâm dân ca, dân vũ. Người Thanh Hóa sáng tạo ra các làn điệu dân ca, gửi gắm tâm tư, tình cảm vào những giai điệu mang âm hưởng của môi trường sống, không khí lao động, sinh hoạt hàng ngày. Đặc trưng về môi trường tự nhiên, xã hội đã sản sinh ra những làn điệu dân ca mang bản sắc riêng của Thanh Hóa. Vùng lưu vực sông Mã, sông Chu có hò sông Mã; vùng Viên Khê, Tuyên Hóa, Cổ Bôn (thuộc huyện Đông Sơn) tập trung nhiều trò diễn, diễn xướng dân gian nổi tiếng, tiêu biểu như diễn xướng múa đèn Đông Anh; huyện Thọ Xuân có trò Xuân Phả; huyện Nông Cống có tổ hợp hệ thống hát chèo thờ ở lễ hội đền Mưng; huyện Tĩnh Gia – giáp ranh tỉnh Nghệ An, có hát khúc (còn gọi là hát ru Tĩnh Gia) mang bóng dáng của hát giặm Nghệ Tĩnh…
Dân ca Thanh Hóa hầu như có cấu trúc điệu thức ở thang 5 âm (đôi khi có 6 âm nhưng do chuyển hoặc ly điệu tạo nên). Do đa số các làn điệu dân ca xứ Thanh nằm trong các trò diễn, diễn xướng nên nó có cấu trúc hình thức đơn giản, tầm âm không rộng (trong khoảng một quãng 8), giai điệu mộc mạc, thiên về tiết tấu, thường luyến láy theo ngữ âm… Dân ca các dân tộc thiểu số có giai điệu chậm rãi, trữ tình, trong lành như tiếng suối reo, êm ái như tiếng gió ngàn, thầm kín như màu xanh của rừng.
Ở đây, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số ca khúc tiêu biểu mang âm hưởng của 3 thể loại dân ca phổ biến nhất xứ Thanh: hò sông Mã, diễn xướng múa đèn Đông Anh (dân ca Đông Sơn) và trò Xuân Phả (dân ca Thọ Xuân).
Ca khúc mang âm hưởng hò sông Mã
Hò sông Mã là tổ hợp các điệu hò được sinh ra từ những chuyến đò trên sông Mã, sông Chu… do trai đò vừa chèo, vừa hát để làm vui lòng khách, đồng thời khích lệ tinh thần lao động trong công việc thường nhật. Hò sông Mã đã đi vào sử sách, vào văn thơ và là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân xứ Thanh.
Hò sông Mã được chia thành 5 chặng hò theo hành trình: hò rời bến, hò đò ngược, hò mắc cạn, hò đò xuôi, hò cập bến.
Sông Mã được ví như con ngựa bất kham bởi dòng nước chảy xiết qua bao thác ghềnh, sóng dữ từ Mường Lát chảy về xuôi, mang đến cho những người làm nghề chở đò dọc bao gian nguy vất vả, nhưng cũng chính vì vậy mà nó đã tạo cho hò sông Mã chất mạnh mẽ, hoành tráng.
Trong những ca khúc mang đậm âm hưởng hò sông Mã trước hết phải kể đến Thanh Hóa anh hùng của nhạc sĩ Hoàng Đạm.
Tác giả đã phát triển chất liệu âm nhạc độc đáo của điệu hò sông Mã, cùng lời ca ngắn gọn, súc tích, mang đến những âm hưởng hào hùng, ca ngợi truyền thống đấu tranh anh dũng quật cường, tinh thần lao động cần cù, lạc quan, yêu đời của người dân xứ Thanh. Tác giả dựa trên lối cấu trúc dân gian có phần xô, phần xướng của các điệu hò sông Mã làm cơ sở tạo dựng cấu trúc riêng cho tác phẩm.
Toàn bộ ca khúc sử dụng gần như nguyên dạng chất liệu âm nhạc của hò sông Mã, nhưng không phải lấy nguyên ở một làn điệu, mà đan xen chất liệu từ nhiều điệu hò. Phần xướng (giai điệu) đoạn một của ca khúc được phát triển tập trung ở hai làn điệu chính là Hò xuôi nhịp đôi I và Hò xuôi nhịp đôi II với mô típ đặc trưng sau:
Phần xướng trong Hò xuôi nhịp đôi II:
Phần xướng trong ca khúc Thanh Hóa anh hùng:
Phần xô trong ca khúc tạo sự hưởng ứng của nhiều người bằng âm hưởng khoẻ mạnh, hoành tráng, bởi các yếu tố âm nhạc, lời ca đặc trưng của phần xô điệu Hò làn ai trong hò sông Mã phát triển khá chặt chẽ.
Phần xô trong Hò làn ai:
Phần xô trong ca khúc Thanh Hóa anh hùng:
Sau phần xô mở đầu trên, tác giả lấy môtip, giai điệu của nhiều làn điệu khác trong hò sông Mã, như: Hò rời bến, Hò xuôi nhịp đôi I, Hò xuôi nhịp đôi II, Hò làn văn và Hò ru ngủ để phát triển trong toàn bài.
Ở đoạn hai, tác giả nhắc lại giai điệu đoạn một nhưng nhân đôi trường độ, mở rộng cấu trúc. Đặc biệt, tác giả biến chất liệu khẩn trương, dồn dập của Hò cập bến tạo thành âm hưởng của tiếng cồng trên tổ âm sol – rê rồi cho chuyển động sang la – rê – la – mi hoặc la – đô – la – rê, tạo bè tòng đối vị, làm phần đệm cho giai điệu của đoạn hai. Với thủ pháp này, tác giả đã xây dựng nên một giai điệu hào hùng, lạc quan, phù hợp với lời ca mô tả niềm vui chiến thắng của quân dân ta.
Ngay từ khi mới ra đời, bài hát này đã tạo được sức sống mãnh liệt trong lòng người nghe, là nguồn động viên đối với quân dân Thanh Hóa trong cuộc chiến đấu mới ác liệt hơn.
Chào sông Mã anh hùng là một ca khúc của nhạc sĩ Xuân Giao sáng tác năm 1967, thời điểm mà đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt nhất. Bài hát ra đời như tiếp thêm sức mạnh cho quân dân Thanh Hóa vượt lên mưa bom bão đạn, chiến thắng quân thù.
Bài hát được viết ở thể ba đoạn đơn. Mỗi câu, đoạn nhạc trong bài là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật sáng tác ca khúc hiện đại với tư duy, phương pháp xử lý yếu tố dân gian.
Đoạn một mở đầu bằng nét nhạc chậm, trữ tình trên điệu thức 5 âm. Với nhiều tổ âm luyến láy đặc trưng của hò sông Mã, ca khúc Chào sông Mã anh hùng đã đưa chúng ta về không gian mênh mang, tươi đẹp, có “Đôi bờ sông Mã lá hoa khoe màu”, “cô dân quân giữ quê nhà cho thuyền ta mãi lướt trên nước sông trời thu trong xanh”.
Đoạn hai mang giai điệu khẩn trương, hối hả, tương phản với đoạn một. Tác giả chia cấu trúc thành nhiều chi tiết nhỏ bằng âm hình nốt trắng ở đầu mỗi ô nhịp, làm ta liên tưởng đến cấu trúc phần xướng, xô trong hò sông Mã.
Đoạn ba được phát triển trên âm hưởng đặc trưng của phần xướng trong hò sông Mã. Chính phần này đã dẫn giai điệu đến một cái kết hoành tráng với lời ca “hò ơ dô khoan…” vang mãi cùng sông Mã kiên cường.
Có thể nói Chào sông Mã anh hùng là một trong những tác phẩm thành công nhất của nhạc sĩ Xuân Giao. Người dân xứ Thanh đã nâng niu nó như một biểu tượng anh hùng của quê hương. Ngày nay bài hát đã được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thanh Hóa.
Khác với hai ca khúc trên, Hát mừng các cụ dân quân của nhạc sĩ Đỗ Nhuận không hoành tráng trong cấu trúc hình thức, cũng không mang đậm âm hưởng chắc khỏe của hò sông Mã. Nhưng tác giả đã khéo léo đưa tiếng hò dô vào tác phẩm, cùng với lời ca mộc mạc mang thổ ngữ của những cụ già miền quê Thanh: “Ai vô Thanh Hóa coi, mát lòng trẻ già vui khắp nơi”, lại pha chút hóm hỉnh: “Rứa mới là dân quân tài, Thần sấm, Con ma cũng bỏ đời”… Tác giả hướng người nghe liên tưởng tới xứ Thanh có giọng hò sông Mã thân thương, có những người dân hiền lành, chất phác trong cuộc sống đời thường, dũng cảm, kiên trung trong đánh giặc giữ nước.
Lấy chất liệu hò sông Mã còn có nhiều ca khúc khác, mỗi tác giả có một cách sử dụng chất liệu khác nhau, nhưng phần lớn lấy một số môtip như: giai điệu luyến nhiều âm móc kép đi lên rồi nhảy xuống quãng 7 thứ (đôi khi lướt qua âm bậc III) để về âm bậc I; lấy âm hưởng các câu hò xô để phát triển. Một số ca khúc khác như: Về theo câu hò sông Mã (Huy Thục), Đi tới bến mơ (Nguyễn Văn Tý), Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn anh hùng (Phạm Tuyên), Yêu người Thanh Hóa (Đoàn Bổng), Đi giữa đại lộ Lê Lợi (Nguyễn Cường), Kỷ niệm giọng hò (Minh Quang), Hát về quê Thanh (Tố Hải), Những cô gái tỉnh Thanh (Phúc Minh), Quê Thanh đẹp đất anh hùng (Lê Quang Nghệ), Quê ta Thanh Hóa anh hùng (Đức Nhuận), Về thăm sông Mã quê em (Minh Khang), Đẹp đôi trai gái tỉnh Thanh (Nguyễn Trọng), Giọng hò sông Mã (Hoàng Sông Hương), Về làm dâu sông Mã (Đồng Tâm), Con vẫn sống (Thành Đồng), Âm vang giọng hò (Hoàng Sâm), Xuân về trên đất Hàm Rồng (Nguyễn Liên), Nồng nàn khúc hát tỉnh Thanh (Thế Việt)…
Ca khúc mang âm hưởng dân ca múa đèn Đông Anh
Nói đến dân ca Đông Anh Thanh Hóa, không thể không nhắc tới Đi cấy – thuộc tổ khúc múa đèn Đông Anh: Thắp đèn, Luống bông luống đậu, Vãi mạ, Đan lừ, Nhổ mạ, Đi cấy, Kéo sợi, Dệt cửi, Xe chỉ vá may, Đi gặt. Những bài dân ca này được người dân đưa đến hát múa thi tại nghè Sâm để tế thần. Âm nhạc trong múa đèn Đông Anh mang đậm tính nghi lễ, có cấu trúc đơn giản, âm vực hẹp, nhẹ nhàng, thanh thoát.
Trong các ca khúc viết về Thanh Hóa mang âm hưởng múa đèn Đông Anh, bài Câu hát chơi trăng ngoài thềm của nhạc sĩ Phạm Tịnh mang đặc trưng tiêu biểu nhất.
Nhạc sĩ Phạm Tịnh đã lấy gần như nguyên dạng nhạc, lời bài Đan lừ để viết nên đoạn một. Sang đoạn hai, tác giả phát triển chất liệu nhạc, lời bài Đi cấy. Ông đã lấy từng mô típ nhạc của câu 2 bài Đi cấy, chia ngắt nó ra, tạo khoảng thời gian ngân dài, lặng phía sau mỗi tiết nhạc. Cách cấu tạo này đã làm cho người nghe liên tưởng tới âm hưởng câu xô của hò sông Mã vang lên rộn rã trong khoảng thời gian ngân và nghỉ đó.
Ca khúc Câu hát chơi trăng ngoài thềm:
Sự khai thác triệt để giai điệu, ca từ dân ca múa đèn Đông Anh, đã làm cho ca khúc Câu hát chơi trăng ngoài thềm gần gũi hơn với người dân quê Thanh, mong muốn về một cuộc sống trong ấm ngoài êm như lời ca của múa đèn Đông Anh đã nhắn gửi.
Với phương thức khác, ca khúc Hỡi em cấy lúa dưới trăng của nhạc sĩ Nguyễn Liên lại chỉ lấy một tiết nhạc của bài Đi cấy để phát triển.
Bài Đi cấy (dân ca Đông Anh):
Hỡi em cấy lúa dưới trăng:
Nguyễn Liên đã lợi dụng điệu thức trưởng trong bài Đi cấy để làm cầu nối chuyển điệu từ thứ sang trưởng cho đoạn hai một cách hợp lý, không bị gò ép, đồng thời làm cho âm nhạc đoạn hai tươi trẻ, trong sáng hơn.
Bên cạnh đó, tác giả đã khéo léo giải nghĩa câu “Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” bằng ca từ trong ca khúc của mình “…có phải em muốn cấy nhanh kịp vụ, vui chơi bằng đèn trăng để cấy đêm, thương nhau hẹn hò khi cấy lúa xong?…”. Cách giải thích này đã cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn ý tứ sâu xa của ông cha ta gửi gắm trong bài dân ca, tạo cho ca khúc thêm phần duyên dáng, trữ tình.
Cũng phát triển từ dân ca múa đèn Đông Anh, nhưng trong ca khúc Cây lúa Hàm Rồng của nhạc sĩ Đôn Truyền lại có cách tư duy khác.
Bài ca mở đầu bằng một nét giai điệu trữ tình nhưng khẩn trương trên điệu thức 5 âm mang âm hưởng dân ca Đông Anh, do tổ âm luyến 4 nốt móc kép đi liền nhau để về kết tiết, kết câu tạo nên.
Sang đoạn hai, giai điệu được đẩy lên một âm vực rất cao cùng với ca từ “ơ…ơ…” ngân dài, tạo nên giai điệu phóng khoáng, mang âm hưởng điệu hò đối đáp của đồng bằng Bắc Bộ xưa. Cuối bài, môtip hò đối đáp này lại được đưa vào câu kết, làm cho giai điệu thêm bay bổng, mênh mang, lưu luyến:
Ngoài các ca khúc đã giới thiệu trên, cũng còn một số ca khúc khác viết về quê Thanh Hóa mang âm hưởng dân ca Đông Anh đã ghi dấu ấn trong lòng người nghe. Tiêu biểu như: Lồng lộng quê Thanh (Phó Đức Phương), Hát về quê Thanh (Xuân Chung), Câu dân ca xưa và nay (Xuân Liên)… Những ca khúc này cũng có phương thức phát triển tương tự những bài trên, nhưng phần lớn nó được phát triển từ các tiết nhạc đặc trưng phổ biến như: tổ âm láy kép lên xuống một quãng ba thứ để kết tiết, câu hoặc đoạn, trong bài Thắp đèn, Luống bông luống đậu, Kéo sợi…; luyến kép bốn âm rồi nhày xuống quãng 4 đúng để kết tiết, câu hoặc đoạn, trong bài Vãi mạ, Kéo sợi, Dệt cửi, Xe chỉ vá may; kết ở phần yếu của phách rồi luyến xuống một quãng 3 thứ, trong bài Thắp đèn, Luống bông luống đậu, Đi cấy; luyến kép lên xuống bốn âm rồi nhảy về kết tiết, câu hoặc đoạn, trong bài Thắp đèn, Luống bông luống đậu…
Các tiết nhạc tương ứng:
Ca khúc mang âm hưởng dân ca trò Xuân Phả
Trò Xuân Phả là tên gọi của hệ thống ngũ trò: Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Tú Huần, Ngô quốc được trình diễn tại lễ hội làng Xuân Phả, thuộc xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân. Trong 5 trò trên, chỉ 3 trò có hát: trò Hoa Lang có điệu Chèo chầu, trò Tú Huần có điệu Tú huần, trò Ngô quốc có điệu Chèo bát (Chèo sâu) và Chèo cạn (Chèo cạy).
Các bài hát trong trò Xuân Phả được cấu trúc như một ca khúc hoàn chỉnh, mang đậm chất âm nhạc dân gian Thanh Hóa và phong cách diễn xướng cung đình. Ca từ tuy mộc mạc nhưng cũng rất hóm hỉnh, tình tứ…
Trò múa hát Xuân Phả chưa được giới thiệu nhiều, nên các ca khúc còn ít. Tuy nhiên, ca khúc Tiếng trống trò mùa xuân của nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam cho chúng ta thấy được giá trị của dân ca Xuân Phả. Tác giả lấy âm hưởng giai điệu đoạn đầu của Chèo cạy và Chèo bát trong trò Xuân Phả để phát triển thành tác phẩm của mình.
Trích Chèo cạy trong trò Xuân Phả:
Ca khúc Tiếng trống trò mùa xuân:
Với lời ca trữ tình ca ngợi quê hương đang vươn mình theo sức xuân, cùng giai điệu rộn rã trong tiếng trống trò, ca khúc Tiếng trống trò mùa xuân càng làm cho Thanh Hóa xuân lại thêm xuân.
Trên thực tế, những ca khúc còn đọng lại say đắm trong lòng người dân đều mang âm hưởng dân ca của vùng quê nơi họ sinh sống. Ta có thể kể đến: Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (Trần Hoàn – âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh), Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý – âm hưởng ru con Nam Bộ), Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương – âm hưởng hát văn), Ly cà phê Ban Mê (Nguyễn Cường – âm hưởng Tây Nguyên)… Và trong những năm qua, các ca khúc viết về quê Thanh mang âm hưởng dân ca Thanh Hóa mang những giá trị riêng, được khẳng định trong lòng công chúng.
Bên cạnh việc giới thiệu kho tàng dân ca phong phú của xứ Thanh, chúng tôi còn mong muốn các nhạc sĩ tiếp tục khai thác những tinh hoa âm nhạc dân tộc, sáng tác nhiều ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, đem đến cho công chúng những sắc thái tình cảm mới, phù hợp với thẩm mỹ thời đại.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : VI MINH HUY
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Nhận diện âm điệu bài chòi (p2)
Những giá trị trong nội dung hát ghẹo