TẦM QUAN TRỌNG CỦA THƯƠNG HIỆU TRONG CÁC TỔ CHỨC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT NHÀ NƯỚC


Công chúng giờ đây có nhiều cơ hội lựa chọn các loại hình giải trí hơn, họ quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm nghệ thuật và dịch vụ, đến thương hiệu của tổ chức văn hóa nghệ thuật (VHNT). Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu là giải pháp rất cơ bản đóng vai trò tiên quyết trong việc chuyên nghiệp hóa hoạt động phát triển thương hiệu của các tổ chức VHNT.

Trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, muốn đất nước phát triển bền vững cần chú trọng đầu tư một cách toàn diện cho tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó VHNT là một mặt trận đặc biệt quan trọng. Hồ Chí Minh khẳng định VHNT cũng là một mặt trận và các cán bộ VHNT là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ VHNT có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân. Bởi vậy VHNT cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Việt Nam đang thay đổi, kéo theo vô số vấn đề xã hội nan giải đang đặt ra. Nên Việt Nam đang rất cần sự đầu tư, quan tâm, chú trọng đúng mức tới lĩnh vực VHNT để phân tích, định dạng và có những chiến lược phát triển kinh tế xã hội phù hợp. VHNT luôn phải song hành và vững bước cùng sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật. Lĩnh vực VHNT luôn hữu ích cho xã hội, cho sự phát triển và cho mỗi cá nhân trong đời sống xã hội. VHNT soi sáng, giúp cho mỗi cá nhân, tập thể nhận thức được cần làm gì để đời sống, môi trường sống xung quanh tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Nó trang bị cho mỗi cá nhân biết phương pháp tư duy, phản biện, có khả năng giải quyết các vấn đề mà cuộc sống, công việc đặt ra… VHNT là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân, có khả năng định hướng quan điểm, định hướng dư luận. Do vậy, các tổ chức VHNT có vị trí rất quan trọng, phải được đầu tư và định hướng để phù hợp với mục tiêu chung của đất nước. Xây dựng thương hiệu cho tổ chức trong lĩnh vực VHNT là góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật, bồi dưỡng nhân cách và năng lực thẩm mỹ cho công chúng. Xây dựng thương hiệu cho tổ chức trong lĩnh vực VHNT sẽ góp phần củng cố và nâng cao vai trò của ngành văn hóa. Ngành văn hóa nói chung và các tổ chức VHNT có nhiệm vụ phải nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của mình trong xã hội, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay khi mà các tổ chức VHNT phải đối mặt với nhiều thách thức như bị cắt giảm nguồn bao cấp từ nhà nước, gặp phải nhiều áp lực từ sự cạnh tranh đến từ nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác nhau, cùng với đó là đời sống nhân dân ta được nâng cao, nhu cầu thưởng thức các sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân càng lớn thì thương hiệu VHNT trở nên không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã hội. Công chúng giờ đây có nhiều cơ hội lựa chọn các loại hình giải trí hơn, họ quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm nghệ thuật và dịch vụ, đến thương hiệu của tổ chức VHNT. Chính vì thế mà thương hiệu ngày càng khẳng định được vị trí của nó trong lĩnh vực VHNT. Thương hiệu là tài sản vô hình, là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị và tính cạnh tranh của các tổ chức VHN Ttrên thị trường. Thương hiệu là cảm nhận của công chúng khi nghĩ về tổ chức. Một đơn vị VHNT có uy tín về thương hiệu sẽ thu hút được nhiều đối tượng công chúng đến với mình. Vì thế, muốn tồn tại và phát triển vững chắc các tổ chức VHNT chắc chắn không thể không quan tâm đúng mức đến phát huy vai trò của thương hiệu. Thương hiệu vốn không đơn thuần là việc gắn một cái tên cho một tổ chức VHNT, gắn một cái tên cho sản phẩm nghệ thuật mà nó có bao hàm tất cả những yếu tố như giá trị cốt lõi của tổ chức, uy tín, chất lượng, lòng tin tưởng… mà tổ chức muốn đem đến cho công chúng của mình. Những nỗ lực phát triển thương hiệu luôn mang lại những hiệu quả về chất lượng sản phẩm nghệ thuật, dịch vụ nhằm phục vụ công chúng thưởng thức nghệ thuật, cũng có ý nghĩa là tạo ra giá trị nhân văn xã hội. Tổ chức VHNT muốn hoạt động ổn định và phát triển thì đều phải giải quyết tất cả các vấn đề về nghệ thuật, pháp luật và doanh số bán vé liên quan đến thương hiệu. Bởi vậy thương hiệu có tầm quan trọng đối với tổ chức VHNT và công chúng rất lớn: Ảnh Nguyễn Dương   Đổi mới nhận thức về thương hiệu trong các tổ chức VHNT có vai trò tiên quyết và là nền tảng quan trọng trong toàn bộ quá trình phát triển thương hiệu của tổ chức. Để có thể hoạch định sứ mệnh, tầm nhìn, định vị thương hiệu, xây dựng và phát triển sản phẩm, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, truyền thông thương hiệu cho tổ chức VHNT thành công thì đội ngũ cán bộ nhân viên, văn nghệ sĩ của các tổ chức cần có nhận thức hợp lý về tầm quan trọng của thương hiệu trong bối cạnh hiện nay. Ngày nay, nhiều cán bộ, văn nghệ sĩ vẫn có quan điểm thương hiệu là yếu tố gắn liền với thương mại hóa, gắn với hoạt động kinh doanh và mang tính thị trường. Nhiều quan điểm cho rằng lĩnh vực VHNT không thể chiều theo thị hiếu công chúng, có nghĩa là không thể để bị thị trường điều khiển. Họ lo ngại nếu các tổ chức hoạt động theo định hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu thị trường thì sẽ làm thương mại hóa các sản phẩm VHNT, làm giảm giá trị các sản phẩm nghệ thuật, biến các tổ chức VHNT trở thành gánh xiếc rong. Tuy vậy phát triển tổ chức VHNT dựa trên quan điểm phát triển thương hiệu hoàn toàn không hề mang nghĩa vụ lợi. Trái lại, xây dựng một thương hiệu mạnh chính là động lực để các tổ chức VHNT chú trọng đầu tư, phát triển, và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cơ sở vật chất nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong tâm trí công chúng từ đó tạo sức hút đưa khán giả tới với tổ chức. Hiện nay trong các tổ chức VHNT hội tụ đủ ba quy luật: cung – cầu, cạnh tranh, giá trị. Bởi vậy, hoạt động của các tổ chức này cần được hiểu là một dịch vụ. Sản phẩm của các tổ chức như: vở kịch, buổi chiếu phim, hoạt động trưng bày… chính là các sản phẩm nghệ thuật. Công chúng thưởng thức VHNT cần được xem như khách hàng của tổ chức, bởi họ phải mua vé để sử dụng sản phẩm và dịch vụ của tổ chức VHNT. Quản lý một tổ chức VHNT ngày càng trở nên giống quản lý doanh nghiệp nơi các tổ chức phải cạnh tranh để giành chỗ đứng trong lòng khách hàng là công chúng thưởng thức VHNT. Và phương pháp để cạnh tranh trong lĩnh vực VHNT hiện nay cũng giống như các doanh nghiệp, chính là thông qua việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Dù chú trọng tới thương hiệu, chú trọng tới thị trường nhưng bản chất của các tổ chức VHNT vẫn là hoạt động không phải chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà nó còn bao gồm nhiều mục tiêu mang giá trị xã hội nhân văn, bởi VHNT có những sứ mệnh và lý tưởng cao xa hơn thị trường kinh tế. Vì vậy, không thể sử dụng những logic trong việc trao đổi hàng hóa trên thị trường kinh tế để nói về thị trường VHNT. Việc các tổ chức nhìn nhận và tư duy về lĩnh vực VHNT theo quan điểm kinh doanh chính là động lực nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nghệ thuật và uy tín thương hiệu của tổ chức trên thị trường. Mặc dù lĩnh vực VHNT có thể được nhìn nhận dưới quan điểm kinh doanh, nhưng cũng không thể lãng quên những yếu tố nhân văn, truyền thống, phong tục tập quán của nền văn hóa dân tộc. Nếu mỗi cán bộ, văn nghệ sĩ của các tổ chức dung hòa được 2 yếu tố này trong nhận thức của mình, các tổ chức sẽ hình thành được những định hướng đúng đắn trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu VHNT. Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu đối với sự phát triển của các tổ chức VHNT. Trước mắt, các tổ chức cần thực hiện một số công việc sau: Thứ nhất, phải tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của thương hiệu cũng như nội dung của hoạt động phát triển thương hiệu cho các cán bộ viên chức, nghệ sĩ, diễn viên của các tổ chức VHNT. Làm sao để đội ngũ viên chức này nhận thức được đầy đủ hơn một điều quan trọng đó là chỉ trên cơ sở đã xây dựng được thương hiệu mạnh, các tổ chức VHNT mới có thể thu hút được đông đảo công chúng. Thứ hai, các tổ chức VHNT cần sớm nhận thức: nguồn ngân sách nhà nước bao cấp sẽ không mãi có được như mong muốn mà các tổ chức phải tự nuôi sống mình bằng nguồn kinh phí tự cung tự cấp. Bởi vậy, các tổ chức VHNT cần năng động, tự chủ hơn trong sáng tạo sản phẩm và dịch vụ VHNT cũng như quảng bá các sản phẩm của mình tới công chúng để thu hút đông đảo khán giả. Kinh phí thu được sẽ được đầu tư cho việc quảng cáo, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng nhằm mở rộng sự nhận diện thương hiệu của tổ chức đối với công chúng. Đây là những hoạt động rất quan trọng và cần thiết giúp cho các đơn vị VHNT phát triển thương hiệu của mình. Thứ ba, muốn hoạt động phát triển thương hiệu thực sự mang tính chuyên nghiệp nhất thiết các tổ chức VHNT: ở nơi nào chưa có bộ phận phát triển thương hiệu thì cần thành lập còn ở những nơi bộ phận này nằm trong các phòng ban khác thì cần tách ra thành một phòng độc lập. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thương hiệu là giải pháp rất cơ bản đóng vai trò tiên quyết trong việc chuyên nghiệp hóa hoạt động phát triển thương hiệu của các tổ chức VHNT. ______________ 1. Nguyễn Thị Minh An, Quản trị thương hiệu, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2007. 2. Nguyễn Dương, Thương hiệu và quảng cáo, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội, 2007. 3. Ngô Ngọc Hậu, Thương hiệu công ty TNHH truyền thông Megastar – chi nhánh Đà Nẵng, Nxb Đại học Đà Nẵng, 2012. 4. Lê Đăng Lăng, Quản trị thương hiệu, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2010. 5. Nguyễn Thị Lan Thanh, Nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động marketing đối với nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ hội nhập, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Bộ VHTTDL, Hà Nội, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5- 2018

Tác giả : PHAN NHẬT ANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *