Khi nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam từ TK XX đến nay, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng thanh nhạc là lĩnh vực nghệ thuật phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu nhất. Sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong TK XX được chia làm 3 thời kỳ, thì đặc điểm nổi bật nhất trong các thời kỳ này đều tập trung vào lĩnh vực sáng tác cho thanh nhạc. Và đến nay, sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam vẫn luôn tập trung vào lĩnh vực thanh nhạc. Điều đó cho thấy ở Việt Nam ca hát là lĩnh vực nghệ thuật phổ biến, được sự quan tâm, đầu tư phát triển nhiều nhất trong đời sống âm nhạc khi so sánh với các lĩnh vực nghệ thuật khác.
Trong công tác đào tạo, lĩnh vực thanh nhạc luôn chiếm vị trí hàng đầu về số lượng thí sinh thi tuyển vào các cơ sở đào tạo âm nhạc trên cả nước. Nếu không tính một số cơ sở đào tạo lớn như Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc Huế, các cơ sở đào tạo âm nhạc của các tỉnh, thành phố, quân đội…, chỉ riêng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thời điểm hiện tại, Khoa Thanh nhạc có gần 300 học sinh, sinh viên đang theo học, là khoa có số lượng sinh viên đại học đông nhất Học viện. Cùng với đó, số lượng học viên theo học bậc cao học ngành thanh nhạc hàng năm cũng tăng đáng kể. Không chỉ ở Việt Nam mà tại hầu hết các cơ sở đào tạo âm nhạc trên thế giới, khoa Thanh nhạc luôn chiếm ưu thế về số lượng.
Trong sự phát triển của nghệ thuật thanh nhạc, có một lĩnh vực nghệ thuật khác luôn đi song hành, đóng vai trò vô cùng quan trọng, là một phần không thể tách rời trong cả hai phương diện đào tạo và biểu diễn, đó là lĩnh vực đệm đàn piano. Sẽ không quá chút nào khi khẳng định rằng: sự thành công của một ca sĩ chuyên nghiệp có phần đóng góp rất lớn của người đệm đàn piano và việc phát triển nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực thanh nhạc phụ thuộc không nhỏ vào chất lượng của những nghệ sĩ làm công việc đệm đàn.
Đệm đàn piano đã trở thành một lĩnh vực nghệ thuật không tách rời khỏi âm nhạc cổ điển, và nghệ thuật đệm piano trong thanh nhạc là một lĩnh vực mang tính đặc thù. Trên thế giới, từ lâu đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu, sách viết riêng về lĩnh vực đệm piano cho thanh nhạc của do những nghệ sĩ đệm piano bậc thày biên soạn như Gerald Moore, Samuel Sandor, Martin Katz. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lĩnh vực đệm piano cho thanh nhạc chưa được bất kỳ một tài liệu nghiên cứu mang tính khoa học nào đề cập đến.
Trong lĩnh vực thanh nhạc, đặc biệt là thanh nhạc thính phòng chuyên nghiệp, hàng năm chúng ta đều có nhiều cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia, thu hút được hàng trăm thí sinh khắp cả nước. Trong những sự kiện như thế, vai trò của nghệ sĩ đệm đàn piano lại càng được khẳng định và trở nên quan trọng, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự thành công của ca sĩ. Bên cạnh những giải thưởng cho ca sĩ, cuộc thi luôn có một giải đặc biệt dành riêng cho nghệ sĩ đệm piano xuất sắc nhất. Thực tế thì trên thế giới, một thông lệ đã từ rất lâu, trong các cuộc thi về thanh nhạc thính phòng và các nhạc cụ độc tấu cũng luôn có một danh hiệu được trao tặng riêng cho người đệm piano xuất sắc nhất.
Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực đệm piano cho thanh nhạc ở Việt Nam còn có khá nhiều những bất cập và hạn chế. Điển hình nhất, đó chính là về nhận thức. Tôi cho rằng đây là một vấn đề khá phổ biến đã tồn tại từ lâu, đó là những nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của người đệm đàn piano. Trong mọi lĩnh vực của nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, có lẽ nghệ thuật đệm đàn piano ít được sự quan tâm và cũng chưa thực sự được hiểu một cách đầy đủ, ngoại trừ chính bản thân những nghệ sĩ đệm đàn piano. Đầu tiên hãy đặt câu hỏi, tại sao họ nhận được rất ít sự vinh danh, trong mọi buổi biểu diễn họ luôn chỉ nhận được tiền thù lao ít hơn nhiều so với ca sĩ, và nhiều sự thiệt thòi khác nữa… Vậy, lý do nào khiến họ trở thành một người đệm đàn. Hình ảnh về một người đệm đàn trên thực tế vẫn bị nhìn nhận một cách chung chung trong quan niệm của khá nhiều người. Một người chơi piano nhưng chưa đủ trình độ để chơi độc tấu, với một số những kỹ thuật chuyên môn nhất định, nhưng có khả năng đọc nốt nhạc nhanh và là một người có cá tính khiêm tốn, không phô trương sẽ được coi là những nhân tố chủ yếu tạo nên hình ảnh của một người đệm đàn. Sẽ là thiếu công bằng đối với những người đệm đàn, khi họ luôn đứng phía sau danh tiếng và cái tôi quá lớn của các ca sĩ . Một người mà lúc nào cũng chỉ được coi như làm nền cho người khác, điều đó tạo cho nghệ sĩ đệm đàn cảm thấy như họ luôn bị bỏ quên. Công việc của người ca sĩ không thể thiếu người đệm piano, đó là điều chắc chắn. Nhưng, thực tế là có khá ít người thực sự quan tâm đến những đóng góp của những nghệ sĩ đệm đàn, mà thường chỉ chú trọng đến người ca sĩ.
Còn có một thực tế khác nữa là, quan niệm mà chúng tôi vừa nêu ở trên lại cũng tồn tại ngay trong chính bản thân những người đang hoạt động trong lĩnh vực đệm đàn, khi chính họ lại tự đánh giá thấp công việc của mình, thậm chí còn thấy mặc cảm, thiếu sự đầu tư, làm việc một cách qua loa, không nghiêm túc và thiếu trách nhiệm. Quan niệm trên cũng tồn tại trong không ít những giảng viên dạy thanh nhạc. Bởi, không phải giảng viên dạy thanh nhạc nào cũng hiểu rõ về phần đệm piano nên họ không đưa ra được những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe đối với người đệm, vì thế người đệm có đệm sai, họ cũng không phát hiện ra.
NSND Trung Kiên, nguyên trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một GS đầu ngành trong lĩnh vực thanh nhạc của Việt Nam, là người có công lớn trong việc quan tâm đào tạo và phát triển lĩnh vực đệm thanh nhạc tại Học viện. Có một kiến thức sâu rộng về lĩnh vực đệm piano, nên ông đã khá bức xúc trước những thực trạng trên đang tồn tại gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của bộ môn thanh nhạc tại Học viện. Với quan niệm phần đệm chỉ đóng vai trò phụ, mang nhiệm vụ giữ nhịp phách cho ca sĩ, những người đệm piano thường quên mất rằng các tác phẩm thanh nhạc luôn gắn với lời ca, nếu như nội dung tác phẩm thể hiện qua ca từ giống như những nét vẽ bằng bút chì của một bức tranh, thì phần đệm piano mới chính là yếu tố đem lại không gian và màu sắc để hoàn thiện nên bức tranh đó.
Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm, đó là phần đệm piano trong tác phẩm cho thanh nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam. Đây là một thực trạng gây ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của mảng ca khúc nghệ thuật, thính phòng Việt Nam. Chúng ta có một số lượng tác phẩm thanh nhạc vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị nghệ thuật cao được các nhạc sĩ sáng tác từ những năm đầu TK XX đến nay, đặc biệt là các tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong chương trình đào tạo thanh nhạc tại các cơ sở âm nhạc chuyên nghiệp trên cả nước nói chung, và tại khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói riêng, các tác phẩm của Việt Nam chiếm một số lượng tương đối khiêm tốn bên cạnh những tác phẩm của nước ngoài. Nhưng trên thực tế biểu diễn, trong đời sống âm nhạc nước nhà, các tác phẩm thanh nhạc của Việt Nam luôn được ưu tiên hàng đầu. Hầu hết các tác phẩm thanh nhạc thính phòng của Việt Nam khi biểu diễn đều có phần đệm được phối khí cho ban nhạc hoặc dàn nhạc đệm, rất ít khi sử dụng duy nhất đàn piano đảm nhiệm vai trò này. Nhưng, trong lĩnh vực đào tạo tại trường lớp thì không nhạc cụ nào có thể thay thế được đàn piano trong vai trò đệm.
Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm thanh nhạc thính phòng của Việt Nam lại đang bị một thực trạng chung, đó là không có phần đệm piano đi kèm. Vì thế, người đệm piano phải tự sáng tác phần đệm, hoặc có phần đệm piano nhưng không mang tính thống nhất, nhiều dị bản khác nhau, và thậm chí là không mang đặc tính về kỹ thuật của chuyên ngành piano (pianistic). Các ca khúc của Việt Nam mà phần đệm piano được chính tác giả soạn có chất lượng chỉ chiếm số lượng không nhiều. Phần đệm chất lượng, có tính nghệ thuật cao phải kể đến các ca khúc của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Bên cạnh đó, còn có một số ca khúc nghệ thuật với phần đệm được soạn riêng bởi các nghệ sĩ piano trước đây như Hoàng Mi, Tôn Thất Triêm, Nguyễn Hữu Tuấn…, và gần đây là các phần đệm của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Những điều bất cập đó tạo nên không ít khó khăn cho người đệm đàn piano, bởi không phải người chơi piano nào cũng có khả năng sáng tác, biến tấu, họ đã quen với cách làm việc trên bản nhạc được soạn sẵn như trong các tác phẩm thanh nhạc của nước ngoài. Trong thanh nhạc, phần đệm đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó là sự hình ảnh hóa lời ca, là màu sắc của ca khúc, tạo nên chất lượng nghệ thuật của ca khúc đó. Chắc chắn những Lieder của Schubert, Schumanns hay Brahms sẽ không thể trở thành những tác phẩm kinh điển, nếu như thiếu đi phần đệm piano vô cùng xuất sắc.
Tất nhiên, sẽ là khập khiễng khi so sánh như vậy, bởi các nhạc sĩ Việt Nam không phải là những nghệ sĩ piano, thêm vào đó là rất nhiều nguyên nhân khách quan khiến cho các tác phẩm của Việt Nam không có phần đệm như bị thất lạc do hoàn cảnh chiến tranh, không có điều kiện in ấn… Nhưng, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, chúng ta cần có một sự quan tâm nghiêm túc đến vần đề khôi phục, sưu tầm, biên soạn cũng như khuyến khích những sáng tác mang tính học thuật phần đệm piano cho các tác phẩm thanh nhạc của Việt Nam. Bởi điều ấy ảnh hưởng đáng kể đến tính chuyên nghiệp trong đào tạo cũng như biểu diễn, và trên hết sẽ làm tăng giá trị nghệ thuật của các tác phẩm Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 346, tháng 4-2013
Tác giả : Hoàng Phương
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng