NƠI HỘI TỤ VĂN HÓA DÂN TỘC

     Nơi lưu giữ di sản các dân tộc Việt Nam
Từ một mảnh đất hoang sơ, heo hút thuộc vùng đất bạc màu đá ong, đến nay Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (làng văn hóa) đã trở thành nơi tụ hội của 54 dân tộc anh em. Với diện tích 1.544 ha, địa hình đa dạng, một nửa là đất, đồi, một nửa là mặt hồ tự nhiên, đã tạo cho nơi đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, là các công trình kiến trúc của từng vùng miền cũng đem đến sự mới lạ cho du khách ghé thăm.
    Toàn bộ khu làng được chia thành các phân khu chức năng, đó là: khu các làng dân tộc Việt Nam, khu trung tâm văn hóa và vui choi giải trí, khu di sản văn hóa thế giới, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu quản lý điều hành văn phòng.
Trong đó, khu các làng dân tộc được coi là trọng tâm, nơi tái hiện môi trường, cảnh quan làng, bản và các hoạt động văn hóa tiêu biểu của 54 dân tộc anh em. Khu làng này được chia làm 4 khu vực:
 Khu làng I: gồm 28 tộc người Tây Bắc, Việt Bắc và Bắc Trung Bộ, với những nét văn hóa vùng cao của một số tộc người như Tày, Thái, Mông, Dao…
Khu làng II: gồm 18 tộc người ở Nam Trung Bộ, Trường Sơn – Tây Nguyên như Ba na, Ê đê, Giẻ Triêng…
Khu làng III: gồm 4 tộc người Nam Tây Nguyên và Nam Bộ, với hình ảnh tiêu biểu là khu tháp Chăm, với hệ thống đền tháp, điêu khắc, tượng thờ…
Khu làng IV: gồm 4 tộc người đa văn hóa vùng bán sơn địa, đồng bằng, duyên hải.
Tại khu vực được phân chia, các ngôi làng được phục dựng theo kiến trúc nguyên mẫu của từng tộc người. Đó là nhà rông của người Tây Nguyên, nhà sàn của người Tày… Trong mỗi ngôi nhà được trang bị các vật dụng truyền thống gắn liền với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, hay công cụ lao động sản xuất.
Những đổi thay
Sau 3 năm hoạt động, làng văn hóa tự hào là địa chỉ văn hóa đặc biệt thu hút du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng những nét đặc sắc nhất của dân tộc. Đã có hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, và họ đều thích thú với những giá trị văn hóa ở nơi đây. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2012 liên hoan văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức với nhiều chương trình trên quy mô lớn. Liên hoan diễn ra trong nhiều ngày, nhưng tâm điểm là vào ngày 18 đến 19-4-2012. Trong hai ngày này, nhiều đoàn khách đã về làng với số lượng đông, tập trung nhất là ngày 19. Nếu so sánh về nhiều quy mô tổ chức, thì chưa hẳn làng văn hóa đã hơn các khu vực khác, nhưng cái có được ở đây mà nhiều nơi không có, đó là việc chính chủ thể văn hóa tự giới thiệu và thể hiện giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đây chính là điều hấp dẫn nhiều du khách, bởi chỉ có chủ thể mới hiểu hết và trình diễn các giá trị văn hóa đúng và có hồn nhất. Tại liên hoan, các tộc người có dịp trình diễn văn hóa ngay chính tại ngôi nhà được xây dựng trên khuôn viên làng văn hóa để quảng bá và phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách. Nếu du khách quan tâm tới văn hóa của làng nào, có thể đến ngôi nhà của tộc người đó để tìm hiểu. Và cũng không khó khăn gì khi đi tìm hiểu, bởi trước mỗi khu vực đều có những biển chỉ dẫn cụ thể.
Trong khuôn khổ của ngày hội làng văn hóa các dân tộc Việt Nam 2012, có sự tham gia của 13 cộng đồng các tộc người từ 8 tỉnh trong cả nước, bao gồm: Mông, Tày (Hà Giang), Dao, Thái (Sơn La), Mường (Hòa Bình), Nùng (Lạng Sơn), Ba na, Gia rai (Kon Tum), Mnông (Đắc Nông), Ê đê (Đắc Lắc), Chăm, Khơme (An Giang), Hoa (TP.HCM). Bên cạnh đó, liên hoan còn có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật ở trung ương, địa phương, và đông đảo lực lượng quần chúng.
Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra với nhiều hoạt động như: hội nghị sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ tổ chức ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 hàng năm, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, văn hóa, các hoạt động hội trại thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh…, nhưng nổi bật và thu hút đông đảo du khách quan tâm phải kể đến triển lãm làng nghề dân gian truyền thống, chợ vùng cao phía bắc, chương trình đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Triển lãm làng nghề dân gian truyền thống được tổ chức với mục đích bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống cũng như tôn vinh các nghệ nhân, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm độc đáo, tinh xảo, được làm ra từ những đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Với khoảng 20 gian trưng bày, tái hiện 10 làng nghề dân gian truyền thống như rượu làng Vân, mì Chũ (Bắc Giang), gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), lụa tơ tằm (Hà Đông -Hà Nội), tranh Hàng Trống (Hà Nội)… Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm độc đáo, du khách có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm ưng ý, hoặc xin chữ của ông đồ về làm quà.
Chợ vùng cao miền núi phía bắc, có sự tham gia của 6 cộng đồng tộc người được huy động: Mông, Dao, Mường, Thái, Tày, Nùng. Một không gian chợ truyền thống Việt Nam được tái hiện, nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ giao lưu giữa các tộc người với nhau. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, thì việc xây dựng chợ vùng cao là ý tưởng mới, điểm nhấn cho ngày hội các dân tộc Việt Nam 2012. Khi đến với phiên chợ vùng cao, ta như được quay lại cái thuở ấu thơ mỗi khi được bà, mẹ cho đi chợ, đó được coi là một ngày hội, bởi dưới con mắt của trẻ thơ, nơi đó có rất nhiều điều thú vị và hấp dẫn cần tìm hiểu.
Đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng rằng ngay trong lòng Hà Nội lại có một phiên chợ vùng cao độc đáo như vậy. Và cùng với sự ngỡ ngàng là sự khâm phục tay nghề của những người đã tạo ra các sản phẩm độc đáo đó. Khi đến những gian hàng của các tộc người, du khách luôn tìm thấy sự mới lạ, khác biệt trong màu sắc, hoa văn trên từng sản phẩm như trang phục của cô gái Mường, những chiếc khăn mang hoa văn đặc trưng của người Dao tiền… Không chỉ dừng lại ở việc bán các sản phẩm, người Mông còn giới thiệu về cách kéo sợi lanh và dệt lanh trên những khung cửi thô sơ. Đây cũng là gian hàng thu hút rất nhiều khách tham quan trong phiên chợ vùng cao.
Sự sôi động trong phiên chợ không chỉ ở các hoạt động mua bán, trao đổi, mà còn ở thanh âm rộn ràng của sự hòa điệu giữa văn hóa, con người khi đến nơi đây với những tiếng khèn, điệu múa của các cô gái, hay tiếng trống thúc giục của trận đấu vật… Một phiên chợ vùng cao sẽ không thể trọn niềm vui khi thiếu đi những món ăn như thắng cố, mèn mén, xôi tím, thịt lợn quay, với những chén rượu say lòng người.
Khi được hỏi, có nhiều du khách cảm thấy sợ món thắng cố, nhưng khi đáp ứng lời mời chào ăn thử, họ bị thuyết phục bởi mùi vị thơm ngon của nó. Và họ cũng mong muốn phiên chợ này sẽ tiếp tục được tổ chức, để có thể tìm hiểu và thưởng thức nhiều món ăn mới lạ hơn nữa.
Chính trong phiên chợ vùng cao này, các chủ thể văn hóa đã có cơ hội giới thiệu về những giá trị truyền thống tới mọi người thông qua tiếng hát, lời ca, các trò chơi dân gian, hay chỉ đơn giản là những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày.
Đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của liên hoan văn hóa các dân tộc Việt Nam với chủ đề: Vận hội năm rồng – đại đoàn kết, khát vọng và thăng hoa. Trong buổi họp báo giới thiệu về ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khắc Phục (tác giả kịch bản lễ hội) có giải thích về tên gọi của đêm tôn vinh, trong thời gian qua đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng chính trong điều kiện đó, chúng ta lại vượt lên mạnh mẽ, vì vậy lấy hình ảnh con rồng với ý nghĩa năm rồng bay lên, xứng đáng là con rồng cháu tiên.
Sân khấu đêm tôn vinh được bố trí trên nền cảnh tự nhiên mặt nước hồ Đồng Mô, được thiết kế với hình ảnh thân thuộc về đất nước và con người Việt Nam. Đêm hội là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống và nghệ thuật đương đại, với sự tham gia của hơn 100 diễn viên đến từ nhiều đơn vị nghệ thuật và trên 200 đồng bào các dân tộc được huy động từ các địa phương.
Đêm tôn vinh đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người tham dự không chỉ bởi tính quy mô, mà còn bởi nét văn hóa dân tộc được thể hiện trong đó. Qua hình ảnh được tái hiện trên sân khấu, người xem được trải nghiệm với sông nước của chợ nổi Nam Bộ, với những chiếc thuyền chở đầy thực phẩm, hay đâu đó văng vẳng tiếng khèn, điệu múa xòe hoa tại phiên chợ tình… Tất cả đưa người xem vào không gian mở, với những tưởng tượng lý thú về vùng đất nơi họ được giới thiệu.
Bên cạnh việc bảo tồn, giới thiệu các nét văn hóa truyền thống như nhà ở, các công trình sinh hoạt cộng đồng…, làng văn hóa cũng đã chú trọng phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể, thông qua việc tái hiện các lễ hội dân gian mang đậm bản sắc của các tộc người thiểu số. Từ những hoạt động này, làng văn hóa đang trở thành điểm đến lý thú trong chuyến hành trình du lịch tìm hiểu giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.
    Làng văn hóa những năm qua đã trở thành cầu nối giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm văn hóa giữa các tộc người, từ đó tương trợ, giúp đỡ nhau, góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Tuệ Sam

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *