/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;}
Người Ma Coong thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều, ngôn ngữ thuộc nhóm Môn – Khơme (1), hiện có khoảng 381 hộ với 1.888 khẩu, mật độ 2,7 người /km2, cư trú tại 18 bản làng rải rác dọc biên giới Việt – Lào. Người Ma Coong lập làng bản và tìm đất canh tác dọc theo các con suối, hai bên bờ khe. Đời sống của đồng bào ở đây còn vô cùng thiếu thốn, vất vả, chủ yếu dựa vào canh tác, trồng lúa, ngô trên nương rẫy và các sản vật kiếm được từ rừng, gắn liền với thói quen du canh du cư, phương thức phát, đốt, chọc, trỉa trên các triền dốc. Nền kinh tế mang tính tự cung tự cấp, cây lương thực chính là ngô và nếp nương. Song nhiều năm do hạn hán, sâu bệnh, thú rừng phá hoại nhiều, thu hoạch không đủ ăn, người Ma Coong phải lên rừng đào củ mài, củ nâu… về để ăn thay cơm.
Từ năm 1960, người Ma Coong đã làm quen với định canh, nuôi trồng…, đặc biệt từ khi có bộ đội biên phòng Cà Roòng hướng dẫn, đồng bào một số bản đã biết trồng lúa, ngô ở giữa các thung lũng, phát triển kinh tế vườn, trồng thêm các cây hoa màu, hoặc khi nông nhàn, họ có thể đánh cá ở các con suối, lấy măng, hái nấm và các loại rau rừng đề cải thiện bữa ăn. Nhìn chung họ sống vẫn còn theo bản năng, hoang dã, mang tính cộng đồng và chưa có khái niệm tích lũy.
Người Ma Coong chưa dệt được vải, chưa có nghề thủ công nào, mới tự chế tác được các đồ gia dụng như dao, gùi đeo, rổ rá, đan giỏ đánh bắt cá… Đời sống kinh tế tuy đã có cải thiện, song so với sự phát triển chung của đất nước, mặt bằng kinh tế của người Ma Coong vẫn còn rất thấp.
Đến với người Ma Coong, với một con đường độc đạo, từ km 0 – di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn (Quảng Bình), men theo đường 20 Quyết Thắng, nối Đông và Tây Trường Sơn. Đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt bị địch đánh phá suốt ngày đêm có thể nói mặt đường trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ Trường Sơn, tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Đường 20 có các trọng điểm mà báo chí thường gọi đó những tọa độ lửa mà ai vượt qua được sẽ trở thành một loại thép đặc biệt không bị nóng chảy. Trong đó ác liệt nhất là trọng điểm Trà Ang, hang Tám TNXP, tập đoàn trọng điểm ATP, tức là cua chữ A, ngầm Te Lê và đèo Phu La Nhích (3). Con đường là tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền nam trong những năm chiến tranh đã trở thành huyền thoại trong lịch sử của dân tộc. Con đường 20 giờ vẫn chon von, hiểm trở với những vách đá dựng ngược và vực sâu thăm thẳm… Bản đầu tiên ta đến là bản Ban, km 44, bản xa nhất là bản 61 (bản này sau này mới đặt tên ứng với km 61), bản Cà Roòng, được người Ma Coong coi là mảnh đất linh thiêng của họ và cũng là nơi đặt trụ sở UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Người Ma Coong quan niệm về lực lượng siêu nhiên…
Từng sống lay lắt, lẩn khuất ở vùng núi xa xôi, heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, với cuộc sống đầy khó khăn gian khổ, đói rét, với rừng thiêng nước độc đầy bí ẩn và chịu sự đe dọa của thú dữ, của nhiều thế lực siêu nhiên, người dân Ma Coong bị lệ thuộc nhiều vào thế giới tự nhiên, bị lực lượng siêu hình ngự trị trong tâm thức. Họ kiêng làm những gì để các thần linh giận dữ, nhằm tránh các tai họa, họ mong rằng thế giới tự nhiên là lực lượng chở che, phù hộ cho họ vượt qua những khó khăn, mang lại sự bình an, và gửi gắm niềm tin vào các thần linh, từ con ma mót, đến các thần núi, thần khe, thần cây cho đến giàng (trời)…
Hình thức thờ cúng nhiều thần này là đặc trưng của các tộc người sống ở miền sơn cước nói chung, khi sự hiểu biết, nhận thức của con người còn hạn chế, cuộc sống còn phụ thuộc quá nhiều vào sự ban phát của thiên nhiên. Đối với người Ma Coong, tín ngưỡng đa thần và thờ cúng tổ tiên đống vai trò chủ đạo. Họ cúng giàng, cúng ma mót, thờ thần núi, thần khe, thần cây… Đây là một hình thức tín ngưỡng có từ thời tổ tiên xa xưa của họ, trong các tộc người sống dọc Trường Sơn nói chung và phía tây Quảng Bình nói riêng. Tư duy hồn nhiên của người xưa đó đã nói lên bản chất của tín ngưỡng: mang lại sự bình an cho gia đình và cả cộng đồng.
Do quan niệm lực lượng siêu nhiên vô hình chi phối nhiều hoạt động của con người, người Ma Coong luôn mong muốn hạn chế tác hại của các loại ma dữ, và tranh thủ sự che chở của các thần linh. Các nghi lễ cúng tế, vì thế, được diễn ra rất thường xuyên, ngay cả trong đời sống thường nhật của họ. Phổ biến hơn cả là tục thờ cúng ma mót và giàng trong các dịp lễ hội, dựng nhà mới, cưới xin, cúng tế khi có người xấu số… Người Ma Coong quan niệm rằng, như khi có người trong gia đình chết, thì linh hồn của họ vẫn còn xung quanh đâu đây, bởi thế mà họ có một tập tục là chia của cho người chết. Họ đan một cái giỏ bằng mây, đựng các kỷ vật của người chết vào trong giỏ và treo lên ở một cái cột trong nhà, cột đó gọi là cột ma.
Cho đến tận bây giờ, hình ảnh của chủ đất được người Ma Coong trân trọng, như một biểu tượng tinh thần, thiêng liêng đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ. Chúng tôi tìm gặp ông Đinh Hợp, chủ tịch xã cùng các già làng để tìm hiểu về ông chủ đất và được biết: “Chủ đất là người có uy tín, được bầu ra từ một dòng họ đã có công chế ngự thú dữ, khai phá tìm ra vùng đất mà họ đang sống bây giờ, và đi đến đâu được người Ma Coong tôn trọng giao cho quyền đặt ra các luật tục”.
Đúng như những gì chúng tôi được nghe kể qua các già trong bản Cà Roòng. Mùa lễ hội đập trống vừa rồi, chủ đất quy định, khúc suối A Ky đã cấm đánh bắt cá trước ngày lễ hội 5 mùa trăng, để bắt đủ 32 con cá từ suối cấm về làm lễ dâng lên thần linh, và sau đó mọi người mới được đánh bắt, và cứ như vậy mùa lễ hội sau lại cấm khúc suối khác. Khi tôi gặp ông chủ đất Đinh Xon, được ông cho biết thêm: một mặt là để thể hiện lòng kính trọng đối với thần linh, mặt khác là cấm đánh bắt như vậy để có thời gian cho cá sinh sôi và lớn lên… Còn có các quy định khác của chủ đất như: rừng thiêng từ phía mặt trời mọc, từ phía mặt trời lặn…, khúc suối thiêng chảy từ hướng ngọn núi này đến bản kia… mấy mùa rẫy không ai được bắt cá, không được vào rừng chặt phá…
Khi có việc vào rừng lấy gỗ dựng nhà mới, lấy mây, tre, gỗ để làm trống hội… thì già làng, chủ đất phải làm lễ động rừng để xin phép thần núi, thần khe… Lễ vật cúng cũng đơn giản, như đọt cây đoác, đọt mây, đọt cây đùng đình… Những quy định và luật tục như vậy, người Ma Coong coi như những lời nguyền thề linh thiêng, rất nâng niu và trân trọng nó, và để rồi họ biết tự bảo vệ rừng, biết có trách nhiệm khai thác những sản vật từ rừng một cách hiệu quả và có tính bền vững. Họ biết lấy củi về đun thì lấy các cành khô, các cành gãy do gió bão, hái nấm, hái măng, đánh cá thế nào không có tính hủy diệt… để cho con cháu của họ có cái ăn, có cái để dựng nhà, mưa bão không làm xói lở nương rẫy của họ…
Người Ma Coong có tục lễ: khi sinh nở, không may mẹ chết thì chôn con theo mẹ. Ông Đinh Hợp và một số người lớn tuổi trong bản Ban nói: Từ năm 1996 trở lại đây, anh Nguyễn Xuân Diệu, quê ở Thừa Thiên Huế, là bộ đội đồn biên phòng 115 nay là 593, giờ là chủ tịch hội nông dân xã, cùng với bộ đội đồn biên phòng đã cứu được nhiều em khỏi tục lễ này. Năm 1996, sau khi nghe tin có một gia đình, người mẹ vừa chết sau khi sinh. Anh Xuân Diệu đã kịp thời đến và giải thích cho gia đình, song gia đình và nhiều người trong bản quyết không nghe theo, họ nói không làm như vậy thì con ma mót về quấy và gây ra tai họa cho dân bản đấy. Người Ma Coong quan niệm: khi người mẹ chết đi, đứa trẻ mới được sinh ra, không ai nuôi, ai cũng sợ con ma nên không ai dám cho con bú, mà đứa bé mới sinh, nó chưa biết gì, nên nó đi theo mẹ thì hai mẹ con được ở gần nhau, sướng hơn là để nó bơ vơ, khổ cho nó và khổ cho dân bản. Sau một hồi giải thích, giằng co, anh Diệu nói, nếu dân bản sợ con ma bắt thì bảo con ma cứ việc bắt tôi đây, vừa nói anh Diệu vừa bế em bé chạy về đồn biên phòng Cà Roòng. Đúng như vậy, người dân trong bản sợ không ai dám cho nó bú, thằng bé khát sữa, mà đường sá đi lại rất khó khăn, giai đoạn đầu nó chỉ có nước đường, nước cơm của bộ đội biên phòng và từ đó cháu có tên là Cu Đường, nay đang học tại trường dân tộc nội trú, ở với bố mẹ nuôi là anh Nguyễn Xuân Diệu và chị Y Nhoan trong bản Cà Roòng 1.
Sau sự kiện động trời đó, người Ma Coong luôn theo dõi và sợ hãi chờ đợi xem những tai họa gì đến với anh Diệu và dân bản. Song không những không có gì xảy ra mà lại có nhiều em bé khác đã được cứu sống khỏi hủ tục này, và rồi dần dần người Ma Coong cũng đã thay đổi quan niệm, tuy nhiên ở một số bản xa, tư tưởng của họ vẫn còn nặng nề, chưa loại bỏ dứt điểm tập tục này.
Người Ma Coong cho rằng, khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật là do con ma nào đó làm hại, hoặc đến vòi ăn, hoặc chính con ma trong nhà không hài lòng điều gì đó… Muốn chữa khỏi bệnh, họ phải nhờ thày cúng đến bói để tìm ra loại ma nào làm hại, từ đó có cách làm lễ cúng, cầu sẽ khỏi, hoặc dùng những phép bùa chú và phép thuật cao tay của mình để chế ngự, loại trừ, xua đuổi tà ma.
Khi bói, thày cúng đọc bài cúng dài(bằng tiếng Ma Coong), gọi tên các loại ma, bằng những phương pháp loại bỏ những ma không làm hại sự việc đó, bằng cách dùng hai thanh tre dài khoảng 20cm, một mặt là trắng, một mặt màu đen, sau khi khấn và đọc thần chú, thày cúng tung lên trời và rơi xuống đất, theo quy định cùng màu hoặc màu nọ màu kia… Bằng cách này, thày cúng đã tìm ra thủ phạm.
Sau khi đã tìm ra con ma hại, thày hướng dẫn gia đình chuẩn bị các đồ lễ vật để cúng tế, sau đó bằng một số đạo cụ như: thanh la, bùa, thanh sắt…, miệng thày nhai vừng đen, vừa nhai vừng vừa đọc thần chú. Nếu là gãy tay, gãy chân thì thày dùng que và dây nẹp lại với lá rừng, vừa khấn vừa thổi vào chổ gãy; ốm đau, khó đẻ… làm lễ cúng, kết hợp dùng thanh sắt nung đỏ, dùng phép uy hiếp, xua đuổi tà ma… Theo ông Đinh Xon và các già trong bản Ban thì thày cúng có nhiều, nhưng thày cao tay như vậy không còn nhiều, ở bản Nông Củ, nay có ông Đinh Loi, ở bản Cồn Roàng có ông Đinh Hôm.
Trong cuộc sống đầy khó khăn và chịu sự đe dọa của nhiều thế lực siêu nhiên, người Ma Coong đã sáng tạo, sở hữu nhiều giá trị tinh thần độc đáo, đáng trân trọng. Tiêu biểu phải nói đến lễ hội đập trống giàu tính bản địa với ý nghĩa sâu sắc là sự cầu may, cầu sự phù hộ, dung hòa giữa con người với thiên nhiên… và ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hòa âm dương…
Việc cúng giàng, cúng ma mót, lễ hội đập trống bắt nguồn từ những câu chuyện truyền thuyết, trong trí tưởng tượng, được người Ma Coong lưu truyền. Đọng lại trong dân gian, trong các thế hệ của cộng đồng là hình tượng thiêng liêng các vị thần. Chính vì vậy người Ma Coong đã thờ cúng các thần theo tín ngưỡng cộng đồng, và cũng chính tinh thần cộng đồng đó là cái nôi hình thành nên lễ hội, ở đó các thành viên có cơ hội giao lưu tình cảm với nhau, giữa các bản, làng trong vùng, các tộc người anh em sống dọc hai bên biên giới Việt Lào…, gửi gắm cho nhau những ước vọng về một cuộc sống no đủ, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Từ xưa đến nay, quan niệm của người Việt nói chung, đã thờ cúng thần linh thì phải có nơi thần ngự (nơi ở) và nơi thần dự. Với các dân tộc ở miền núi, đặc biệt với tộc người sống giữa đại ngàn Trường Sơn thì để có các đình chùa cho thần ngự và dự quả là rất khó. Chính vì vậy, theo quan niệm của họ, thì những cây cổ thụ, hai bên dòng suối có những lùm cây rậm, ngọn núi cao… chính là nơi các thần thường trú ngủ. Bởi vậy người Ma Coong coi bản Cà Roòng là mảnh đất linh thiêng của họ, với đầy đủ các yếu tố cho thần ngự và dự, để làm nơi hàng năm diễn ra lễ hội đập trống.
Trong lễ hội đập trống, trống được coi như một vật thiêng và là linh hồn của lễ hội. Từ các công đoạn làm trống, chọn người vào rừng lấy gỗ, lấy mây, bắt cá ở suối thiêng về cúng… diễn ra với các nghi thức chặt chẽ. Sau phần lễ rất linh thiêng, có tục lễ đập trống từ khi làm lễ xong, cho đến sáng, lúc nào trống vỡ, thì bắt đầu giàng cho yêu. Năm nay, chúng tôi trắng đêm cùng hội lễ… chưa đến giờ giàng cho yêu đã thấy một số đi… Chúng tôi được các già cho biết: “Đó là những người anh em từ nơi khác đến, không phải người Ma Coong mình, tập tục này được người Ma Coong nâng niu gìn giữ từ lâu, làm trái là giàng phạt đấy…”. Theo ông Đinh Xon, năm nào trống không vỡ, năm đó có điềm báo không may đến với họ. Những lần đó, sáng hôm sau người Ma Coong chia nhau từng tốp vào các nhà trong bản Cà Roòng, được chủ nhà coi như người anh em, khoản đãi một bữa rượu vò, cơm nếp vui vẻ, rồi hẹn ước mùa hội sau…
Địa bàn tụ cư của người Ma Coong là những không gian biệt lập, heo hút bị chia cắt bởi khe suối, những dãy núi chất ngất…, bởi vậy, điều kiện tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài rất hạn chế. Cho đến nay, ánh sáng điện, thông tin liên lạc… chưa đến được với đồng bào Ma Coong, họ sống và sinh hoạt cộng đồng còn mang tính bản năng, theo tập tục nhiều hơn pháp luật. Điều này khiến nảy sinh các hủ tục mang nặng yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, các thế lực siêu hình ngự trị trong tâm tưởng của họ, với lối tư duy đó, đôi khi phản khoa học…
Tuy nhiên, với quan niệm mộc mạc ấy, phần nào mang lại cho họ nhiều tính hướng thiện, tích cực… Theo quan niệm của người Ma Coong, giàng là một vị thần đã sinh thành nên con người, luôn gần gũi giúp đỡ họ; ma có trong thiên nhiên như ma rú (rừng), ma mót, ma khe, ma về từ rừng thiêng… Niềm tin ấy luôn song hành cùng Người Ma Coong từ xưa cho đến nay. Họ lạc quan, hồn nhiên vượt qua khó khăn với bao biến cố thăng trầm… Việc thờ cúng thiên nhiên để cầu mong sự phù hộ chở che, cầu sinh sôi nảy nở, cầu sức khoẻ, ít gặp tai họa và bớt đi những lo âu, trong khi cuộc sống hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, khả năng chế ngự lại thiên nhiên còn quá nhỏ bé. Họ đã gửi gắm niềm tin thiêng liêng vào các lực lượng siêu nhiên đó, với việc truyền tụng các thế hệ trong dân gian, thể hiện cách ứng xử hài hòa của người Ma Coong với môi trường thiên nhiên… nhằm giáo dục ý thức gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tạo nên sự gắn bó bền chặt với những nét đẹp truyền thống; góp phần giáo dục các thế hệ nuôi dưỡng ý thức nguồn cội làm nền tảng hướng tới tương lai.
_______________
1. Thành phần các dân tộc Việt Nam, Tổng cục Thống kê, 1979.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010
Tác giả : Nguyễn Văn Trung
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng