/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}
Chỉ vài năm trước đây, sự ảnh hưởng của mỹ thuật đa phương tiện (MTĐPT) trong lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm chú ý và đánh giá một cách đúng mức. Việc sử dụng đồ họa vi tính đã được áp dụng nhiều trong những lĩnh vực quan trọng của khoa học và công nghệ như: y học, cơ khí, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn… Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghệ thuật, hiếm có ai để ý đến những họa sĩ sử dụng máy vi tính như là một công cụ thể hiện tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ trong giới mỹ thuật cũng chưa chính thức thừa nhận MTĐPT như là một loại hình nghệ thuật.
Một trong những nguyên nhân chính của sự không thừa nhận này có thể là do các tác phẩm MTĐPT không đi theo lối truyền thống mà từ trước đến nay các nghệ sĩ vẫn thường sử dụng để thể hiện tác phẩm của mình. Hơn thế nữa, khởi đầu của MTĐPT lại bắt đầu từ những ứng dụng mang tính chất khoa học, logic và chính xác. Trong giới phê bình nghệ thuật cũng vậy, các nhà phê bình nghệ thuật ở Việt Nam chưa thực sự tiếp cận với các tác phẩm MTĐPT nhằm định hướng nghệ thuật và dự báo cho sự ra đời và bùng nổ của MTĐPT ở Việt Nam… Mặc dù vậy, MTĐPT vẫn tồn tại, phát triển và nở rộ mạnh mẽ trong những năm gần đây, bất chấp việc nó có được thừa nhận hay không được thừa nhận là một loại hình nghệ thuật và những ảnh hưởng của nó đến nền nghệ thuật thị giác Việt Nam cũng không nhỏ.
Việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong kỷ nguyên kỹ thuật số đã đem lại những biến đổi lớn về quan niệm cũng như hình thức sáng tạo nghệ thuật. Thật vậy, khi xã hội phát triển thì nền kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của người dân cũng được nâng cao và ngày càng đa dạng. Tự thân nghệ thuật tạo hình cũng cần phải có sự thay đổi về chất, đa dạng hóa nội dung và chất liệu biểu đạt cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đặc biệt là cần phải có một cách thức để đưa nghệ thuật đến với công chúng thưởng thức. Tác phẩm tạo hình được sáng tạo ra không thể bị đóng băng và nằm thụ động trong những gallery hoặc những bảo tàng nhỏ bé chật chội với ít khách thăm quan và thưởng ngoạn. Những tác phẩm này phải được công chúng trong nước và quốc tế thưởng thức, bởi lẽ đó chính là nguồn cổ vũ động viên cho người nghệ sĩ sáng tạo ra chúng. Để giải quyết được những vấn đề này, một nhánh mới của nghệ thuật được nảy sinh với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông. Đó chính là MTĐPT. Cũng tương tự như trường hợp của nghệ thuật nhiếp ảnh trong lịch sử phát triển phải biến đổi vào nghệ thuật điện ảnh và truyền hình. Thông qua MTĐPT, người nghệ sĩ thỏa mãn sự thể nghiệm của mình trên nhiều chất liệu, bằng nhiều phương tiện và những tiện ích của công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Trước kia, họa sĩ phải mất rất nhiều thời gian để làm phác thảo, từ phác thảo ý tưởng, phác thảo thô, cho đến những bản phác thảo chi tiết, phác thảo màu… để có hiệu quả rất gần với tác phẩm sẽ hoàn thành. Ngày nay, MTĐPT chính là giải pháp tốt nhất cho sự thể nghiệm và tìm tòi của họa sĩ. Hơn thế nữa, MTĐPT cũng có thể được xem như một trò giải trí tiêu khiển của họa sĩ. Nó là món khoái khẩu của hầu hết sinh viên học ngành mỹ thuật nói chung và MTĐPT nói riêng. Bởi lẽ, từ lĩnh vực thiết kế mỹ thuật chuyển sang vẽ tranh nghệ thuật là một hình thức giải trí lành mạnh. MTĐPT đã và đang trở thành người bạn thân thiết, là phương tiện thỏa mãn khát vọng thể nghiệm và sáng tạo của nhiều họa sĩ trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, nó mở ra khả năng vô hạn của chất liệu sáng tác, gần gũi và dễ hòa nhập nên phù hợp với xu hướng xã hội hóa nghệ thuật hiện nay.
Thông qua quá trình số hóa các yếu tố thị giác của hội họa truyền thống, họa sĩ có thể chuyển được vào máy vi tính không chỉ là những ảnh tĩnh, mà còn cả hình ảnh động và phim video. Họ có thể sáng tạo, biên tập, thêm bớt các kỹ xảo hiệu ứng: lồng vào các cảnh phụ, thay âm thanh hoặc lời nói, thay đổi màu sắc, để rồi kết xuất ra thành những tác phẩm nghệ thuật rất ấn tượng… Tất cả mọi yếu tố của tác phẩm đều được biến đổi thành dạng kỹ thuật số, ngay cả video và âm thanh cũng được số hóa nhằm phục vụ cho mục đích sáng tác. Đường nét, màu sắc kết hợp với âm thanh, được thể hiện sinh động trong các hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều. Nhờ vào các tiện ích đa phương tiện mà các tác phẩm MTĐPT trở nên cụ thể và sống động hơn. Máy vi tính là phương tiện chính góp phần giảm nhẹ công việc của các họa sĩ. Tuy nhiên, sự thuận tiện trong quá trình sáng tác bằng cách sử dụng đồ họa vi tính đã làm cho một bộ phận không ít họa sĩ phụ thuộc vào máy tính. Họ không thể vẽ nếu như không có sự trợ giúp của máy tính. Những tác phẩm với đủ những hiệu ứng phức tạp làm mất đi tính trong sáng của tác phẩm. Thực tế, những hiệu ứng ánh sáng và màu sắc lòe loẹt này không thể che đậy được những bố cục vụng về, những ý tưởng tầm thường, thậm chí trong một số trường hợp lại phản văn hóa.
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, khái niệm không gian truyền thống đã được mở rộng không chỉ là ba chiều (chiều dài, chiều rộng, chiều sâu) mà đã được khai thác tối đa, chiều thứ tư – chiều thời gian thông qua hoạt hình (animation), thậm chí cả chiều thứ năm – chiều tương tác (interactive)… nhằm tác động mạnh mẽ đến người xem. Lĩnh vực này hoàn toàn mới mẻ so với hội họa truyền thống. Nó ít nhiều làm đa dạng hóa đội ngũ nghệ sĩ sáng tác trong nước. Một số họa sĩ trẻ có điều kiện tiếp xúc với đồ họa vi tính, có khả năng tiếp cận và làm chủ lĩnh vực MTĐPT một cách nhanh chóng. Họ trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực MTĐPT ở Việt Nam. Bên cạnh đó, còn một số những họa sĩ trung niên – cao tuổi, có vốn ngoại ngữ và đồ họa vi tính hạn chế, họ vẫn trung thành với phương tiện truyền thống. Bù lại, họ có kinh nghiệm, tay nghề, ý tưởng, phương pháp quản lý nghệ thuật… đó là những cứu cánh giúp họ khẳng định được giá trị của mình. Đa số họ trở thành những nhà quản lý dự án và giám đốc ý tưởng (arts director).
Tương tự như sự biến đổi của mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng cũng tiến một bước dài nhằm thích nghi với điều kiện sản xuất công nghiệp hiện đại và đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội. Trên thực tế, thiết kế MTĐPT ra đời như là một tất yếu trong quá trình vận động của ngành thiết kế mỹ thuật. MTĐPT sử dụng máy vi tính với tư cách là một công cụ hỗ trợ sáng tác đa chức năng, thể hiện ý tưởng sáng tạo và quá trình sản xuất những sản phẩm thẩm mỹ. Việc khai thác triệt để khả năng đồ họa của máy tính giúp họa sĩ thiết kế có thể xây dựng và phát triển dễ dàng các hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều, tĩnh hoặc động… Điều này giúp cho họa sĩ phát huy hết năng lực sáng tạo của mình trong một khoảng thời gian ngắn. Quá trình số hóa (digitalize) đã và đang đặt ra một vấn đề lớn trong việc dần thay đổi thói quen thiết kế và sáng tạo của họa sĩ Việt Nam hiện nay. Việc thiết kế sản phẩm trước kia chủ yếu dựa vào cảm tính của nhà thiết kế, đường nét, màu sắc khi ứng dụng trên sản phẩm có độ chính xác không cao khi chúng được đem vào sản xuất công nghiệp. Trái lại, quá trình thiết kế đồ họa công nghiệp chủ yếu chú trọng đến yếu tố sản xuất hàng loạt, chính xác, nhanh chóng nhằm tiết kiệm thời gian và giảm giá thành sản phẩm… Do đó, các yếu tố thị giác trong vẽ thiết kế truyền thống nay đã dần được số hóa nhằm đảm bảo sự chính xác và chuẩn công nghiệp trên toàn thế giới: điểm chấm, đường nét, màu sắc… đều phải được quy định cụ thể rõ ràng, có thể đo lường được một cách chính xác qua các thông số. Ngay cả những đường cong mà trước đây được họa sĩ vẽ một cách phóng khoáng đầy cảm hứng và tự do nhất thì nay cũng vẫn có thể được biểu diễn bằng những hàm toán học nhất định nào đó. Khi chúng được kết xuất ra sản phẩm đều cho sự chính xác và thống nhất cao trên mọi sản phẩm. Đây là một ưu điểm lớn trong sản xuất công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng là một nhược điểm của việc thiết kế MTĐPT. Hiện nay đã xuất hiện nguy cơ hình thành nên một thế hệ họa sĩ thiết kế bị số hóa, với những tác phẩm khô khan và vô cảm. Họ dùng những phần mềm đã được lập trình sẵn để thay cho cảm xúc sáng tạo… Nhiều họa sĩ luôn cân nhắc về những lợi ích mà đồ họa vi tính đem lại cho quá trình sáng tạo với những cảm xúc ngẫu hứng của người nghệ sĩ mà chiếc máy vi tính lấy đi trong quá trình thể hiện tác phẩm…
Sự xuất hiện MTĐPT gắn liền với các tiện ích của công nghệ thông tin cũng tạo nên những biến đổi không nhỏ trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Việc tiếp cận những thông tin liên quan đến nghệ thuật và hoạt động nghệ thuật trên thế giới thông qua mạng internet đã giúp cho các họa sĩ trong nước có được những kiến thức đa dạng và cập nhật về hoạt động mỹ thuật trong nước và quốc tế. Trao đổi kinh nghiệm, học tập, thảo luận, hội thảo, triển lãm mỹ thuật… trên mạng internet cũng là một trong những trào lưu mang tính cách mạng trong hoạt động nghệ thuật. Nếu một họa sĩ có một ý tưởng hấp dẫn hoặc một đề tài ưa thích thì anh ta có thể gia nhập vào một nhóm trên internet và chia sẻ quan điểm, ý tưởng của mình với những người khác. Hơn thế nữa, internet cũng đã tạo nên một thị trường mua bán tranh dưới dạng kỹ thuật số rất năng động: một số gallery ảo (virtual gallery) và trang web cá nhân cuả các họa sĩ trên mạng internet đã được hình thành, thực hiện giao dịch 24/24. Việc trao đổi văn hóa và kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như học thuật đã trở nên rộng mở. Họa sĩ có thể tiếp cận với các trào lưu nghệ thuật của thế giới một cách trực tiếp và chủ động. Đây chính là những thuận lợi lớn cho việc phát triển nền nghệ thuật của Việt Nam. MTĐPT gắn liền với internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho các họa sĩ trong nước tiếp nhận nghệ thuật mới và tác phẩm của họ có thể trực tiếp đến được với người thưởng thức trong và ngoài nước.
Như vậy, kỷ nguyên kỹ thuật số đã đem lại cho nghệ thuật thị giác Việt Nam nói chung và MTĐPT nói riêng những thời cơ hết sức thuận lợi để phát triển và thể hiện vai trò của mình trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức mới. Họa sĩ vừa phải trau dồi kỹ năng, khả năng sáng tạo của mình đồng thời cũng phải liên tục cập nhật những thông tin khoa học, kỹ thuật mới nhằm tạo ra những sản phẩm thẩm mỹ phù hợp với sự vận động chung của nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân loại. Tự động hóa và vi tính hóa là một trong những xu thế mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số, giúp giải phóng con người nói chung và nghệ sĩ nói riêng. Nó giúp họa sĩ rất nhiều trong mọi khâu của tiến trình sáng tạo và thiết kế: từ phác thảo tìm ý, tìm kiếm thông tin liên quan đến con người, xã hội… đến việc thể hiện tác phẩm, trưng bày, triển lãm… đều ít nhiều có sự trợ giúp của vi tính. Trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, chúng ta tin tưởng vào thế hệ họa sĩ mới, thông minh, năng động, sáng tạo và đầy tự tin. Họ sẽ là những sứ giả của Việt Nam tạo được những dấu ấn trong lĩnh vực MTĐPT của thế giới. Thể hiện được tư tưởng tình cảm của người dân Việt đồng thời cũng tạo ra những giá trị văn hóa mang đậm nét Việt Nam.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010
Tác giả : Nguyễn Đức Sơn
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng