Văn hóa được hình thành cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người, là đối tượng của nhận thức ngay từ khi triết học mới ra đời vào thời Cổ đại. Tuy nhiên, phải đến giữa TK XIX, với sự ra đời của ngành Văn hóa học, văn hóa mới được nghiên cứu một cách tổng thể và là đối tượng chuyên biệt của một khoa học liên ngành. Sau gần hai thế kỷ, văn hóa đang giữ vị trí đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc điều tiết và thúc đẩy mọi mặt của xã hội; kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người; là động lực của sự phát triển.
Không phải ở TK XXI, văn hóa mới được gắn với phát triển như một sự tồn tại tất yếu, mà thực tế, những cách hiểu về văn hóa và phát triển đã manh nha từ cuối TK XIX, không ngừng được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu mang tính lý luận và thực tiễn. Một trong những luận thuyết tiên phong trong việc nghiên cứu văn hóa và sự vận động của văn hóa trong đời sống xã hội là thuyết Tiến hóa luận văn hóa – xã hội. Có khá nhiều tiền đề lịch sử và lý luận dẫn đến sự ra đời và phát triển của khoa học nghiên cứu về văn hóa, có thể tóm lược lại như sau:
Thứ nhất, cuối TK XVIII đầu TK XIX, sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản ra khắp thế giới đặt ra nhu cầu nghiên cứu phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt… của người bản xứ giúp chính quyền thực dân khai thác thuộc địa hiệu quả hơn.
Thứ hai, trong TK XIX, chủ nghĩa tư bản châu Âu đã có những bước phát triển nhảy vọt về công nghiệp hóa, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường…, kéo theo những xáo trộn, bất ổn trong đời sống văn hóa – xã hội: sự suy thoái đạo đức, khủng hoảng niềm tin, hệ giá trị cổ truyền tan rã, xuất hiện những hình thức văn hóa mới chưa từng có trong lịch sử… Tất cả điều đó tác động trực tiếp đến suy nghĩ của các nhà khoa học, dẫn tới nhu cầu nghiên cứu văn hóa – xã hội để phục vụ cho sự ổn định xã hội, duy trì truyền thống văn hóa và bản sắc tộc người.
Thứ ba, triết học thời Khai sáng đã thúc đẩy việc khảo sát các vấn đề lịch sử và lý luận về văn hóa. Chẳng hạn, tư tưởng quyết định luận địa lý trong học thuyết của Charles-Louis de Montesquieu (1689-1775) đề cao luận điểm con người, dân tộc, phong tục đều là sản phẩm chịu tác động của môi trường tự nhiên bao quanh. Học thuyết của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) và Denis Diderot (1731-1784) về người hoang dã hào hiệp sống theo quy luật tự nhiên của thiên nhiên. Học thuyết của Voltaire (1694-1778) về các giai đoạn thông sử của sự phát triển văn hóa và nhiều tư tưởng của các triết gia khác đã gợi mở những xu hướng mới trong nghiên cứu văn hóa.
Thứ tư, các giả thuyết về nguồn gốc vũ trụ của Immanuel Kant (1775) và Pierre Simon Laplace (1796) trong thiên văn học, cách tiếp cận tiến hóa luận trong địa chất học của Sir Charles Lyell (1830)… đã đưa đến những khẳng định về một thế giới quan tiến hóa. Nguyên lý phát triển trong sinh hoạt của J. B. Lamarck (1809), lý thuyết tiến hóa trong thế giới hữu cơ của Charles Robert Darwin và Alfred Russel Wallace vào những năm 50 của TK XIX có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tư tưởng tiến hóa đã giành được ưu thế trong nhiều ngành khoa học khác nhau ở Anh, Mỹ, Đức, Pháp và đẩy lùi quan niệm bán thần thánh ra khỏi khoa học, nhập vào lĩnh vực nghiên cứu về con người và văn hóa. Giữa TK XIX, ở một số nước châu Âu đã thành lập các hội nghiên cứu địa lý, nhân học, dân tộc học, cung cấp thông tin về những đặc điểm của sự phát triển và vận hành các nền văn hóa khác nhau. Hội Dân tộc học ở Paris được thành lập đầu tiên (1839), sau đó cải tổ thành hội Nhân học (1859). Hội Dân tộc Mỹ được thành lập ở New York (1842), ở Anh (1863) và sau cũng đổi thành Hội Nhân học (1871). Các hội này liên kết lại với nhau và thành lập ra Viện Nghiên cứu Nhân học Hoàng gia Anh và Ái Nhĩ Lan. Ở Đức, Hội Nhân học, Dân tộc học và Tiền sử học được thành lập vào năm 1869. Ngoài các hội, các trung tâm văn hóa, một số bảo tàng nhân học, dân tộc học ở các thành phố lớn của châu Âu và Mỹ bắt đầu xuất hiện. Sự ra đời các ấn phẩm định kỳ về chuyên môn được coi là giai đoạn cuối cùng của quá trình tổ chức nghiên cứu văn hóa.
Người có công mở đường cho khoa học nghiên cứu về văn hóa là E.B.Tylor (1832-1917), nhà nhân học người Anh. Trong công trình Văn hóa nguyên thủy (1871), Nhân học (1881) và hơn 200 công trình nghiên cứu khác, Tylor đã trình bày quan niệm tiến hóa đơn tuyến trong văn hóa. Theo ông, tất cả các nền văn hóa đều trải qua các giai đoạn phát triển giống nhau, theo một trật tự như nhau, liên tục từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Tylor chia lịch sử văn hóa của loài người ra ba giai đoạn: mông muội (thời Nguyên thủy) – dã man (thời Trung cổ) – văn minh (thời Cận đại, Hiện đại). Sự tiến hóa này diễn ra liên tục qua các giai đoạn khác nhau, phát triển đến đỉnh cao là văn minh và mang tính chất bắt buộc đối với mọi xã hội.
Trong thuyết Tiến hóa văn hóa của Tylor, dù chỉ là tiến hóa luận đơn tuyến và còn tồn tại một số luận điểm còn mang tính suy diễn và áp đặt, song nó giúp chúng ta có sự tiến bộ trong nhận thức. Từ góc nhìn của học thuyết này, khi xem xét trên quy mô lớn và trong toàn bộ diễn trình lịch sử văn hóa của nhân loại, chúng ta nhận thấy rằng: mọi xã hội/ mọi nền văn hóa luôn tiến hóa, giai đoạn sau phát triển cao hơn, phức tạp hơn và hoàn thiện hơn giai đoạn trước. Chính vì vậy, một số nhà nghiên cứu sau này gọi thuyết Tiến hóa luận của Tylor là lý thuyết phát triển để chống lại cái gọi là lý thuyết suy thoái (1).
Cùng với E.B.Tylor, hai nhà cách mạng tiêu biểu là K.Marx và F.Engels cũng trình bày các luận điểm bàn về sự tiến hóa của xã hội loài người trong học thuyết xã hội học của mình. Marx cho rằng, xã hội đã trải qua bốn giai đoạn tiến hóa, từ xã hội công xã nguyên thủy dựa trên săn bắt và hái lượm những gì thiên nhiên cung cấp; đến một xã hội chiếm hữu nô lệ thời kỳ Cổ đại đã bắt đầu có sự phân chia giai cấp; đến một xã hội phong kiến đã hoàn thiện bộ máy nhà nước; đến một xã hội tư bản đã hình thành giai cấp tư sản nắm giữ tư liệu sản xuất tiến bộ đã được máy móc và cơ giới hóa (2).
Lịch sử là một chuỗi nối tiếp các thời kỳ tiến hóa, mà trong đó mỗi thời kỳ nói trên được ghi dấu bởi một phương thức sản xuất duy nhất. Giống như E.B.Tylor đã vạch ra hướng tiến hóa của xã hội của loài người là từ thời kỳ mông muội đến dã man và đến thời kỳ văn minh, Marx và Engels cho rằng lịch sử châu Âu sau khi chuyển qua bốn giai đoạn, rồi sẽ đến xã hội Cộng sản chủ nghĩa và đây là bước tiếp theo trong tiến trình ấy một cách tất yếu. Để có được sự thay đổi xã hội theo hướng tiến hóa và ngày càng tốt đẹp hơn, không thể thiếu các cuộc đấu tranh cách mạng triệt để.
Quan điểm tiến hóa luận xã hội của Marx và Engels tuy chưa được công nhận là tiến hóa luận đa tuyến nhưng đã có sự tiến bộ hơn so với tiến hóa luận đơn tuyến của E.B.Tylor. Mặc dù, xã hội loài người ngày càng phát triển và hoàn thiện, nhưng bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay thế bằng sự vật mới. Tương tự như vậy, mỗi hình thái ý thức xã hội tương ứng với một giai đoạn nhất định cũng có quá trình tồn tại, phát triển và suy tàn, sau đó nó được thay thế bởi một hình thái ý thức xã hội khác tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn. Sơ đồ hình sin, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước có thể coi là sơ đồ khái quát sự phát triển của lịch sử nhân loại từ góc nhìn của thuyết Tiến hóa luận xã hội của Marx và Engels.
Tiếp thu và phát triển các thuyết Tiến hóa luận cuối TK XIX, đến giữa TK XX, một số nhà nhân chủng học người Mỹ, bao gồm Leslie A. White, Julian H. Steward, Marshall D. Sahlins, và Elman R. Service, đã làm dấy lên các cuộc thảo luận liên quan đến sự thay đổi văn hóa theo thời gian. Họ bác bỏ hoàn toàn các giai đoạn tiến hóa phổ quát đơn tuyến, thay vào đó là khái niệm sự tiến hóa văn hóa là đa tuyến. Họ cho rằng, mặc dù không có thay đổi tiến hóa cụ thể nào được xác định chung cho tất cả các nền văn hóa trên toàn cầu, nhưng xã hội loài người vẫn không ngừng tiến hóa hoặc tiến bộ. Cơ chế chính cho sự tiến bộ đó liên quan đến những đột phá về kỹ thuật/ công nghệ, giúp các xã hội thích nghi hơn và chiếm ưu thế hơn đối với môi trường xã hội. Những cải tiến về hình thức công cụ sản xuất hoặc vật liệu sinh hoạt chuyển đổi qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt và sau đó là cách mạng công nghiệp, giao thông vận tải (từ người đi bộ sang người cưỡi ngựa sang các hình thức cơ giới) và sản xuất lương thực (từ săn bắt và hái lượm đến nông nghiệp) là minh chứng sống động cho sự tiến hóa qua các giai đoạn để đạt đến đỉnh cao của sự phát triển (3).
Trên cơ sở nghiên cứu các thuyết Tiến hóa luận văn hóa – xã hội nói trên, có thể nhận thấy: con người và những sáng tạo của họ đã có đóng góp rất lớn cho sự tiến hóa văn hóa của các cộng đồng người qua từng giai đoạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của lịch sử nhân loại. Tiến hóa luận đa tuyến đã chứng minh rằng: trong quá trình tồn tại và phát triển, xã hội loài người không phải luôn tiến hóa một mạch theo hướng tiến lên. Ở mỗi một thời điểm quan trọng, trước những biến cố lớn hoặc sau một giai đoạn suy tàn, văn hóa sẽ tạm lắng lại, tìm ra cách thức để biến đổi, thích nghi và tiếp tục tiến hóa. Sự tiến hóa văn hóa sẽ tác động và kéo sự biến đổi toàn diện của các lĩnh vực trong đời sống xã hội để chuyển sang một giai đoạn mới, một hình thái ý thức xã hội tiến bộ và phát triển hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của nhân loại, ngày 8-12-1986, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 41 đã thông qua nghị quyết chung tuyên bố thập kỷ thế giới về văn hóa trong phát triển hay còn gọi là Thập kỷ Thế giới phát triển văn hóa (1988-1997). Ngày 21-1-1988, F.Mayor, Tổng giám đốc Tổ chức Khoa học Văn hóa và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã long trọng phát động thập kỷ quan trọng đó. Tại buổi lễ này, ông F.Mayor nhấn mạnh: “văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau”, người ta không thể chỉ thuần tuý chú trọng đến mặt kinh tế của sự phát triển để rồi lãng quên khía cạnh văn hóa của sự phát triển ấy (4). Trải qua hơn ba thập kỷ, văn hóa và phát triển luôn đồng hành và nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới.
Khi nói đến văn hóa và phát triển, cần có sự tách bạch, rạch ròi về 2 cách hiểu: văn hóa trong phát triển và phát triển văn hóa.
Ở cách hiểu thứ nhất, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa – xã hội cho rằng, khi nói đến văn hóa và phát triển cần đặt hai khái niệm này độc lập với nhau. “Văn hóa là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần được nhân loại sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn lịch sử – xã hội, các giá trị ấy nói lên trình độ phát triển của lịch sử loài người” (5).
Phát triển, về mặt thuật ngữ được hiểu là làm cho nhiều lên, làm cho to ra, làm cho lớn lên, biến yếu thành mạnh. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở, “Phát triển là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ” (6). Khái niệm phát triển không nên đóng cứng trong một lĩnh vực cụ thể nào mà nó chính là kết quả cho các hoạt động sáng tạo của con người trên mọi phương diện, trong tất cả các lĩnh vực nhưng phải gắn với một quá trình nhất định.
Phát triển là khái niệm chung để chỉ sự tiến bộ không ngừng của xã hội, trong đó văn hóa là một lĩnh vực có đóng góp rất lớn vào sự phát triển đó. Như vậy, văn hóa không ngừng tham gia vào quá trình phát triển. Ngoài sự phát triển tự thân, nó còn liên quan, ràng buộc và thúc đẩy những lĩnh vực khác cùng tham gia vào quá trình phát triển chung.
Ở cách hiểu thứ hai, các nhà chính trị học đôi khi đồng nhất khái niệm văn hóa và phát triển với khá Ở cách hiểu thứ hai, các nhà chính trị học đôi khi đồng nhất khái niệm văn hóa và phát triển với khái niệm phát triển văn hóa. Thực chất phát triển văn hóa thường chỉ được nói tới khi người ta xem xét sự vận động, sự gia tăng tiến bộ… của các lĩnh vực cụ thể trong hoạt động văn hóa. Phát triển văn hóa là một quá trình có tính tất yếu và khách quan trong sự vận động của các lĩnh vực văn hóa. Quá trình này dẫn tới sự biến đổi giá trị và hệ giá trị. Tính tất yếu và khách quan của quá trình này, tuy không đơn giản, không đơn tuyến, và thậm chí có lúc thụt lùi, tha hóa, nhưng xu hướng chung vẫn là đảm bảo cho cuộc sống của con người hướng tới cái tốt, cái thiện và cái đẹp ngày một cao hơn, nhân đạo hơn (7).
Tuy hai cách hiểu này có phạm vi rộng hẹp khác nhau, nhưng đều đi đến một kết luận: văn hóa luôn tham gia vào quá trình phát triển. Có thể coi, phát triển văn hóa là bước căn bản, cần thiết tạo tiền cho những đóng góp của văn hóa trong phát triển một cách toàn diện. Có thể nhận thấy, nội dung của khái niệm văn hóa đã hàm chứa sự phát triển trong đó. Ngược lại, khái niệm phát triển đã phản ánh bản chất của văn hóa,đó là sự vận động không ngừng của sáng tạo.
Cộng đồng/ quốc gia nào không chú ý đến văn hóa, cũng như nhân tố văn hóa của sự phát triển của cộng đồng/ quốc gia đó, có nghĩa họ đã tự huỷ hoại tiềm năng sáng tạo. F.Mayor, cựu Tổng giám đốc của UNESCO nhấn mạnh: văn hóa phải được con người coi là “giữ vị trí trung tâm có vai trò điều tiết đối với sự phát triển của xã hội”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi phát động thập kỷ thế giới về văn hóa trong phát triển, tại hầu hết mọi quốc gia trên toàn cầu, các học giả và các nhà hoạt động xã hội đã đồng thanh hưởng ứng quan điểm của UNESCO.
Văn hóa luôn gắn với sự phát triển của các cộng đồng người, dân tộc và nhân loại. Ngay trong những thời điểm được cho là bất lợi nhất, khó khăn nhất, bằng cách riêng của mình, con người nói riêng và các cộng đồng/ dân tộc nói chung đã không ngừng nỗ lực, có các phương thức sáng tạo mới để tồn tại và phát triển. Có thể nói, văn hóa, bằng hệ giá trị và chuẩn mực của nó có thể thúc đẩy và điều chỉnh các hoạt động xã hội của con người, nó biểu hiện như là một động lực của sự phát triển đời sống xã hội.
_______________
1. George Kerlin Park, “Animism”, Từ điển bách khoa toàn thư Anh, britannica.com, 29-10-2020.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
3. Elizabeth Prine Pauls, “Cultural evolution”, Từ điển bách khoa toàn thư Anh, britannica.com, 3-8-2020.
4, 7. Dẫn theo Hồ Sĩ Quý, Những cuộc tranh luận và sự phát triển trong nhận thức về chức năng của văn hóa, hdll.vn, 17-9-2018.
5. Từ điển Triết học, Nxb Nauka, Moskva, 1972.
6. “Phát triển”, vi.wikipedia.org, 25-6-2021.
Tác giả: Ths Lê Thị Kim Loan
Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay