Giữa năm 2020, trong một cuộc bán đấu giá ở Pháp, Quỹ Vincent Van Gogh, Hà Lan, mua được một bức thư viết chung của Van Gogh (1853 – 1890) và danh họa Pháp Paul Gauguin (1848 – 1903), gửi cho người bạn chung, họa sĩ Pháp Emile Bernard (1868 – 1941). Bức thư đề ngày 1 và 2-11-1888, hai người thay nhau viết về những ngày sáng tác nồng nhiệt bên nhau trên đất Pháp. Nổi bật lên là tình yêu nghệ thuật mãnh liệt và niềm tin vào vai trò lớn lao của nghệ thuật đối với tiến bộ và lành mạnh xã hội.
Bức thư được Bảo tàng Van Gogh Hà Lan đưa vào như một điểm nhấn tại cuộc triển lãm tiêu đề Vicent yêu dấu của bạn: Những bức thư hay nhất của Van Gogh (1), từ tháng 10-2020 đến tháng 1-2021. Bức thư là tư liệu quý giá, góp phần giải mã những bi kịch cuộc đời của danh họa này.
Van Gogh mê ánh sáng mặt trời, thứ ánh sáng tinh khiết, thuần hậu, nồng nhiệt. Nên từ đầu năm 1888, ông chuyển đến sống ở Arles, vùng đất Pháp lai láng ánh dương như vậy. Đến đây chưa bao lâu, ông viết thư mời Gauguin hội ngộ, để cùng khởi động Xưởng vẽ miền Trung, thực chất là kiểu cộng đồng tập thể cộng sản chủ nghĩa, theo sáng kiến nức lòng của nhà triết học Pháp Charles Fourier (1772-1837). Tháng 10 năm đó, Gauguin tới Arles cùng Van Gogh. Hai người ý hợp tâm đầu về nhu cầu đổi mới nghệ thuật. Nghệ thuật mới sẽ góp phần đắc lực cho hòa bình và ổn định của xã hội. Nhờ hòa bình đó, quảng đại dân thường sẽ yên ổn và hạnh phúc. Đây là nội dung chính của bức thư hai ông viết chung, gửi cho E.Bernard, như nói ở đầu bài viết. Hai ông dụng ý mời chàng trai đến góp sức cho sự ra đời của Xưởng vẽ cộng sản chủ nghĩa (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu). Một xưởng vẽ như vậy là rất đáng mong đợi. Sự chung sức chung lòng vô tư vì lợi ích chung sẽ khiến cho không chỉ năng suất lao động mà cả chất lượng tác phẩm tăng cao liên tục. Muốn vậy, mỗi họa sĩ thành viên phải đạt tới tính công dân cao nhất, coi thành quả cho tập thể là tối thượng. Từ chuyện này, ý kiến của Van Gogh và Gauguin bắt đầu có những mâu thuẫn. Muốn vẽ tranh thì hằng ngày, các họa sĩ phải được ăn uống đầy đủ. Chuyện này ai lo? Van Gogh liệu có thể chu cấp mãi cho vài chục họa sĩ, bởi vì không phải tranh vẽ xong là bán được liền!… Cuộc tranh luận về việc này gay gắt tới mức Gauguin bỏ chạy ra ngoài, Van Gogh (tay đang cầm một lưỡi dao cạo mỏng) đuổi theo… Đó là ngày 23-12-1888.
Tưởng hai người truy sát nhau, cảnh sát đã bắt họ nhưng thả ngay khi biết rõ sự việc. Thế là sau hai tháng bên người bạn thiên tài cực hiếm, nhưng xiết đỗi ngây thơ, Gauguin lặng lẽ rời đi vì xấu hổ. Van Gogh ngồi lại, xót xa, ân hận và đã tự xẻo tai phải để trừng phạt mình. Ông xin vào một trại tế bần vì sợ ảnh hưởng đến cư dân sở tại. Nhưng khủng hoảng tinh thần ngày một nặng. Em trai đành đưa ông ngược dần lên phía Bắc. Bên cạnh dân thường cảm thông và giúp đỡ hết mức có thể, bác sĩ Gachet coi ông như bệnh nhân ưu tiên số một, chăm sóc ông tận tình cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Ngay trong những tháng ngày đầu óc căng thẳng nhất cuối đời, Van Gogh vẫn vẽ liên tục. Sự tan vỡ quá bất ngờ của giấc mộng vàng về một xưởng vẽ thần kỳ kia ám ảnh ông quá mạnh mẽ. Trong một lần ra đồng vẽ như thường lệ, ông tự bắn vào mình hai phát súng ngắn và qua đời hai ngày sau. Câu chuyện cuộc đời ông lưu lại cho các thế hệ kế tiếp muôn đời hình ảnh một con người yêu thương đồng loại nhất mực, quên hẳn bản thân, coi cộng đồng là tất cả…
Hôm nay, những nghệ sĩ như ông trên thế giới đang ngày thêm nhiều. Cho nên, thật chí lý khi một số chuyên gia cho rằng, bi kịch Van Gogh là một bi kịch lạc quan…
Van Gogh và Gauguin đều mong muốn một xã hội an lành, trong đó nhân dân lao động được tôn trọng và hạnh phúc. Lý tưởng nhân văn ấy được hai ông gửi gắm vào hội họa. Hơn 10 năm làm nghề, Van Gogh để lại cho đời 900 bức tranh, hơn 1.000 ký họa, gần 900 bức thư mà phần lớn số thư này được gửi cho em trai ông, Théo Van Gogh (1857 – 1891).
Những ấn phẩm giới thiệu các bức thư của ông liên tục được in đi in lại. Ký họa và tranh của ông vẫn lay động mạnh mẽ người yêu nghệ thuật nhiều thế hệ bởi chất nhân bản sâu sắc. Ông được công nhận là một họa sĩ hiện đại hàng đầu thế giới. Nhưng, sinh thời, ông sống và làm việc trong khốn khó, hầu hết mọi chi phí đều dựa vào chu cấp của em trai Théo. Cuối cùng, quá tuyệt vọng, như đã nói ở trên, ông tự kết thúc cuộc đời mình.
Gauguin say mê hội họa, đến mức từ bỏ công việc thu nhập cao ở một ngân hàng để chuyên tâm vào vẽ. Ông thà mất vợ con, chứ không xa rời hội họa. Ông thấy xã hội Pháp và xã hội “văn minh” đương thời đang hủy hoại Thiên đường đã có của loài người (lối sống nhân ái, chân tình, đoàn kết, bao dung, không vụ lợi và lừa lọc). Thiên đường ấy chỉ còn ở các vùng đảo xa ngái, như Tahiti. Ông rời bỏ đất mẹ, đến đó sinh sống và làm việc. Ở đó, ông kịp ghi lại nền văn hóa bản địa, như một hình mẫu xã hội đáng mơ ước và cần được duy trì. Thế nhưng Gauguin cũng phải chịu nhiều dằn vặt, tủi nhục và đau khổ. Ông chết dần trong cô đơn, nhưng vẫn tin rằng tình yêu nhân loại của mình, bộc lộ qua những tác phẩm độc đáo hơn người, sẽ không vô bổ…
Cha của Van Gogh là một linh mục hết lòng vì Chúa. Do đó, Van Gogh từng mơ tiếp bước cha, hiến mình cho lành mạnh và yên vui xã hội. Ông từng sang một khu mỏ ở Bỉ để thử nghề truyền đạo. Ông ăn ở cùng những người thợ mỏ nghèo khổ nhất, lăn lộn với công việc nặng nhọc của họ. Chia sẻ với họ mọi gian nan và buồn phiền. Họ yêu quý ông lắm. Nhưng do thuyết giảng kém cỏi, ông thất bại nặng nề. Không thể vô tích sự, ông bèn tự học vẽ. Ông tự biết mình có năng khiếu hội họa. Và nếu làm việc hết mình, ông có thể đạt được những tác phẩm đặc sắc. Em trai Théo Van Gogh, bấy giờ còn nhỏ, đã cảm nhận được tài năng hội họa phi thường, nhiệt huyết sục sôi với đời của anh trai và những rào cản bất khả kháng mà ông sẽ gặp. Từ đó, Théo nguyện làm hết sức mình để giúp ông thỏa chí, cũng tức cống hiến nhiều nhất cho đời.
Những ký họa và bức tranh đơn giản ban đầu của Van Gogh đã phơi bày thực tế trần trụi, nhưng chan chứa tình người và lo âu phấp phỏng. Chủ nghĩa hiện thực “nghiệt ngã” và “nhói đau” trong tác phẩm của Van Gogh là quá mới mẻ, chưa thể được đón nhận tức thì. Cho nên, tuy sáng tác rất nhiều nhưng trong suốt cả cuộc đời, ông chỉ bán được một bức tranh. Không có chu cấp của Théo, chắc chắn ông không thể sống và làm việc được. Cửa hàng bán tranh của Théo ở Paris là nơi gặp gỡ thân tình của Van Gogh với nhiều họa sĩ thời ấy. Théo không bao giờ phản đối hoặc ngần ngại, mà luôn vui vẻ ủng hộ mọi ý tưởng, đôi khi như rồ dại của người anh “kỳ cục”.
Sau bi kịch tình bạn với Gauguin, giằng xé nội tâm trong Van Gogh mỗi ngày một dữ dội. Trại tế bần không thể giúp ông giải thoát nổi. Théo cho ông chuyển dần lên phía Bắc Pháp. Ghé lại Paris một thời gian ngắn, ông được Théo đưa tới Auvers – sur – Oise, nơi các họa sĩ thời ấy thường tới giao lưu nghỉ ngơi. Chính ở đây, vài họa sĩ lừng danh đã nhờ bác sĩ Gachet, bạn thân của họ, chuyên tâm chăm lo cho Van Gogh hết sức tận tình. Đáng chú ý, tuy bất ổn tâm thần nặng nề thêm mãi, Van Gogh vẫn say sưa vẽ giữa những cơn “nổi khùng”. Tình yêu nghệ thuật, tình yêu sự thật, tình yêu nhân dân, vậy là vẫn không suy suyển. Dù mong manh, hy vọng anh trai qua khỏi vẫn le lói trong lòng Théo. Khi Van Gogh bất ngờ tạ thế, Théo choáng váng tới mức ngã bệnh. Thuốc thang kiểu gì cũng vô hiệu. Dường như Théo không thể rời anh được. Vài tháng sau, Théo cũng qua đời. Từ đó, hai anh em nằm mãi bên nhau, ở Auvers – sur – Oise.
Nhiều thập kỷ liên tiếp, vợ và con trai của Théo Van Gogh đã nỗ lực tiếp cận với nhiều tổ chức và cá nhân liên quan, để đưa tác phẩm của Vicent Van Gogh được đến với công chúng rộng rãi nhất có thể, qua sách in, báo chí, triển lãm…
Van Gogh không chỉ là một họa sĩ kỳ tài, mà còn là một người mê viết thư hiếm thấy. Hiện Bảo tàng Van Gogh lưu giữ 875 bức thư của danh họa, được xem như một trong những bộ sưu tập thư gốc lớn nhất thế giới. Từ lâu, các bộ tuyển thư Van Gogh, ở nhiều ngôn ngữ, thường được coi là kiệt tác văn học. Chúng là một tượng đài hi hữu của tình huynh đệ, của giao lưu thánh thiện giữa nghệ thuật với công chúng. Phảng phất hồi ký hoặc tự truyện, chúng là nguồn thông tin không bao giờ vơi cạn về con người và quá trình sáng tác của Van Gogh. Thư của ông gợi lại không chỉ lao động nghệ thuật của bản thân (và nhiều đồng nghiệp) mà cả những khát vọng nghệ thuật của ông nữa, cũng như ý nghĩ của ông về cuộc sống, về cái chết, trăn trở về sự cô đơn, nhu cầu tình yêu và tình bạn của ông, thường quặn thắt vì quá nồng nhiệt. Cuộc triển lãm Vicent yêu dấu của bạn: Những bức thư hay nhất của Van Gogh tạo cho khách tham quan cơ hội duy nhất: khám phá và chiêm nghiệm 40 bức thư huyền diệu hơn cả của danh họa, đặt đối chiếu với những kiệt tác của ông, như Những người ăn khoai tây (1885), Phòng ngủ (1888) và Người gieo hạt (1888). Một nét riêng khiến thư Van Gogh hấp dẫn là chúng thường được kèm những ký họa và các bức vẽ của ông. Ở 40 bức thư được trưng bày, đó là phác thảo những bức tranh Van Gogh đang vẽ hoặc vừa hoàn thành. Vừa ngắm tranh kiệt tác, vừa đọc thư, vừa dò lại phác thảo hoặc tâm sự thầm kín (quá trình nảy ý tưởng, thai nghén, mục đích của tác phẩm…) của Van Gogh, khách thăm có cảm giác mình đang được đứng/ quan sát từ sau vai họa sĩ, chứng kiến ông sáng tạo ra sao…
Những bức thư đó cho thấy ở ông cuộc tìm kiếm cái đẹp không mệt mỏi, thiên hướng phơi bày sự phũ phàng và khốc liệt của hiện thực, cuộc chiến đấu bức bối với bệnh tật. Ví như bức ông viết ngay trước giây phút quyết định trở thành nghệ sĩ, trong đó, ông tự vấn một cách tuyệt vọng về điều rằng sục sôi đam mê nghệ thuật đến mất ăn mất ngủ, liệu ông có làm được trò trống gì không. Hoặc một bức khác, ông kể với nhiều thổn thức về những tháng ngày ông sống với một người từng làm gái điếm, cùng hai con của cô ấy. Như một người bạn, người anh, người che chở… Một mảng ấn tượng nữa của triển làm là các đoạn phim, trong đó, các văn nghệ sĩ đọc thư Van Gogh và kể kỷ niệm bản thân liên quan tới chúng, hoặc bình luận về chúng một cách thiết tha, nồng nhiệt. Khách tham quan vỡ òa vui sướng trước một chuyện thật như đùa. Ấy là, những bức thư tay “muôn hồng ngàn tía” hiện diện bên cạnh những bức thư của Van Gogh. Hóa ra, giữa thời internet thống trị, khắp nơi trên thế giới, người ta vẫn viết thư giấy cho nhau, lưu giữ như sách quý và báu vật. Theo lời mời của nhà tổ chức, các hình ảnh và clip được gửi tới để đối âm, hòa lòng với thư của danh họa. Chúng đột nhiên cho thấy ba sự thật nức lòng: Con người luôn luôn muốn gần gũi nhau nhất có thể để thấu hiểu nhau – tiền đề của chung sức chung lòng tuyệt đỉnh, vì lợi ích tối cao của tập thể; nghệ sĩ đích thực bao giờ cũng đau đáu với an bình và hạnh phúc của nhân dân, thông qua việc ghi nhận, ngợi ca, cổ vũ tấm lòng và nỗ lực của họ cho một xã hội lành mạnh, xứng đáng để họ chung sống lương thiện và cao thượng; nghệ thuật chỉ là nghệ thuật và phụng sự nhân dân hữu hiệu nếu nghệ sĩ cũng đồng thời là gan ruột của nhân dân. Van Gogh đạt tới tầm đó. Cho nên, tác phẩm của ông nhất định trẻ mãi.
_______________
1. Triển lãm có tên nguyên văn: “Your loving Vincent: Van Gogh’s greatest letters”, diễn ra từ ngày 9-10-2020 đến 10-1-2021, tại Bảo tàng Van Gogh, Hà Lan. Nguồn: vangoghmuseum.nl/en
Tác giả: Đỗ Bạch Nga (tổng hợp và biên soạn)
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng
Vai trò của thư viện trong các cơ quan quản lý nhà nước
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta hiện nay