Ngày 13-12-2021, tại Paris, Pháp, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khai mạc Kỳ họp thứ 16 theo hình thức trực tuyến. Kỳ họp diễn ra từ ngày 13 đến 18-12-2021. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cùng với đại diện lãnh đạo 4 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái tham dự cuộc họp tại điểm cầu Bộ VHTTDL.
Lễ Khai mạc kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Paris (Pháp) – Ảnh: Vũ Mừng
Tại kỳ họp này, Ủy ban sẽ xem xét, thẩm định: 48 Hồ sơ ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 6 Hồ sơ ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 5 đề xuất đăng ký vào danh sách Thực hành tốt về di sản văn hóa phi vật thể và nhiều nội dung khác như: thẩm định báo cáo của các quốc gia thành viên về tình trạng hiện tại của di sản được ghi trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; thẩm định các báo cáo của chu kỳ đầu tiên của báo cáo định kỳ về việc thực hiện Công ước và tình trạng hiện tại của các di sản được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của các Quốc gia thành viên ở Mỹ Latinh và Caribe; Thẩm định báo cáo của các quốc gia không phải thành viên của Công ước về tình trạng di sản được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; thảo luận các báo cáo của Ban thư ký về diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ, Quỹ di sản văn hóa phi vật thể, công nhận các tổ chức phi chính phủ mới…
Ủy ban Liên Chính phủ sẽ xem xét Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào thời gian khoảng 16h15 đến 19h15 ngày 15-12-2021.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp tại điểm cầu Bộ VHTTDL – Ảnh: Vũ Mừng
Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên, trong đó có các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ ở tỉnh Yên Bái; các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên,thành phố Lai Châu ở tỉnh Lai Châu; các huyện Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ ở tỉnh Điện Biên; các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp, Vân Hồ, Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, thành phố Sơn La ở tỉnh Sơn La. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
“Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ,trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa,… Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.
Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục áo cóm bó chặt người, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái tạo nên một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở vùng Tây Bắc.
Xòe là một hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái.
Xòe nghi lễ phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an.
Xòe vòng là múa tập thể, mở rộng dần vòng Xòe, cuốn hút mọi người hòa cùng niềm vui mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay trong lễ hội, cuộc vui liên hoan. Họ nắm tay nhau, bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc trong không khí thân thiện, vui vẻ, hòa đồng.
Múa xòe dân tộc Thái Yên Bái – Ảnh: Thanh Hà/TTXVN
Trong các dịp lễ hội, các thành viên gia đình, cộng đồng, mỗi người một việc, cùng nhau tham gia chuẩn bị đồ cúng, tổ chức các hoạt động tế lễ, trò chơi dân gian, và cùng Xòe. Qua đó, Xòe thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ, tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên cộng đồng, giữa các thế hệ trong và ngoài cộng đồng.
Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng những giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và quan trọng hơn là sự ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Ngày nay Nghệ thuật Xòe đã trở thành biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hóa tộc người, và bản sắc văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.
NGỌC BÍCH
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z