Chiều ngày 29-10, Viện Goeth phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã ra mắt dự án sân khấu Antigone. Có 6 đạo diễn sẽ thực hiện trong dự án này: NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, Lê Thị Hòa An, cùng các nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải thực hiện.
Antigone là một vở kịch của Sophokles (thế kỷ thứ 5 TCN), ông là nhà soạn kịch nổi tiếng nhất thủ đô Athen (Hy Lạp). Từ gần 2500 năm nay, tác phẩm Antigone của ông truyền cảm hứng tới những người làm văn hóa và nghệ thuật, cả phương Tây lẫn phương Đông, trong việc suy ngẫm về bản tính của con người và vị trí của họ trong xã hội. Những chất liệu kịch của Antigone đã truyền cảm hứng cho giới sáng tác và thách thức sự soi chiếu bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội. Đưa Antigone lên sân khấu đồng nghĩa với việc so sánh thực tại của chúng ta với những chất liệu kịch ấy.
Antigone nói về lòng trung thành với gia đình và với đất nước, về phẩm giá con người và sự gắn kết xã hội, về tiến trình lịch sử và sự quan trọng của các cá nhân trong xã hội. Hay phải chăng toàn bộ cuộc đời của Antigone là một câu hỏi của định mệnh và nhân quả?
NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Nhà hát Tuổi trẻ đã có quá trình làm việc với Viện Goethe trong nhiều dự án và nhiều năm. Trong dự án này, vở Antigone mặc dù đã được viết cách đây 2500 năm nhưng đã phản ánh xã hội vô cùng chân thực, thậm chí lời thoại viết rất sát với hiện đại, không bị quá xa như mấy ngàn năm, đó là một trong những lý do vì sao chúng tôi muốn dựng vở Antigone. Bên cạnh đó, chất liệu để dàn dựng vở diễn vô cùng “màu mỡ” để các đạo diễn khai thác, dàn dựng với phong cách ngày hôm nay”.
Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam và Viện Goethe sẽ giới thiệu đến người xem sáu tác phẩm sân khấu mới mẻ. Trong từng tác phẩm của mỗi đạo diễn sẽ là một cách diễn giải riêng về Antigone.
Trong vở diễn của đạo diễn Trần Lực, Antigone là vở kịch kể về sự đối nghịch luân phiên giữa luật nhân tạo và luật tự nhiên, trật tự do nhà cầm quyền sắp đặt và trật tự phổ quát. Vở kịch phơi bày mối nguy hiểm của một chế độ thống trị tuyệt đối và ngụ ý một trật tự mới nơi không có kẻ thống trị tuyệt đối.
Còn đạo diễn Bùi Như Lai kể câu chuyện theo hướng dung dị và trẻ trung. Một bối cảnh không cầu kỳ, với một số hình ảnh ám chỉ thời đại ngày xưa của Việt Nam và Hy Lạp cùng với ngôn ngữ dễ hiểu đã giúp truyền tải câu chuyện về Antigone đến với thời đại của chúng ta và quan điểm của giới trẻ.
Với các bạn trẻ đến từ Viện Goethe, Antigone – Âm mù là vở kịch sân khấu mới nhất trong dự án Long Year In Drama của XplusX, là những khám phá của nhóm trong một trải nghiệm tương tác nhập vai. Tái tạo khung cảnh của vở kịch trong một chiều không thời gian khác biệt với vở kịch gốc, nhóm muốn khán giả tiếp cận trong cách thể nghiệm của thực lẫn ảo, giữa các chiều cạnh đan xen lẫn nhau mà không có sự hiện diện của thời gian hay địa lý.
Antigone của đạo diễn Hà Thúy Hằng là một màn trình diễn thử nghiệm về những suy nghĩ xung quanh cái chết của Antigone, nơi những giả định mơ hồ về một địa điểm, một không gian vô định, khoảng cách giữa cái chết và sự sống được đặt ra một cách xuyên suốt…
Vở kịch Antigone được Nhà hát Tuổi trẻ công diễn bắt đầu từ ngày 6-11-2021 và lên kế hoạch trong năm 2022 cả trên sân khấu lẫn trực tuyến.
NGỌC BÍCH
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z