Vương triều Lý (1009 – 1225) là một trong những vương triều phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam. Họ đã thành công trong việc “tích lũy các yếu tố đến một cấu trúc mang tính hệ thống của hệ tư tưởng Việt Nam” (1). Người khai sáng vương triều này là Lý Công Uẩn (974 – 1028), ông lên ngôi vua năm 1009 lấy quốc hiệu là Đại Việt, niên hiệu là Thuận Thiên (1009 – 1028), sau khi mất ông được đặt miếu hiệu là Thái Tổ. Xung quanh việc lên ngôi vua cũng như thân thế sự nghiệp của Lý Thái Tổ, cho đến nay trong giới nghiên cứu vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ xem xét nhân cách văn hóa của Lý Thái Tổ trong trị quốc với hạt nhân cơ bản tiêu biểu cho tinh thần tam giáo đồng nguyên.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua họ Lý, húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ là họ Phạm, đi chơi ở chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng 2 năm giáp tuất, niên hiệu Thái Bình nhà Đinh năm thứ 5 (974). Lớn lên làm quan nhà Lê được thăng dần lên chức Điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa triều băng, tự lập làm vua, đóng đô ở thành Thăng Long, ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở điện Long An, chôn ở Thọ Lăng, Vua ứng mệnh trời thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tinh mật ôn nhã, có lượng đế vương. Song chưa rõ chính học, ưa thích dị đoan, đó là chỗ kém.
Vua sinh mới được 3 tuổi, mẹ đẻ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn nuôi làm con. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc trẻ thơ cho đến học ở chùa Lục Tổ, nhà sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: “Đứa bé này không phải là người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”. Lớn lên, không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khẳng khái có chí lớn. Trong đời Ứng Thiên, xuất thân thờ Lê Trung Tôn. Sau khi Đại hành băng, Trung Tôn bị giết, vua ôm xác mà khóc, Ngọa triều khen là người trung, cho làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, thăng lên chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa triều băng, vua bèn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá cho thiên hạ.
Trước đây, ở viện Cảm Tuyền chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp, có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ “thiên tử”, kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh vào năm “tuất” làm thiên tử. Đến đây vua sinh năm giáp tuất làm thiên tử, quả nhiên ứng nghiệm”.
Qua đoạn trích trên, hình ảnh Lý Công Uẩn hiện lên với ba nét chính: là con của người thần; được nhà sư Vạn Hạnh và giới trí thức dự báo sẽ trở thành thiên tử trong tương lai; và khi nhỏ được học ở chùa Lục Tổ.
Những nét tính cách và tướng mạo được mô tả trong chính sử như “thông minh khẳng khái có chí lớn”, “vẻ người tuấn tú khác thường” được xem là yếu tố tiên thiên, yếu tố chủ quan của nội lực nhân cách văn hóa Lý Công Uẩn. Song, điểm quan trọng có tính quyết định và làm thăng hoa tài năng Lý Công Uẩn chính là thuở nhỏ được học ở chùa Lục Tổ. Với yếu tố tiên thiên mạnh mẽ ý chí khác thường như vậy lại được sự rèn luyện của nhà sư Lý Khánh Văn, do đó Lý Công Uẩn được thừa hưởng một nền tảng tri thức sâu sắc, mà trước hết là tư tưởng Phật giáo. Đây cũng là điểm thứ nhất hình thành nên nhân cách văn hóa của Lý Công Uẩn. Do đó khi ra làm quan cho nhà Lê (981 – 1009), Lý Công Uẩn về nhận thức, tâm lý đã sẵn sàng thường trực một cảm tình tốt đẹp với Phật giáo. Khi nhà Lê ngày càng bước vào giai đoạn suy vong, nhất là khi Lê Long Đĩnh (Ngọa triều) giết anh (Lê Trung Tôn), tự lập làm vua, bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác, thích dâm đãng tàn bạo…, tất cả những sự kiện đó đã tác động vào nhận thức và hành động của Lý Công Uẩn về danh chính của một bậc đế vương hiền minh cần phải hành xử như thế nào để thống trị thiên hạ. Để giải quyết các vấn đề chính trị xã hội, không thể trông chờ vào những nguyên lý sắc không’ của Phật giáo một cách thụ động mà cần phải vận dụng tư tưởng của Nho giáo về trị quốc. Đây chính là điểm thứ hai hình thành nên nhân cách văn hóa của Lý Công Uẩn.
Vốn xuất thân là võ tướng trong triều đình nhà Lê, Lý Công Uẩn đương nhiên phải am hiểu Binh gia và Nho gia. Nhưng, trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể thì tính chất và mức độ thi triển những ứng dụng tư tưởng của Nho gia chắc chắn còn nhiều hạn chế. Điều đó không phải do hạn chế về tài năng của Lý Công Uẩn mà do tính chất chính danh của Nho giáo quy định. Khi vận dụng những tư tưởng của Phật giáo trong việc cầm quân đánh dẹp, bảo vệ triều đình (nhà Lê), Lý Công Uẩn chỉ cần vận dụng những phạm trù “đại hùng, đại lực, đại trí…” của Phật giáo. Nhờ đó, ông đã được Lê Trung Tôn tin dùng, ngay đến Lê Long Đĩnh tàn bạo mà vẫn phải khen Lý Công Uẩn là người trung và được “thăng lên chức Tả thân thị vệ điện tiền chỉ huy sứ”. Để đáp ứng được yêu cầu của lịch sử (ứng mệnh trời thuận lòng người) vươn tới ngôi chính thống, Lý Công Uẩn ngày càng phải vận dụng nhiều hơn nữa những tư tưởng Nho giáo để đạt mục tiêu của mình. Sự vận dụng Nho giáo vào hành động thực tiễn của Lý Công Uẩn trên một cơ tầng tri thức Phật giáo đã vững chắc trong nhận thức và hành động, nên khi tiếp thu Nho giáo, với tư cách là một học thuyết chính trị xã hội, Lý Công Uẩn đã làm mềm hóa Nho giáo. Nho giáo và Phật giáo hòa quyện mật thiết trong tư tưởng, hành động của Lý Công Uẩn, nên được các sử gia đánh giá “là người khoan từ nhân thứ, tinh mật ôn nhã, có lượng đế vương”. Quá trình vươn tới ngôi chính thống, Lý Công Uẩn đã phải chuẩn bị lâu dài, vừa tích lũy tri thức, vừa giấu kín động cơ bên trong và hội đủ các yếu tố chủ quan, khách quan cho đến khi điều kiện thực tế cho phép hành sự, dựng nên nghiệp lớn.
Về mặt chủ quan, ngay từ khi 3 tuổi, Lý Công Uẩn đã được vào chùa theo học với các bậc đại trí thức đương thời. Nguyên tắc học và dạy học của các bậc thiền sư là đào tạo ra các đại đệ tử chân truyền theo hướng cửu lưu, tam giáo văn võ song toàn. Nguyên nhân sâu xa, chính các thiền sư vốn được tham chính trải qua hai triều Đinh – Lê cũng thực sự không còn ngưỡng vọng và trông chờ vào triều đình nhà Lê, khi mà Lê Long Đĩnh đã tỏ thái độ coi thường và xa rời các bậc thiền sư vốn trước đây thường cất cao tiếng nói (có trọng lượng) trị quốc nơi triều chính. Chính các thiền sư mà tiêu biểu là Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn… đã tích cực ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi một cách chính thống. Vì sự hoằng dương Phật pháp được tinh tấn, các thiền sư đã nhìn rõ thế cuộc chính trị ở Đại Cồ Việt, nhất thiết phải là vị hoàng đế hiền minh có cảm tình sâu sắc và chịu ảnh hưởng triệt để những tư tưởng của Phật giáo. Có được như vậy, những giá trị văn hóa của Phật giáo mới được xiển dương (phát triển – TG) sâu rộng trong nhân gian. Xét một cách toàn diện, Lý Công Uẩn hội đủ các tiêu chí trên, vừa là đại đệ tử chân truyền của thiền sư Vạn Hạnh, vừa là người đã có thực tế nơi triều chính nhà Lê, hơn nữa lại nắm giữ vị trí quan trọng trong triều đình. Xét về động cơ bên trong, Lý Công Uẩn đã sẵn sàng từ khi còn niên thiếu. Điểm này, trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép về Lý Công Uẩn như sau: “Lớn lên không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khảng khái có chí lớn”. Thậm chí động cơ của Lý Công Uẩn còn bị quan chi hậu Đào Cam Mộc biết. Và, nhất là từ nhỏ đã được thiền sư Vạn Hạnh bồi dưỡng cho một liệu pháp tinh thần “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên, tất có thể giải quyết được mọi việc khó khăn, làm vua giỏi trong thiên hạ”. Sự kiện đánh dấu việc thực hiện chí đế vương là khi đến tuổi trưởng thành, Lý Công Uẩn được thiền sư Vạn Hạnh tiến cử làm võ quan triều Lê.
Một sự kiện khách quan nữa cũng góp phần rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh về vị vua nhà Lý trong tương lai cũng được thiền sư Vạn Hạnh công phu thực hiện nhằm thu phục nhân tâm. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước đấy ở hương Duyên Uẩn châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, có những chữ: Thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh. Hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành. Đông a nhập địa, dị mộc tái sinh. Chấn cung kiến nhật, đoài cung ẩn tinh. Lục thất niên gian, thiên hạ thái bình” (tạm dịch: gốc cây thăm thẳm, ngọn cây xanh xanh. Cây hòa đao rụng, mười tám hạt thành. Cành đông xuống đất, cây khác lại sinh. Đông mặt trời mọc, tay sao náu hình. Khoảng sáu bảy năm, thiên hạ thái bình). Vạn Hạnh mới bảo Lý Công Uẩn rằng: “Mới rồi tôi thấy lời sấm kỳ dị biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy nên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng ông là người khoan từ nhân thứ, lại được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay, người đứng đầu muôn dân, chẳng phải ông thì còn ai đương nổi nữa! Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông như thế nào, thực sự là may muôn năm mới gặp một lần”.
Hành động để trở thành hoàng đế của Lý Công Uẩn hoàn toàn có chủ đích và được tính toán kỹ lưỡng. Điều quan trọng nhất là Lý Công Uẩn đã thu phục được nhân tâm một cách trọn vẹn. Cho nên khi lên ngôi vua, và trong suốt thời gian trị vì 18 năm, không có một lực lượng đối lập đòi tranh ngôi vị hoàng đế với Lý Công Uẩn.
Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, Lý Thái Tổ nhận thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, ông đã quyết định dời đô. “Mùa thu tháng 7 vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là thành Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long”(2). Quan điểm dời đô của Lý Thái Tổ được thể hiện rất rõ trong Chiếu dời đô mà luận điểm cơ bản là “đồ đại chính trung” (đóng nơi trung tâm mưu toan nghiệp lớn). Nghiệp lớn theo chủ ý của Lý Thái Tổ phải thỏa mãn được “thế đại, vận số” phải trường cửu (lâu dài). Về mặt địa lý tự nhiên phải cao và sáng không bị lụt lội, nằm giữa trung tâm đồng bằng dân giàu vật thịnh mà phồn vinh. Về địa lý phong thủy phải “ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sau sông trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng…”, phải là “chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô kinh sư muôn đời”. Mặt khác, việc dời đô còn thỏa mãn được mục tiêu: là vương triều nhà Lý nằm xa hẳn không gian ảnh hưởng của nhà Đinh – Tiền Lê, đồng thời lại đóng gần không gian phát tích của Lý Thái Tổ vùng Kinh Bắc làm hậu thuẫn khi có biến. Xét về địa chính trị và địa lý tự nhiên, thành Thăng Long là kinh đô tự nhiên của người Việt.
Xét về địa quân sự, từ thành Thăng Long, triều đình trung ương có thể chỉ đạo tác chiến trên hai mặt trận thủy bộ để chống giặc phương Bắc rất hiệu quả. Các hướng tiến công chủ yếu của giặc phương Bắc thường hành quân theo hai hướng chính: đường bộ qua ngả Lạng Sơn, đường thủy men theo biển và rồi ngược sông Bạch Đằng tiến sâu vào nội địa. Cả hai hướng tiến công đều dừng lại trước đại giang – sông Hồng. Do đó, từ kinh thành Thăng Long điều binh khiển tướng hai đạo quân thủy, quân bộ đi ứng chiến trên các mặt trận rất thuận tiện, đảm bảo được tính thần tốc. Với bộ óc ưu tú vốn từng đi đánh dẹp và trưởng thành từ hạng ngạch võ quan nên Lý Thái Tổ ý thức được điều đó là hoàn toàn chắc chắn phù hợp với địa quân sự. Điều đó được thể hiện trong tinh thần của Chiếu dời đô khi nói về thành Thăng Long: “Xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả”. Điểm này thể hiện rõ nhân cách văn hóa quân sự của Lý Thái Tổ.
Trong tiến trình dời đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long”. Với nội dung thông tin đó, xưa nay nhân dân ta thường cường điệu và tô vẽ thêm cho sinh động và huyền bí. Nhưng dưới cái nhìn của khoa học lịch sử, ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy nhân cách văn hóa của Lý Thái Tổ ánh xạ vào trong đó hết sức đậm đặc, nó phản ánh đúng tính chất “ưa thích dị đoan” của Lý Thái Tổ. Nhìn từ biểu tượng học, rồng thể hiện cho đế vương, cho sức mạnh vạn năng. Song, ở một ý nghĩa khác nó phản ánh khát vọng, ý chí đế vương của Lý Thái Tổ đã thành hiện thực. Mặt khác, nó còn chỉ rõ việc xây dựng hình ảnh và vị thế của Lý Thái Tổ trước thiên hạ. Bản chất tuyệt đối bên trong của lớp thông tin “rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự” nó còn là ý chí chủ quan về học thuật của Lý Thái Tổ. Đó là tri thức về Đạo giáo có dấu vết của Phật giáo Mật Tông còn chưa đoạn tuyệt trong tổng quan tri thức của Lý Thái Tổ. Và xét đoán từ con người chính trị Lý Thái Tổ, thì mọi phương tiện đó đều nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị của ông. Qua đó, chúng ta nhận thấy Lý Thái Tổ đã sử dụng các pháp (không câu nệ vào pháp nào cụ thể) nghĩa là đạt được mục đích cao cả nhân văn. “Vì thiên hạ lập kế dài lâu, để cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người…”(3). Như vậy Lý Thái Tổ đã phá chấp và sử dụng các tri thức của tam giáo một cách linh hoạt trong hoạt động chính trị xã hội.
Khi mới lên ngôi vua, Lý Thái Tổ tính ngay đến kế sách bang giao với nước Tống. Canh Tuất, Thuận Thiên năm thứ 1 (1010), sai viên ngoại lang là Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống kết hảo. Suốt 18 năm trị vì, Lý Thái Tổ đã bảy lần cử người sang nước Tống để giao hảo. Hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp đều phải triều cống. Nhằm ổn định và xiển dương Phật pháp, Lý Thái Tổ sai viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam Tạng. Nguyễn Đạo Thanh đi sứ về, xin được kinh Tam Tạng. Quý Hợi năm thứ 14 (1023) xuống chiếu viết kinh Tam Tạng để ở kho Đại Hưng. Đinh Mão năm thứ 18 (1027), mùa thu tháng 8 xuống chiếu viết kinh Tam Tạng, làm nhà bát giác chứa kinh. Lý Thái Tổ cấp độ cho hơn 1000 người ở kinh sư làm tăng đạo và xây dựng rất nhiều chùa trong cả nước. Cấp độ điệp cho nhân dân làm sãi. Phát 1680 lạng bạc kho đúc chuông lớn để ở chùa Đại Giáo.
Về quản lý đất nước, Lý Thái Tổ định lệ lại các loại thuế trong nước, chia lại địa giới hành chính, đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại. Để ổn định đất nước, các chính sách của Lý Thái Tổ đều có hàm lượng tư tưởng Phật giáo rất cao. Trong cấu trúc nhân cách văn hóa của Lý Thái Tổ thì bao giờ tính chất của Phật giáo cũng có nét trội hơn. Nhưng để đủ sức mạnh quản lý đất nước lại là những tư tưởng chỉ đạo của Nho giáo.
Với tư cách là người khai sáng vương triều Lý, “là người có thể coi là thuộc về nhà chùa, Lý Công Uẩn dĩ nhiên nhận được sự trợ giúp của Phật giáo đến mức tối đa. Tuy nhiên việc nhà Lý sùng Phật, ngoài sắc thái tình cảm còn có nguyên nhân là sự chế định của hoàn cảnh. Nhưng dường như Phật giáo không giúp đỡ được gì nhiều cho Lý Thái Tổ trong việc hình dung để kiến tạo ra một nhà nước theo hướng đại thống nhất, đại tập trung và chuyên chế hóa. Trong tình thế lúc bấy giờ, kể cả các nhà sư tham chính cũng phải chấp nhận Nho giáo hóa khá rõ rệt. Nhà Lý cần Nho giáo trong nhiều công việc triều chính trọng đại trên một số bình diện cụ thể: dùng quan niệm của Nho giáo để hình dung về một nhà nước cần phải có về các mối quan hệ trật tự xã hội; dùng Nho giáo để đào tạo và tuyển chọn quan lại, kiến lập bộ máy quan liêu cho chế độ; dùng Nho giáo vừa như một nền học vấn, nền giáo dục, vừa để tuyên truyền, thuyết phục dân chúng, tập hợp và hướng dẫn họ thực thi những bổn phận của thần dân”(4).
Tất cả các yếu tố nhằm đảm bảo cho sự thống trị của vương triều Lý đều được Lý Thái Tổ tiếp thu và đặt nền tảng tinh thần, lý tưởng học tập khoa cử theo hướng “Tam giáo đồng nguyên”. Hình ảnh của Lý Thái Tổ mãi mãi tiêu biểu cho mẫu nhân cách văn hóa tam giáo.
_______________
1, 4. Dẫn theo quan điểm của Trần Ngọc Vương
2, 3. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012
Tác giả : Nguyễn Văn Sơn
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ