Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cho nhiều thế hệ noi theo về tinh thần tự học. Trong suốt cuộc đời của mình, Người đã đánh giá cao vai trò quan trọng của sách, báo, thư viện đối với quá trình tự học, tự trau dồi kiến thức bản thân. Người đã có những ý tưởng, việc làm và dành sự quan tâm rất lớn của mình cho công tác thư viện.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được cha truyền dạy lòng ham mê đọc sách: “Học phải có sách” và “việc đọc sách là đáng quý lắm… ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói nhịn khát” (1). Nhờ sự nuôi dưỡng từ nhỏ của cha, sách báo đã trở thành người bạn đường thân thuộc của Người trong suốt cuộc đời. Người đã say mê đọc các cuốn tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc và những sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Từ đó, trong tâm hồn Người đã hiểu được sự đau khổ tột cùng của người dân bị mất nước. Cũng nhờ đọc sách, Người biết đến tự do, bình đẳng, bác ái và đã tìm đến nền văn minh Pháp để xem những gì ẩn chứa đằng sau tự do, bình đẳng, bác ái đó.
Trong thời gian làm thầy giáo ở trường Dục Thanh, tỉnh Phan Thiết, thầy Nguyễn Tất Thành đã nung nấu việc lập ra một thư viện trong nhà trường để cho các học trò có nhiều sách để đọc. Không kịp thực hiện điều ấy, trước lúc đi xa, Người đã để lại một số tiền góp vào quỹ xây dựng thư viện của trường Dục Thanh. Đây chính là cơ sở để hình thành một hệ thống thư viện nhà trường rộng khắp trên toàn quốc hiện nay.
Ngày 5-6-1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước trên chiếc tàu Latouche Tréville với tên Văn Ba đã nêu cao tinh thần và ý chí tự học: 9 giờ tối, khi xong công việc, Bác vẫn đọc, viết đến nửa đêm. Khi làm vườn cho gia đình viên chủ hãng tàu ở thị trấn Saint Adret, Bác chăm chỉ tự học tiếng Pháp. Người thường viết từ mới vào tờ giấy dán vào chỗ dễ thấy hoặc viết trên cánh tay để lúc làm có thể học được. Nhờ chăm chỉ, Người đã tham gia viết bài cho tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) sau đó là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Nhiều bài báo của Bác đã được đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, góp phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Điều này đã minh chứng cho sự thành công của Bác nhờ tự học. Được sự giúp đỡ của nghị sĩ Quốc hội Pháp P.V.Couturier, Nguyễn Tất Thành có thẻ đọc thường xuyên của Thư viện Pháp và đã khai thác được nhiều tài liệu cho việc nghiên cứu, đấu tranh chính trị… Chỉ trong gần 10 năm sống ở Pháp, người thanh niên có chí khí ấy đã học được rất nhiều điều cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của mình.
Những năm 1921 – 1922, Bác tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, một tổ chức tiến bộ kêu gọi các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng. Hội có một thư viện nhỏ và những người trong Ban Tổ chức của Hội thay phiên nhau quản lý thư viện. Trong thời gian đó, ngoài việc đi làm thuê để kiếm tiền, tham dự các buổi mít tinh và viết báo Người cùng khổ, Bác còn tham gia làm công tác thư viện cho Hội. Mặc dù không qua trường lớp đào tạo về nghề thư viện nhưng Bác đã làm công việc hết sức cẩn thận và chu đáo (2). Năm 1923, trước khi rời Pháp để sang Nga, Bác đã viết thư để lại cho bạn bè ở trong Hội và bàn giao lại sổ thư viện. Trong thời gian học tập tại Trường Đại học Phương Đông, trường của Quốc tế cộng sản đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước thuộc địa và phụ thuộc ở Liên Xô trước đây, Bác cũng tham gia làm công tác thư viện.
Vào năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng, ra tuần báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng tại các lớp huấn luyện của Người được tập hợp và in thành cuốn Đường Kách mệnh – một văn kiện quan trọng, đặt nền móng tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ tự nhận thấy, không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Và sách báo chính là một nguồn quan trọng cung cấp và phổ biến lý luận cách mạng cho quần chúng. Quan điểm của Bác là cần phải xây dựng, phát triển thư viện và có những chính sách đảm bảo cho thư viện. Đánh giá cao vai trò của thư viện đối với việc nâng cao dân trí và phục vụ các nhiệm vụ cách mạng, Bác đã quan tâm đến việc tổ chức đọc sách cho công nhân và những người lao động – lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Trong cuốn Đường Kách mệnh, Bác nêu ra 7 điểm sẽ làm (nếu có tiền dư) trong đó điểm thứ 3 là lập nơi xem sách, báo cho công nhân bên cạnh việc lập trường học, nhà thương cho họ. Điều đó chứng tỏ, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của công tác thư viện với việc phục vụ nhu cầu đọc sách báo, một nhu cầu thiết yếu của con người như nhu cầu được học tập và chữa bệnh khi đau ốm. Người đã thể hiện rõ quan điểm công nhân và nhân dân lao động sẽ có nơi đọc sách, ngay sau khi giành được chính quyền.
Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã đi nhiều nơi, tự học được nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nga, Thái, Trung Quốc, Ý, Đức… Người luôn nhắc nhở đồng chí của mình và thế hệ trẻ phải nỗ lực học và tự học: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (3). Với Người, đọc sách không chỉ đơn thuần là để giải trí hay giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao hiểu biết thông thường mà chủ yếu là để phục vụ cách mạng. Trả lời các nhà báo Nước ngoài sau khi Quốc hội giao quyền Chủ tịch nước, Người khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (4). Niềm ham muốn tột cùng ấy đã theo Bác suốt cuộc đời, chi phối mọi hoạt động của Người.
Nhờ đọc nhiều sách báo, Người đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân khi tiếp cận với Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin được đăng trên báo Nhân đạo, Người đã nói: Trong luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lê-nin làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lê-nin” (5).
Tìm thấy con đường, hướng đi cho cách mạng Việt Nam, Người luôn trau dồi thêm về lý luận cách mạng qua sách, báo. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Bác cũng thường xuyên đọc sách. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, đất nước Việt Nam phải đứng trước thế ngàn cân treo sợi tóc, Người đã tìm đến sách. Cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô đã giúp Người tìm ra lời giải cho tình thế cách mạng Việt Nam cũng giống một thời kỳ trong lịch sử nước Nga – Xô viết. Do vậy, học Liên Xô là học cách chiến thắng.
Khi ở cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ cũng luôn quan tâm đến sách, thư viện. Bằng nhiều cách khác nhau, Người luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các em có sách đọc với việc xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi. Người gạt bỏ những thứ mà Người coi là lãng phí, không cần thiết khi trẻ em thiếu sách, nhiều nơi chưa có phòng đọc. Người sẵn sàng gửi sách tặng khi biết có nơi đang xây dựng “Tủ sách Kim Đồng”. Để phát triển phong trào đọc sách trong thanh niên, Người đã tặng cho thanh niên xã Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) một tủ sách với 200 cuốn bằng chính tiền nhuận bút viết báo của Người.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, không phải bất cứ ai cũng có tiền mua sách báo, Bác đã chỉ ra một biện pháp khắc phục rất dễ thực hiện – đọc tập thể: “Khi xem báo thấy những vấn đề quan trọng thì nên cùng nhau thảo luận. Gặp vấn đề gì khó hiểu thì nên viết thư hỏi nhà báo” (6).
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế, Bác tâm sự: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết tiểu học… Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu” (7). Trong Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, ngày 9-12-1961, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau…” (8). Có thể nói, nhờ không ngừng tự học, tự đọc sách, Người đã có một trí tuệ phi thường, tầm hiểu biết sâu rộng để viết sách, báo và nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng. Việc đọc sách của Người không phải là việc cá nhân mà nó liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc, đến sự hưng thịnh của dân tộc.
Nhờ có khoảng thời gian làm công tác thư viện nên Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò quan trọng của thư viện trong mọi tổ chức, cơ quan. Người cũng nắm rõ và tôn trọng các nguyên tắc, nội quy sử dụng thư viện. Ngày 31-1-1946, Người đã ký Sắc lệnh số 18 về việc đặt thể lệ lưu chiểu văn hóa phẩm trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sắc lệnh gồm có 6 chương quy định rõ về cách tổ chức việc nộp lưu chiểu văn hóa phẩm. Sắc lệnh này đã được thi hành trong nhiều năm, góp phần đảm bảo cho các thư viện, đặc biệt là Thư viện Quốc gia Việt Nam có điều kiện thu thập, tàng trữ và sử dụng các tài liệu được xuất bản trên đất nước Việt Nam để phục vụ các nhu cầu đọc của cán bộ và nhân dân (9).
Hồ Chí Minh là người có cuộc đời rất giản dị. Gia sản của Người không gì đáng giá bằng sách. Tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, tủ sách của Người có khoảng 900 cuốn. Trong đó, riêng tủ sách tại nhà sàn trước khi Bác mất có 226 cuốn và 47 báo, tạp chí (10).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những tư tưởng của Người về tự học từ sách, báo và thư viện vẫn luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo. Bác không chỉ ham đọc sách, mà còn là người có quan điểm tiến bộ, đúng đắn về sách báo và vai trò của sách báo đối với cá nhân mỗi người cũng như toàn xã hội. Với những người làm công tác xuất bản, in, phát hành và thư viện, sự quan tâm của Người như nguồn động lực để anh chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hướng tới xây dựng một xã hội học tập.
_______________
1. Sơn Tùng, Búp sen xanh, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 1982.
2. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.215.
5. Hồ Chí Minh, Chân dung đời thường, Nxb Lao động, Hà Nội, 1946.
6. Cần phải xem báo Đảng, báo Nhân dân, số 179, 1954.
7. Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế về “Vai trò các tổ chức sinh viên trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc”, họp từ ngày 29-8 đến ngày 2-9-1961, tại Hà Nội.
8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 465.
9, 10. Thúy Ngà, Phạm Văn Rính, Hoàng Sơn Cường, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo và thư viện, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)