Đón Xuân Tân Sửu 2021, chúng ta lạ nhớ về những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong những bài viết về Tết trồng cây, về kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, về bảo vệ môi trường sinh thái, càng thấy thấm thía hơn tầm nhìn của bậc vĩ nhân về tình thương yêu và sự quan tâm, chăm lo đến hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) sáng 16-2-1969 – Ảnh tư liệu
Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bác rất xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương. Địa danh Pác Bó (Cao Bằng) – nơi nguồn sống và làm việc trong những ngày đầu về nước với khung cảnh thiên nhiên: núi Các Mác, suối Lê-nin làm căn cứ địa cách mạng. Cảnh sắc thiên nhiên đã được Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối và cũng không được xa cách với đồng bào. Cố thi sĩ Trúc Cương đã cảm nhận:
“Vượt trùng dương chát mặn bốn phương trời,
Bác thương nhớ từng bụi sim cằn cỗi
Mỗi nhành là quê mình xanh tiếng gọi
Lúc trở về đất mẹ Bác trồng cây”.
Cứ mỗi độ xuân về hoa đào, hoa mai đua sắc thắm, mọi người hân hoan chào đón Tết, Bác lại viết bài đăng báo Nhân dân kêu gọi, cổ vũ phong trào trồng cây.
Trong dịp đón Xuân Tân Sửu cách đây 40 năm (1961), Bác tiếp tục viết bài với tiêu đề “Tết trồng cây” để cổ vũ phong trào trồng cây được phát động từ năm trước, bài đăng trên Báo Nhân dân số 2506, ngày 28/1/1961. Mở đầu bài báo, Bác viết: “Khắp mọi nơi đang nhộn nhịp chuẩn bị Tết trồng cây để chào mừng một cách thiết thực ngày thành lập Đảng ta. Đó là một phong trào rất tốt. Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”(1).
Người không những chỉ đạo phải trồng nhiều cây mà còn hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ cây: “Mọi người cố gắng trồng nhiều cây thì trong sáu, bảy năm nữa, cả làng sẽ có đủ cây để làm nhà mới. Trồng cây rồi thì phải ra sức chăm sóc cây, trồng cây nào phải chăm sóc cho cây ấy sống và tươi tốt. Trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích. Cần phải có kế hoạch trồng cây và chăm sóc cây ở đường cái” (2). Bác yêu cầu: “Phải giáo dục mọi người, nhất là các em giữ gìn cây cối (Ngoài kế hoạch trồng cây, gây rừng của Nhà nước) nếu mỗi người trồng một cây và chăm bón tốt… thì đất nước ta càng thêm xinh tươi, nhân dân ta càng thêm giàu có” (3).
Từ ngày Bác đi xa, chúng ta tiếp tục phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, đó là hành động trung thành với lời dạy của Bác. Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người, trong những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, làm tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 lên 42% năm 2020.
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản của nhân dân, đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn.
Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.
Để sớm hiện thực hóa Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng cần chú trọng các giải pháp tiếp tục phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng.
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; quản lý suốt quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Năm nay Tết trồng cây diễn ra trong một khung cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thi đua mừng thành tựu 35 năm đổi mới đất nước; chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… Vấn đề bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường của đất nước ta không chỉ là điều bức thiết không chỉ trong giai đoạn hiện tại, đây còn là trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau. Hưởng ứng Tết trồng cây chính là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
_______________
1, 3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, trang 17.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, trang 285.
Tác giả: Nguyễn Văn Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)