Phan Khôi (1887 – 1959) là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học, tư tưởng Việt Nam TK XX. Sở hữu di sản đồ sộ gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, lý luận, phê bình văn hóa, văn học, dịch thuật, báo chí… những đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa dân tộc là không thể phủ nhận. Đồng thời, ông còn được coi là hiện thân của một người tự do, đủ đầy khí phách của một nhà trí thức, nhà văn hóa. Tuy xuất thân trong một gia đình khoa bảng, nhưng Phan Khôi đã sớm từ bỏ lối học khoa cử, tìm học chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, hăng hái tham gia cuộc vận động duy tân, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Sự tiếp nhận tư tưởng, văn hóa phương Tây (cụ thể là văn hóa Pháp) ở Phan Khôi được biểu hiện một phần rất đặc trưng ở tư tưởng nữ quyền, lý thuyết phê bình nữ quyền.
Tư tưởng nữ quyền
Xuất phát từ phương Tây vào cuối TK XIX, đầu TK XX, nữ quyền lúc đầu gắn liền với hoạt động chính trị, xã hội, sinh ra từ ý thức về sự bình đẳng trên phương diện giới. Nói cách khác, thông qua hoạt động đấu tranh chính trị, xã hội, giới nữ đòi lại những lợi ích chính đáng của mình để đạt đến sự bình đẳng với nam giới. Từ lĩnh vực chính trị, xã hội, cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới đã lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… trở thành một trong những làn sóng mãnh liệt, âm ỉ nhất trong lịch sử tiến bộ của văn minh nhân loại.
Là đại diện của nam giới, lại bước ra từ cửa Khổng sân trình, bản thân đã thấm nhuần những học thuyết, đạo lý Nho học, nhưng Phan Khôi lại trình bày trực tiếp tư tưởng mới mẻ, bất ngờ, có tính khai phá về nữ quyền ngay từ những năm 1930 của TK XX. Ông nhận thức rõ Khổng giáo mặc dù đã phủ bóng, thâm nhập, chi phối đời sống xã hội, tinh thần, giáo dục Việt Nam hàng ngàn năm phong kiến, nhưng từ khi chế độ khoa cử bị bãi bỏ, nó không còn vị trí như trước mà đã suy giảm, lụi bại dần. Trong Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, ông khẳng khái nêu quan điểm: “Trong hoàn cảnh Pháp trị đương thời, hễ theo văn hóa mới thì dân tộc ta còn mong sống, có ngày tấn tới mà giúp một chút công vào cuộc tiến hóa của loài người; bằng không theo văn hóa thì sẽ chết, sẽ diệt chủng như người Chiêm Thành vậy” (1). Theo ông, dân ta phải hấp thụ ở văn hóa phương Tây ở cả tư tưởng khoa học, tinh thần dân chủ/dân trị. Mặc dù vậy, trong quá trình phân tích kỹ những học thuyết quan trọng của Khổng giáo, Phan Khôi không rơi vào cực đoan, phiến diện khi ông phân định rõ cái hay, cái dở của tư tưởng đạo Khổng, cũng như xem xét, đánh giá học thuyết Khổng giáo ở các giai đoạn, các nhân vật lịch sử cụ thể.
Xã hội phong kiến với chế độ phụ quyền, lễ giáo hà khắc của thánh hiền đã tạo nên bao tầng áp bức đối với người phụ nữ. Những quan niệm phụ nhân nan hóa (phụ nữ là kẻ khó giáo hóa), nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô (một người nam cũng gọi là có, mười người nữ cũng gọi là không)… đặt người phụ nữ vào vị trí thấp cùng trong xã hội; số phận, cuộc đời họ chịu sự chi phối của người đàn ông; bản thân họ phải có nghĩa vụ tuân theo, phục tùng người nam, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Hơn nữa, Lý học Tống nho còn trói buộc người phụ nữ xưa vào những luật lệ bất nhẫn: đàn bà phải giữ gìn trinh tiết, nếu chồng chết thì phải ở vậy, không được cải giá, thậm chí có người chết theo chồng. Phan Khôi quan niệm: chữ trinh có hai đường là nết và tiết. “Chữ trinh nghĩa là chính, cái nết là cái nết đoan chính, chính chuyên của phụ nữ. Đoan chính có ý giữ mình nghiêm nghị, không cho ai được phạm đến; chính chuyên có ý buộc mình chuyên nhất, theo với một người chồng mà thôi. Làm thân con gái phải đoan chính” (2). Phan Khôi cho rằng cái luật ấy do lòng tham lam, thói ích kỷ của bọn đàn ông bày ra, rất là không công bình. Sau này, trong bài Tống nho với phụ nữ, đăng trên Phụ nữ tân văn số 95, Phan Khôi một lần nữa thể hiện thái độ bức xúc trước cái luật không cho phụ nữ chết chồng được tái giá. Sự bất bình đẳng này, theo ông, xuất phát từ quan niệm Nho giáo xưa: trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng. Ông phê phán, đả phá mạnh mẽ luật lệ bất nhẫn này.
Về chế độ gia đình ở Việt Nam đầu TK XX, Phan Khôi nhận ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái cũ với cái mới, phương Đông với phương Tây trong cái tế bào nhỏ của xã hội này. Sự tồn tại của kiểu gia đình truyền thống (đại gia đình) kéo theo những lễ giáo phong kiến hà khắc, xem nhẹ tự do hôn nhân, mối quan hệ phức tạp giữa mẹ chồng, nàng dâu… Bước sang TK XX, những điều này không còn thích hợp với lối sống, tinh thần, tư tưởng của thanh niên Việt. Thế nên, luận về những vụ tự sát của phụ nữ, Phan Khôi lớn tiếng khẳng định rằng xã hội là kẻ đã bày đặt, dung dưỡng những cái lễ giáo chế độ ấy, thì phải kể xã hội là thủ phạm. Để giải quyết tình trạng này, chỉ có cách là sửa sang hoặc thay đổi những cái lễ giáo, chế độ nặng nề ấy. Một mặt, Phan Khôi phê phán hôn nhân kiểu môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Mặt khác, ông cũng thấy rằng ở các nước phương Tây, việc kết hôn, ly hôn quá tự do, dễ dàng. Ông đưa ra quan niệm chừng mực, hợp lý hơn: “Hôn nhân tự do mà không có một cái luân lý gì cho vững vàng, nó hạn chế mình, thì sự hôn nhân tự do cũng có lúc hại” (3). Có thể nói, Phan Khôi chính là một trong những trí thức tân tiến, đi đầu trong phong trào giải phóng phụ nữ, đòi quyền bình đẳng nam – nữ trong xã hội Việt Nam nửa đầu TK XX.
Khổng giáo coi tứ đức là những chuẩn mực của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Trong đó, chữ công chiếm vị trí hàng đầu. Nó yêu cầu phụ nữ phải đảm đang, khéo léo đảm nhiệm công việc trong gia đình, nhất là những việc thêu thùa, vá may, bếp núc… Phan Khôi đã nêu ra nhận định có phần gai góc: “Ở nước Nam ta, chẳng có cái gì là đáng gọi là nữ công hết, nữ công không chỉ là công việc của đàn bà mà còn có nghĩa là thợ, là khéo. Mà đã là thợ thì phải có quy củ phương pháp. Đàn bà ta làm việc gì cũng không có quy củ phương pháp; ai nấy cũng chỉ làm tạp nạp, làm lấy rồi cho xong việc thì thôi” (4). Phê bình mạnh mẽ như thế, để rồi ông hướng đến mục đích: khuyên chị em phụ nữ nói riêng, người An Nam nói chung, làm việc gì cũng phải cho có phương pháp, cũng phải trông cho đến bậc hoàn thiện, đem cái tinh thần khoa học mà tưới vào mọi công ăn việc làm. Muốn vậy, phụ nữ cần phải được học cho đúng đắn mà bỏ cách làm theo thói quen đi.
Thấy được vai trò thiết yếu của giáo dục, cũng từ góc nhìn bình đẳng giới, Phan Khôi khẳng định nền giáo dục tất là một sự cần phải có cho cả nam nữ. Ông kêu gọi các ông đại biểu vận động cho chính phủ lập trường con gái khắp nơi, nhà nhiệt thành về sự công ích hợp một hội đồng làm sách nữ tử giáo khoa thơ, lựa chọn toàn người hay; sách làm phát cho không, hay là bán thật rẻ. Tư tưởng giáo dục nhân văn ấy, đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Không chỉ đấu tranh để nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình, qua các bài viết trên báo chí, Phan Khôi còn khuyến khích, động viên họ bước ra ngoài xã hội, tham gia vào sự nghiệp chung của đất nước. Trong Đàn bà con gái có nên ra giữa đám đô hội mà diễn thuyết chăng? đăng trên Đông Pháp thời báo, số 735, ngày 23-6-1928), ông khuyên phụ nữ nên bình quyền với nam giới trong việc diễn thuyết. Hơn nữa, phụ nữ còn phải làm chủ bài diễn thuyết của mình, chớ nên nhờ nam giới viết hộ. Bên cạnh đó, Phan Khôi cũng nhận thấy nét riêng của phụ nữ so với nam giới khi tham gia vào hoạt động chính trị, xã hội. Trong loạt bài Đàn bà cũng làm nên quốc sự, Cái chức vụ của phụ nữ trong các kỳ tuyển cử, Đàn bà với quốc sự, Phan Khôi cho rằng: “Đàn bà nước ta chưa cần gì phải ra tranh luận ở giữa nghị trường, xông pha ở nơi hàng ngũ mới là làm được quốc sự đâu. Chị em cứ việc ở trong buồng the trướng gấm, lo lắng khuyên chồng dạy con, mà tức là làm quốc sự một cách rất sâu xa, rất cao thượng” (5). Điều này liệu có mâu thuẫn với tư tưởng động viên, khuyến khích người phụ nữ tự giải phóng khỏi bốn bức tường nhà, bước ra ngoài xã hội mà ở trên ta đã nói? Thực ra, khi đưa ra lời khuyên này, Phan Khôi đã phân tích tình cảnh non sông tổ quốc ta lúc đó, cánh đàn ông phần nhiều người làm quốc sự đã không ích gì cho nước nhà lại gây thêm những tiếng chê trò cười, cho thiên hạ thấy hết chỗ dụng tâm của họ; chi bằng phụ nữ phải tự mình nâng mình lên, làm gương để giáo hóa chồng con trong gia đình biết in sâu cái nghĩa quốc gia chủng tộc từ hồi còn thơ, biết trọng liêm sỉ, có lòng phân phát, biết để lòng lo đến việc quốc gia xã hội, biết việc công là trọng, niềm Tây sá gì. Như thế, vai trò, vị trí của người phụ nữ với quốc sự quả thật rất đáng quý trọng, ngợi ca. Không hô hào diễn thuyết, không cổ động rầm rộ chị em phụ nữ xuống đường tranh đấu, xả thân cho đại nghiệp đất nước, những bài viết của Phan Khôi nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc, thấm thía, vừa cho thấy cái nhìn trân trọng, đề cao phụ nữ, lại vừa chừng mực, khách quan khi chỉ ra cho họ phương thức thể hiện vai trò, vị trí, khả năng của người phụ nữ trong xã hội đương thời.
Phê bình văn học nữ quyền
Phê bình nữ quyền là một hướng nghiên cứu mới bắt nguồn từ cuộc đấu tranh cho nữ quyền TK XX. Người phụ nữ, đặc biệt là văn học nữ, trở thành đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học, lý luận. Tuy nhiên, vào đầu TK XX, tư tưởng nữ quyền còn mang nặng tính phong trào xã hội. Phan Khôi nổi lên như một trong những bậc trí giả thông tuệ đã khai mở lý thuyết phê bình nữ quyền ở Việt Nam giai đoạn này, với những bài viết tập trung vào những vấn đề thuần văn học.
Ngay từ số đầu tiên của Phụ nữ tân văn, ra ngày 2-9-1929, trong Về văn học của phụ nữ Việt Nam, Phan Khôi đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng thiếu vắng những cây bút nữ trong nền văn học nước nhà: “Nước ta từ xưa đến nay, vẫn theo cái chế độ trọng nam, khinh nữ, đàn bà sinh ra chỉ là cái vật phụ thuộc cho đàn ông thôi. Bởi vậy cho nên đàn bà chẳng cần cho học, mà tự đàn bà cũng không cần học làm gì… Bởi phụ nữ nước ta xưa nay đã chịu dốt nát từ đời nọ đời kia như vậy, cho nên trong đám chị em mình mà được một vài tay biết chữ, biết làm câu thơ, câu văn, thì đời đã cho là một sự lạ lùng hiếm có. Những người biết chữ ấy, hãy còn để tiếng đến bây giờ, làm của báu cho những nhà cầm viết khi nào muốn khoe khoang cho nữ giới thì lại đem ra” (6). Ngoài tên tuổi một vài nữ sĩ bên Tàu, ở Việt Nam điểm lại chỉ có mấy người: Nguyễn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan… Từ đó, ông khẳng định nền văn học của nữ giới ta, từ xưa tới nay, chưa hề có bao giờ. Ông cổ xúy mạnh mẽ phụ nữ tham gia vào xây dựng nền văn học của riêng họ, phải gia công học vấn, đó là cội rễ giúp người phụ nữ thoát khỏi tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, trong văn học.
Sau đó, cùng với những bài Văn học với nữ tính, Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh, Phan Khôi đã nêu lên giả định về mối quan hệ giữa văn học với tính nữ. Điều kỳ lạ là từ xưa đến nay, từ Kinh thi đến Kinh thánh, từ Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đến Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm… đàn ông đứng vào trung tâm của văn học nhưng lại cứ hay nói đến chuyện đàn bà. Càng làm những áng văn chương hay chừng nào thì lại càng nói tinh về chuyện đàn bà chừng nấy. Hầu hết các tác giả nam đều gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình vào hình ảnh người phụ nữ. Vì sao văn học lại bị nữ tính choán đi một phần to như vậy? Theo Phan Khôi, có hai nguyên nhân. Thứ nhất, vì cái đẹp là cái cốt lõi của văn học, mà đàn bà là biểu hiện cho sự đẹp, cho nên trong văn học hay tả về đàn bà; thứ hai, vì văn học trọng đường tình cảm, mà nói chuyện đàn bà thì khiến cho người ta dễ cảm hơn. Hơn nữa, ông cho rằng đàn bà thích hợp với văn học vì có cái tính trầm tĩnh, nhẫn nại; văn học chuyên trọng về đường tình cảm, mà chúng ta là giống có tình cảm nhiều hơn đàn ông. Có thể nói, những luận giải, ước đoán của Phan Khôi thời điểm đó quả là táo bạo, tuy còn chưa thật sự minh xác nhưng đã xác lập nền tảng cơ bản cho phê bình văn học nữ quyền; có những dự cảm sau này được lịch sử văn học hiện đại minh chứng. Dựa trên những đặc điểm riêng về cấu tạo tâm sinh lý nữ giới, Phan Khôi đã phân tích mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn học với tính nữ, đồng thời nhìn nhận vị trí kép của người phụ nữ trong văn học: vừa là đối tượng phản ánh, vừa là chủ thể sáng tạo. Ông cũng tinh tế nhận ra nét riêng trong cách thức biểu hiện người nữ như là đối tượng phản ánh của các tác giả nam với người nữ trong vai trò chủ thể, khi họ viết về chính mình. Quan điểm của Phan Khôi đã vấp phải luồng ý kiến trái chiều của Thế Phụng trên báo Công luận, tạo nên những cuộc bút chiến sôi nổi thời đó, thể hiện quan điểm đa dạng về nữ quyền đương thời.
Không chỉ dừng lại ở phương diện lý luận, Phan Khôi còn dùng lý thuyết phê bình nữ quyền soi rọi vào tác phẩm cụ thể, thực hành lý thuyết đó. Đây là nét mới, tiến bộ của Phan Khôi so với các học giả cùng thời. Tiêu biểu cho sự thực hành lý thuyết phê bình nữ quyền là loạt bài Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sinh hoạt của phụ nữ nước ta, đăng trên Phụ nữ tân văn từ số 5 đến số 18. Trầm mình vào kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam dồi dào, phong phú, Phan Khôi đã phân tích từ quan niệm chung của xã hội đối với phụ nữ, đến tiếng than thân, trách phận của người phụ nữ trong ca dao, những lề thói sinh hoạt, phong tục tập quán cho thấy vai trò, công khó của người đàn bà với gia đình cũng như những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu. Mặc dù tinh thần chung của bài viết dài kỳ này là đồng cảm, thương xót, bênh vực người phụ nữ trong xã hội Việt truyền thống nhưng tác giả cũng chỉ ra những biến thái của họ, tức là những biểu hiện xấu của phụ nữ trong tục ngữ, phong dao. Cũng chính Phan Khôi đã tập hợp, viết nên Việt Nam phụ nữ liệt truyện đăng 7 kỳ trên Phụ nữ tân văn, qua đó thể hiện niềm trân trọng, ngưỡng mộ của ông đối với những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách của người phụ nữ Việt Nam.
Bên cạnh Phan Khôi, đương thời còn có nhiều cây bút nữ: Manh Manh nữ sĩ, Vân Hương nữ sĩ, Nguyễn Thị Hồng Đăng, Lệ Hương, Lê Thị Huỳnh Lan…; các gương mặt nam giới đã khá quen thuộc: Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu… Tất cả đều bộc lộ quan điểm, tìm tòi về các vấn đề nữ quyền, nhằm trao đổi, tranh luận với nhau. Thế nhưng, phải thấy rằng, tư tưởng nữ quyền đầu TK XX tập trung vào phương diện xã hội nhiều hơn. Trong lĩnh vực phê bình, nghiên cứu văn học, các bài viết này chỉ dừng lại ở việc khảo sát một số tác phẩm để tìm ra tư tưởng nữ quyền. Vì vậy, về mặt lý luận, phê bình nữ quyền Việt Nam thời kỳ này còn ở dạng sơ khai, phác thảo, phần nhiều có tính xã hội.
Thời đại sản sinh ra những người anh hùng, những bậc trí giả uyên thâm, ngược lại cũng chính những cá nhân xuất sắc kết tinh giá trị văn hóa, tư tưởng thời đại đó lại làm rạng danh cả một thời. Phan Khôi là một trong những gương mặt trí thức tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn nửa đầu TK XX. Thoát khỏi tấm màn lễ giáo, tư tưởng, giáo dục Nho học, tiếp cận, hấp thu có chọn lọc luồng gió văn hóa, tinh thần, tư tưởng phương Tây, ông đã để lại cho nền văn hóa, tư tưởng dân tộc những kiệt tác đồ sộ, di sản tinh thần quý báu. Tư tưởng nữ quyền, lý thuyết phê bình nữ quyền ở Phan Khôi cũng như một số học giả đương thời dù chỉ ở mức độ sơ thảo, khai phá nhưng đã thực sự lay động nền tảng tinh thần hàng nghìn năm phong kiến, mở ra đường hướng tươi sáng cho người phụ nữ. Những tư tưởng của ông về nữ quyền vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
______________
1, 2, 3, 4, 5, 6. Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1929, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.59, 214, 212, 236, 744, 103.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 – 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ