Cách mạng Tháng Tám – Sức mạnh từ thế nước và lòng dân


Cách đây 75 năm, dân tộc Việt Nam bắt đầu bước vào kỷ nguyên tự do, độc lập. Chính quyền non trẻ và nền độc lập của dân tộc Việt Nam được xác lập bởi sức mạnh vô song của lòng dân muôn người như một. “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết hợp thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”(1).

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã cho phép chúng ta thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử, mà hiện thân là Cách mạng tháng Tám đã làm sáng ngời chân lý của bao thế hệ “con rồng cháu lạc” Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám là một điển hình thành công rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc ta về sự vùng dậy của các tầng lớp nhân dân giành quyền làm chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố kiến tạo thắng lợi và giữ vững định hướng dân tộc. Nhân dân ta không chỉ giành được độc lập tự do, mà còn thiết lập chính quyền từ Trung ương đến các cơ sở. Trong quá trình phát triển của dân tộc, đây là bước nhảy vọt vĩ đại nhất, một đóng góp có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn đối với lý luận cách mạng thế giới.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám bắt đầu từ kết quả tất yếu – mạch ngầm sôi sục của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ hàng ngàn năm được dẫn dắt bởi chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh dồn tụ lại suốt 15 năm, dưới ngọn cờ của Đảng và bùng nổ thành cao trào 15 ngày của tháng Tám năm 1945, một thắng lợi vĩ đại không chỉ của dân tộc ta mà còn là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ảnh: Tư liệu

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng. Đó là con đường giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc bị áp bức và phong trào cộng sản quốc tế. Đó là kết quả tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong suốt 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuộc vận động dân chủ những năm 1936 – 1939, đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của tư tưởng kiệt xuất, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là vũ khí tư tưởng vô địch của thời đại, được tổ chức rộng rãi, đoàn kết mọi tầng lớp xã hội, phát huy sức mạnh của cả một dân tộc có truyền thống yêu nước, biết nắm thời cơ, tuy chỉ hai bàn tay trắng, với một số rất ít vũ khí thô sơ, gậy gộc, giáo mác, nhưng đã biết làm một cuộc cách mạng “thần thánh” mà trực tiếp là của 5.000 đảng viên, số lượng rất ít so với 25 triệu dân lúc bấy giờ, thế nhưng có mỗi đảng viên đều là hạt nhân lãnh đạo, hạt nhân đoàn kết ở từng vùng dân cư, ở từng giới, từng đoàn thể trong mặt trận Việt Minh, được tôi rèn trong quá trình hoạt động cách mạng, tiên phong vào sống ra chết không sờn lòng, tra tấn tù đày không khuất phục, kiên định trong lãnh đạo quần chúng, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa thành công.

 

Đảng lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, trước hết do phương hướng chính trị sáng suốt, đúng đắn, kết hợp được trí tuệ, mưu lược, lòng dũng cảm, đức hy sinh, quyết giành độc lập tự do cho Tổ quốc ở thời điểm bước ngoặt quyết định số phận của cả dân tộc.

Thực tiễn cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng 90 năm qua đã minh chứng rõ điều đó. Chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, các bậc tiền bối đã dạy và cảnh báo cháu con như thế. Đảng ta đã dựa vào sức dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức giành những thắng lợi vĩ đại.

Với thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam, 75 năm qua, đất nước ta đã từng bước đổi thay, trong lao động hòa bình và sáng tạo, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như khát vọng, tâm nguyện của Bác Hồ. Gần 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, chính trị – xã hội ổn định; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra không gian phát triển rộng lớn. Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng đã khẳng định: trước hết phải khơi dậy được tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Sự đồng lòng của hơn 97 triệu người dân trong nước cùng hàng triệu kiều bào ta ở hải ngoại sẽ là nền tảng tạo nên sức mạnh để đất nước giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tận dụng thời cơ phát triển kinh tế, đồng thời là bức tường thành vững chắc nhất bảo đảm việc gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ về biển đảo, biên giới đất liền, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên cơ sở những bằng chứng lịch sử, pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự đồng lòng của cả dân tộc chính là tạo được những niềm tin xác đáng qua sự trải nghiệm thấu đáo bởi tiến trình phát triển của đất nước theo con đường do nhân dân lựa chọn ở thời đại mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Có lẽ chưa bao giờ như hôm nay, bằng trải nghiệm thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân càng thấm thía ý nghĩa cao cả và tính thực tiễn của lời dạy bảo đó. Hiển hiện rõ ràng sức mạnh từ thế nước và lòng dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam có thể đạp bằng chông gai, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chúng ta đang sống trong thời khắc đáng nhớ của những ngày mùa Thu lịch sử. Mùa Thu nay, từ đỉnh cao này, càng thấm sâu lòng biết ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh  và Đảng ta, mỗi người dân Việt Nam càng thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước, làm cho “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” như tâm nguyện của Người.

_______________

(1):  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng, tháng 02/1951.

 

Tác giả:  ThS Nguyễn Thanh Hoàng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *