Trăng nơi đáy giếng, tính đa nghĩa và nghệ thuật thể hiện


Trăng nơi đáy giếng đoạt giải Cánh diều bạc năm 2008. Biên kịch Châu Thổ (chuyển thể truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai), đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn; quay phim Nguyễn Trinh Hoan, Nguyễn Nam, âm nhạc Quốc Bảo; Hãng phim Giải Phóng liên kết cùng Alliance film – Pháp. Hồng Ánh vai Hạnh đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim quốc tế Dubai 2008; giải nữ diễn viên chính xuất sắc của giải Cánh diều vàng năm 2008.

Phương (Hoàng Thanh Đề đóng) là hiệu trưởng một trường THPT. Anh có gia đình yên ấm với cô giáo Hạnh. Hạnh chăm sóc Phương rất chu đáo theo lối sống cổ điển chỉn chu của người phụ nữ Huế: lo cơm nước sáng chiều, giặt giũ quần áo; đặc biệt Hạnh còn biết ướp trà sen và pha trà cho chồng uống mỗi sáng. Hạnh bị vô sinh cho nên cả hai đã bí mật bàn cho Phương có người phụ nữ khác. Thắm, một thôn nữ ngoại ô Huế, đồng ý việc này. Trong vai trò chăm sóc mẹ Phương, Thắm đã đẻ 2 đứa con với Phương ở quê. Chuyện vỡ lở, nhà trường họp bàn kỷ luật Phương. Vợ chồng Phương đối phó bằng cách li dị và Phương kết hôn với Thắm. Phương rời đến ở với Thắm, còn Hạnh ở lại ngôi nhà cũ. Thắm mở quán cà phê và lo bán hàng không chăm sóc Phương, đến nỗi Phương phải tự giặt giũ… Hạnh đến thăm, thấy thế rất chán, khuyên Thắm, song Thắm không nghe. Hạnh cũng thôi dạy học rồi buồn sinh ốm nên cô đi cầu đồng. Cô đồng khuyên Hạnh kết hôn với người âm. Một lần Phương tới thăm Hạnh, thấy Hạnh mang thức ăn lên bàn thờ người âm cúng. Phương can ngăn và hứa sẽ xin lại việc làm giáo viên cho Hạnh vì Phương vẫn là hiệu trưởng. Hạnh nổi giận hắt bát nước vào Phương. Phương vội vã ra về. Hạnh đóng hết cửa lại như quyết chí sống cùng người âm.

Nhìn tổng thể: Phim mang đậm chất tâm lý xã hội hiện đại và bản sắc Huế nói riêng trong nền văn hóa xã hội Việt Nam nói chung. Hầu hết những gì diễn ra trong phim cứ diễn ra một cách bàng bạc, nhẹ nhàng chậm rãi. Phim gợi nhiều hơn là nói thẳng ra các vấn đề nhân sinh, tâm linh và xã hội. Mạch tự sự nối tiếp tuần tự theo quan hệ của vợ chồng Phương – Hạnh là chính; bên cạnh là các nhánh phụ Phương – Hạnh – Thắm, Phương với đồng nghiệp nhà trường, Hạnh và bà đồng, Hạnh và con chó mà chủ nó mới mất. Kịch tính của phim giàu suy tưởng hơn là gay gắt mổ xẻ các mối quan hệ của nhân vật. Cốt truyện khá lỏng so với cổ điển nhằm gợi tả – luận giải hơn là kể chuyện (1).

Trong nghệ thuật phim truyện, khi nhà làm phim nghiêng theo hướng kể chuyện, thì họ sẽ xây dựng cốt truyện càng li kỳ hấp dẫn, càng có những tình tiết đặc sắc, thậm chí rắc rối – xung đột gay gắt càng tốt nhằm lôi cuốn người xem vào mạch tự sự. Khi đó, sự biểu hiện qua hình và tiếng chủ yếu nhằm miêu tả, bộc lộ khách quan sự phát triển của câu chuyện dựa trên cốt truyện phim. Nhà làm phim không hoặc ít khi dùng các thủ pháp có tính chủ quan để phân tích, lý giải, chẳng hạn như: ẩn dụ, tượng trưng, ấn tượng hay biểu hiện… Câu chuyện của Trăng nơi đáy giếng nếu được xử lý theo hướng này có thể sẽ có dạng: cuộc sống êm đềm của Phương – Hạnh, mâu thuẫn xuất hiện khi Hạnh mãi không sinh nở, bà mẹ thúc ép Phương lấy vợ khác, Hạnh vô cùng đau khổ, khóc thầm…, Phương buồn đi giải sầu (rượu chè, karaoke…) rồi mượn rượu to tiếng với Hạnh; giảng dạy, công tác bê trễ, bạn bè khuyên nhủ; rồi bằng cách nào đó gặp Thắm, yêu Thắm, có con bí mật với Thắm… Hạnh không còn cách nào khác cũng phải chịu đựng để Phương đi lại bí mật với Thắm. Sau đó chuyện vỡ lở và nhà trường họp bàn kỷ luật Phương, Phương mất chức và quay ra oán trường, ghét bạn bè, giận Hạnh rồi hai người li dị, Phương kết hôn và sống với Thắm – nhưng rồi cuộc sống vất vả làm hai người không hạnh phúc, cãi vã nhau thường xuyên… Hạnh đến can thiệp và bênh Phương… Phương bế tắc… Hạnh đi chùa hoặc đi cầu đồng theo lời khuyên của một người quen. Phương quay lại thăm Hạnh nhưng bị Hạnh cự tuyệt… Sơ đồ cổ điển sẽ là: mỗi tình huống kèm va chạm mâu thuẫn tăng dần theo thời gian dẫn tới bùng nổ và kết thúc. Theo mạch tự sự có thêm nhiều tình tiết tích lũy xung đột, mâu thuẫn mạnh mẽ có tính logic nhân quả như trên, đạo diễn sẽ chủ yếu làm sáng tỏ câu chuyện và gây chú ý của người xem vào mạch chuyện; ông sẽ không chú tâm và cũng không đủ thời gian để thong thả nhấn nhá vào các cảnh: Hạnh ướp trà sen, đóng mở cửa ngôi nhà rường, Hạnh đi tìm con chó, hay các cảnh sinh hoạt: làm bếp, ăn uống… Vốn là những cảnh chiếm khá nhiều thời gian song ít tính truyện vì không có xung đột trực tiếp gì trong đó, thậm chí chỉ là những mảng có vẻ “ngoại đề”. Và tất nhiên nếu làm theo hướng kể chuyện một cách nhuần nhuyễn hấp dẫn, phim cũng sẽ đạt kết quả cả về nghệ thuật cũng như thị trường. Tuy nhiên, đạo diễn đã chọn lối đi khó khăn hơn – có lẽ do tính cách của ông không muốn làm theo những gì từng quá phổ biến ở phim truyện nước ta – ông chọn cách biểu hiện, gợi tả hơn là kể chuyện. Vì thế tính truyện trong phim hầu như thứ yếu, thậm chí chỉ là cái cớ để diễn tả bằng ngôn ngữ phim. Câu chuyện phim khi kể lại cũng chỉ cần đôi ba tình tiết chính: Hạnh, Phương sống êm đềm, vì Hạnh vô sinh, nên Phương lấy Thắm, Hạnh cô đơn và buồn sau khi Phương rời nhà đến ở với Thắm, Hạnh đi tìm an ủi bằng cách lấy chồng ảo. Hầu hết các tình tiết đó cũng xảy ra, diễn ra nhẹ nhàng hơn là gây xung đột va chạm kiểu cổ điển như: đấu khẩu, bạo lực, dằn vặt, hành động hay xung khắc dữ dội…

Đạo diễn đã tập trung xử lý phần hình ảnh có sức gợi biểu hiện qua các cảnh dài, chậm rãi, lặng lẽ mà rõ nhất là các cảnh: Hạnh ướp trà sen, Hạnh đóng mở của ngôi nhà, Hạnh làm các việc nội trợ, Hạnh làm thơ, đọc thơ, Hạnh sắm lễ và cúng người âm. Chưa đến mức gọi là ẩn dụ, tượng trưng trong các cảnh đó, nhưng sức gợi khá mạnh mẽ bởi nó nói lên bản chất hai chiều của nhân vật Hạnh: vừa chịu khó, tận tâm, an nhiên hết mình với chồng và tổ ấm nhưng cũng vừa nhẫn nại, chịu đựng, rồi mạnh mẽ đến như cực đoan phủ định quá khứ để hy sinh hết mình cho niềm tin mới – dù ảo khi hạnh phúc trần thế tan vỡ.

Sự đa nghĩa ngầm ẩn mà người xem chỉ có được qua suy ngẫm phân tích sau khi xem phim cũng được đạo diễn gợi nên tương đối rõ nét qua cách luận giải vừa kể tả vừa biểu hiện. Sự kể chuyện hiện lên qua các tình tiết logic, lấy cái có trước làm nền cho diễn biến tiếp sau (như cốt truyện và tình tiết đã nêu), còn sự biểu hiện (như đã phân tích ở trên) nhấn mạnh hoàn cảnh, không khí và tính cách nhân vật, gợi mở các ý nghĩa của phim. Hai yếu tố bút pháp này, có thể nói đã được kết hợp tương đối tốt trong phim.

Trong phim có các cặp ý nghĩa: bình an – bất an, cũ xưa và mới, cổ điển và hiện đại, tinh tế và thực dụng, đúng và sai, ảo và thật, vật chất và tâm linh, nhiệt tình tận hiến và phũ phàng vô tình, thái quá và thờ ơ, niềm tin và đổ vỡ, nhẹ nhàng và quyết liệt…

Các nhân vật chính của phim ai cũng có cái đúng, cái tốt và có cái sai, cái đáng chê một cách có lý. Phương, Hạnh đều hoàn toàn đồng tình để Phương có con với Thắm, và sau đó cũng đồng ý li dị để Phương kết hôn với Thắm. Thắm – một thôn nữ nghèo ít học cũng đâu có lỗi khi không chăm sóc Phương được như Hạnh. Phương lấy Thắm rồi, tất nhiên sẽ chẳng thể quan tâm được tới Hạnh như xưa. Hạnh cũng khó mà trách Phương bởi cô đã tự nguyện xa Phương, Hạnh tận tụy chiều chồng nhưng cô cũng hành động thái quá cực đoan khi chăm chồng vô điều kiện; Phương đáng chê khi chỉ biết hưởng sự chăm sóc và hạnh phúc nhưng anh cũng có lý của anh: chẳng hạn – anh có chức vụ, nhà anh cần người nối dõi… Tính chất tự điều tiết, không ai ép ai, phải sao chịu vậy làm cho các nhân vật chẳng ai thắng ai, ai hay dở, ai đáng bênh vực hơn ai hiện lên khá logic và có sức thuyết phục. Hoàn cảnh xã hội mà cụ thể là ngôi trường nơi Phương, Hạnh dạy học cũng có cái lý đúng khi kiểm điểm vụ việc Phương có vợ bé. Từ tất cả cái đúng, cái tốt, cái thiếu sót của các nhân vật, phim đã đưa ra và gợi mở hơn là kết luận về một số vấn đề nhân sinh rất đáng suy nghĩ cho người xem. Nó như một bức tranh đa tầng ý nghĩa, trong đó vấn đề cứu rỗi bằng tâm linh chỉ bật lên ở phần cuối phim, khi Hạnh sắm sửa bàn thờ và nhiệt tâm cầu cúng với người chồng âm – ảo; dứt khoát không nghe lời Phương khuyên bỏ cầu cúng bằng hành động hắt nước vào Phương, khép hết các cánh cửa; rồi Hạnh mới có thể tiếp tục công việc đời thường như tưới hoa ở cảnh kết phim.

Tuy nhiên, các vấn đề đa dạng như trên với cách thể hiện có phần nhẹ gợi – gián tiếp nhiều hơn là mổ xẻ mạnh mẽ khiến khán giả đông đảo khó mà hiểu rõ đâu là ý chính của nhà làm phim, mặc dù mọi diễn biến của phim đều được biểu hiện kỹ lưỡng chăm chút tới từng chi tiết. Ví dụ cảnh ướp trà sen, cảnh đóng mở nhiều cánh cửa của ngôi nhà rường – theo đạo diễn nói dài tổng cộng 3 phút, cảnh cầu đồng, cúng người âm cũng khá dài… Ưu điểm chính đọng lại vẫn là cảnh sắc và phong tục, tính cách Huế cổ điển, nhẹ nhàng song ẩn chứa cái quyết liệt cùng số phận lạ lùng éo le của nhân vật Hạnh; là sự dụng công chăm chút về nghệ thuật biểu hiện. Đây là tác phẩm có những tìm tòi, vận dụng sáng tạo tâm đắc nhưng có lẽ khá kén khán giả. Có thể coi đây là dạng phim gợi tả các ý niệm và gợi suy nghĩ về các ý niệm có tính luận đề triết lý xã hội; tương tự như phim Hạt mưa rơi bao lâu, Ba mùa; hay liên hệ xa hơn là các phim của đạo diễn nhật Ozu. Vì vậy, có thể nó sẽ đạt được một số mặt hay nào đó khi được giới nghề am hiểu phân tích kỹ lưỡng chứ khó có thể hay cho đại chúng vốn cần loại phim xem xong hiểu và thích ngay, chấm phê hay ngay. Chính đạo diễn Vinh Sơn cũng bộc bạch là phim sẽ khó hiểu và gây cảm xúc chậm, nặng cho nhiều người. Sau buổi chiếu phim có bán vé tối 26-2-2009 do Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội và Hội điện ảnh tổ chức: Đạo diễn cho biết: hầu hết cảnh quay trong phim dùng máy cầm tay, vác vai di động để thu hình. Liên kết các cảnh dài, toàn rộng hoặc hẹp khá nhiều. Không khí và tiết tấu nhiều cảnh cố ý chậm rãi thậm chí tĩnh lặng tạo cảm giác bức bối. Phim muốn nhấn vào chủ đề tâm linh: con người đi tìm niềm tin và an ủi trong thế giới phi thực – đây là nét cổ truyền phương Đông và vẫn gặp trong thế giới hiện đại, ví dụ thế giới ảo internet. Tựa phim “Trăng nơi đáy giếng” và câu thoại do bà đồng nói vói Hạnh: “lộng giả thành chân” tượng trưng cho thế giới ảo đó. Khi mang phim sang Liên hoan phim Rodterdam cuối năm 2008, đạo diễn đã phải mang trưng bày cả bàn thờ và vàng mã giúp khán giả phương Tây hiểu tục thờ cúng của Việt Nam.

Phim truyện nước ta, vốn thiên về biểu hiện đơn chủ đề, và nhân vật một chiều, “thật thà” kể chuyện, nay Trăng nơi đáy giếng là một trong số rất ít phim có vận dụng biểu đạt thành công tính đa nghĩa, đa chiều cùng bút pháp luận giải – gợi tả. Mỗi người, khi xem phim có thể tự rút ra khía cạnh tâm đắc mang ý nghĩa nhân sinh đời thường. Với cái nhìn chuyên môn: không khó để tìm ra đôi ba điều chưa tới, chuyển biến tâm lý nhân vật còn sơ hở – như sự cam chịu không được chăm sóc của Phương với người vợ mới – qua chi tiết anh lụi cụi ngồi giặt lấy quần áo, sự khô khan gò nhân vật theo ý tưởng, mấy thủ pháp tạo hình còn lộ, cứng, chưa nhuần nhuyễn; song, về cơ bản phim đã đạt tới tầm tác phẩm có sức nặng nghệ thuật sâu lắng và đậm tính tác giả.

_______________

            1. Gợi tả – luận giải, kể chuyện: Hai khái niệm này có tính chất tương đối, đã được người viết nêu lần đầu và phân tích khá đầy đủ trong bài: Tìm hiểu khái niệm phim truyện, đăng trong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật năm 2003.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 302, tháng 8-2009

Tác giả : Đặng Minh Liên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *