Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại thành xã hội, gia đình càng tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và không ngừng phát triển với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, hiếu nghĩa, thủy chung, cần cù, sáng tạo, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng vươn lên để tồn tại và phát triển, những truyền thống quý báu đó đã được gia đình Việt Nam vun đắp, phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi duy trì nòi giống, tạo nguồn lực cho sự phát triển đất nước; là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người, nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là nơi chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội có hiệu quả nhất. Vì vậy, sự phát triển tốt của gia đình sẽ ảnh hưởng và tác động tốt đến sự phát triển của xã hội.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, các vấn đề gia đình luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, từ việc nghiên cứu ban hành chính sách, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, đến việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn thực hiện, tổ chức nhiều họat động thiết thực nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện gia đình Việt Nam theo các chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và phát triển bền vững. Nhìn chung, gia đình ở từng địa phương đã có bước phát triển, tiến bộ, các thành viên trong gia đình chăm sóc, đùm bọc, giáo dục, giúp đỡ lẫn nhau, chất lượng cuộc sống từng gia đình được nâng lên. Trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập đã xuất hiện nhiều cá nhân và gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực như gia đình hiếu học; gia đình hòa thuận hạnh phúc, con cháu hiếu thảo chăm ngoan; gia đình nông dân sản xuất giỏi… Nhiều gia đình tuy có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng quyết tâm lo cho con ăn học đã trở thành biểu tượng của ý chí vượt khó hiếu học đáng được tôn vinh, khuyến khích. Có nhiều gia đình biết hạn chế những mâu thuẫn, phấn đấu xây dựng tổ ấm hạnh phúc; có bậc ông, bà, cha, mẹ luôn tự rèn luyện để thật sự là tấm gương sáng cho con cháu; phát huy truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam, các thành viên trong gia đình bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, biết “kính trên, nhường dưới”, thương yêu và sống có trách nhiệm; bởi lẽ, nếu một người không thương yêu những người ruột thịt của mình thì khó có thể thương yêu đồng bào, quốc gia, dân tộc và có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, làng xóm. Mỗi gia đình cần không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình trong giai đọan hiện nay, ra sức xây dựng gia đình của mình no ấm, hạnh phúc, vợ chồng bình đẳng, chung thủy, ngăn ngừa các nguyên nhân làm rạn nứt và đổ vỡ gia đình.
Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngày Xuân là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp và gặp gỡ, chúc mừng lẫn nhau những điều tốt đẹp nhất, quây quần bên người cao tuổi để chúc thọ, lắng nghe những lời giáo huấn, dạy bảo, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, làm ăn, sinh hoạt nhằm giúp nhau cùng tiến bộ. Ý thức xây dựng mỗi gia đình phải là pháo đài chống lại sự xâm nhập của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, các bậc ông, bà thật sự là cây cao bóng cả che chở gia đình, kết nối các thành viên sống chan hòa trong tình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, dìu dắt thế hệ con cháu vươn lên; các bậc cha, mẹ phải là tấm gương sáng để cho trẻ em noi theo, biết thực hành tiết kiệm, tổ chức cuộc sống gia đình, phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và giàu mạnh; xây dựng làng, xóm yên vui để ngày Xuân càng thêm ý nghĩa, để gia đình trở thành tổ ấm của ngày Xuân.
Tác giả: Trần Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)