Chữ Hiếu

Chữ “Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên mang một ý nghĩa tích cực là bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ. Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, chữ “Hiếu” được kế thừa thêm từ tư tưởng và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã từ lâu, ông cha ta hết sức coi trọng việc giáo dục đạo lý làm người cho con cháu, mà trước hết là đạo hiếu. Bởi lẽ, một con người mà không có hiếu đối với ông bà, cha mẹ, không biết yêu thương, kính trọng những người đã sinh thành dưỡng dục mình thì rất khó có nhân cách. Trong dân gian, chữ Hiếu được thể hiện ngay trong những lời ru từ khi mỗi người mới sinh ra, còn nằm trong nôi: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Nhìn lại chặng đường đất nước ta sau hơn 30 năm đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Nền kinh tế tăng trưởng cao, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện… Tuy nhiên, bên cạnh đó, đạo đức xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng có nhiều biểu hiện suy thoái, xuống cấp. Nhiều gia đình đã lơ là việc giáo dục con cái nên đã xảy ra không ít phiền lụy đến gia đình và xã hội. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc mọi gia đình cần để tâm tái lập gia giáo, gia phong, phải nghĩ tới cái đạo ăn ở có lễ nghĩa, quy củ, trật tự nề nếp trong nhà và tộc họ mình, sau đó là xã hội, trên cơ sở giáo dục con cháu sống văn minh, văn hóa. Bởi bất cứ ai tồn tại trên cõi đời đều được sinh ra từ cha mẹ mình. Thể hiện đạo hiếu với cha mẹ không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của người làm con, mà còn là quyền lợi thiêng liêng và nghĩa vụ cao cả của mỗi người. Việc giáo dục đạo hiếu giúp con cái thấy được bổn phận làm con, giữ đúng vị trí của mình trong gia đình. Không chú tâm tới giáo dục đạo hiếu trong gia đình là một sai lầm trầm trọng, bởi nó là cái nền móng thiết yếu nhất của đạo đức xã hội và con người. Trong thực tế đầy biến động của xã hội hiện nay, bên cạnh những tấm gương hiếu thảo, những tấm lòng nhân nghĩa, ân tình với cha mẹ, vẫn còn đó nhiều người con có thái độ bất nhân, bất nghĩa, thiếu tôn trọng hoặc có hành vi hỗn láo, vô đạo đức với cha mẹ. Một số người coi việc nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ như một gánh nặng. Một số người khác lại nghĩ chỉ cần đóng góp tiền bạc để nuôi dưỡng cha mẹ là đã làm tròn bổn phận. Có những người rất giàu có thì báo hiếu bằng cách thuê những người xa lạ về chăm sóc cha mẹ, để cha mẹ sống trong buồn tủi, cô đơn: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”. Những hiện tượng tích cực và tiêu cực về đạo hiếu đang xảy ra trong xã hội hiện nay đã đặt ra rất nhiều vấn đề bức xúc khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta cần lên án và phê phán các hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ. Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta phải nâng cao hơn nữa vai trò của giáo dục chữ Hiếu trong giai đoạn hiện nay. Nếu từ xa xưa, ông cha ta đã rất coi trọng và rèn giũa chữ Hiếu thì ngày nay, chúng ta phải ra sức nâng niu, trân trọng và gìn giữ nó. Chữ Hiếu có một ý nghĩa hết sức lớn lao là đã tạo ra giá trị tinh thần của con người Việt Nam giàu lòng nhân nghĩa và độ lượng khoan dung.

Trong cuộc sống thời hiện đại, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò của chữ Hiếu trong gia đình cũng như ngoài xã hội; kế thừa, phát triển Hiếu theo tinh thần đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc xây dựng gia đình văn hoá mới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá xã hội và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tác giả: Võ Hoàng Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *