Hơn 3 năm nay, anh Trần Phước Hoàng (sinh năm 1972), ngụ tại khóm 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tự nguyện bỏ thời gian, công sức, tiền của để thực hiện công việc đắp vá mặt đường bị hư hỏng hoàn toàn. Việc làm tuy nhỏ của anh Hoàng nhưng mang một ý nghĩa thiết thực to lớn, góp phần tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra.
Vào mỗi buổi sáng, sau khi phụ giúp vợ con dọn hàng hóa bày bán tại chợ Tam Nông xong là anh Trần Phước Hoàng bắt đầu việc làm thiện nguyện. Hành trang anh chở trên chiếc xe gắn máy là thau nhựa, bình chứa nước, leng, bai, cát, đá, xi măng… Anh Hoàng điều khiển xe trên khắp các tuyến đường tỉnh lộ hay nông thôn trong và ngoài huyện Tam Nông, khi phát hiện mặt đường bị bong tróc, hư hỏng… anh dừng xe lại trộn hồ và đắp vá ngay những ổ gà, ổ trâu. Tuy không phải thợ hồ chuyên nghiệp nhưng anh Hoàng làm công việc này rất thuần thục, đắp vá lại mặt đường bằng phẳng, nhanh chóng và chất lượng. Bình quân mỗi ngày, anh Hoàng phải chạy xe trên chục cây số, vá được hàng chục “ổ gà”, “ổ trâu”… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn; nước da ngăm, gương mặt xương, giọng nói nhỏ nhẹ, từ tốn…, anh Trần Phước Hoàng bày tỏ: “Nhiều lần mình chứng kiến bà con đi đường bị sụp ổ gà rồi té bị thương tích máu me. Từ đó, mình trằn trọc, suy nghĩ và quyết định phải đi vá những ổ gà cho bà con không còn bị té. Hễ rảnh rỗi, xong công việc nhà là tôi lên đường đi làm những chuyện vậy đó cho bà con bớt khổ”.
Không ít người dân thấy việc làm thiện nguyện của anh Hoàng ý nghĩa, giúp ích cho xã hội nên không quản ngại khó khăn, cực nhọc tiếp sức cùng anh đắp vá mặt đường. Anh Phạm Văn Buộc ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang làm phụ hồ cho một công trình tại huyện Thanh Bình, thấy anh Hoàng mỗi ngày cặm cụi một mình lấp vá từng chỗ hư hỏng trên mặt đường nên khi có dịp nghỉ ngơi, anh Buộc lại ra trợ giúp. Anh Buộc cho biết:“Đi làm ở đây, thấy chú làm có một mình nên lại phụ thôi.Lổ hang không hà, thấy người ta làm mà không có ai để phụ. Bữa nay có thời gian rỗi nên tới đây phụ”…
Thời gian đầu, anh Hoàng xuất tiền cá nhân để mua vật tư làm việc thiện. Nhiều người đi đường hay những hộ dân ở gần nơi có mặt đường hư hỏng, thấy anh Hoàng hăng say làm việc thiện nên có nhiều người đưa cho anh từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn góp cho anh mua cát, đá, xi măng… để vá đường. Nhưng, anh Hoàng không nhận: Anh Hoàng chia sẻ: “Mình có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Nhận tiền của người ta không khéo, người ta nói mình nhận tiền nhiều mà làm ít thì không tốt, nên tôi không nhận tiền của ai hết… Tự thân vận động là tốt nhất”.
Thấy được việc làm hiệu quả và tấm lòng thiện nguyện trong sáng của anh Hoàng nên có hai cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng Thanh Tùng và Sơn Phát ở thị trấn Tràm Chim đã tài trợ cát, đá, xi măng… để cùng anh làm việc thiện. Bà Nguyễn Thị Cẩm Nương – Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Sơn Phát vui vẻ cho biết: “Trước nay, thấy anh Hoàng đi làm từ thiện vá đường. Tôi mới nói: Thôi, bây giờ anh đi lại đó lấy xi măng, cát, đá của tôi đi… Tôi thì có xi măng, cát, đá… còn anh thì có công. Tôi cũng vui mừng vì mình đã đóng góp chung tay, chung sức với anh Hoàng để bà con đi lại vững vàng, không bị tai nạn”.
Nhiều người chứng kiến cảnh anh Hoàng một thân, một mình cặm cụi, cần mẫn đắp vá từng “ổ gà”, “ổ trâu”… trên mặt đường cho lành lặn giữa trời nắng chói chang mà trong lòng thầm ngợi khen, nể phục. Bà Nguyễn Thị Kim Loan ở thị trấn Tràm Chim cho biết: “Tôi thấy huyện có một mình anh Hoàng làm đường thôi. Chỗ nào mà đứt đoạn, lổ thủng, hang cua… thì anh đắp. Anh Hoàng mần từ thiện nhiều lắm. Tự anh mần, xuất tiền ra chứ hổng có nhờ cậy ai hết. Trời mưa, trời nắng gì anh cũng đi làm một mình. Người ta kêu thôi nghỉ đi mà anh cũng ráng làm xong, rồi mới nghỉ.
Anh Trần Phước Hoàng chia sẻ: “Tôi ước nguyện làm sao cho có sức khỏe đặng tôi thường xuyên đi làm giúp được gì cho xã hội, cho bà con. Như vậy là tôi đã được vui rồi”.
Tấm lòng thiện nguyện của anh Trần Phước Hoàng đã mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người chung tay làm việc thiện giúp ích cho cộng đồng.
Không chỉ lấp vá đường thiện nguyện mà anh Hoàng còn hớt tóc từ thiện cho những người nghèo. Bởi, anh Hoàng có nghề hớt tóc. Lúc rảnh rỗi, nhiều em học sinh nghèo, người gia neo đơn, những người có hoàn cảnh khó khăn đến nhờ anh hớt tóc miễn phí, anh Hoàng rất sẵn lòng, không lấy một đồng tiền công.
Tác giả: Trần Trọng Trung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)