Phù Cát phấn đấu đạt huyện văn hóa – nông thôn mới


Xây dựng nông thôn mới ở Phù Cát (Bình Định) không chỉ là xây dựng công trình mà là xây dựng cuộc sống mọi mặt của người dân, không chỉ lo làm kinh tế, thu nhập bình quân đạt 47 triệu/người/năm (2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,88%… mà còn quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Nhà văn hóa thôn Thái Bình, xã Cát Tài, Phù Cát được đầu tư xây dựng khang trang tạo điều kiện cho nhân dân sinh hoạt văn hóa văn nghệ 

Phù Cát hiện có 109/117 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa, 155/157 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới và thị trấn đạt văn minh đô thị. Việc thu gom rác sinh hoạt, rác y tế gần như đạt tỷ lệ 100%. Các khu dân cư đô thị hóa hình thành, cùng với những nhà vườn, tiện nghi, tiện ích ngày càng nhiều hơn. Các mô hình tự quản về an ninh trật tự tiếp tục phát huy có hiệu quả. Cơ sở vật chất và trường lớp được huy động từ các nguồn đầu tư nên Phù Cát có hệ thống trường lớp khang trang ở các cấp học: hiện có 46/69 trường đạt chuẩn. Bệnh viện và các cơ sở y tế được đầu tư và không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các hoạt động văn hóa xã hội, phong trào về nguồn, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương… triển khai sâu rộng, thiết thực, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, việc giáo dục truyền thống  được coi trọng.

Trong xây dựng Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới ở Phù Cát, để đạt tất cả các tiêu chuẩn và được công nhận là điều hết sức khó khăn, bởi tiêu chí về thiết chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn của Bộ VHTTDL yêu cầu khá cao, mà cụ thể là Trung tâm văn hóa – thể thao xã và Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn. Nhận thức được vấn đề này, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư quy hoạch, xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn một cách thiết thực. Đến nay, các địa phương đã xây dựng khang trang mỗi xã 1 trung tâm văn hóa xã có khu vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi; mỗi thôn, khu phố 1 nhà văn hóa – thể thao. Trung tâm văn hoá- thể thao xã và các Nhà văn hóa thôn được trang bị âm thanh, bàn ghế, và trang trí khánh tiết nghiêm trang, đảm bảo phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, hội họp, vui chơi, giải trí của nhân dân.

Điều ghi nhận trong việc thực hiện tiêu chí nâng cao chất lượng xây dựng Gia đình văn hóa (GĐVH), thôn văn hóa ở Phù Cát trong thời gian qua là cách bình xét, chấm điểm trên từng danh hiệu. Hầu hết các thôn, khu phố đã khắc phục tình trạng chạy theo thành tích. Việc triển khai đăng ký, chấm chọn, bình xét GĐVH ở các xóm, tổ dân phố thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo; dân chủ, công khai, chú trọng chất lượng. Điều này đã tạo được niềm tin trong nhân dân về giá trị của danh hiệu GĐVH nên được đồng tình ủng hộ. Số hộ đăng ký GĐVH hằng năm đạt tỷ lệ trên 99%. Đến nay, toàn huyện có 44.762/47.963 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93,3%; 109/117 thôn, khu phố đạt danh hiệu Làng văn hóa, đạt tỷ lệ 93,2%; 155/157 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt tỷ lệ 98,7%.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Các thôn, xóm, tổ dân phố đều xây dựng quy ước nếp sống văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng. Hình thức tổ chức tiệc trà, hạn chế thuốc lá trong các đám cưới ngày càng được nhân rộng. Tình trạng ăn uống linh đình giảm nhiều so với những năm trước. Về tang lễ, người dân có ý thức chấp hành quy ước xây dựng đời sống văn hóa của thôn, tộc họ và xóa bỏ các hủ tục rườm rà, lạc hậu trong các bước tiến hành; đồng thời vẫn giữ được nghi lễ, phong tục tốt đẹp của dân tộc.

Với hướng đi đúng, cách làm sáng tạo, phong trào văn hóa – thể thao cơ sở ở Phù Cát tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền phát động nhân dân tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được tăng cường. Hiện nay, toàn huyện đạt trên 50% người tập luyện thể thao thường xuyên, 100% trường học đảm bảo công tác giáo dục thể chất; 100% trường học thực hiện tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa; học sinh các cấp học đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định.

Việc thực hiện có kết quả Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới ở Phù Cát là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thông qua việc xây dựng Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; ổn định và giữ vững tình hình an ninh trật tự; bảo đảm an sinh xã hội và môi trường nông thôn… góp phần xây dựng thành công huyện đạt chuẩn văn hóa – nông thôn mới vào cuối năm 2021 này.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Sau 10 năm triển khai xây dựng thực hiện Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng của nhân dân, đến nay, huyện Phù Cát đã công nhận được 16/16 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Con đường dẫn chúng tôi đi từ trung tâm thị trấn Ngô Mây đến các xã, các thôn không còn ổ gà, ổ voi như trước đây nữa mà thay vào đó là những con đường bê tông, xi măng bằng phẳng và nhà cửa hai bên đường được sửa chữa, xây dựng mới khá khang trang, trông thật đẹp mắt. Ông Nguyễn Siềng, một người dân ở thôn Chánh Hùng, xã Cát Thành vui mừng trước sự đổi thay của quê hương nhờ xây dựng nông thôn mới: “Tôi rất mừng khi thấy quê hương đổi mới từng ngày, đường làng- ngõ xóm được bê tông rộng rãi, đồng ruộng thì không thiếu máy cày, máy gặt, điện sáng cả làng quê, nhà ngói khang trang sạch đẹp”.

Rõ ràng, Phù Cát đã có nhiều thay đổi về cảnh quan, cuộc sống. Đường giao thông nông thôn rộng mở bằng bê tông xi măng và thảm nhựa; nhiều đường, nhiều nhà trồng hoa, khang trang, sạch đẹp. Cho dù Phù Cát đã có 16 xã và 2 thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới và văn minh đô thị nhưng Đảng bộ và nhân dân nơi đây còn nhiều mong ước hơn nữa cho sự phát triển của quê hương. Ông Nguyễn Trung Kiên, Tỉnh ủy viên – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Phù Cát đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi, động lực thúc đẩy để huyện không ngừng vươn lên. Phù Cát sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống anh hùng, tiếp tục xây dựng huyện văn hóa – nông thôn mới có môi trường trong lành, có kinh tế phát triển mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của quê hương xứ cát”.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Phù Cát đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tổ chức khảo sát, đánh giá, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về nội dung chương trình xây dựng xã văn hóa – nông thôn mới. Phấn đấu đạt các tiêu chuẩn như: giúp nhau phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Việc đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đã làm cho đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần; bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn, các phong trào nêu gương “người tốt, việc tốt”, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Có thể nói, Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã trong suốt thời gian qua, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Xuyên suốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chương trình xây dựng NTM ở huyện Phù Cát không chỉ là câu chuyện của xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình, nâng cao thu nhập… mà còn là hành trình bền bỉ, nhằm khơi dậy, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và trong từng thôn, khu phố của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.

Ông Đỗ Văn Ngộ, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Phù Cát chia sẻ: “Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng thôn, khu phố, gia đình. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Bên cạnh đó, huyện sẽ phát huy vai trò tự quản trong cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự, đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hóa trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến cơ bản về thực hiện nếp sống đẹp, văn minh trong xã hội”.

Tin rằng, trong thời gian tới, huyện Phù Cát sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng gia đình, từng người, nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động và sinh hoạt của nhân dân, cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tác giả: Thế Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *