Trong những năm gần đây, để rút ngắn khoảng cách so với thế giới, Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo ra thế và lực mới để ngành công nghiệp điện ảnh (CNĐA) vận động, phát triển và hội nhập quốc tế. Trong bài viết, chúng tôi phân tích chính sách phát triển điện ảnh của Việt Nam thể hiện qua 3 văn bản chính gồm: Luật Điện ảnh (năm 2006); Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
1. Chính sách phát triển điện ảnh thể hiện trong các văn bản luật
Đầu tiên, chính sách phát triển nền điện ảnh của Việt Nam được thể hiện cụ thể trong Luật Điện ảnh (năm 2006):
Đầu tư xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh, nâng cao chất lượng phim, phát triển quy mô sản xuất và phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước.
Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật; bảo đảm để các cơ sở điện ảnh được bình đẳng trong hoạt động, được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh nhằm phát huy sự sáng tạo nghệ thuật; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh; nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất và phổ biến phim.
Tài trợ cho việc sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.
Tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; tổ chức, tham gia liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim quốc tế.
Trong quy hoạch khu đô thị phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim.
Các nội dung cho thấy những điểm đáng chú ý về chính sách của Việt Nam trong việc phát triển nền điện ảnh trước yêu cầu của thời cuộc:
Thứ nhất, nhà nước đã xác lập quan điểm nền điện ảnh Việt Nam dù có phát triển đến đâu, phát triển thế nào cũng cần và phải dựa trên nền tảng giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; chủ trương xây dựng một CNĐA hiện đại, tạo ra những sản phẩm điện ảnh có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng. Chính sách này phù hợp với định hướng của Đảng về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phù hợp với yêu cầu tất yếu của xu hướng phát triển điện ảnh trên thế giới và nhu cầu thực tế của xã hội.
Thứ hai, nhà nước cho phép mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Chủ trương này của đã giúp cho CNĐA Việt Nam tập hợp được nhiều nguồn lực trong xã hội để cùng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ điện ảnh đáp ứng nhu cầu của công chúng. Từ đó, nâng cao được năng lực cạnh tranh so với những nền điện ảnh trên thế giới và các ngành công nghiệp giải trí khác trong nước và quốc tế.
Thứ ba, nhà nước chỉ đạo hạn chế và chấm dứt tình trạng đầu tư tràn lan của ngành điện ảnh Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều giới hạn về nguồn lực để có thể phát triển toàn diện CNĐA theo hướng hiện đại, việc tập trung đầu tư có trọng điểm là điều cần thiết để CNĐA Việt Nam sớm thoát khỏi vùng trũng so với khu vực và thế giới.
Thứ tư, nhà nước chủ trương tài trợ phát triển các sản phẩm điện ảnh đặc thù như phim thiếu nhi, tài liệu, lịch sử…; phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các nhóm xã hội vùng sâu vùng xa… Chính sách này góp phần đảm bảo sự phát triển đa dạng, toàn diện nền điện ảnh Việt Nam trong tình hình mới; đảm bảo việc mang lại những cơ hội cho các nhóm xã hội đặc thù trong việc tiêu dùng sản phẩm văn hóa.
Việc Luật Điện ảnh (năm 2006), sau đó được bổ sung, sửa đổi năm 2009 không chỉ chứng minh những nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống công cụ pháp lý để quản lý, phát triển CNĐA, mà còn là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ của Việt Nam trong chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa nói chung, CNĐA nói riêng.
2. Chính sách phát triển điện ảnh được thể hiện qua chiến lược phát triển nền điện ảnh
Sau khi Luật Điện ảnh ra đời năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, CNĐA Việt Nam đã có bước tiến mới. Thị trường điện ảnh trở nên sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các đơn vị tư nhân. Việc hợp tác với các nhà làm phim đến từ nhiều quốc gia có CNĐA phát triển như Mỹ, Hàn Quốc… cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, khán giả Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn sản phẩm điện ảnh phù hợp với điều kiện kinh tế, gu thẩm mỹ cá nhân. Song, để hình thành quỹ đạo trong quá trình phát triển của CNĐA Việt Nam, phải kể đến Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tháng 11-2013. Có thể nói, văn bản đã phản ánh cụ thể, rõ nét các quan điểm, chính sách phát triển ngành điện ảnh của Việt Nam trong tình hình mới:
Xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao, theo đúng định hướng phát triển văn học nghệ thuật của Đảng và nhà nước trong thời kỳ mới.
Phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Nhà nước tạo hành lang pháp lý và cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực: sản xuất phim, phổ biến phim, đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới kỹ thuật công nghệ.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao số lượng và chất lượng tác phẩm điện ảnh, mở rộng thị trường điện ảnh và hợp tác quốc tế.
Có thể nhận thấy, quan điểm trên đã bám sát chính sách phát triển nền điện ảnh mà Việt Nam đã xác lập trong Luật Điện ảnh (năm 2006); trong đó, nhấn mạnh đến việc tạo hành lang pháp lý và cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp điện ảnh. Có thể nói, sự thiếu bình đẳng, bất cập trong việc áp dụng chính sách đầu tư phát triển ngành điện ảnh Việt Nam giữa các đơn vị quốc doanh và tư nhân là vấn đề được tranh luận sôi nổi trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc nhà nước đưa ra quan điểm này có tác dụng kích thích, thu hút các nhà đầu tư điện ảnh trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra định hướng phát triển CNĐA: từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực ngành điện ảnh; gắn với thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng và nâng cấp xây mới các công trình văn hóa đã được phê duyệt; phát huy thế mạnh của điện ảnh, đảm bảo phù hợp với đặc điểm đời sống của từng vùng, địa phương, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới…(1). Về mục tiêu chung trong việc phát triển CNĐA, Việt Nam xác định: đến năm 2020, điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có hiệu quả kinh tế xã hội cao, góp phần phát triển nền văn hóa và nhân cách con người trong thời kỳ mới; phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở châu Á, có những tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới (2).
Như vậy, từ chính sách đến quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển ngành điện ảnh đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng ngành nghệ thuật thứ 7 trở thành một ngành mũi nhọn trong nhóm ngành công nghiệp văn hóa thời gian tới. Đồng thời, việc xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và kế hoạch tổng thể triển khai các văn bản này là nỗ lực, thành công của Bộ VHTTDL nói chung và ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng. Nó tạo nên động lực quan trọng, bước ngoặt mới để ngành điện ảnh Việt Nam có thể phát triển mạnh trong giai đoạn mới.
3. Chính sách phát triển điện ảnh được thể hiện qua quy hoạch phát triển nền điện ảnh
Để tạo cơ sở vững chắc hơn cho CNĐA phát triển kịp thời đại, năm 2014, Việt Nam đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung quy hoạch thống nhất và cụ thể hóa những chủ trương, chính sách phát triển điện ảnh đã được xác lập trong các văn bản trước đó:
Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực của ngành điện ảnh để sản xuất, phổ biến nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện con người Việt Nam, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập quốc tế.
Gắn với thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bảo đảm phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng và nâng cấp xây mới các công trình văn hóa đã được phê duyệt.
Phát huy thế mạnh của điện ảnh, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đời sống tinh thần của từng vùng, địa phương, điều kiện phát triến kinh tế xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới. Hướng tới bảo đảm sự công bằng hợp lý trong hưởng thụ điện ảnh giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn. Tăng tỉ lệ phim Việt Nam chiếu tại hệ thống rạp và trên sóng truyền hình cả nước.
Tận dụng tối đa hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật và phát huy khả năng nguồn nhân lực điện ảnh hiện có; huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển điện ảnh có trọng tâm, trọng điểm vào các vùng, miền theo những dự án cụ thể.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực điện ảnh dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật (3).
Từ quan điểm, định hướng phát triển ngành điện ảnh cho thấy Việt Nam có cái nhìn toàn diện, đa chiều khi đặt vấn đề phát triển CNĐA trong mối tương quan với hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tương quan với quy hoạch các ngành kinh tế, xã hội khác. Mối tương quan đó làm cho sự phát triển của CNĐA gắn kết trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế, giúp cho ngành điện ảnh tiếp nhận những động lực của các thành tố kinh tế, cũng như đóng góp nhiều hơn trong phát triển toàn diện kinh tế xã hội Việt Nam. Ngoài ra, theo quy hoạch thì chậm nhất đến năm 2030, nền điện ảnh Việt Nam sẽ có được một chỗ đứng xứng đáng với tiềm năng vốn có ở tầm châu lục. Và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sẽ trở thành những trung tâm có CNĐA lớn nhất nước.
Như vậy, có thể thấy Việt Nam đã xác định rất rõ những chính sách để phát triển CNĐA. Trong đó, nhấn mạnh đến việc đầu tư các nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ phát triển điện ảnh; chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư của nhiều thành phần kinh tế đối với điện ảnh; chính sách đầu tư có trọng điểm, trọng tâm; chính sách tài trợ, hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm điện ảnh phục vụ những nhiệm vụ, nhóm xã hội đặc thù. Những chính sách đó về cơ bản đã tạo nên động lực mới cho nền điện ảnh Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, vấn đề không phải việc Việt Nam ban hành ít hay nhiều chính sách phát triển điện ảnh, mà đáng lưu tâm hơn là khả năng thực thi, tính hiệu quả khi thực hiện những chính sách này trong thực tiễn. Sự phát triển nền điện ảnh của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để một nền điện ảnh phát triển toàn diện, vững chắc và mạnh mẽ, thì chính sách của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia phát triển điện ảnh đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, điều này chỉ thật sự có giá trị khi những chính sách đó ra đời từ nhu cầu thực tiễn của đời sống điện ảnh, giải quyết cụ thể các vấn đề đã cản trở sự phát triển của nền điện ảnh.
_______________
1, 2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2156/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 199/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017
Tác giả : NGUYỄN TIẾN HƯNG
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh