Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020, hoạt động văn hóa và thể thao ở Đồng Hới đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chiều sâu, tạo được những dấu ấn quan trọng trong đời sống xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, công tác văn hóa – thể thao nơi đây ngày càng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hóa vật chất và tinh thần, tăng cường thể chất của nhân dân.
Thành phố đã chủ động xây dựng các chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ nghiêm túc, từ đó tạo ra bước đột phá mới về chất và lượng trong hoạt động văn hóa và thể thao. Các chỉ tiêu về văn hóa, thể thao đều được đưa vào kế hoạch để chỉ đạo thực hiện, hằng năm có tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo. Công tác quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm đạt được nhiều kết quả. Hoạt động thông tin tuyên truyền luôn được thực hiện tốt, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước đến với người dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa – thể thao đã trưởng thành nhanh chóng, tăng lên cả về số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đời sống văn hóa cơ sở và môi trường văn hóa trên địa bàn tiếp tục được cải thiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” được đẩy mạnh. Tỷ lệ Gia đình văn hóa, Thôn/ tổ dân phố văn hóa, cơ quan đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng cao. Đến nay, tỷ lệ Thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 89,9%, tăng 14,4% so với năm 2015, vượt 9,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa đạt 94%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 85,5%, tăng 0,5% so với năm 2015. Hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, quy mô chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Đồng Hới hiện có 340 điểm tập luyện thể dục thể thao, tăng 28 điểm so với năm 2015. 15/15 xã phường có Trung tâm Văn hóa -Thể thao, 138/140 thôn, tổ dân phố có Nhà Văn hóa – Khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều người tham gia, phát triển rộng khắp ở khu vực thành thị, cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang và cả khu vực nông thôn. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ, đội bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn hoạt động thường xuyên. Hiện, toàn thành phố có 282 đội văn nghệ quần chúng, 453 câu lạc bộ các loại hình hoạt động có hiệu quả.
Hoạt động thể dục – thể thao tiếp tục có bước phát triển vượt bậc. Thành phố đã quan tâm, đầu tư đúng hướng, có hiệu quả phong trào thể thao ở cơ sở, thể thao thành tích cao, duy trì và phát huy thành tích tại một số môn thể thao mũi nhọn như đua thuyền, bơi lội… Tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên đạt 57%, tăng 9,7%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 50,2%, tăng 8,5% so với nhiệm kỳ trước. Tại Đại hội Thể thao tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII năm 2017-2018 đoàn vận động viên thành phố xuất sắc giành được 72 huy chương các loại, trong đó có 32 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 27 Huy chương Đồng xếp thứ Nhì toàn đoàn.
Cùng với đó, thành phố đã quan tâm đầu tư khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo được điểm nhấn, gây ấn tượng lớn đối nhân dân địa phương và du khách như: Lễ hội Cầu ngư (Hải Thành, Bảo Ninh), Chèo cạn, Múa bông; Lục niên cạnh độ (Bảo Ninh), Lễ hội rằm tháng Giêng (Hải Đình), Lễ hội Cù (Đồng Phú), Lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ; Hội Bài chòi (Nam Lý, Đồng Sơn, Hải Thành…). Đặc biệt, Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới được tổ chức hằng năm ngày càng quy mô, chuyên nghiệp, đã và đang trở thành một hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc trưng “riêng có” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; quảng bá giới thiệu tiềm năng thế mạnh về du lịch Đồng Hới, thu hút du khách, quảng bá xúc tiến phát triển du lịch. Cùng với 19 di tích được xếp hạng, trong đó có 9 di tích cấp Quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh, Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội cầu ngư của ngư dân miền biển (Hải Thành, Bảo Ninh) được xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần làm phong phú giá trị văn hóa, tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch của Đồng Hới.
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa – thể thao cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thành phố đã huy động được hàng chục tỷ đồng góp phần vào việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đồng bộ và tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa – thể thao như: “Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới”, “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”, Đại hội TDTT các cấp thành phố, Giải đua thuyền truyền thống, Giải đua xe đạp thành phố Đồng Hới… Xây dựng nhà văn hóa – khu thể thao thôn, tổ dân phố, mua sắm trang thiết bị như loa máy, bàn ghế, tivi… Tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất đầu tư xây dựng hệ thống sân bóng đá cỏ nhân tạo tại các xã, phường Bắc Nghĩa, Hải Thành, Nam Lý, Nghĩa Ninh, Đồng Phú… Thực hiện xã hội hóa panô tấm lớn, hộp đèn, hệ thống treo móc băng rôn phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn hóa – thể thao ở Đồng Hới vẫn còn một số tồn tại hạn chế: sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Phong trào văn hóa – thể thao phát triển chưa sâu rộng, có sự chệnh lệch giữ đô thị và nông thôn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao. Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa – thể thao thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp.
Mặc dù còn những hạn chế nhưng có thể nói,sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, phong trào văn hóa – thể thao ở Đồng Hới tiếp tục phát triển, chất lượng ngày một nâng cao đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Tác giả: Hoàng Thế Việt
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)