“…Bà Chăng đi dễ khó về
Khi vô tàu sắt, khi về tàu cây
Kẻ thù ngoan cố vào đây
Ăn đạn du kích đi chầu Diêm Vương…”
Ngâm xong mấy câu thơ “ruột” của đất địa Châu Thới với cái giọng rè rè tuổi bảy mươi mốt, chú Bảy Khoa làm một hơi ly rượu Xuân Thạnh – Trà Vinh rồi mới chịu bắt đầu kể câu chuyện hồi xửa hồi xưa.
– Mày muốn tao kể cái “đạn” nào? Hồi mới có cái đền hay hồi bị tụi nó bắn phá tứ tung binh tàng hay cái chuyện tụi tao vừa vác súng chạy dụ địch vừa “nện” với mấy chiếc trực thăng “xấc bấc xang bang” ?
– Thì chú kể từ đầu đi. Nhớ gì kể nấy. Đừng có râu ông nọ cắm cằm bà kia thì bó tay chấm com, vô phương cứu chữa – tiếng Thành trêu chọc.
– Ê. Đừng có nói “xàm”. Thấy tao vậy chớ còn kiếm ăn ngon lắm. Mắt khỏi đeo kiếng, răng không rụng cái nào. Chiều chiều tao “ đẩy” một xị với mấy con khô cá sặc rằn ngọt xớt. Còn cái chuyện cất đền, tao nhớ mồn một như mới hôm qua. Thôi để tao “xử” một ly nữa rồi kể. Tao làm “la phan” luôn còn mày muốn ghi, muốn chép gì thì tùy.
Câu chuyện hơn 50 năm trước lần lượt kéo về như những thước phim, quá khứ bi hùng tái hiện trước mắt hai con người trong làn gió se lạnh bên sông Bà Chăng phẳng lặng tháng 5.
* * *
Trong đêm tối mênh mông tháng 9 năm 1969, chiếc bàn thờ nho nhỏ được đặt trang trọng dưới ánh sáng tờ mờ của mấy cái đèn chong đang lập lòe vì gió mưa mỗi lúc một lớn. Khung ảnh Bác Hồ với nụ cười đôn hậu đặt trên bàn thờ khói nhang nghi ngút. Xung quanh bàn thờ, hàng trăm con người đầu vấn khăn tang trắng khóc nức nở. Bầu không khí yên lặng tang thương phủ trùm màn đêm. Tiếng phát thanh viên trong cái radio Liên Xô ngậm ngùi đọc đi đọc lại liên tục thông tin “… Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu đã vĩnh biệt chúng ta…”. Nghe đến đó, một người, hai, ba người rồi tất cả mọi người bật khóc như một phản xạ dây chuyền không cách nào kiềm chế được.
– Thưa bà con, Bác của chúng ta đã ra đi. Càng đau thương, chúng ta càng căm thù giặc và quyết tâm chiến đấu để nước nhà sớm thống nhất, để Bác mãn nguyện nơi cõi vĩnh hằng. Tiếng Năm Hơn, Bí thơ xã Châu Thới nghẹn ngào.
– Đúng vậy. Tui đề nghị mình xây dựng đền thờ Bác để mỗi ngày đốt nhang cho Bác được ấm cúng. Mấy chú, mấy anh, mấy chị thấy sao? Tiếng chị Bảy Dứa đề nghị.
Hàng trăm cánh tay đưa lên.
– Làm thì được nhưng mình phải có lực lượng bảo vệ. Tụi nó mà hay nhất định sẽ đánh phá. Tiếng chú Hai Tửng xen vào.
– Tui xung phong làm “chiện” này cho. Chết cũng làm. Nếu có hy sinh thì cũng vui vì được theo Bác. Tiếng Bảy Khoa nói chắc nịch với đôi mắt đỏ ngầu, ươn ướt nước mắt.
Hàng loạt cánh tay lại đưa lên với tiếng hô “…tui đăng ký, tui xung phong…”. Năm Hơn lặng nhìn mọi người xung quanh với niềm xúc động trào dâng. Người dân xứ Châu Thới này là vậy, hiền lành như cục bột, quần quật với ruộng vườn quanh năm, vậy mà hô lên chuyện làm đền thờ và bảo vệ đền thì ai nấy cũng hăm hở xung phong.
– Không được đâu. Tấm lòng bà con với Bác chúng tôi rất hiểu nhưng chuyện bảo vệ đền không đơn giản vì phải bí mật và chọn người đủ khả năng đối phó. Trước mắt tui phân công Bảy Khoa làm Đội trưởng đội bảo vệ với sáu người khác, chút nữa tui thông báo sau. Năm Hơn phân trần.
Tiếng máy bay trực thăng bắt đầu quần đảo trên bầu trời từ hướng Bạc Liêu tiến về Châu Thới. Trên đó, tiếng loa phóng thanh phát đi ra rả lời kêu gọi “… A lô. A lô. Hỡi các chiến binh cộng sản, chúng tôi quân lực Việt Nam Cộng hòa kêu gọi đồng bào di tản khỏi khu vực đền “Ông Hồ”, riêng các chiến binh cộng sản hãy buông súng đầu hàng để hưởng khoan hồng của quốc gia, bằng không chúng tôi sẽ ném bom, pháo kích hủy diệt vùng Việt Cộng này…A lô. A lô…”
Nằm dưới công sự, Bảy Khoa mình mẩy nóng hơ như lửa đốt. Bên kia hầm, sáu chiến sĩ bảo vệ ôm chặt mấy khẩu AK, CKC môi mím chặt vì tức giận, uất hờn, mắt đăm đăm hướng về bốn chiếc trực thăng bắt đầu lớn dần. Mới hôm qua, hàng trăm tên lính của ba tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 21 bộ binh và lính tiểu khu 411 chuẩn bị tổ chức càn quét vô đền sau khi bắn xối xả hàng trái pháo “dọn đường”. Tên thiếu tá tiểu khu trưởng Mai Thành Nghĩa còn sai lính lùa hết người dân xã này ra đồn rồi dõng dạc tuyên bố:
– Mấy người khôn hồn thì hợp tác với chúng tôi bằng cách dẫn đường đánh vô đền thờ. Nếu không, tui bỏ tù rục xương cả đám.
Một sự im lặng kéo dài. Hơn một giờ trôi qua đâu vẫn hoàn đấy. Bỗng một cánh tay đưa lên xin nói.
– Tụi tui là dân đen “rặc ri” từ hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ có biết ất giáp gì về mấy ông “Việt Cộng”, đâu biết chuyện xây đền, xây miếu gì ráo. Giờ biểu dẫn đường biết con khỉ khô gì mà dẫn. Lớ quớ dẫn vô bãi mìn của Việt Cộng thì chết cả đám. Mấy ông đông quân, súng bự nhiều thì càn vô đại, sợ gì mấy “ổng”. Tiếng dì Tư “ bánh ú” nói lớn.
– Con mẹ già im cái miệng đi. Làm xàm tao bắn một phát. Tiếng thiếu tá Nghĩa lồng lộn.
Nói cho oai chớ thấy mọi người im lặng, chúng cho tất cả ra về và giải tán binh lính sau khi hăm he đủ chuyện trên đời. Vậy mà sáng nay, chúng mở cuộc càn quét bằng máy bay trực thăng để tránh thương vong.
Tiếng máy bay lớn dần. Tiếng cánh quạt càng rõ mồn một. Đạn đại liên bắn xối xả xuống khu vực quanh đền. Tiếng súng phản công từ mặt đất cũng liên tục không kém. Trời đổ mưa. Mưa khá lớn. Những tia chớp sáng lên xoèn xẹt kèm theo những tiếng nổ chát chúa đinh tai nhức óc.
– Tình hình “găng” quá. Bây giờ tao với thằng Hơn, thằng Ốc, thằng Đen lấy súng chạy ra phía sông Bà Chăng để dụ địch. Nhớ vừa chạy vừa bắn để “nhử” nó ra khỏi khu vực đền. Ba thằng còn lại ở đây bảo vệ đền. Nhớ nghe, chuyến này lành ít dữ nhiều nhưng dù cỡ nào cũng bảo vệ cho được đền thờ Bác. Tiếng Bảy Khoa nghèn nghẹn nhưng rất quyết liệt. Nói đoạn, anh lấy một mảnh vải trắng quấn lên trán làm khăn tang rồi đốt nhang trước bàn thờ Bác khấn nguyện thì thầm. Thấy vậy, sáu người còn lại cũng làm theo anh. Họ đang làm lễ truy điệu chính mình trước lúc bước vào trận chiến sinh tử khốc liệt với kẻ thù.
Thấy những bóng người lố nhố chạy băng băng trên cánh đồng, họ vừa chạy, vừa bắn lên hướng trực thăng. Bốn chiếc máy bay lập tức đuổi theo và bắn xuống rất nhiều loạt đạn. Hơn ba mươi phút giao tranh trôi qua, trận địa vẫn chưa kết thúc. Một loạt đạn bất thần ghim xuống bàn chân trái của Bảy Khoa khiến anh mất thăng bằng vào ngã xuống cánh đồng đầy nước.
– Tao trúng đạn vô “giò” rồi. Tụi bay chạy ra hướng Châu Thới đi. Còn tao ở lại đây chiến đấu tới cùng – Bảy Khoa nói thật lớn trong cơn mưa tầm tã.
– Anh nói vậy nghe sao đặng. Sống chết có nhau, tụi tui đâu “đành đạn” bỏ anh. Tiếng thằng Đen nói ngập ngừng, đứt đoạn.
– Tao là chỉ huy, tui bây hổng được cãi lệnh. Quan trọng nhất là bảo vệ đền thờ, còn tao có bề gì thì cũng đã làm xong bổn phận với Đảng, với Bác, với nhân dân.
Thấy không thể lay chuyển được ý kiến của Bảy Khoa, ba chiến sĩ còn lại tiếp tục đánh trả và kéo địch ngày càng xa ngôi đền. Sau hơn hai giờ quần thảo không thành công, bọn chúng tháo lui. Từ phía xã Châu Thới, ba bóng người quay đầu chạy rất nhanh về hướng Bảy Khoa bị thương. Từ phía đền Bác, ba chiến sĩ khác cũng chạy băng băng trên đồng để tìm kiếm đồng đội. Sáu con người nhanh chóng cõng Bảy Khoa về Trạm y tế “dã chiến” trong tư thế bất tỉnh, bê bết máu.
– Rồi chú có sao hôn ? Tiếng Thành đưa chú Bảy Khoa về với thực tại.
– Thì tao hy sinh bốn cái ngón “chân” với được tặng mấy chục vết đạn khắp mình mẩy. Mùa nắng còn đỡ chớ mùa lạnh thì nhức thấy ông bà, ông vải. Cũng may chưa chết là may phước ông bà để lại rồi.
– Sức khỏe yếu vậy, thương tật đi lại khó khăn như vậy sao chú không nghỉ cho khỏe, công tác nữa làm chi cho cực tấm thân?
– Hồi đầu tao cũng tính vậy những nhớ tới hình ảnh Bác Hồ, nhớ tới mấy trận đánh hồi nọ, tao nghỉ không đành. Với lại, chính quyền địa phương còn đề nghị tao làm cái “chiện” kể cho khách tham quan nghe câu chuyện cất đền, chuyện đánh địch giữ đền, tao thấy cũng phải bởi đâu có ai rành rẽ hơn tao. Vậy là tính tới, tính lui rồi ừ luôn. Mới đó đã bốn mươi tám năm giữ đền. Mau quá. Thôi để bữa khác kể tiếp, tao phải đi thắp nhang cho Bác đây.
Nhìn dáng đi khập khiễng, khó nhọc bước thấp, bước cao của chú Bảy Khoa tiến về bàn thờ Bác, Thành thấy thương chú nhiều quá. Một người thương binh đã gắn chặt gần như trọn cuộc đời mình, hy sinh thân thể của mình vì sự tồn tại của ngôi đền thiêng liêng qua bao cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường.
Trong bóng chiều nghiêng nghiêng, tiếng sông Bà Chăng vẫn chảy êm đềm như bao vết tích chiến tranh chưa hề có mặt tại đây. Trong lãng đãng khói hương tràn ngập ngôi đền, khuôn mặt đôn hậu của Bác Hồ vẫn đang phảng phất quanh đây với nụ cười tất thắng, bao dung.
PHAN THỊ ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)