Mỹ thuật môi trường đô thị chính là nét đẹp văn hóa thẩm mỹ của mỗi đô thị. Nó là điểm tiếp cận đầu tiên với cộng đồng, du khách khi đến một địa phương, khu vực, đất nước và thể hiện rõ trình độ dân trí, sự phát triển của đô thị hay vùng miền. Các công trình mỹ thuật môi trường đô thị như tượng đài, tượng trang trí kiến trúc, công viên, đường phố, tranh vẽ, hệ thống đèn, các thiết bị mỹ thuật ứng dụng đường phố,… ở các thành phố lớn trên thế giới ngày nay đang là một trong những điểm nhấn, bộ mặt văn hóa hấp dẫn nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên đối với du khách.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, thẩm mỹ môi trường đô thị còn rất nhiều bất cập, đang là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội, giới chuyên môn; có những ảnh hưởng không tốt tới cảnh quan du lịch; không có sự tương đồng giữa mỹ thuật với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong quá trình tiếp cận thông tin, chúng ta không đi sau bạn bè quốc tế bao nhiêu về mặt nhận thức tầm quan trọng của không gian mỹ thuật đô thị nhưng lại có khoảng cách khá lớn về cách nghĩ, cách làm quy hoạch, bài trí, thực hiện và chất lượng chuyên môn của các công trình, sản phẩm mỹ thuật của không gian môi trường đô thị.
Trong giai đoạn hiện nay, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề xây dựng một môi trường mỹ thuật đô thị văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và những đòi hỏi chính đáng ngày càng cao về một cuộc sống tinh thần phong phú của mỗi người dân thực sự đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các ngành, các cấp chính quyền. Việc giải quyết vấn đề này không thể chỉ đơn thuần của ngành điêu khắc, kiến trúc hay của từng đô thị, từng địa phương mà phải được phối hợp giải quyết đồng bộ giữa các ngành, các cấp từ trung ương tới địa phương. Đặc biệt, Bộ VHTTDL và Bộ Xây dựng là hai bộ trực tiếp chịu trách nhiệm về vấn đề không gian, thẩm mỹ môi trường đô thị.
1. Thực trạng sáng tác điêu khắc môi trường đô thị Việt Nam
Đội ngũ sáng tác mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay có khoảng trên 3.000 người trong đó có khoảng 500 người hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc. Số nhà điêu khắc có điều kiện sáng tác ngày càng đông và kinh phí của Nhà nước đầu tư cho mỗi tác phẩm điêu khắc môi trường ngày càng lớn, nhất là trong lĩnh vực tượng đài. Nếu như vào thời kỳ đầu những năm đổi mới, một tác phẩm tượng đài có giá trị cũng chỉ có kinh phí khoảng 1 – 2 tỷ đồng thì những năm gần đây, nhiều công trình đã có kinh phí trên 10 tỷ đồng và có công trình đã được Nhà nước phê duyệt kinh phí trên 400 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn chưa có nhiều công trình điêu khắc đẹp, tầm cỡ tương xứng với kinh phí và công sức của các ngành, các cấp đổ ra.
Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi nhất là chúng ta chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, thiếu quy hoạch tổng thể của đô thị, làm việc một cách chộp giật, chắp vá, tùy tiện… Đặc biệt, hai ngành kiến trúc và mỹ thuật vốn có sự liên kết gắn bó mật thiết với nhau như hai anh em ruột từ lọt lòng, lại không có sự tôn trọng lẫn nhau và làm việc bình đẳng với nhau. Trong quan niệm của xã hội nói chung và của giới lãnh đạo các đô thị nói riêng, kiến trúc vẫn được coi trọng hơn mỹ thuật, coi mỹ thuật trong đó có điêu khắc chỉ là một bộ phận của kiến trúc. Chính vì thế mới xảy ra các tình trạng sau khi làm tượng, phải đi tìm điểm đặt, dựng tượng không phù hợp không gian, thiếu phông, cảnh hay trơ trọi giữa ngã ba, ngã tư, ngã năm… đường phố với vô vàn cờ xí, khẩu hiệu, đèn hoa giăng bít kín hay làm bãi giữ xe, nơi bán hàng quán; các tượng trang trí công viên, sản phẩm của các trại sáng tác điêu khắc thì không tìm được chỗ đặt, được dồn vào một góc nào đó của công viên, bãi đất trống hay sắp đặt như trưng bày triển lãm, cửa hàng bán tượng…
Chỉ với một thời gian ngắn từ 1997-2012, Việt Nam đã tổ chức khoảng 30 trại điêu khắc mang tính quốc gia và quốc tế, có số trại điêu khắc hàng năm chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập. Bắt đầu từ trại Điêu khắc quốc tế Hà Nội (1997), tiếp đến là Huế (1998, 2002, 2004, 2006, 2008), An Giang (2003, 2005, 2007), Nha Trang (2005, 2007), TP.HCM (tháng 4 và 12-2005), Việt Trì (2005), Vũng Tàu (2006), Đà Nẵng (2006), Hội An (2006), Đà Lạt (2007), Tây Nguyên (2007), Hải Phòng (2007), Cà phê Trung Nguyên (2008), Phú Thọ (2010), Côn Đảo (2010), Ninh Thuận (2011), Đồng Nai (2012)… Tuy số lượng trại sáng tác mở nhiều nhưng chất lượng nghệ thuật chưa cao, “phần lớn nặng trang trí, nghèo ý tưởng, thừa tính mỹ nghệ – dân gian – phồn thực” (1). Các trại sáng tác điêu khắc tổ chức hiện nay chỉ mang tính chất phong trào, là điểm nhấn cho một festival (lễ hội) của địa phương, chưa thực sự nhắm tới chất lượng nghệ thuật. Cách tổ chức của các trại cũng còn nhiều bất cập, tác giả không chủ động làm việc được với tác phẩm của mình mà hầu hết phải lệ thuộc vào thợ đá hay đơn vị lãnh thầu chuyển mẫu tượng sang chất liệu đá; chưa có những chương trình tổ chức giao lưu, thăm quan, điền dã hay tọa đàm phù hợp về học thuật; một số trại bố trí điểm đặt tượng chưa phù hợp… càng làm cho chất lượng nghệ thuật của tác phẩm thêm phần bi thảm.
Ngược lại với số lượng trại sáng tác điêu khắc là số lượng các triển lãm chuyên ngành điêu khắc. Ở cấp quốc gia (do Bộ VHTTDL kết hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức), triển lãm chuyên ngành này có định kỳ 10 năm/lần; cấp tỉnh, thành phố, triển lãm chuyên ngành điêu khắc được tổ chức với kinh phí tự lực là 5 năm một lần, còn hầu hết là triển lãm điêu khắc của các nhóm, của sinh viên với kinh phí xin tài trợ và tự bỏ ra… Và cuối cùng, những đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau của giới điêu khắc, sau 5 – 10 ngày triển lãm, phải âm thầm về nằm trong kho hay bị vứt lăn lóc ở các gầm cầu thang, những góc đất trống ở hội, trường mỹ thuật hoặc phơi giữa nắng mưa bên vệ đường của các xưởng điêu khắc…
Những nút rối của mỹ thuật Việt Nam nói chung và điêu khắc nói riêng đang là những bức xúc, nỗi đau của người sáng tác, của dư luận xã hội và rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ.
2. Tiềm năng sử dụng tác phẩm điêu khắc môi trường đô thị ở Việt Nam
Các tác phẩm điêu khắc hoành tráng và không gian mỹ thuật đô thị thường là những nét văn hóa hấp dẫn nhất, tạo điểm nhìn, gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên đối với du khách khi tiếp cận với một thành phố, một khu vực, một đất nước. Các đô thị là những trung tâm kinh tế quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của một huyện, một tỉnh, một khu vực hay quốc gia… nên yêu cầu cần có không gian mỹ thuật đô thị đúng chuẩn, hiện đại phù hợp với sự phát triển không ngừng của đất nước đang là việc bức bách.
Trong sự nghiệp đổi mới, cùng với quá trình hội nhập, mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đầu tư của các nước vào Việt Nam gia tăng, cùng với sự hình thành nhiều khu công nghiệp, những vùng kinh tế trọng điểm, kéo theo sự gia tăng lực lượng công nhân, trí thức và sự phát triển mở rộng, cải tạo, hình thành nhiều trung tâm đô thị mới. Sau giải phóng 1975, cả nước mới có 13 thành phố, nhưng tính đến nay Việt Nam đã có 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ), 51 thành phố trực thuộc tỉnh, 44 thị xã và gần 600 thị trấn. Cùng với sự gia tăng về số lượng thành phố trực thuộc tỉnh, những quy hoạch cải tạo, phát triển đô thị hiện nay tất nhiên sẽ nảy sinh nhu cầu xây dựng, cải tạo không gian văn hóa nghệ thuật cộng đồng tương xứng, tạo nên cảnh quan và những điểm nhấn cần thiết cho một đô thị hiện đại. Nhiều công trình lịch sử văn hóa nghệ thuật, điêu khắc đã được Nhà nước đầu tư và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng… Cùng với sự mở rộng quy mô, phát triển hiện đại các đô thị hiện có, xây dựng nhiều khu đô thị mới cho phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà cụ thể phấn đấu tới năm 2020 nước ta sẽ là một nước công nghiệp với 60 – 75% dân số được đô thị hóa thì quy mô, số lượng, diện tích các đô thị ít nhất phải tăng gấp nhiều lần hiện nay, đồng nghĩa với sự cần thiết gia tăng nhiều các biểu tượng, tượng trang trí, đặt để ở các quảng trường, công viên, những nơi công cộng trong các đô thị.
Nhưng thực tế ở các tỉnh thành trong cả nước hiện nay, số tác phẩm điêu khắc hiện diện ở môi trường đô thị là rất khiêm tốn. Ngay tại TP.HCM, ngoài một số các công trình tượng đài cũ và mới được đặt ở các vòng xoay nút giao thông, một vài công viên có tượng mang tính chất mỹ nghệ,… rất nhiều công viên, khu đô thị mới, dọc những khu sinh thái bờ sông, hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… cần có sự hiện diện những tác phẩm điêu khắc vừa mang tính chất trang trí vừa mang nét thẩm mỹ có tính nhân văn, văn hóa.
Tiềm năng sử dụng là vậy nhưng chúng ta phải tổ chức thực hiện thế nào để có chất lượng tốt nhất và phải thuyết phục thế nào để có nguồn kinh phí, cũng như được phép thực hiện? Đây là vấn đề hết sức nan giải và đòi hỏi được cấp bách tháo gỡ.
3. Giải pháp sử dụng hiệu quả các tác phẩm điêu khắc môi trường đô thị
Để có được một nền điêu khắc Việt Nam hiện đại nói chung và điêu khắc môi trường đô thị nói riêng phát triển, không chỉ cần sự cố gắng của mỗi nhà điêu khắc, mà thực tế, cần hơn hết, sự thay đổi trong cách tiếp cận nghệ thuật của cả cộng đồng, bao gồm cả giới sáng tác, giới phê bình, lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý và công chúng thưởng ngoạn. Nói cách khác, là phải có cách tiếp cận từ cội nguồn văn hóa xã hội và cơ sở học thuật của chuyên ngành….
Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện có hiệu quả các tác phẩm điêu khắc môi trường công cộng đô thị ở Việt Nam, theo tôi, Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), cơ quan trực tiếp quản lý về mặt mỹ thuật cần phải đứng ra tạo dựng sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành một cách khoa học, bình đẳng, đặc biệt là ngành kiến trúc quy hoạch, ngành mỹ thuật trong đó có điêu khắc từ trung ương tới địa phương để xây dựng quy hoạch tổng thể về lĩnh vực mỹ thuật môi trường đô thị của các tỉnh thành trong cả nước từ vi mô đến vĩ mô. Cơ quan này cũng cần phải xây dựng cụ thể đề án kinh phí dành cho mỹ thuật trong tổng thể kinh phí xây dựng của mỗi công trình công cộng hay tổng chi phí xây dựng, cải tạo đô thị… để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các tác phẩm mỹ thuật môi trường đô thị (ví dụ như Hàn Quốc thường dành khoảng 1% kinh phí cho mỹ thuật trên tổng kinh phí mỗi công trình xây dựng). Cũng đã đến lúc phải xem xét lại cách tổ chức các trại sáng tác điêu khắc và sớm ban hành quy chế về lĩnh vực này nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm, phục vụ tích cực hơn cho thẩm mỹ môi trường đô thị. Đặc biệt, cơ quan này nên sớm có kế hoạch trình với Chính phủ xin xây dựng bảo tàng mỹ thuật hiện đại, tầm cỡ, có đủ chỗ trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc theo từng chuyên đề, đợt triển lãm hay đặt để tác phẩm lâu dài (kiểu như Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại ở Hàn Quốc được xây dựng trong một khu rừng, trên đồi núi, cách thủ đô Seoul khoảng 60 km). Cuối cùng là có chương trình phổ cập kiến thức về mỹ thuật ở các địa phương đặc biệt là các cán bộ đầu ngành từ cấp phường, xã đến cấp tỉnh để họ có cách nhìn, đánh giá, nhận xét đúng và chuẩn hơn về mỹ thuật nói chung và điêu khắc môi trường nói riêng nhằm tạo điều kiện cho giới sang tác và quản lý có cách tiếp cận với cái đẹp gần nhau hơn.
Xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, với xu thế hội nhập và phát triển, nền kinh tế đang đòi hỏi phải có môi trường văn hóa, nghệ thuật tương xứng, đó là quy luật tất yếu “một cơ thể chỉ sống thông qua sự trao đổi với môi trường của nó” (2). Đảng ta đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”; “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (3), vừa mang tính kế thừa, phát huy những nhân tố văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn minh của nhân loại, ngày một “khẳng định được tầm vóc, trình độ, bản lĩnh và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong giao lưu và hợp tác quốc tế” (4). Trong bối cảnh ấy, mỹ thuật môi trường đô thị Việt Nam hiện đang có rất nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết, đặc biệt ở lĩnh vực điêu khắc. Nó đòi hỏi phải có sự chung tay, phối hợp của các ngành, các giới và ở mỗi nhà điêu khắc. Nếu giải quyết được tốt vấn đề điêu khắc môi trường đô thị, thì chính đó cũng là một trong những miền đất sống, tồn tại và hướng phát triển của ngành điêu khắc hiện đại Việt Nam, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một nền văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
_______________
1. Bùi Như Hương, Thấy gì qua các trại sáng tác điêu khắc ngoài trời Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006, tr.123.
2. Đình Quang, Vấn đề quản lý văn hóa nghệ thuật truyền thống và đương đại trong quá trình toàn cầu hóa, Tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý ngành văn hóa thông tin, Bộ VHTT, Hà Nội, 2006, tr.6.
3. Ban Tư tưởng văn hóa TW, Tài liệu nghiên cứu kết luận Hội nghị lần thứ 10 BCH TW Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.50.
4. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.5.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012
Tác giả : Nguyễn Xuân Tiên
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày