Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật Nguyễn trên đất Huế được coi là dòng nghệ thuật quyền quý, chính thống phong kiến với nhiều biểu tượng mang nặng tư tưởng Nho giáo. Những đề tài trang trí mang tính cung đình, nổi bật là hình tượng tứ linh có mặt trong hầu hết các điêu khắc trên đá, đồng, gỗ, gốm sứ… và đồ dùng của hoàng cung.
Theo quan niệm của người xưa, các loài vật trong thiên nhiên có 5 nhóm loại: nhóm lông trần đứng đầu là con người; nhóm lông vũ đứng đầu là phượng hoàng; nhóm lông phủ đứng đầu là kỳ lân; giống có vảy đứng đầu là rồng; giống có mai đứng đầu là rùa. Do rồng, lân, rùa, phượng đứng đầu các loài chim thú, mang tính thiêng liêng, trang trọng nên được gọi là tứ linh, tượng trưng cho uy quyền của vương triều phong kiến. Long tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của đấng thiên tử; lân, tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa; quy, tượng trưng sự bền vững của xã tắc; phụng, tượng trưng cho phái nữ và sự thịnh vượng của triều đại.
Trang trí trên đồng là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng làm nên nét đặc sắc của mỹ thuật Nguyễn với những đề tài phong phú và đa dạng. Đề tài có liên quan đến động vật xuất hiện nhiều nhất với trên 30 giống loài khác nhau. Động vật trong tứ linh, nhất là rồng và lân, có mặt trên hầu hết nhóm đồ ngự dụng, đồ tự khí dưới nhiều hình dạng khác nhau. Bên cạnh những rồng, lân, rùa, phượng đúc đặc tả chi tiết là các dạng hoa lá thực vật, mây, hồi văn… hóa rồng, hóa phượng được thể hiện trên nhiều sản phẩm đồ đồng. Các con vật trong tứ linh còn được trang trí kết hợp với nhau, với một số động vật khác, với các biểu tượng của tự nhiên, với hoa lá thực vật, với các chữ Hán trong nhóm cát tường tự văn (1) như những lời cầu chúc may mắn hay những biểu tượng tốt lành. Hình tượng tứ linh được thể hiện riêng lẻ trên đồ đồng không nhiều, đó là cặp lân dùng đốt trầm, đôi rồng chầu oai vệ… Có thể nói, chưa giai đoạn nào trong mỹ thuật Việt Nam nói chung, điêu khắc trên đồng nói riêng, hình tượng tứ linh lại xuất hiện đồng bộ và phổ biến với vô số các biến hóa về hình thể đầy hàm nghĩa quyền quý như dưới thời Nguyễn.
Long (rồng) là biểu tượng của sức mạnh và lòng nhân ái, biểu tượng cho vua đồng thời gắn liền với mây, mưa. Rồng là con vật huyền thoại, khi ẩn khi hiện, lúc nhỏ lúc lớn, lúc dài lúc ngắn (2). Sinh ra từ trí tưởng tượng của con người nên rồng không giống bất cứ con vật nào mà là sự tổng hòa các bộ phận của nhiều con vật: sừng hươu, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng lang, thân rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng… Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, rồng xuất hiện từ thời Lý ở các kiến trúc cung đình. Sau đó rồng được dân gian hóa, dần xuất hiện trên một số kiến trúc đình, chùa dân gian. Đến thời Nguyễn, hình tượng con rồng xuất hiện trên phạm vi rộng nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Rồng Nguyễn có dáng vẻ uy nghi với đầu và mắt lộ to, sừng chĩa ngược ra sau, râu uốn sóng chìa ra cân xứng hai bên. Được xem là biểu tượng quyền uy của vua nên triều Nguyễn quy định chỉ đồ ngự dụng mới được trang trí rồng 5 móng, đồ quan dụng, dân dụng thì dùng rồng 4 hoặc 3 móng để phân biệt.
Trong nhóm tứ linh, rồng là linh vật có tần số xuất hiện nhiều nhất, được thể hiện bằng những đồ án trang trí phong phú và đa dạng nhất trên các đồ đồng thời Nguyễn như lư, đỉnh, bình hoa, khánh, chân đèn, bếp lò, ấm nấu nước… Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau, mình không dài ngoằng mà uốn lượn mềm mại vài lần với độ cong lớn, tạo nên dáng vẻ khỏe mạnh, sống động cho các đồ đồng vốn có chất liệu cứng cỏi. Các đồ án về rồng được sử dụng phổ biến trên đồ đồng dưới dạng đứng độc lập, kết hợp, cách điệu hoặc biến thể. Trong tư thế trang trí độc lập, rồng được thể hiện chủ yếu dưới hình thức độc long, lưỡng long, tứ long. Bên cạnh đó, rồng còn được kết hợp với các con vật khác trong tứ linh như lân, phụng; với các hiện tượng tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, mây; với hoa lá thực vật trong nhiều đồ án trang trí rất khác nhau… Ngoài ra, rồng còn được thể hiện dưới dạng long hóa (rồng cách điệu) cùng với các biến thể của rồng như con giao, con cù, con bồ lao, mặt hổ phù… Tùy theo loại hình đồ vật, tùy vào vị trí cần trang trí mà các đồ án rồng được người thợ thể hiện trong tư thế vận động khá đa dạng với nhiều kiểu dáng khác nhau trên các đồ đồng thời Nguyễn. Đó là những con rồng lượn dài theo chiều ngang ở tư thế chầu mặt trời, mặt trăng, chữ thọ trong các đồ án lưỡng long chầu nhật (hai con rồng chầu mặt trời), lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng), long thọ (hai con rồng chầu chữ thọ) trên thân những chiếc lư, đỉnh, bình hoa, chuông, khánh, chân đèn… Rồng uốn lượn giữa các cụm mây trong đồ án long vân khế hội (rồng và mây) được trang trí trên trang bìa của các quyển sách đồng và nổi bật nhất là hình tượng rồng mây uốn lượn cuồn cuộn quanh các phương môn trước điện Thái Hòa, lăng Minh Mạng. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh rồng phun nước trong đồ án long hý thủy cách điệu tạo thành một số cặp quai của những chiếc lư xông trầm hình cầu dẹt. Đặc biệt, quanh thân một chiếc đỉnh đúc đời Khải Định thể hiện một đồ án trang trí từng cặp hai con rồng chầu vào các chữ Hán xuân, thu, đỉnh, thịnh trông rất lạ mắt. Một trong những đề tài trang trí rồng độc đáo trên đồ đồng thời Nguyễn là hình tượng tứ long được thể hiện trên chiếc lư tế Nam Giao: 4 con rồng đang uốn lượn, miệng ngậm vào thành lư tạo thành 4 quai, chân 5 móng ôm gọn quả cầu tạo thành 4 chân lư. Đó thực sự là một tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo với những đường nét chắc khỏe mà mềm mại, uy nghi và trang trọng. Dưới dạng đơn lẻ, rồng được thể hiện uốn lượn hình chữ S theo chiều dọc trong tư thế bay lên (long thăng), bay xuống (long giáng) trên các cặp quai của đa số lư hương, bình hoa dùng trong tế lễ. Điển hình nhất của đồ án độc long là cặp rồng đặt trước sân nhà hát Duyệt Thị Đường được đúc đặc tả chi tiết trong tư thế vươn lên hiên ngang, dũng mãnh. Bên cạnh những kiểu thức trang trí rồng cổ điển, trên đồ đồng thời Nguyễn còn xuất hiện hình ảnh con rồng được thể hiện đơn giản, thân không có vảy, thường được gọi là con giao, con cù tạo nên các quai lư, quai bình hoa, kiềng bếp lò. Đối với các đồ án rồng cách điệu như gốc mai hóa rồng, cúc hóa rồng, lan hóa rồng, gốc trúc hóa rồng, lá hóa rồng… thường được sử dụng để trang trí trên thân lư, bình hoa, hộp đồng khảm tam khí. Kiểu thức dây lá hóa rồng, hồi văn hóa rồng, mây hóa rồng… được dùng khá phổ biến tạo nên các quai lư, quai bình hoa, trên viền cổ, thân, đế của nhóm đồ sinh hoạt như bàn là, lồng ấp, ống nhổ, bình vôi, bếp lò, ấm nước…
Có thể nói trong lĩnh vực tạo hình, rồng và biến thể của rồng có mặt trên hầu hết các lĩnh vực kiến trúc, trang trí, điêu khắc mỹ thuật, nhất là điêu khắc trên đồng. Người ta phân biệt chúng bằng những đặc điểm riêng về hình dáng và tính chất. Chẳng hạn, rồng hai đầu được thể hiện trên đỉnh của hầu hết những chiếc chuông đồng, tạo thành nơi treo chuông gọi là con bồ lao. Truyền thuyết cho rằng bồ lao sinh ở bờ biển, khi bị cá kình tấn công thì kêu la lớn tiếng. Người ta dùng cây gỗ lớn đẽo thành hình cá kình, dùng cá gỗ đánh vào chuông đồng thì tiếng chuông sẽ vang to lạ thường (3). Một biến thể nữa của rồng xuất hiện trên rất nhiều đồ đồng thời Nguyễn là hình tượng mặt hổ phù (mặt rồng ngang) được thể hiện theo tư thế mặt rồng nhìn chính diện phía trước. Đồ án mặt hổ phù được người thợ đúc đồng sử dụng để trang trí trên thân hoặc chân của các lư trầm, đỉnh, bếp lò, ấm, bình hoa, bình, hộp trang điểm, bàn là…
Lân (nghê) là con vật báo điềm lành, biểu tượng của sự đường bệ và tượng trưng cho niềm hạnh phúc lớn lao. Lân là sự kết hợp của tất cả những đức tính tốt đẹp, tử tế và nhân từ. Lân được coi là một nhân thú: không ăn thịt sinh vật, không giẫm chân lên cỏ (4). Đây cũng là con vật mang tính tượng trưng không có thật nên trên thân mang nhiều biểu tượng không giống con thú cụ thể nào ngoài đời. Kỳ lân có hình dáng của một con hươu xạ với chiếc đuôi bò, trán sói, móng ngựa, có một chiếc sừng ngay trên trán và trên đỉnh đầu núng nính thịt (5). Lân cũng được thể hiện gần giống với sư tử hay con ngựa, mình được bao phủ những lớp như vảy cá. Linh vật huyền thoại này xuất hiện trên nhiều đồ đồng thời Nguyễn dưới các dạng độc lập như: toan nghê (lân ngồi), lân mẫu lân nhi (lân mẹ và lân con), lân hý cầu (lân đùa trái bóng), tam lân hý cầu (ba con lân đùa tranh trái bóng)…
Lân và sư tử được coi là đồng loại, lân giống cái, sư giống đực. Sư thường đứng cặp với lân, lân thì lân mẫu xuất lân nhi, sư thường đùa với trái cầu gọi là sư tử hý cầu, biểu trưng cho sự thành đạt, mãn nguyện. Chính quan niệm tương đồng về lân và sư tử này nên trên các đồ đồng thời Nguyễn, hình tượng con lân đôi khi được thể hiện như hình dáng con sư tử. Lân trong tư thế ngồi (toan nghê) là đồ án trang trí về lân được các nghệ nhân đúc đồng khai thác rất thành công. Đó là các cặp lân đúc đặc tả chi tiết, đặt đối xứng nhau trước tôn miếu, bàn thờ dùng để đốt trầm; là cặp nghê đứng chầu hai bên sân điện Thái Hòa, sân chầu tại lăng mộ các vua Nguyễn để đại diện cho uy quyền và công lý, giám sát lòng trung thành của các quan (6). Trên nắp các lư hương, bình vôi bằng đồng, hình tượng lân ngồi độc lập còn được thể hiện dưới dạng lân hý cầu tạo thành các chỏm nắp. Đồ án tam lân hý cầu được thể hiện sinh động theo kiểu cách điệu trên chiếc lư thân cầu tròn tượng trưng cho trái bóng với một con lân ngồi trên chỏm nắp, hai con lân gắn hai bên tạo thành quai lư. Đề tài lân mẫu lân nhi mang ý nghĩa biểu thị cha mẹ thuộc dòng quý phái sinh con hay, con tốt được thể hiện bằng hình ảnh lân mẹ chơi cùng lân con thường được sử dụng để tạo thành tay cầm cho những chiếc bình vôi trông rất độc đáo. Đặc biệt hơn, lân mẫu lân nhi còn được kết hợp khéo léo với tam lân hý cầu trên nắp các lư trầm; trên cặp lân được chế tác đặc tả dưới dạng lân mẹ lưng cõng lân con, chân vờn trái cầu cùng chơi với một con lân nhỏ khác. Đề tài mang tính kết hợp này thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người thợ đúc đồng thời Nguyễn. Ngoài những đồ án lân điển hình, trên đồ đồng thời Nguyễn còn có một số kiểu thức trang trí về lân khá lạ mắt như hình ảnh hai con lân ngậm vào vành miệng tạo thành quai lư, gốc cây hóa lân tạo thành chỏm nắp trên chiếc lư trang trí nho sóc… Đó còn là các đầu lân được gắn vào hai bên thân lư, thân bếp lò, thân các dụng cụ đo lường (phương, hộc) tạo thành các tai cầm, quai xách. Lân cũng là con vật tượng trưng cho hoàng tử nên đề tài trang trí long lân cũng chính là hình ảnh kết hợp của vua và hoàng tử. Đồ án này tuy ít được trang trí trên các đồ đồng thời Nguyễn song chúng ta vẫn có thể bắt gặp long lân cách điệu trên một vài chiếc lư xông trầm.
Quy (rùa) là con vật linh duy nhất mà con người có thể nhìn thấy được trong nhóm tứ linh. Rùa mang chiếc mai trên lưng, phần vòm trên là biểu tượng của bầu trời, phần phẳng dưới mai tượng trưng cho đất do đó rùa được xem là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ. Là con vật sống lâu nên rùa được dùng biểu trưng cho sự trường thọ, trường tồn. Trong mỹ thuật Huế, con rùa được trang trí trên nhiều chất liệu khác nhau song lại rất ít xuất hiện ở mảng điêu khắc trên đồng. Rùa được thể hiện chủ yếu ở kiểu thức quy hạc (rùa đội hạc), là hình tượng biểu trưng cho tổng hợp thể không gian – thời gian vũ trụ, cho sự trường tồn bền vững và vĩnh cửu. Rùa sống lâu, hạc cũng là loài chim sống rất lâu nên cả rùa và hạc đều biểu trưng cho sự trường thọ. Kiểu thức rùa hạc thể hiện chủ yếu dưới dạng chân đèn, được chế tác thành từng cặp đặt đối xứng nhau trên các bàn thờ, hương án để dùng trong tế lễ. Trong kiểu thức trang trí này rùa hạc được đúc đặc tả chi tiết: mai rùa chạm chìm các hình lục giác, hình vuông ken nhau, chim hạc miệng ngậm bông hoa sen với đài hoa tạo thành nơi cắm nến. Sự kết hợp rùa hạc với bố cục bề thế, vững chắc chính là sự hoàn chỉnh của trục vũ trụ trong không gian cũng như mang ý nghĩa bất tử về thời gian. Rùa cũng còn xuất hiện dưới dạng kết hợp với một số động, thực vật khác (ốc, ếch, hoa lá sen) trên thân chiếc lư hình lá sen độc đáo với động tác khá sinh động như đang sống thực giữa một hồ sen. Dưới dạng đơn lẻ, rùa xuất hiện rất ít, chỉ có thể tìm thấy ở phần đế của một vài chiếc lư xông trầm. Và chúng ta khó mà tìm thấy con rùa trong kiểu thức trang trí kết hợp với các linh vật khác của tứ linh trên các đồ đồng như đã từng được thể hiện khá nhiều trong kiến trúc hay điêu khắc trên đá, gỗ, gốm sứ. Có thể nói trong nhóm tứ linh được tạo hình trên đồ đồng thời Nguyễn, con rùa mang thân phận kém cỏi nhất với rất ít đề tài trang trí.
Phụng (phượng), được coi là chim thần, vua của các loài chim. Trên thực tế, phượng là con chim của trí tưởng tượng nên thường được thể hiện dưới hình dạng: cổ nhạn, mỏ gà, hàm én, lưng rùa, trán hạc, mào vịt xiêm, đuôi chẻ như đuôi cá với 12 chiếc lông ngũ sắc đẹp đẽ, tự ca, tự múa, tiếng hót như nhạc. Cũng như lân, phượng là con vật hiền đức, không giết hại con trùng, không làm hư hao cây cối. Phượng mang nhiều ý nghĩa khác nhau như gắn với bầu trời, chở mặt trời, là vật cưỡi của thần linh, tượng trưng cho phái đẹp… Phượng cũng chính là con linh điểu biểu tượng cho hơi ấm mùa hạ và sự thu hoạch mùa màng. Theo tư tưởng Nho giáo thì phượng là một biểu tượng của vũ trụ, là bầu trời, có mắt là mặt trời, mặt trăng, cánh là gió, chân tượng trưng cho đất, đuôi biểu tượng cho cây cỏ, đầu đội đức hạnh, lưng mang nhân đức (7).
Là con chim đem lại điềm lành, là hình ảnh biểu trưng cho phái nữ nên phượng thường xuất hiện trên đồ dùng của các bà hoàng hậu. Trên đồ đồng thời Nguyễn, phượng có tần số xuất hiện không nhiều như rồng và lân. Hình ảnh chim phượng hầu như chỉ thấy ở các đồ dùng sinh hoạt, chủ yếu là nhóm đồ dùng ăn trầu. Kiểu thức phượng hàm thư (phượng đội hòm sách) thể hiện hình ảnh chim phượng đang bay, miệng ngậm dải lụa phất phơ trước gió, lưng đội hòm sách uốn lượn mềm mại trên quai một số bình vôi đúc lọng đời Minh Mạng. Hình ảnh song phụng ẩn vân (hai con chim phượng ẩn hiện trong mây) thường xuất hiện với những đường nét tinh tế, uyển chuyển trên thân những chiếc cơi đựng trầu. Đồ án chim phượng đứng độc lập trong tư thế dang cánh bay (đoàn phượng nhật bình) trong lòng khay, dĩa cũng được các nghệ nhân đúc đồng thời Nguyễn thể hiện khá thành công. Bên cạnh đó phượng còn kết hợp với rồng trong môtip long phụng trình tường (rồng phượng đang múa) biểu thị cho việc âm dương hòa hợp, trời đất giao hòa được thể hiện hết sức sống động, nét uốn lượn uyển chuyển, bay bướm quanh thân những chiếc cơi đựng cau trầu hình trụ ống.
Tứ linh là một trong những kiểu thức trang trí chủ đạo của Nho giáo tượng trưng cho những ước mơ về nhiều mặt trong xã hội phong kiến Á châu. Những mô hình cơ bản của các kiểu thức tứ linh tuy vẫn được người thợ đúc đồng thời Nguyễn giữ đúng tinh thần song đã có sự biến hóa linh hoạt trong cách biểu hiện. Đây cũng là một trong những đặc trưng của mỹ thuật Huế được thể hiện trên đồ đồng: tuân thủ nhưng không hoàn toàn đóng khung trong các mô hình cơ bản tiếp thu từ văn hóa Trung Hoa mà có sự sáng tạo linh hoạt ở các chi tiết trong vô số kiểu thức long, lân, quy, phụng cách điệu. Thuộc dạng đề tài mang nặng tính khuôn mẫu cứng nhắc với những quy phạm khắt khe của tinh thần Nho giáo song bằng thủ pháp tả chân và cách điệu, các linh vật trong tứ linh đã được người thợ đúc đồng chuyển hóa linh hoạt, tạo nên cái thần thái riêng trong quá trình thể hiện. Thông qua nhóm đồ đồng thời Nguyễn, chúng ta có thể nhận thấy những nghệ nhân đúc đồng đã truyền được sức sống cho các linh vật, tạo nên sự chuyển hóa vô hình qua những kiểu thức long hóa, phượng hóa, lân hóa, rùa hóa được thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau trên quai bình vôi, bình hoa, tai lư, chỏm nắp, viền miệng, viền đế… Có thể nói nét đẹp của mỹ thuật Nguyễn chính là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên nên khi trang trí trên đồng, người thợ đúc đã sử dụng nhiều kiểu thức cách điệu hoa lá thực vật uốn lượn thành các linh vật trong tư thế giao thoa, chuyển hóa bằng các họa tiết trúc hóa, mai hóa, cúc hóa, lan hóa… tạo nên kiểu trang trí kết hợp động – thực vật khá độc đáo. Sự phối trí linh hoạt của hoa lá, cây cối hóa tứ linh đã tạo nên hơi thở của động vật trong thực vật, tạo nên sức sống của cây cỏ trong tứ linh được cách điệu dưới muôn hình muôn vẻ, với những biến thể độc đáo đã phá đi những cảm giác đơn điệu, nhàm chán trong sự lặp lại của các đề tài trang trí.
Với người Việt, tứ linh không chỉ biểu tượng cho vua, cho sự quyền quý mà còn thể hiện niềm mong ước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc, mưa thuận gió hòa, lúa màu tốt tươi, con người trường thọ, no đủ. Những mong ước đó đã được người thợ đúc đồng chuyển tải, thể hiện khá thành công ở mảng điêu khắc trên đồng thời Nguyễn, để lại cho đời sau nhiều hiện vật mang những biểu tượng về tứ linh đa dạng, phong phú và tràn đầy sức sống.
_______________
1. Cát tường tự văn là cách đọc theo chữ Hán: cát tường là điềm tốt lành, tự văn là chữ viết. Đó là những chữ có nghĩa là điềm lành, điều hạnh phúc, là lời chúc hay lời cầu mong tốt lành.
2. Huỳnh Ngọc Trảng, 800 mẫu hoa văn đồ cổ Trung Quốc, Nxb Mỹ thuật, 1996, tr.18.
3, 4. Thái Dịch An, Tổng hợp hoa văn rồng phượng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.329, 34.
5. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.97.
6, 7. Nguyễn Tiến Cảnh, Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật, Trung tâm BTDTCĐ Huế, 1992, tr.65, 63.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 340, tháng 10-2012
Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Dung
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày