Bối cảnh làm nghệ thuật đương đại ở việt nam hiện nay


        Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, nghệ thuật đương đại là một cụm từ nhạy cảm, vì nó mới. Nghệ thuật đương đại chỉ những bộ môn nghệ thuật thị giác có nền tảng từ các thực hành mỹ thuật song đã vượt ra khỏi ranh giới của khung tranh, khuôn tượng như: installation (nghệ thuật sắp đặt), performance (nghệ thuật trình diễn), video art, multimedia art (nghệ thuật đa phương tiện)… Các nghệ sĩ mỹ thuật là những người tiên phong thực hiện, theo đuổi các bộ môn nghệ thuật mới này.

Cái mới bao giờ cũng dễ gây tranh luận, phản ứng đa chiều. Hiện diện ở Việt Nam từ khoảng 20 năm nay, nhưng nghệ thuật đương đại vẫn đang trong vòng luẩn quẩn của rất nhiều mâu thuẫn giữa các quan niệm xã hội về nó, giữa những nghi ngờ về tính chân xác của nghệ thuật và người làm nghệ thuật thông qua những sáng tác được coi là nghệ thuật đương đại.

1994 được xem là năm khởi đầu của những hoạt động mỹ thuật mới trong bối cảnh Việt Nam, bắt đầu từ hoạt động của nhóm Trương Tân – khi đó còn là giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, salon Natasha và họa sĩ người Pháp Eric Leroux. Các buổi trình diễn của Trương Tân hoặc của anh với nhóm họa sĩ Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Minh Thành, các triển lãm sắp đặt của Nguyễn Minh Thành tiếp sau đó, đã tạo nên rất nhiều dư luận khen chê về loại hình nghệ thuật này. Từ đó đến nay, gần 20 năm là một khoảng thời gian không đáng kể so với lịch sử, nói theo cách thông thường. Nhưng trong thời đại internet và truyền thông đại chúng như hiện nay, 20 năm lại là khoảng thời gian quá dài. Trong khoảng thời gian đầy ý nghĩa này, nghệ thuật đương đại Việt Nam tồn tại trong mối quan tâm như thế nào của xã hội?

Như đã nói ở trên, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam nói riêng được một số họa sĩ khởi xướng và đi tiên phong. Cho đến nay, chưa có một cơ quan chuyên trách nào quản lý lĩnh vực này. Đơn vị có nhiều liên quan nhất trong việc quản lý, cấp giấy phép cho các hoạt động thuộc lĩnh vực này là Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (MTNATL), trực thuộc Bộ VHTTDL và các sở VHTTDL địa phương, chủ yếu ở Hà Nội, TP. HCM và Huế. Hẳn là còn nhiều phân vân trước sự xuất hiện và tiến triển của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam nên Cục MTNATL hiện vẫn chưa có những văn bản quy định chính thức nào về các triển lãm nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, cho thấy một thừa nhận chính thức sự tồn tại của loại hình này với rất nhiều nét đặc thù khác với hội họa, điêu khắc, tượng đài, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa…

Ngược dòng thời gian, có thể thấy, các cơ quan quản lý và hội đoàn về mỹ thuật từ lâu nay đều muốn nối dài cánh tay tới các bộ môn nghệ thuật đương đại, để hỗ trợ, quản lý, thúc đẩy hoạt động. Năm 2003, lần đầu tiên, nghệ thuật sắp đặt được chính thức đưa vào trong một hoạt động của Bộ VHTT và Hội Mỹ thuật, triển lãm Điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm. Năm 2007, lần đầu tiên có Festival Mỹ thuật trẻ, diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) với đơn vị tổ chức là Hội Mỹ thuật TP.HCM. Vài năm trở lại đây, CLB Họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức một số triển lãm có các sáng tác thuộc nghệ thuật đương đại. Gần đây nhất, Cục MTNATL đã tổ chức Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011, thu nhận tất cả các sáng tác mỹ thuật từ hội họa, điêu khắc, đến nghệ thuật đương đại như nhiếp ảnh thử nghiệm, đặc biệt là nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn, video art. Đây là một tin vui lớn cho giới trẻ ham thích hướng đến sự mới mẻ, sáng tạo trong nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất là người ta thấy thành viên của Hội đồng nghệ thuật có những nhân vật thuộc Cục điện ảnh và Cục nghệ thuật biểu diễn. Người trong giới ngầm hiểu rằng nhân vật thuộc Cục Điện ảnh sẽ có tiếng nói nhất định với các sáng tác thuộc bộ môn video art; nhân vật thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có tiếng nói cho sáng tác thuộc nghệ thuật trình diễn. Trước đó, trong một hội nghị “lấy ý kiến cho dự thảo lần 7 Nghị định biểu diễn nghệ thuật của Cục nghệ thuật biểu diễn”, một quan chức của Cục này bày tỏ lý do muốn đưa nghệ thuật sắp đặt và trình diễn vào Nghị định này, như sau: “…Đây là loại hình mới xuất hiện tại Việt Nam mà luật hiện hành chưa điều chỉnh được”. Ông này, khi nhắc đến màn trình diễn của nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà tại Nhà sàn studio, cho rằng: “… Việc cởi đồ và gắn lông chim lên người hoàn toàn mang tính trình diễn, không liên quan gì đến mỹ thuật. Hơn nữa, nghệ thuật trình diễn hiện giờ có sự kết hợp nhiều yếu tố khác như điện ảnh, mỹ thuật và độc lập, không gắn gì với mỹ thuật” (1).

Phải nói rằng, sự chậm chễ ra đời của một văn bản chính thức về các hình thức nghệ thuật đương đại, công nhận sự tồn tại và tiến triển của chúng một cách rõ ràng kèm theo các chế tài kiểm duyệt, cấp phép cụ thể, lại cho thấy có những khúc mắc nào đó về đại cục. Bên cạnh đó, những cách nhìn nhận đan chéo nhau của các đơn vị quản lý nghệ thuật khác (cụ thể ở đây là Cục Nghệ thuật biểu diễn) về nghệ thuật đương đại càng khiến cho việc phân định quản lý bộ môn này thêm phần phức tạp, vô hình chung lại gây thêm sự nhiễu loạn trong cách nhìn về mỹ thuật đương đại vốn đã hết sức nhiễu loạn ở Việt Nam từ khi nó xuất hiện đến nay.

Nghệ thuật đương đại xuất hiện ở Việt Nam trong xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Sự xóa nhòa ranh giới của các loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu hiện rõ rệt trong lĩnh vực nghệ thuật này. Chính vì vậy, việc đơn giản nhất để quản lý, kiểm duyệt nó là lập ra một hội đồng nghệ thuật đương đại cấp quốc gia, cắt cử một chuyên gia chuyên trách ở địa phương. Đây là thông lệ ở những nước mà nghệ thuật đương đại phát triển.

Hội Mỹ thuật Việt Nam, tổ chức nghề nghiệp của giới mỹ thuật, chưa có hoạt động chính thức nào cho thấy Hội sẵn sàng tiếp sức thực sự cho loại hình nghệ thuật này. Từng tồn tại một Trung tâm Mỹ thuật đương đại với sự tài trợ của Quỹ Ford, nhưng vì nhiều lý do, trung tâm này đã thay đổi phương thức vận hành, có chiều hướng đi ngược lại tinh thần chuyên nghiệp hóa các hoạt động của nó như sự kỳ vọng ban đầu của những người quan tâm. Sự thay đổi này đã góp phần không nhỏ hình thành nên một cách nhìn không tích cực về những hỗ trợ của Hội – tổ chức nghề nghiệp chính thức – của các nghệ sĩ tham gia làm nghệ thuật đương đại.

Đại đa số nghệ sĩ làm mỹ thuật đương đại đều không còn nhu cầu trở thành hội viên Hội Mỹ thuật. Với khoản tiền Nhà nước đầu tư không dưới 4 tỉ đồng dành cho các hoạt động hỗ trợ sáng tác trong một nhiệm kỳ đại hội 5 năm, Hội đã cố gắng chi tiêu để không hội viên nào mất quyền lợi tối thiểu. Gần đây, CLB nghệ sĩ trẻ của Hội hoạt động khá tích cực. Hàng năm, CLB có ít nhất là một triển lãm dành cho hội viên, trong đó phần nhiều chưa phải là hội viên Hội MTVN. Hai năm trở lại đây, hoạt động triển lãm của CLB này có thêm hình thức nghệ thuật sắp đặt và trình diễn hoặc pha hòa giữa điêu khắc và hội họa với nghệ thuật sắp đặt (năm 2011 và 2012). Về mặt hình thức, hoạt động như vậy cho thấy sự cởi mở và hỗ trợ của Hội dành cho các hình thức nghệ thuật mới. Nhưng thực tế, sáng tác theo xu hướng đương đại bày trong đó mới dừng lại ở mức bày cho có vì chúng chung cảnh chật chội trong một không gian trưng bày nhỏ hẹp, chất lượng thẩm mỹ cũng không có gì đáng bàn, nếu không nói là non nớt về mặt ý niệm. Riêng năm 2012, triển lãm của CLB này có một vài sáng tác vượt khỏi khuôn khổ hội họa hoặc điêu khắc thuần túy, với mong muốn chiếm lĩnh không gian 3 chiều hoặc tạo ra các hiệu ứng thị giác mới. Những nỗ lực này tuy nhỏ bé nhưng đáng được khích lệ. Hy vọng là CLB tiếp tục duy trì xu hướng cởi mở và tiến dần đến một nấc thang mới trong chất lượng của các sáng tác nghệ thuật, mang tinh thần đương đại rõ rệt hơn và có tư duy thẩm mỹ vững vàng hơn.

Mặc dù vậy, phải nói rằng, hoạt động của CLB hiện nay chỉ thu hút được sự tham gia của một số nghệ sĩ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Mặt khác, CLB chỉ có thể cố gắng tập hợp nhau được mỗi năm một lần thông qua hình thức triển lãm và tọa đàm, phần lớn chi phí do các thành viên chịu trách nhiệm còn Hội hỗ trợ qua việc cho triển lãm miễn phí tại Nhà triển lãm của Hội, trao tặng thưởng khuyến khích nghệ sĩ. Chính vì thế, CLB vẫn bị nhìn nhận như là một nhân tố phong trào hơn là một địa chỉ hoạt động chuyên nghiệp, có trách nhiệm thực sự với nghệ sĩ cũng như với sự tiến triển của nghệ thuật đương đại. Hội, thông quan hình thức hoạt động của CLB, cũng được tiếng là ủng hộ lớp trẻ, ủng hộ cái mới, song sự ủng hộ này cũng dừng lại ở mức hình thức.

Hai bảo tàng về mỹ thuật hiện nay ở nước ta, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) và Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM, chưa bao giờ đặt ra vấn đề triển lãm, cao hơn là sưu tập các tác phẩm mỹ thuật đương đại Việt Nam. Các triển lãm nếu có diễn ra đều do cá nhân hoặc tổ chức hỗ trợ nghệ sĩ đứng ra thuê địa điểm. Bảo tàng mỹ thuật, theo nguyên lý tổ chức cơ bản của nó, là nơi lưu giữ các tác phẩm mỹ thuật của đất nước trong mọi thời điểm lịch sử. Mỹ thuật đương đại của hôm nay là một phần của lịch sử mỹ thuật dân tộc, bất luận nó đang phải tồn tại dưới dạng thức và bối cảnh như thế nào, miễn là nó đã xuất hiện và tiếp tục sống cùng đời sống xã hội. Nguyên lý tổ chức thứ hai của bảo tàng mỹ thuật, đó là nơi góp phần cung cấp tri thức nghệ thuật cho công chúng thông qua các hội thảo, trao đổi trực tiếp giữa nghệ sĩ – nhà giáo dục hoặc nghiên cứu, phê bình – công chúng, thông qua hệ thống thông tin tư liệu về tác giả – tác phẩm mà bộ phận nghiên cứu của bảo tàng thực hiện. Việc này hết sức quan trọng trong bối cảnh thông tin mỹ thuật Việt Nam nhiễu loạn nhưng tiếc thay, nó chưa bao giờ được các bảo tàng mỹ thuật quan tâm và đề cập đến trong chương trình hoạt động.

Bên cạnh hai bảo tàng nhà nước nói trên, Việt Nam còn có một số bộ sưu tập mỹ thuật tư nhân và bảo tàng tư nhân như của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, gia đình nhà sưu tập Đức Minh,… Cho đến nay, tất cả các đơn vị trên đều chỉ dừng lại là sưu tập, mua bán, trưng bày mỹ thuật hiện đại và truyền thống. Các hình thức nghệ thuật đương đại chưa có cơ hội được họ chú ý. Những thông tin về việc xây dựng một bảo tàng mỹ thuật quốc gia quy mô hơn vẫn chỉ là thông tin đồn đại vỉa hè. Trong khi đó, từ năm 1999, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã được giới thiệu một cách quy mô ở Đức, trong triển lãm Gặp Việt Nam (nhà văn hóa thế giới, House of the World Culture, Berlin) tổ chức. Sau lần đầu tiên đó, năm 2003, Viện Goethe Hà Nội cũng tổ chức một triển lãm nghệ thuật đương đại lớn – như là lời chào đầy ý nghĩa của cơ sở mới của Viện này đến công chúng Việt Nam. Năm năm sau, 2008, Bảo tàng nghệ thuật Singapore, SAM, tổ chức một triển lãm lớn về mỹ thuật Việt Nam, tiêu đề Post Doi MoiVietnamese Art after 1990 (Hậu đổi mới – nghệ thuật Việt Nam sau năm 1990), mà các hình thức nghệ thuật đương đại không thể thiếu vắng. Các triển lãm nói trên, theo tiêu chuẩn chung của thế giới, thường có những nhóm sự kiện: trưng bày, hội thảo, nói chuyện với công chúng, hướng dẫn tham quan, in kỷ yếu. Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động tại triển lãm của SAM, một số nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Việt Nam được mời sang để nói về nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Singapore… Năm 2011, SAM tiếp tục tổ chức triển lãm Two decades of contemporary art in Southeast Asia 1991 – 2011 (Hai thập kỷ của nghệ thuật đương đại Đông Nam Á), với sự tham dự của nghệ sĩ đến từ Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines… Các hoạt động hướng đến nghệ thuật đương đại Việt Nam của những tổ chức, bảo tàng trong khu vực và thế giới cho thấy ít nhất, nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng có chút gì đó đáng nói. Sự nhìn nhận này khá trái ngược với các bảo tàng, tổ chức nhà nước ở trong nước dành cho nghệ thuật của chính chúng ta.

Công chúng của nghệ thuật đương đại Việt Nam cho đến nay vẫn dừng lại ở một phạm vi hạn hẹp. Một số nghệ sĩ trong nghề có quen biết với tác giả. Một số ít nhà báo và nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật thực sự có quan tâm. Một số người ham hiểu biết khác, phần đông là các bạn trẻ. Và nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam. Tốc độ mở rộng biên độ đối tượng công chúng chậm chạp.

Thật ra, nghệ thuật đương đại là nghệ thuật dành cho đại chúng theo cách hiểu: ai cũng đến được với nó, tham dự vào nó và làm ra nó. Nhìn lại tất cả các triển lãm nghệ thuật đương đại xảy ra tại Việt Nam, có thể thấy nghệ sĩ mong muốn có không gian công cộng tương hợp để thực hiện tác phẩm, không muốn riêng tư hóa nghệ thuật của mình, tuy rằng đôi khi vẫn có người nói không quan trọng chuyện có ai đến xem hay không, họ làm để thỏa mãn mình,… Thế nhưng tại sao công chúng đến với loại hình nghệ thuật này vẫn hạn hẹp, e dè và thụ động thế? Có một sự tắc nghẽn nào đó đang xảy ra trên tiến trình thông hiểu lẫn nhau giữa nghệ sĩ và công chúng?

Phải nói rằng, công chúng của mỹ thuật nói riêng từ trước đến nay vẫn hạn hẹp. Sau khi mỹ thuật hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nó bị rơi vào tình trạng thiếu vắng công chúng vì rất nhiều lý do khách quan. Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, mỹ thuật Việt Nam, cụ thể là hội họa, khởi sắc quá nhanh, có thị trường, có công chúng – nhưng phần nhiều chỉ là người nước ngoài.

Mặc dù Việt Nam từng có nhà sưu tập của chính mình nhưng số lượng quá ít ỏi, trở thành mờ nhạt trước đủ loại người nước ngoài ào đến thị trường mới lạ này. Mỹ thuật thốt nhiên trở nên càng xa xỉ đối với đại đa số dân chúng trong nước. Mang theo thói quen xem mỹ thuật là tranh – tượng, đồng thời với mặc cảm về sự xa xỉ của nó, công chúng số đông càng trở nên bối rối trước các hình thức mới của mỹ thuật hôm nay. Họ không thể nào tiếp cận dù trên phương diện lý thuyết, đó là nghệ thuật của họ, nói tiếng nói xã hội cùng họ và cần họ tham gia.

Giới truyền thông Việt Nam hiện nay đang góp phần tạo ra sự nhiễu loạn thông tin về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Các phóng viên, nhà báo phụ trách mảng thông tin về mỹ thuật sẽ thường là những người kiêm nhiệm mảng thông tin về lĩnh vực này. Tuy nhiên, hầu như không có phóng viên nào chuyên trách mỹ thuật và nghệ thuật đương đại, họ thường kiêm nhiệm việc theo dõi các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác nữa, nghĩa là họ quá bận rộn để viết một bài về mỹ thuật hay là nghệ thuật đương đại có chiều sâu phân tích, bình luận. Đã xuất hiện rất nhiều cái nhìn hời hợt hoặc sai lầm về nghệ thuật đương đại trên truyền thông. Những sự kiện triển lãm lớn trong lĩnh vực này thường được đưa tin, viết bài dưới góc độ của một sự kiện lạ, gây tò mò cho công chúng, chứ hiếm khi được viết dưới góc độ của một câu chuyện nghệ thuật nghiêm túc. Một số ví dụ có thể thấy là xung quanh sự kiện triển lãm của nghệ sĩ Đào Anh Khánh (từ năm 1999 đến nay), của Lại Thị Diệu Hà (2011). Giới phê bình, nghiên cứu thì quá mỏng về lực lượng, mối quan hệ giữa truyền thông và phê bình – nghiên cứu cũng không chặt chẽ, mạnh ai nấy chạy, nên kết quả cuối cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là công chúng vì họ thiếu người định hướng có trách nhiệm.

Cũng cần phải nói tới những tờ tạp chí chuyên ngành của Hội Mỹ thuật Việt Nam (tạp chí Mỹ thuật) và của Viện Mỹ thuật – Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật). Hai cơ quan này hầu như không có nhu cầu và khả năng phổ cập kiến thức mỹ thuật cho đại chúng. Tạp chí, đặc san của họ được in ra, phát hành đều đặn nhưng là hoặc cho hội viên, hoặc ưu tiên cho giới nghiên cứu, phê bình, các bảo tàng, thư viện…

Mạng internet được xem là một công cụ hữu hiệu để truyền thông về nghệ thuật. Các nghệ sĩ trẻ có thể lập website, blog để chủ động giới thiệu thông tin hoạt động của mình, kết nối thông tin về các hoạt động triển lãm, dự án trong và ngoài nước của mình để chia sẻ thông tin với cộng đồng nghệ sĩ và công chúng (thường là trẻ) quan tâm. Gần đây, Việt Nam có thêm hai (02) trang mạng chuyên thông tin về nghệ thuật thị giác, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh: www.hanoigrapevine.com (từ năm 2007) và www.soi.com.vn (từ năm 2010). Trang Hanoigrapevine do một nghệ sĩ gốc Canada rất quen thuộc với giới mỹ thuật Việt Nam, Brian Ring, lập ra. Mục đích ban đầu của ông là cung cấp thông tin thuần về văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, cho người nước ngoài quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Trang tin có bản tiếng Việt và tiếng Anh song song. Trong đó, thông tin về mỹ thuật khá được quan tâm, có lẽ vì ông vốn là một người sáng tác trong lĩnh vực này. Trang Soi lại do một số cá nhân người Việt thực hiện. Bên cạnh các bài điểm tin, tường thuật khai mạc triển lãm diễn ra ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, và một số địa phương khác, Soi còn là nguồn cung cấp thông tin khá cập nhật về các sự kiện, triển lãm, bảo tàng, giá tranh tượng, nghệ sĩ mỹ thuật đương đại trên thế giới. Soi cũng là nơi có các bài thể hiện quan điểm độc lập của người viết về những sự kiện, triển lãm mỹ thuật gây chú ý trong giới, có sự phê bình thẳng thắn ở một mức độ nhất định. Chính vì vậy, trang Soi hiện được giới mỹ thuật xem là trang tin hàng đầu của mình, một số nghệ sĩ còn cho rằng, họ chỉ cần “đi xem triển lãm trên Soi” là được. Số lượng khách thăm trang này mỗi ngày dần dần tăng lên, từ vài ba trăm lượt /ngày đến khoảng 2.000 lượt/ngày. Tuy nhiên, đây là trang tin điện tử của một đơn vị tư nhân và do một nhóm người có cùng nguyện vọng thực hiện. Trong bối cảnh truyền thông hiện nay ở Việt Nam, trang Soi vẫn là một trang thông tin nhỏ bé, dù là hết sức hữu ích với người trong giới. Số lượng lượt người vào thăm trang như vậy chỉ bằng một phần rất nhỏ so với lượng người đọc các báo mạng giải trí. Nó phần nào là một minh chứng cho thấy cộng đồng nghệ thuật đương đại Việt Nam của chúng ta vẫn hết sức nhỏ hẹp.

Tại ba trường đại học đào tạo về sáng tác mỹ thuật hiện nay ở Hà Nội (Đại học Mỹ thuật Việt Nam), Huế (Đại học nghệ thuật Huế), TP.HCM (Đại học Mỹ thuật TP.HCM), chưa có một khoa, lớp đào tạo chính thức nào về nghệ thuật đương đại. Đại học MTVN từng có một thời gian duy trì khóa học thỉnh giảng về các hình thức nghệ thuật mới trên thế giới (1995 – 1998) với giảng viên là nghệ sĩ người Đức Veronika Radulovic. Bà còn được xem là một trong những người có công đầu trong việc hình thành nên lớp nghệ sĩ đương đại đầu tiên của Việt Nam và đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới (triển lãm Gặp Việt Nam, nhà văn hóa Thế giới, Berlin, 1999). Sau khóa học này, nhà trường cũng là nơi hợp tác với nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các chương trình triển lãm nghệ thuật đương đại với sự tham gia thực hành của giảng viên, sinh viên. Năm 2007, trường mở một môn học mới là video art nhưng lại giảng dạy tại tất cả các khoa và giảng viên không phải là người từng được đào tạo bài bản về bộ môn nghệ thuật đương đại này, chỉ là người có nhiều hơn các thực hành làm video art và học hỏi qua một số dự án thực hành video art với Thụy Điển. “Từ năm 2007, video art đã được đưa vào chương trình dạy học của Đại học MTVN như một bộ môn độc lập. Đây là kết quả từ sau dự án hợp tác cùng với Học viện mỹ thuật Umea Thụy Điển trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững do quỹ SIDA tài trợ (2003 – 2009). Sau một thời gian thử nghiệm, video art đã trở thành môn học dành cho sinh viên năm thứ 4 và năm thứ 5 của tất cả các khoa. Đối với nhiều nước trên thế giới, việc đào tạo những thể loại nghệ thuật mới như video art là một điều không còn xa lạ. Tuy nhiên đối với nền giáo dục nghệ thuật nước ta, đây là một sự đổi mới đáng ghi nhận”(2). Xét về hình thức, việc bổ sung một môn học video art được cho là mới, nhưng cách thức giảng dạy lại cho thấy sự sai lầm: Đó là không xác định video art là một hình thức nghệ thuật, tương tự như hội họa hay điêu khắc, đồ họa, vì vậy mới chỉ coi là một môn học dành cho tất cả sinh viên từ hội họa đến điêu khắc, đồ họa, lý luận – lịch sử mỹ thuật,… Đầu năm 2012, nhà trường cũng bảo trợ cho dự án Sinh viên làm nghệ thuật, dưới sự dẫn dắt của hai giảng viên trẻ, các sinh viên sẽ thực hành làm những sáng tác nghệ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt, video art, trình diễn,… Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại là các hoạt động bên lề của nhà trường. Một chương trình giảng dạy, đào tạo chính thức vẫn chưa thể ra đời.

Các lĩnh vực mỹ thuật được cho là truyền thống thì tiếp tục được giảng dạy với phương pháp cũ kỹ, lạc hậu. Lĩnh vực nghệ thuật đương đại thì được giới thiệu một cách đại trà, không bài bản, không có nguồn gốc lý thuyết. Hai vấn đề căn bản trên là cản trở không nhỏ cho chính sinh viên nhà trường trên hành trình học tập để sáng tạo, để làm nghệ sĩ. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, người từng có nhiều năm giảng dạy tại Đại học MTVN, đã nhận xét về việc học trong nhà trường mỹ thuật hiện đại trên thế giới như một cách cho thấy rõ hơn nữa sự lạc hậu trong tư duy giảng dạy của trường đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay: “Các trường nghệ thuật hiện đại, buộc phải thay đổi hoàn toàn quan điểm và chương trình của mình để hy hữu đóng góp vào xã hội những nghệ sĩ tiền phong. Học cơ bản chỉ giới hạn trong một hai năm đầu, sau đó là tự do chọn thầy, chọn môn và phản bác lại thầy, phủ định tiền đề nghệ thuật, và chỉ có hy vọng nếu như chứng minh được giáo sư của mình đã lỗi thời. Có những trường cấp học bổng cho những học sinh nước ngoài và tuyên bố rằng các bạn đến đây để học, nhưng học bằng cách đem nghệ thuật đặc thù của dân tộc mình dạy lại chúng tôi. Những chuyện trên đây không phải là nói đùa mà là nhu cầu sống còn của các trung tâm nghệ thuật trước sự sáng tạo cái mới toàn diện trong tốc độ phát triển như vũ bão của thế giới, mà cứ 18 tháng thì tri thức nhân loại lại nhân lên gấp đôi…”(3).

Tương tự, hai trường đại học còn lại ở Huế, TP.HCM cũng có một số hoạt động hợp tác với các trường đại học, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các triển lãm, dự án, biennale mỹ thuật trẻ,… nhưng vẫn chưa thể có các chương trình giảng dạy chính thức.

Sống trong tiến trình toàn cầu hóa, Việt Nam không thể tách mình ra khỏi dòng chảy chung của sự biến động các quan niệm và cách thức làm nghệ thuật khởi nguồn từ xã hội phương Tây đã phát triển qua giai đoạn hậu công nghiệp. Việt Nam cũng không thể nào chờ mình phát triển đến giai đoạn xã hội đó mới chính thức kết giao với các loại hình nghệ thuật tương ứng. 20 năm xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam, đã hình thành nên ít nhất là 4 thế hệ nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại. Nguy cơ chết yểu của nó đã không xảy ra. Nghĩa là nó có sự tương ứng nhất định đối với tiến trình phát triển của xã hội. Vấn đề còn lại là làm thế nào để nó không bị thiết chế văn hóa – xã hội thờ ơ nữa.

Đến đây, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi về trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ. Cá nhân người viết cho rằng, trách nhiệm xã hội lớn nhất của nghệ sĩ là sự trung thực với chính bản thân mình khi làm nghệ thuật đương đại trong bối cảnh xã hội mà anh ta đang sống (4). Sự trung thực sẽ giúp cho nghệ sĩ nhận ra được bản thân anh ta có nên thực hành các hình thức nghệ thuật này hay không, sáng tác của anh ta có thực sự từ trái tim mình để đến được với trái tim người xem hay không. Sự trung thực cũng sẽ là một động lực hối thúc nghệ sĩ học hỏi, rèn luyện về nghề nghiệp, tri thức song hành, tạo nền tảng cho những sáng tác nghệ thuật thú vị, nuôi dưỡng khát vọng làm nghệ thuật lâu dài của nghệ sĩ. Và khi nghệ thuật của họ đem lại cho công chúng những hiệu ứng tích cực như trải nghiệm cảm xúc thú vị, sự tiếp nhận các ý tưởng sâu sắc, thông điệp xã hội mạnh mẽ,… thì dần dà, tiếng nói của nghệ thuật đương đại sẽ lan tỏa rộng rãi hơn trong xã hội.

Rõ ràng, nghệ sĩ đương đại Việt Nam, cho đến nay, chưa có ai được đào tạo bài bản về lĩnh vực này (ở trong nước), ngoại trừ một số nghệ sĩ Việt kiều trở lại quê hương cư ngụ và làm việc. Họ thiếu một lý thuyết căn bản của nghệ thuật đương đại cho dù nhiều người trong đó có được sự nhạy cảm nhất định trước những ngôn ngữ nghệ thuật mới và cũng tha thiết muốn làm cái gì đó mới mẻ. Họ cũng thiếu sự hỗ trợ cần thiết của các thiết chế văn hóa – xã hội để theo đuổi nghệ thuật này. Hai cái thiếu căn bản đó luôn là một thách thức quá lớn đối với một nghệ sĩ. Chính vì vậy, sự trung thực với nghệ thuật cần phải được xem như là một hành trang quan trọng đầu tiên của nghệ sĩ trên con đường chông gai – nghệ thuật đương đại – mà họ muốn đi.

_______________

1. Hà Chi, Đưa nghệ thuật trình diễn vào “khuôn khổ”, báo Thể thao văn hóa, ngày 17-4-2011.

2. Trần Hoàng Ngân, Vài suy nghĩ về bộ môn video art trong trường ĐHMTVN, www.mythuatvietnam.edu.vn.

3. Phan Cẩm Thượng, Học để làm nghệ sĩ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4-2005.

           4. Albert Camus từng nói: “Không thể chọn được xã hội. Chỉ có thể chọn mình trong xã hội” (Phan Cẩm Thượng, Học để làm nghệ sĩ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4-2005).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012

Tác giả : Đào Mai Trang

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *