Tranh dân gian Đông Hồ, trải qua thời gian, đến nay, như một viên ngọc sáng lấp lánh trong nền văn hóa Việt Nam, thứ ánh sáng được tạo nên bởi những đôi bàn tay tài hoa và tư duy mỹ cảm của người nông dân Việt. Tranh dân gian Đông Hồ có khi còn gọi là tranh bình dân, do người nông dân vẽ, người nông dân bán và mua (về sau thành phần mua rộng rãi hơn); nói chung, cả quá trình sản xuất, trao đổi, sử dụng đều do người nông dân thực hiện, nên nó đích thực là đại chúng, là dân gian.
Những tranh được bán vào dịp Tết Nguyên đán (tết Cả) gọi là tranh tết. Tranh Tết Đông Hồ trở thành loại tranh thực sự ăn sâu vào nếp nghĩ và bám rễ trong đời sống người dân Việt… Ở những phiên chợ quê cuối năm, những hè phố giáp tết có một không khí náo nhiệt mà nổi bật lên trên khung cảnh ấy là những bức tranh được bày la liệt dưới đất hoặc treo trên dây. Ngày xuân, bên cạnh những món ăn vật chất, người dân không quên những món ăn tinh thần, nên “trong cái thúng của bà nội trợ đi sắm tết, cạnh con gà, con cá, mớ dưa là cuộn tranh buộc bằng rơm nếp vàng óng”(1). Người nông dân mua tranh về dán trong nhà để trang trí cho đẹp trong những ngày tết hoặc treo suốt cả năm. Cứ như thế, từ năm này sang năm khác, cả “rừng tranh đã trùm lên khắp các gia đình bình dân Việt Nam”(2). Cũng bởi loại tranh này dễ hiểu do kỹ thuật thể hiện đơn giản, thiên về hướng trang trí và nhiều khi có thêm lời phụ đề; hơn nữa, chúng còn gắn với ước mong về một cuộc sống sung túc, bình yên, hạnh phúc…
Tranh Đông Hồ có nhiều hình thức, nhiều đề tài tỏa rộng, phản ánh bao quát đời sống xã hội nông thôn Việt. Nhưng tranh điệp chỉ có hai loại chính: tranh thờ cúng và tranh chúc tụng nhân dịp tết, đôi khi có thêm tranh minh họa lịch sử. Tranh được in thành từng bộ, đa số là bộ đôi treo đối nhau, các tranh truyện thường một bộ bốn tranh dọc (trình tự trên xuống dưới, trái sang phải). Mỗi tranh trong bộ được liên kết với nhau bằng cách tạo nội dung, đề tài và không gian thống nhất. Tranh thờ Đông Hồ phổ biến có cặp “ông tướng canh cửa”, vẽ hai vị quan võ uy nghi, lẫm liệt Vũ đình, Thiên ất, thường được dán ở hai bên cổng nhà để trừ tà ma; trước cửa nhà thì có bộ tranh hai vị quan văn Tiến tài, Tiến lộc như phúc thần mang đến sự thịnh vượng; vào hẳn trong nhà là bộ tranh Tử vi trấn trạch, Huyền đàn trấn môn, Táo quân – Thổ công để nhà cửa luôn được các vị thần bảo trợ, giữ cho bình an. Hình thức thể hiện của loại tranh này khá đơn giản. Ở tranh Thổ công, phần quan trọng nằm ở phía trên, thể hiện vị thần Thổ công và một nữ thần ngồi trên bàn thờ, trước mặt hai Lợn ăn cây dáy là các lễ vật như rượu, cá, hoa, trái cây; phần dưới bàn thờ là những thứ mà người nông dân cầu ước như nhà ở, công cụ sản xuất, trâu cày, ngựa kéo, lợn, gà, chó, mèo. Ở tranh Tiến tài chỉ có hình vị thần tài với dáng ngồi mà tỉ lệ giữa các phần cơ thể cũng như cấu trúc cho thấy rõ sự không hợp lý. Hai bức tranh kể trên và hầu hết những bức tranh thờ khác đều không có sự chính xác về tỉ lệ, hình dáng, còn khuôn mặt cứ na ná như nhau, điềm đạm mà thơ ngây, thô mộc. Có thể nhận thấy giá trị nghệ thuật biểu hiện qua tạo hình không có mấy phần, nhưng lối vẽ ước lệ này lại chứa đầy cảm xúc đằm thắm, say người, khiến cho sự bất hợp lý về tỉ lệ ở các hình thể lại trở nên hợp lý, thống nhất ở toàn bộ tranh Đông Hồ. Những người nghệ sĩ dân gian không biết gì về giải phẫu cơ thể học theo cách châu Âu, và chắc chắn không được tiếp xúc với nghệ thuật đồ họa phương Tây, họ vẽ theo lối nhìn “thuận con mắt” để đạt đến sự tả ý. Hình ảnh các vị thần trong tâm thức của họ đều hiền từ, gương mặt phúc hậu, nên trong cách vẽ đều nhấn mạnh ở một số chi tiết (nhất là đôi tai).
Bên cạnh tranh thờ cúng hướng theo cuộc sống tâm linh, mảng tranh chúc tụng rất đa dạng. Nhưng người ta hay nhắc tới các bộ tranh lợn, gà gần gũi. Những tranh này khá đẹp và đại diện cho phong cách tranh tết, cũng như quy tụ được những phẩm chất tiêu biểu nhất của tranh dân gian, vui tươi hồn hậu, giản dị, đại chúng, mang ý nghĩa tượng trưng và những triết lý nhân sinh. Bức tranh Con lợn ăn cây dáy (Lợn độc) vẽ hình một con lợn miệng đang ngoạm vào thân cây khoai dáy, cái mũi giống hình bông hoa bốn cánh nhìn trực diện, vài nếp nhăn trên sống mũi và sau khóe mép làm cho nó có vẻ đang vui sướng. Toàn thân nó béo mập, lưng vinh hoa phú quý đại cát nghinh xuân cong oằn như làn sóng với vệt lông hồng uốn theo, bụng xệ kéo lê sát đất, bốn chân thấp ngắn, chiếc đuôi xòe trên mông như chiếc quạt, trên lưng có các xoáy tròn lớn nhỏ mà trong đó chứa hình hai mặt trăng lưỡi liềm như hình ảnh thái cực âm – dương. Người nghệ nhân đã chọn lọc những ưu điểm từ nhiều con lợn ỷ thuần chủng Việt, với vóc dáng thể hiện bản tính hiền lành, hay ăn, mau lớn để tạo ra hình ảnh con lợn điển hình trông nửa thực, nửa hư. Hình ảnh con lợn lúc này chỉ là cái cớ để người xưa gửi gắm ý tưởng. Họ không chủ ý tả con lợn mà muốn thông qua nó truyền tải một ám chỉ. Những bức tranh về gà khá nhiều mà đa số là hình ảnh chú gà trống: Gà thư hùng, Gà mái túc mồi, Vinh hoa, Đại cát, Gà dạ xướng, Gà hoa hồng, Gà nghinh xuân. Nhiều người cho rằng gà trống tượng trưng cho những đức tính mà nam giới cần có là văn, võ, dũng, nhân, tín. Họ giải thích: “Gà có lông đẹp, mào đỏ như mũ cánh chuồn là văn, đôi cựa sắc ở chân như vũ khí chiến đấu là võ, thấy đối phương luôn chiến đấu dũng cảm đến cùng là dũng, khi kiếm được mồi cùng chia sẻ cho đàn là nhân, năm canh gà cất tiếng gáy đúng khắc giờ là tín”. Nhưng chính bức tranh Gà mái túc mồi mới được coi là một trong những tác phẩm thuộc loại đặc sắc nhất của tranh Đông Hồ. Một gà mái mẹ trong tư thế đứng rất động như đang bới tìm mồi, trên mỏ quắp con mồi vừa bắt được túc gọi đàn con nháo nhác tụ về…, thể hiện cái động của con vật, của mọi vật, của sự sống, của sự sinh sôi nảy nở khi xuân về. Ý nghĩa về cái động, cái ngưng đọng ở những bức tranh gà, đã thể hiện nghệ thuật tả ý rất tài tình của cha ông ta. Trong bức Vinh hoa, hình ảnh em bé bụ bẫm ôm con gà, ở bức Phú quý em bé ôm con vịt, hai chú gà vịt này chiếm diện tích khá lớn và đều nằm ở phía trước tranh, che hết nửa người em bé ở phía sau, xem ra không đúng về mặt tỉ lệ. Nhưng ở đây người nghệ sĩ dân gian chỉ chú ý thể hiện nhấn mạnh vào khuôn mặt em bé và đôi cánh tay trần tròn trịa chính là muốn gợi ra ước mơ thầm kín về những đứa con xinh đẹp, cũng như hình tượng hóa về một cuộc sống phồn thịnh, vui tươi, thanh nhàn.
Bên cạnh những bức tranh lợn gà, hình ảnh “con trâu là đầu cơ nghiệp” xuất hiện tương đối nhiều trong tranh tết Đông Hồ, đáng kể nhất là bộ tranh Em bé chăn trâu. Bộ tranh này cũng là sự gợi tả hình ảnh cuộc sống vui tươi, lạc quan. Hai con trâu ở hai tranh được dán đối nhau và như từ hai phía đi vào giữa, bức thả diều ở bên tay phải người xem, bức thổi sáo bên trái. Trên bức thả diều, con trâu như đang trong tư thế nhảy nhót đùa giỡn, cái đầu nghênh ngó, cặp sừng vểnh lên, hai mắt rất sáng; em bé mình trần đóng khố, nằm ngửa trên chiếu rải ở lưng trâu, giắt theo mấy cành hoa cúc “tay phải giữ chặt dây của chiếc diều no gió căng phồng bay cao phía trên đầu dễ liên tưởng đến một cái lọng, bụng căng tròn no nê. Đối với người nông dân thì đây là cánh diều no phúc lộc”(3). Đối lại ở bức thổi sáo, con trâu đi nhẹ nhàng, đầu ngẩng như cố với lên cao, cặp sừng xoay chéo, đôi tai dựng đứng nghe ngóng, trên lưng trâu chở bó sen; em bé cũng mình trần đóng khố ngồi vắt vẻo, hai tay nâng cây sáo trúc, chiếc lá sen xòa rộng như chiếc lọng che trên đầu em.
Với bộ tranh Hứng dừa – Đánh ghen, có người xếp vào thể loại tranh chúc tụng, có người lại cho là tranh sinh hoạt. Sở dĩ có sự sắp xếp khác nhau vì hai bức tranh có nội dung, hình thức đối ngược nhau. Trong đó, một cảnh thanh bình, vui sướng, cảnh kia lại có “chiến tranh”. Thực tế, hai bức có sự bổ trợ nhau về cả ý nghĩa nội dung lẫn hình thức, khi đi cùng nhau, mỗi tranh đều khơi sâu thêm ý nghĩa của tranh kia để cùng làm nổi bật hơn vấn đề được phản ánh. Tranh Hứng dừa tả một gia đình hạnh phúc có hai đứa con chơi ở gốc cây, người mẹ hồn nhiên trong động tác nâng vạt váy để hứng cặp dừa từ tay chồng trên cây thả xuống. Bên góc trái tờ tranh là hai câu thơ Nôm: Khen ai khéo dựng nên dừa, Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi. Xem bức tranh này chẳng ai còn nghĩ đến cái chuẩn của tạo hình; ngược lại, chính cái vẻ sai lệch ấy lại khiến cho bức tranh có cái chất tươi trẻ, mát rượi, tạo ra tiếng cười và ấn tượng sâu sắc. Bức tranh đã gợi ra một liên tưởng thú vị nơi người thưởng ngoạn. “Hứng dừa chứa đựng một yếu tố rất đặc trưng của văn hóa Việt – tín ngưỡng phồn thực, mà trong đó mối quan hệ âm – dương, trời – đất, nam – nữ… và sự sinh sôi nảy nở là cốt lõi”(4), nền tảng của cái phúc mà người Việt thường mong ước, chúc tụng nhau trong những dịp lễ tết. Tranh Đánh ghen tả hình ảnh cô vợ cả búi tóc ngược lên, tay lăm lăm giơ cao chiếc kéo, thái độ bừng bừng tức giận tiến về phía cô vợ hai đang trong tư thế ở trần để lộ ra bộ ngực trắng vừa như trêu ngươi, thách thức, vừa như đỏng đảnh mời gọi; anh chồng xen vào giữa, một tay can ngăn, tay kia lại tỏ rõ sự tham lam vẻ thanh quý, đã đưa lại tiếng cười dí dỏm. Bộ tranh này nêu bật tình cảm thực con người, có đùa vui cũng có ghen tuông, nhưng tinh thần chung là khoan dung, không châm biếm đả kích sâu cay. Ở góc bên phải tranh Đánh ghen cũng có tựa đề thơ Nôm: Thôi thôi vuốt giận làm lành, Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta. Với hai tranh này, các nghệ nhân xưa cho người xem hiểu thế nào là một gia đình hạnh phúc, đồng thời mang lại một cái cười nhẹ nhàng trong những ngày vui xuân. Mặt khác, đây là cặp tranh Tết nên được thể hiện dưới góc độ hài hước, cho dù sự căng thẳng trong tranh có càng được đẩy lên cao thì cái cười càng trở nên sảng khoái.
Sẽ rất thiếu sót nếu không kể ra bức tranh Tiến sĩ chuột vinh quy hay Đám cưới chuột nổi tiếng được nhiều người biết đến. Dù có nội dung và hình thức giống bức tranh dân gian Chuột lấy vợ của Trung Quốc (đời Thanh), nhưng điểm độc đáo khác biệt là tranh Đông Hồ nhìn dung dị, mộc mạc hơn, có chất màu thắm tươi được chắt lọc từ nguyên vật liệu tự nhiên, lại được in trên nền giấy dó quét điệp trắng. Bản thân tờ giấy điệp đã đẹp như một bức tranh, nên nó góp phần rất lớn tạo ra hiệu quả tổng thể về mặt giá trị cho tranh Đông Hồ. Cảnh trong tranh là đại đăng khoa cùng tiểu đăng khoa của nghè chuột vinh quy, mang theo cả cô vợ mới cưới trong đám rước tưng bừng có lọng, có biển; “ngựa anh cưỡi trước, kiệu nàng khiêng sau”, đang đi gặp mèo ngồi chồm chỗm, đối đầu chặn lại. Trong thực tế, mèo – chuột có mối quan hệ đối kháng, nhưng ở tranh con mèo ngồi nghểnh mặt, không có vẻ tức giận, giơ một chân trước lên vừa như chặn lại, vừa như chào đón; đàn chuột từng con thổi kèn dâng lễ; mấy chữ đề ở góc trên tranh là Lão thử thủ thân tức chuột giữ mình, hoặc có chữ khác đề là Miêu thủ lễ tức mèo giữ lễ. Xung quanh bức tranh này có nhiều sự tranh luận vì có nhiều cách hiểu và cắt nghĩa khác nhau.
Không thể không nói đến họa pháp của tranh Đông Hồ – lấy “đơn tuyến bình đồ” làm nền tảng, lấy tạo hình cách điệu, ước lệ (cả về không gian và thời gian) làm tiêu chuẩn. Có thể nói, người nghệ sĩ dân gian đã “đặt” hình (người, vật, con vật, cây cối,…) ở dạng bẹt, không vẽ vờn lên nền phẳng hai chiều; và ít quan tâm đến tỉ lệ lớn – nhỏ, xa – gần. Không gian trong tranh được hiểu theo cách: phía dưới đáy bức tranh là ở gần, từ từ ngược lên trên đầu bức tranh là xa dần. Hệ thống đường nét được chắt lọc tới mức đơn giản, chỉ giữ lại những nét chính yếu để bố cục nhằm thể hiện cái bản chất nhất, làm hé lộ ý tưởng chủ đạo, và cao hơn là cái “thần”. Hình ảnh người, vật trong tranh được cách điệu theo mỹ cảm của người dân lao động, mộc mạc, ngây thơ, nhưng nó lại đạt được tinh thần nghệ thuật rất riêng – sự chân thực, hồn nhiên trong cách biểu cảm; óc quan sát tinh tường, hóm hỉnh; giản dị mà khoáng đạt, cùng với những liên tưởng hết sức phong phú. Với thủ pháp tạo hình ước lệ, cách điệu của nghệ thuật biểu cảm, không phải là miêu tả, các nghệ sĩ dân gian muốn hướng người xem đến nội dung biểu đạt sâu kín ở bên trong hơn là hình thức bên ngoài, nên xem tranh không chỉ dừng ở việc thưởng thức vẻ đẹp của những phương tiện biểu đạt mà luôn luôn phải suy ngẫm để hiểu ý nghĩa ẩn dụ. Người xem không tiếp thu một cách thụ động, mà tự mình phát hiện hàm ý của ẩn dụ. Như vậy, trong sự cảm thụ họ cũng “đồng điệu” với người vẽ. Lúc này họ sẽ không lấn cấn vì những chi tiết phi lôgic, bởi chính những chi tiết không tuân theo một tỉ lệ tương quan thích hợp lại góp phần đáng kể vào nghệ thuật tả ý. Thêm nữa, người xem còn cảm nhận được cái duyên trong chính sự ngây ngô, phi lôgic của hình vẽ. Có lẽ tranh Đông Hồ cũng nằm trong trục xuyên suốt của nghệ thuật tạo hình dân gian là tả ý, tả thần chứ không tả thực hình ảnh đối tượng. Người nghệ sĩ dân gian vẽ cái mà họ nhớ, họ hiểu, họ ước mong, chứ không vẽ cái họ nhìn thấy.
Ngày nay, việc sử dụng tranh Đông Hồ vào dịp tết không còn nhiều như trước. Nhưng, tranh Đông Hồ vẫn được bảo tồn và phát huy dưới nhiều hình thức khác. Làng tranh danh tiếng Đông Hồ hiện nay ngày nào, tháng nào cũng tấp nập nhiều đoàn khách vào tận nơi tham quan, thực mục sở thị. Tranh dân gian Đông Hồ không đồ sộ, hoành tráng, nhưng thật đặc sắc. Nó mãi mãi là tài sản có giá trị trong nền văn hóa Việt Nam.
_______________
1. Quang Phòng, Tranh khắc gỗ phương Đông, phương Tây, Tạp chí Mỹ thuật thời nay, số 4-1994, tr.31- 41.
2, 3. Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, tập II, Viện Mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002, tr.235, 279.
4. Nguyễn Nghĩa Phương, Bộ tranh Hứng dừa, Đánh ghen trong không gian và thời gian của dòng tranh Đông Hồ, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 1-2002, tr.55-56.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009
Tác giả : Nguyễn Thị Hợp
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày