Nghệ thuật trang trí trên bệ đá hoa sen hình hộp thời trần


 

Triều đại nhà Trần (1225 – 1400) là một triều đại phong kiến trung ương tập quyền, các tầng lớp nhân dân và triều đình hòa hợp trong tinh thần tự lập, tự cường, thái bình thịnh trị. Ở giai đoạn này, Phật giáo, với địa vị là quốc giáo, từng có sức mạnh chi phối nhiều hoạt động xã hội và văn hóa tinh thần. Các di tích thời Trần có số lượng nhiều, một phần nhờ vào sự tiếp thu, thừa hưởng từ thời Lý.

Trong nội thất chùa làng thời Trần (chủ yếu ở khu vực thuộc châu thổ Bắc Bộ ngày nay), bệ đá hoa sen hình hộp là tác phẩm điêu khắc độc đáo. Do đặc thù chất liệu đá nguyên khối hoặc ghép phiến nên phần lớn các tác phẩm này vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Theo minh văn còn lại trên một số bệ, có những tên gọi khác nhau để chỉ dạng bệ này: Chữ Phật Thạch Bàn (bàn đá thờ Phật, minh văn trên bệ ở chùa Bối Khê, Dương Liễu, Thắng Phúc, Hà Nội), chữ Kim Can (đến nay vẫn chưa có giải nghĩa, trên bệ chùa Long Khánh, Hưng Yên), chữ Bảo Tọa (theo văn bia Trần ở chùa Hưng Phúc, Thanh Hóa),… Trong thực tế, nhân dân địa phương ở nơi lưu giữ bệ tượng chùa thường gọi chung là bệ tam thế, bởi trên mặt bệ có thể đặt được ba tượng (quá khứ, hiện tại, vị lai). Cũng có nơi lại gọi theo kiểu dân gian “trông mặt đặt tên” là bđá hoa sen, nơi nào mà bệ còn ghi niên đại cụ thể thì được gọi là bđá thời Trần (1).

Với kiểu dáng khối hộp chữ nhật, bố cục gồm ba phần chính: phần trên cùng (mặt bệ), phần giữa (thân bệ), phần dưới (chân bệ). Bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần thường có kích thước như sau: chiều rộng của mặt hộp bệ từ 1,1m đến 1,36m, chiều cao của riêng hộp bệ từ 0,98m đến 1,09m, chiều dài của bệ khoảng 2,2m đến 2,9m. Cấu tạo bệ thắt nhỏ ở giữa, do chiều cao kém chiều rộng không nhiều, nên mặt bệ vẫn có hình chữ nhật. Có thể đặt bệ nằm ngang trong chùa, hợp nhất ba pho tượng phật dàn hàng ngang trên bề mặt bệ. Phần lớn những bệ đá hoa sen thời Trần được tìm thấy là những khối hộp chữ nhật được đặt trên một đế bệ. Bên cạnh đó cũng có bệ không còn dấu vết của đế nữa do có thể bị hỏng trong quá trình tu sửa, di chuyển bệ, hoặc đã bị chìm sâu xuống lòng đất trong những lần tu tạo, nâng cao nền chùa.

Theo thống kê riêng qua các chuyến đi điền dã của người viết, hiện còn 31 ngôi chùa làng có bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần, tập trung ở khu vực châu thổ sông Hồng và sông Đáy, nhiều nhất ở tỉnh Hà Nội với 12/31 bệ. Nơi xa nhất về phía bắc có hiện vật này là chùa Minh Pháp, thuộc xã Đại Đồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đây là lưu vực sông Chảy, xuôi dòng về Phú Thọ, từng là nơi giao chiến giữa Chiêu văn vương Trần Nhật Duật với quân xâm lược Nguyên – Mông (2). Nơi xa nhất về phía nam có hiện vật này là chùa Hoa Long, thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hiện vật nằm rải rác trên một phổ đại lý khá rộng thuộc châu thổ sông Hồng, từ Phú Thọ đến Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, qua Hà Nam, Nam Định,… Người viết cũng giả thiết rằng, có thể vẫn còn những bệ đá hoa sen hình hộp cùng thời như vậy ở nhiều ngôi chùa hẻo lánh khác thuộc địa bàn rộng lớn nói trên mà chưa có dịp khảo sát. Những địa phận này, về mặt địa lý, lại thống nhất với tuyến giao thông đường thủy là khu vực sông Hồng và sông Đáy. Có thể nói mật độ di tích như vậy là khá dày đặc, gợi ý cho những nghiên cứu chuyên biệt từ góc nhìn địa – văn hóa.

Như đã nói ở trên, cấu tạo chung của bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần gồm có ba phần. Phần trên cùng (mặt bệ) được bao đỡ bởi một đài sen lớn, gồm hai lớp cánh sen ngửa và một lớp cánh sen úp. Các cánh sen đều rất mập, có gờ cong gãy khúc cuộn lại và bao lấy một cánh sen nhỏ khác, ở chính giữa có bông hoa nhỏ xinh. Phần giữa (thân bệ) mặc dù được cấu tạo thu nhỏ thắt lại không đồng nhất với phần trên và phần dưới, nhưng đây lại là nơi xuất hiện nhiều môtip chạm khắc, với nhiều gờ nổi, chia thành các ô và mỗi ô lại chứa đựng một môtip trang trí khác nhau: rồng, mây, hoa sen, hoa cúc, sư tử, hươu, hoẵng, dê, hổ, tiên nữ, cây cảnh… Có thể nói, phần mặt và thân bệ là hai phần quan trọng nhất, thể hiện rõ nét nhất sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc dân gian đương thời.

Đặc biệt trên bốn góc thân bệ thường xuất hiện bốn chim thần (garuda) với đầu, cánh là chim, còn mình là thú, ngồi xổm, hai chân bám chặt xuống đất, dồn lực đẩy toàn thân lên đôi tau để đỡ phần tòa sen. Trên trán chim thần thường có chữ vương (biểu tượng cho vua muôn loài chim). Tuy nhiên ngoài chức năng nâng đỡ, chim thần garuda còn mang theo giá trị thẩm mỹ nhất định, nổi bật là tính chất thần thoại được Việt hóa, toát lên qua đặc trưng tạo hình chắc, khỏe – cũng là phong cách chung của mỹ thuật thời Trần.

Môtip rồng trên các bệ đá hoa sen cũng được thể hiện khá đa dạng chứ không dập khuôn đơn điệu. Môtip rồng trên bệ đá chùa Long Khánh (Hưng Yên) có dáng khỏe khoắn, râu hai chòm xoắn vào nhau, trên mình xuất hiện ít vẩy. Rồng trên bệ tượng chùa Bối Khê, chùa Bãi (Hà Nội) mang dáng như chữ S, có sừng vươn thẳng về phía sau. Cho dù ở dạng biến thể như thế nào thì môtip rồng thời này vẫn mang biểu tượng cho sự cao quý, linh thiêng, vừa tượng trưng cho quyền lực của nhà vua lại vừa mang ý nghĩa gửi gắm ước mong của người nông dân về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ở chùa Phổ Quang (Phú Thọ), còn có hai hình cá hóa rồng với bút pháp thô, mạnh.

Môtip phượng hoàng được thấy trên bệ đá chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh), bệ chùa Thanh Sam (Hà Nội). Biểu tượng này là một trong tứ linh và còn được coi là chúa tể của loài chim. Kỳ lân là vật linh ứng hàng thứ hai trong bộ tứ linh. Nó xuất hiện rất ít trên trang trí bệ đá thời Trần. Tại bệ đá ở chùa Tổng (Hưng Yên), có chạm hình kỳ lân với dáng nhìn nghiêng, động, toàn thân như đang dồn về phía trước nhưng đầu ngoảnh lại phía sau, mồm há rộng. Đây là một cách tạo hình lân mạnh mẽ, năng động. Con lân là biểu tượng cho điềm lành, hay còn đại diện cho một triều đại công minh, phù hợp với tư tưởng của chế độ phong kiến thời Trần.

Có lẽ hình tượng con hổ chạm khắc trên bệ đá hoa sen thời Trần là môtip được tạo hình đẹp mắt và biểu trưng cho sức mạnh rõ nét nhất. Một ví dụ tiêu biểu là chạm khắc hình hổ trên bệ đá ở chùa Đại Bi (Hà Nội), hình hổ kề bên hình sư tử. Cách chạm khối nổi nhẹ, làm toát lên khuôn hình của một con hổ khỏe mạnh, dũng mãnh đang bước đi, mặt hướng phía trước, mắt tròn, tai to, mồm rộng, đuôi dài lượn dọc theo sống lưng, thống nhất với lối tạo hình của tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình). Còn hình sư tử với tư thế đang nhào lộn cùng quả cầu và như đang cùng vờn dải lụa. Môtip này được xem như có liên hệ gần gũi với hình sư tử đang đuổi theo quả cầu ở bệ chùa Long Hoa (Hà Nam). Qua những đợt khảo sát điền dã, chúng tôi thấy môtip sư tử vờn cầu hiện diện trên rất nhiều bệ đá, khá phong phú về tạo hình. Hình sư tử ở chùa Long Hoa (Hà Nam) mạnh mẽ, phóng khoáng. Sư tử ở chùa Cát Quế (Hà Nội) lại tỏ ra chậm chạp, hiền lành. Dáng vẻ đường bệ chững chạc là hình sư tử ở chùa Long Khánh (Hưng Yên). Tinh thần vui nhộn, tinh nghịch là sư tử ở chùa Phổ Quang (Phú Thọ)… Có lẽ vì sư tử còn biểu trưng cho sức mạnh biến hóa của đức Phật cho nên được chạm với nhiều dáng vẻ sinh động như đã thấy trong bệ đá hoa sen thờ Phật thời Trần.

Bên cạnh đó, trên bệ đá hoa sen cũng không thiếu những con vật của đời thường, không mang hoặc được cho là có tính chất thần thoại, như con hươu. Con vật này được chạm theo phong cách mô tả hiện thực, có trên thân bệ đá ở các chùa Bối Khê, Cát Quế, Thắng Phúc (Hà Nội). Trong hình, hươu, cả hươu thường và hươu sao, được mô tả đang ngậm cành lá hoặc đang vờn đuổi, vui đùa.

Các môtip trang trí hoa lá phần lớn vẫn tiếp thu từ thời Lý như hoa sen, hoa cúc trên bệ tượng chùa Bối Khê (Hà Nội), Hoa Long (Thanh Hóa), Ngọc Khám (Bắc Ninh). Những biến thể uốn lượn của hình hoa cúc cho thấy sự khéo léo của người thợ chạm, lưu loát trong nhát chạm, kết hợp tài tình giữa hoa dây và các môtip khác.

Môtip mây được điểm xuyết trong bố cục của mảng chạm, làm cho bề mặt của mảng chạm đỡ trống trải. Môtip này cũng chứa đựng quan niệm thẩm mỹ, khả năng thụ cảm cái đẹp từ thiên nhiên cũng như nhận thức về sự hài hòa trong quan hệ với tự nhiên của con người đương thời. Hình hoa mai được phát triển kế thừa rõ nét từ thời Lý, thể hiện trên bệ chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh). Hình hoa mẫu đơn, biểu tượng của sự phú quý, được tạo hình gần như thực, có ở chùa Bối Khê (Hà Nội), Long Hoa (Hà Nam), Ngọc Khám (Bắc Ninh). Môtip sóng nước xuất hiện chủ yếu ở phía dưới chân bệ, đôi khi được cách điệu như ngọn núi, lớp lớp chồng lên nhau, lan tỏa thành những diềm trang trí khỏe, mạnh, dứt khoát.

Hình tiên nữ (apsara), thể hiện qua các hoạt cảnh ca múa của tiên nữ trên tầng trời chỉ thấy xuất hiện duy nhất trên bệ đá hoa sen ở chùa Hoa Long (Thanh Hóa). Các tiên nữ đang trong dáng điệu múa tha thướt, y phục là lớp áo choàng rộng, nhiều nếp rủ chùng phủ kín người, được thắt gọn bởi dây lưng. Phần mũ là vành kép được vạch đường hoa văn. Vòng cổ là những bông hoa tròn có hai lớp. Thân mình tiên nữ thẳng đứng, một chân thẳng, một chân co gập về phía trước cách mặt sóng nước một khoảng. Đầu ngả gần vuông góc với thân nghiêng về một bên vai, hai tay dang thẳng và co gập song song đẩy lên ngang đầu, tay cầm theo dải lụa. Mảng chạm đặc biệt độc đáo này, cho thấy kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân dân gian trong xử lý chất liệu đá cùng với trình độ cao trong tư duy thẩm mỹ và cảm xúc nghệ thuật mạnh mẽ. Vẻ cứng cỏi thô tháp của đá đã được hóa giải thành ra sự mềm mại, uyển chuyển toát lên từ nhịp bước chuyển động của các nàng tiên.

Như vậy qua những mảng chạm khắc, có thể nói, chủ đề trang trí trên bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần về cơ bản vẫn tiếp thu môtip trang trí từ thời Lý, song các nghệ nhân dân gian thời này cũng đã kịp có nhiều bước tiến trong kỹ thuật, đó là: thủ pháp khắc vạch, tạo khối, kỹ thuật chạm nổi khối thấp đan xen với kỹ thuật chạm nông đạt đến sự hoàn thiện ở trình độ tạo hình cao.

Các bệ đá hoa sen thời Trần có ghi niên đại không thật trùng khít với nhau, có nghĩa chúng không được làm cùng một lúc, có bệ mang niên đại sớm, song cũng có bệ mang niên đại muộn, khoảng cách xa nhất tới khoảng 200 năm, nhưng nhìn chung chúng vẫn thống nhất về cấu tạo, kích thước. Những bệ đá có ghi niên đại được làm sớm nhất là năm 1364 (bệ chùa Cói, Nam Hà) và muộn nhất là năm 1386 (bệ chùa Phổ Quang, Vĩnh Phúc). Ký tự niên đại đều được ghi ở vị trí phía sau bệ và chung một tự dạng: nét to, thô, khối chữ xộc xệch, dòng không thẳng, đem lại cảm nhận về sự mộc mạc, tự nhiên.

Những cứ liệu nêu trên cho phép chúng ta đoán định, có thể từ thời Trần, khu vực Bắc Bộ xuất hiện một hiệp thợ chuyên chạm khắc bệ đá hoa sen hình hộp đã luân chuyển địa điểm dọc theo lưu vực sông Đáy và sông Hồng làm đẹp cho ngôi chùa làng, phục vụ nhu cầu, tín ngưỡng, tâm linh của con người. Vì vậy, hầu hết các bệ đá đều khá thống nhất về phong cách chạm khắc và tập trung trên một phổ địa lý thuận tiện về giao thông.

Đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu về giá trị nghệ thuật của một trong rất nhiều hiện vật nghệ thuật gắn liền với Phật giáo thời Trần. Tuy chỉ là bệ đá để thờ Phật trong chùa, nhưng nó hoàn toàn có khả năng là một chỉ dấu nghệ thuật cuốn hút giới nghiên cứu mỹ thuật cổ hôm nay. Bởi nhìn từ góc độ nghệ thuật, đó là những bức điêu khắc độc đáo, chứa đựng cả một giai đoạn lịch sử dân tộc cùng tinh thần cộng cảm và biểu dương sức mạnh cố kết cộng đồng rất cao của người Việt, được duy trì cho đến nay.

_______________

1. Trịnh Cao Tưởng, Phan Tiến Ba và Nguyễn Duy Lan, Một bđá thời Trần ở Thái Bình, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1975, tr.316.

2. Theo yenbai.gov.vn

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Trần Thị Biển

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *