Nông trại hữu cơ tiêu chuẩn Nhật Bản dưới chân núi Lang Biang


Từ tình yêu vùng đất yên bình nằm dưới chân đỉnh Lang Biang (Đà Lạt) huyền diệu cùng tâm huyết đi tìm sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người, anh Nguyễn Văn Hà (sinh 1961) cùng vợ – Tôn Nữ Thanh Mỹ đã về Lạc Dương xây dựng nông trại hữu cơ đạt tiêu chuẩn Nhật Bản đầu tiên trên vùng đất này.

Quả phúc bồn tử đen có giá bán cao nhất tại Công ty TNHH Lang Biang VF Dâu Rừng

 

Hữu duyên

Được chị Thanh Mỹ đưa đi tham quan khu nhà kính sản xuất phúc bồn tử và rau, khu nhà xưởng, nhà máy chế biến rượu vang, hầm rượu, shop giới thiệu sản phẩm và khu vực chủ nhân “chế tác” thành các hồ nước, non bộ, cây xanh… tạo không gian trải nghiệm cho khách du lịch, toàn bộ diện tích 5ha, tổng kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, tại số 14/3 – thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước một cơ ngơi bề thế của vợ chồng doanh nhân này.

Lạc Dương có khí hậu ôn hòa, đất đai trù phú, 20 năm trước, vợ chồng anh Hà chị Mỹ từ Đà Lạt về Lạc Dương mua 5ha đất, dự định đầu tư làm nơi nghỉ dưỡng. Nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp sạch, từ năm 2017, anh Hà liên kết với 8 thành viên (ở TP. HCM, Đà Lạt, Lạc Dương) thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Minh Thọ Organic để cùng nhau sản xuất các loại rau theo hướng VietGap.

Song, anh Hà nhận thấy việc sản xuất chưa tạo ra sản phẩm thực sự an toàn trong khi người tiêu dùng đang hướng tới sản phẩm sạch. Từ trăn trở này, anh Hà quyết định chuyển sang sản xuất nông sản bằng phương pháp hữu cơ. Anh là người tiên phong xây dựng nông trại hữu cơ trong HTX để trồng cây phúc bồn tử và rau trong nhà kính công nghệ cao.

Sau đó, để đảm bảo yêu cầu mở rộng sản xuất và kinh doanh, anh Hà đã thành lập Công ty TNHH Lang Biang VF Dâu Rừng (gọi tắt Công ty Lang Biang VF Dâu Rừng), do anh làm Giám đốc. Công ty được cấp giấy phép hoạt động đầu tháng 3/2018.

Câu chuyện về cây phúc bồn tử có mặt trong nông trại của vợ chồng doanh nhân này cũng là một “mối duyên”. Chị Thanh Mỹ chia sẻ, thời gian xây dựng trang trại, anh Hà được người bạn ở châu Âu tặng một số cây phúc bồn tử đen, anh trồng thử nghiệm trên 1.000m2 đất. Đây là loài cây có nguồn gốc nước ngoài, có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, hiện còn khá hiếm đối với thị trường nông sản nước ta.

Vì giống cây mới, anh Hà phải thuê chuyên gia nước ngoài về nghiên cứu, nhân giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để mở rộng diện tích canh tác. Hiện, anh Hà đang sản xuất 2,5 ha phúc bồn tử, trong đó, có 3 sào phúc bồn tử đỏ, còn lại là phúc bồn tử đen trong nhà kính, sử dụng hệ thống tưới nước sạch, bón phân vi sinh, điều tiết ánh sáng tự động…

Công nhân của Công ty TNHH Lang Biang VF Dâu Rừng đang thu hoạch phúc bồn tử tươi

Đạt tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản (JAS)

Trên hành trình đưa sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ và đạt tiêu chuẩn JAS – tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản (do Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cấp chứng nhận) cho nông trại, Giám đốc Nguyễn Văn Hà đã nhờ các chuyên gia người Nhật sang thực hiện nhiều cuộc khảo sát, kiểm tra, “test” hàng ngàn mẫu phẩm với các tiêu chí đánh giá về môi trường, nguồn đất sản xuất, nước tưới, phân bón, giống cây trồng theo quy chuẩn hữu cơ, quy trình sản xuất, chăm sóc, sơ chế, đóng gói sản phẩm… Trong đó, tập trung vào các tiêu chí bắt buộc: nguồn đất không sử dụng hóa chất nông nghiệp, phân bón hóa học trong vòng ít nhất 2 năm đối với cây ngắn ngày, 3 năm đối với cây lâu năm trước khi gieo trồng;  chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và các vi sinh vật; sử dụng hạt giống và cây trồng hữu cơ, không sử dụng hạt giống và cây trồng biến đổi gen.

Sau một năm kiểm tra, đánh giá, thử nghiệm với những yêu cầu hết sức khắt khe, tháng 12/2018, nông trại của của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Văn Hà đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản (JAS).

Từ thành công khá thuận lợi này, vợ chồng anh Hà đã tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn ra thị trường. Với diện tích 2,5 ha trồng phúc bồn tử đang cho thu hoạch, mỗi năm, Công ty xuất bán khoảng 12 tấn quả tươi, giá rất cao, đặc biệt là quả phúc bồn tử đen và các sản phẩm của nó.

Ngoài tập trung sản xuất phúc bồn tử, Công ty còn sản xuất 3.000m2 rau hữu cơ các loại: xà lách, cải xoăn, cà chua socola, dưa leo bao tử, ớt chuông… mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm theo đơn đặt hàng và phục vụ khách du lịch.

Ngày 11/9/2019, Công ty TNHH Lang Biang VF Dâu Rừng được UBND TP.Đà Lạt cấp chứng nhận nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho sản phẩm rau.

Riêng phúc bồn tử, ngoài bán quả tươi cho các cửa hàng rau, quả hữu cơ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Công ty còn chế biến quả phúc bồn tử thành các loại sản phẩm như: rượu vang, mứt, nước cốt, trà phúc bồn tử…

Tại shop trưng bày sản phẩm của Công ty. F Dâu Rừng, chúng tôi quan sát có nhiều sản phẩm từ quả phúc bồn tử được chế biến, đóng gói, dán nhãn JAS, có bao bì khá đẹp. Theo chủ nhân, đây là các mặt hàng cao cấp trưng bày, giới thiệu, bán cho du khách trong và ngoài nước, được người tiêu dùng hiện nay rất ưa chuộng, lựa chọn.

Chị Tôn Nữ Thanh Mỹ bên shop trưng bày các sản phẩm chế biến từ quả phúc bồn tử

 

Năm 2019, rượu vang, nước ép và mứt phúc bồn tử đen của Công ty Lang Biang VF Dâu Rừng được UBND huyện Lạc Dương cấp chứng nhận. Đặc biệt, ngày 31/12/2019, 6 loại sản phẩm: rượu vang, mứt và nước cốt phúc bồn tử (đỏ và đen) của Công ty đều được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao. Riêng sản phẩm rượu vang phúc bồn tử đen đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019”.

Đầu năm 2020, được Sở Công Thương và UBND huyện Lạc Dương hỗ trợ, anh Hà đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng và ngày 16/10/2020 thì công bố, đưa vào hoạt động “Điểm trưng bày và bán các sản phẩm đạt OCOP” đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, do 7 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia (đặt tại Khu du lịch Lang Biang – Lạc Dương).

Đặc biệt, cuối năm 2020, Công ty khai trương Khu du lịch hữu cơ dược thảo phúc bồn tử, giới thiệu toàn bộ quy trình từ sản xuất nông sản hữu cơ, đến công nghệ chế biến quả phúc bồn tử thành các đặc sản đạt OCOP 4 sao đến đông đảo du khách và nhân dân địa phương. Đây là hoạt động tích cực của Công ty NTHH Lang Biang VF Dâu Rừng góp phần thúc đẩy du lịch Lạc Dương phát triển trong thời gian tới.

Hiện nay, Công ty có 10 lao động (người địa phương) làm việc thường xuyên, với mức lương tháng từ 6,5 – 8 triệu đồng/người. Công ty đang hợp đồng với nông dân Lạc Dương để tăng sản lượng quả phúc bồn tử tươi, tuyển thêm lao động (nhất là các vị trí: kỹ thuật, điều hành, maketing), mở rộng phân phối các sản phẩm của công ty đến 3 miền đất nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Với tiêu chuẩn, năng lực, nguồn lực sẵn có, Công ty Lang Biang VF Dây Rừng hoàn toàn tự tin vươn ra thị trường lớn với các sản phẩm lợi thế đặc trưng.

 

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *