LTS: Tranh biếm họa là một phương thức phản biện xã hội gắn liền với mỹ thuật và báo chí. Ở Việt Nam, báo chí xuất hiện từ cuối TK XIX nhưng thực sự phát triển cùng phong trào dân chủ tiểu tư sản đầu những năm 30 TK XX. Đây cũng là giai đoạn mà biếm họa Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên cùng với việc xuất hiện thế hệ họa sĩ đầu tiên từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, 1925 – 1945). Một nghiên cứu ban đầu về giai đoạn đặc biệt quan trọng này của biếm họa Việt Nam là hết sức cần thiết, mở ra những tranh luận về vai trò lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật của tranh biếm họa Việt Nam buổi sơ khởi.
Thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đánh dấu một bước ngoặt mới trong sự phát triển của Việt Nam ra với thế giới. Văn hóa Tây Âu đổ bộ vào Việt Nam như cơn bão, cuốn đi nhiều giá trị văn hóa bản địa gốc. Tàn dư của nó để lại lại có hai mặt tốt và xấu. Thời kỳ này được biết đến như là nét gạch nối giữa hiện đại và lạc hậu, cái mới và cái cũ, thực tế khắc nghiệt và những mộng mơ xưa cũ. Những mâu thuẫn thực tiễn đã được phản ánh rõ nét nhất ở các tờ báo, đặc biệt là báo châm biếm trào phúng. Tranh biếm họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương ra đời trong môi cảnh như vậy. Tất cả các yếu tố: xã hội, sự ra đời của nhóm Tự lực văn đoàn và bước phát triển tiếp theo của báo chí tư nhân đã thúc đẩy biếm họa trở thành một ngôn ngữ riêng của mỹ thuật, phản ánh chân thực đời sống xã hội đương thời.
Yếu tố xã hội
Năm 1883, người Pháp đặt chân đến Hà Nội và chọn nơi này là thủ đô của ba nước Đông Dương. Kể từ đó, đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đã có những thay đổi lớn.
Việt Nam tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ rất sớm, khoảng TK XVI, khi các giáo sĩ Kitô giáo đi truyền đạo, các thuyền buôn phương Tây đi tìm thị trường. Tuy nhiên, văn hóa phương Tây chỉ ảnh hưởng thực sự mạnh mẽ đến văn hóa Việt Nam bắt đầu từ TK XX, sau những đợt khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Đó là các cuộc gặp gỡ giữa nông thôn và thành thị, nông nghiệp và công nghiệp, phương Đông và phương Tây, Việt Nam và Pháp. Kết quả của cuộc gặp gỡ này là văn hóa Việt Nam rời quỹ đạo khu vực, chuyển sang quỹ đạo văn hóa thế giới.
Cùng với sự khai thác thuộc địa, thực dân Pháp tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở như hệ thống đường bộ xuyên Việt, đường sắt, cấu cống… Ngoài ra, họ cũng khởi động các ngành công nghiệp chế biến và tiêu dùng. Bên cạnh những thuận lợi vì được cập nhật văn hóa hiện đại, mặt trái của sự tiếp xúc này được ví như cấp số nhân. Sự đổ bộ ồ ạt của hàng hóa tiêu dùng hiện đại, lối sống Tây Âu như nhảy đầm, quán bar… đã tác động mạnh mẽ tới đời sống của người thành thị. Số đông bị choáng ngợp và a dua theo những thói ăn chơi đua đòi, dần mất đi nét vốn có của người Á Đông.
Song song với đó, người Pháp vẫn bảo lưu chế độ ngự trị của làng xã, kiểm soát thông tin qua bộ máy kỳ hào. Điều này một mặt góp phần giữ gìn văn hóa dân gian quý báu của người Việt nhưng mặt khác lại là kìm giữ nông thôn Việt Nam trong mối quan hệ phong kiến tăm tối, cổ hủ, bảo lưu tình trạng bùn lầy nước đọng ở mọi làng quê. Bởi vậy, sau này, khi văn hóa đô thị phát triển, việc đầu tiên phải làm của nhóm Tự lực văn đoàn (do Nhất Linh làm chủ bút), những trí thức chủ trương cải cách văn chương theo kiểu phương Tây, là tố cáo những hủ tục ở nông thôn, chế giễu kẻ đại diện chạy theo cái mới một cách ngu dốt. Điều này có nét tương đồng với nhiều sáng tác văn chương trào phúng cùng thời kỳ, của các tác giả nổi bật như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan. Văn chương hiện thực phê phán và biếm họa sẽ là cặp bài trùng khi chúng đứng gần nhau, biếm họa vô hình chung trở thành minh họa cho chính những tác phẩm văn chương ấy.
Tác động đặc biệt quan trọng khác của văn hóa phương Tây tới xã hội Việt Nam là đặt nền móng cho nhận thức về những giá trị căn bản của một xã hội hiện đại như: tự do, bình đẳng, dân chủ… Đó cũng là những giá trị nhân văn thuộc về con người cá nhân phổ quát, đối ngược lại với tư tưởng Nho giáo đã in đậm trong tâm thức người Việt hàng ngàn năm qua. Một biểu hiện rõ nét của nhận thức mới này về con người là các họa sĩ biếm họa sử dụng triệt để cái tôi của mình để nói lên tiếng nói của thời đại. Mặc dù việc đấu tranh bằng hình ảnh của họ không có hiệu quả tức thời như đấu tranh vũ trang, nhưng về lâu dài, những tác phẩm biếm họa thời kỳ này thực sự là hình ảnh cũng như tư liệu lịch sử quý báu. Không có gì khách quan và trực diện hơn khi được tiếp cận với lịch sử bằng hình ảnh.
Sự ra đời của nhóm Tự lực văn đoàn
Tự lực văn đoàn do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) khởi xướng, hình thành cuối năm 1932 và chính thức tuyên bố thành lập vào đầu tháng 3 – 1934. Cơ quan ngôn luận chính của văn đoàn là báo Phong hóa.
Trong những năm tháng học tập tại Pháp, Nguyễn Tường Tam nghiên cứu chuyên sâu về báo chí và ông thấy tờ báo châm biếm trào phúng là hợp với sở thích của nhiều người. Sau khi về nước, ở Hà Nội, để thực hiện nguyện vọng của mình, Nguyễn Tường Tam nộp đơn xin Sở Báo chí cho xuất bản tờ báo Tiếng cười và đã chuẩn bị số báo đầu tiên. Tuy nhiên, yêu cầu của ông không được chấp thuận, Sở này đưa ra nhiều lý do để trì hoãn cho việc cấp phép. Trong khi đó, tờ báo Phong hóa đã ra được 13 số do Nguyễn Xuân Mai và Phạm Hữu Ninh chủ biên, đang đứng bên bờ vực thẳm bởi nội dung nhạt nhẽo, không hợp thời. Tận dụng thời cơ, Nguyễn Tường Tam ngỏ ý mua lại, rồi cùng với những người em, người bạn của mình như Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), tạo thành một nhóm biên tập hoàn toàn mới, lấy tên Tự lực văn đoàn (1). Đây là tổ chức văn học đầu tiên của Việt Nam mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại, cũng là văn đoàn đầu tiên do tư nhân chủ xướng. Đứng về mặt xã hội, các thành viên trong văn đoàn đều là dân thường, nhưng họ tập hợp nhau lại vì một lý tưởng muốn cống hiến cho văn học và đóng góp cho xã hội, với những tuyên ngôn và tôn chỉ rõ ràng (2). Mười điều trong tôn chỉ của Tự lực văn đoàn không chỉ áp dụng trong sáng tác văn học mà với biếm họa, các họa sĩ tham gia vẽ cho các tờ báo của văn đoàn cũng áp dụng triệt để tinh thần này. Hầu hết các tranh biếm họa đăng tải trên hai tờ báo Phong hóa và sau là Ngày nay đều thể hiện nhanh nhạy nhất những gì mà nhân dân Việt Nam đương thời mắt thấy tai nghe. Nội dung phản ánh trong biếm họa cũng như văn chương rất gần, mạch lạc, hợp với tư duy của thời đại. Bóng dáng đạo Khổng không còn nữa, thay vào đó là cách làm khoa học, logic của “thái Tây” như tôn chỉ đã đề ra. Riêng trong tranh biếm họa, với tác động bằng hình ảnh nên mức phản ánh xã hội, nó nằm ở yếu tố tạo hình, tuy vẫn “bình dân” ở nội dung nhưng hình thái trong tranh phải hợp với chất biếm.
Có thể nói, lịch sử tranh biếm họa nước nhà phải cảm ơn sự ra đời của nhóm Tự lực văn đoàn, với tuyên ngôn và tôn chỉ của nhóm đã tạo cho văn học nghệ thuật ở mảng trào phúng, châm biếm một mảnh đất phát triển với định hướng rõ ràng, cụ thể. Tất cả điều ấy nằm ở nội dung nhất quan của hai tờ báo châm biếm trào phúng lớn nhất đương thời.
Những tờ báo châm biếm trào phúng
Bên cạnh Phong hóa và Ngày nay, tuần báo Loa cũng mang yếu tố châm biếm trào phúng. Đó là ba mảnh đất thực sự màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện, phát triển của biếm họa. Bên cạnh đó, cần phải nhắc lại, giai đoạn 1925 -1945 bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử mỹ thuật cận hiện đại Việt Nam, với sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đào tạo các họa sĩ, nhà điêu khắc.
Năm 1932, tờ báo Phong hóa ra đời với lời quảng cáo rầm rộ: “Một sự lạ chưa từng thấy trong làng báo 7 xu” với ban biên tập hùng hậu: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, Thạch Lam… Báo ra ngày thứ sáu hàng tuần gồm 16 trang đen trắng, tòa soạn đặt tại số 80 – phố Quan Thánh, Hà Nội. Hầu hết trên số báo nào, nhóm chủ trương cũng “gây sự” với chính quyền thực dân, phong kiến và cả các đồng nghiệp của mình.
Có thể nói tờ Phong hóa luôn giữ đúng tôn chỉ, mục đích: “Hăng hái theo con đường mới, lý tưởng mới, không chịu khuất phục thành kiến, làm nô lệ hay xu phụng bất cứ quyền lực nào, lấy lương tri làm xét đoán, theo lẽ phải mà hành động trên căn bản chân thực, dùng trào phúng làm phương pháp, mượn tiếng cười làm vũ khí đấu tranh”. Phong hóa có số mà bản in lên tới 10 nghìn tờ, lớn nhất thời ấy. Báo ra đến số 110 thì bị đóng cửa. Lý do là số 108, ngày 26-3-1936, đã đăng bài viết nảy lửa của Hoàng Đạo tố cáo tổng đốc Hoàng Trọng Phu tham nhũng tàn bạo. Báo lập tức bị rút giấy phép, tác giả bài viết bị thuyên chuyển vào tòa án Tourane. Thế nhưng, đúng một tuần sau, ngày 02-4-1936, nhóm chủ trương đã xoay xở cho ra đời tiếp tờ Ngày nay. Nhìn chung, tờ Ngày nay không khác gì tờ Phong hóa, duy nặng phần chính trị, văn chương hơn là tinh thần trào phúng, theo một nhận xét đương thời của nhà thơ Tú Mỡ.
Do Phong hóa chú trọng nhiều đến những tranh vẽ minh họa nên tờ báo hấp dẫn bạn đọc. Lúc đầu người vẽ chính là Nhất Linh. Sau đó báo có thêm những họa sĩ khác như Trần Bình Lộc, Tô Ngọc Vân và Nguyễn Gia Trí. Bộ ba nhân vật Lý Toét, Xã Xệ, và Bang Bạnh đã cuốn hút người đọc đến với Phong hóa. Đặc biệt, nhân vật Lý Toét, ngay khi ra đời, đã được coi là một hiện tượng của báo chí Việt Nam. Mặc dù nhiều người tham gia vẽ Lý Toét cho Phong hóa, nhưng dù phong cách của họ có khác nhau như thế nào, Lý Toét và các đặc điểm riêng biệt của nhân vật vẫn được dễ dàng nhận ra: chiếc mũ, khăn và kiểu quần mà giới hào lý thôn làng ưa chuộng cùng đạo cụ đặc sắc là chiếc ô, thường màu đen. Chiếc ô thể hiện “địa vị làng xã” của nhân vật, đồng thời nhấn mạnh rằng Lý là người lạ trong môi trường đô thị phức tạp. Ông luôn mang bộ ria đôi khi được tỉa cẩn thận.
Phong hóa và Ngày nay đều không thể kéo dài sự tồn tại bởi tờ báo mang nhiều yếu tố châm biếm, đả kích thái độ chính trị của phong kiến và thực dân, nhất là thực dân Pháp. Bức tranh Các nghị định bó buộc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, số 45, báo Ngày nay, ra ngày 31-1-1937, là một tác phẩm lên án sự o bế của chính quyền thực dân đối với báo chí. Hình ảnh con chim đại bàng bị trói hai chân nhưng vẫn dang cánh bay, sợi dây trói chân đại bàng được cột chặt vào một thân cây đã cưa cụt chỉ còn trơ gốc. Đứng bên cạnh chú chim là một tên cầm quyền người Pháp, tay lăm lăm cái kéo để xem với bàn chân bị trói buộc, chú đại bàng tượng trưng cho báo chí sẽ bay bằng cách nào…
Nếu nhìn nhận và đánh giá khách quan thì tuần báo Loa có chuyên môn và sức mạnh phần nào trội hơn Phong hóa và Ngày nay. “Chỉ tồn tại trong hai năm, bắt đầu từ ngày 8-2-1934 với 103 số, nhưng tuần báo Loa in khổ lớn, ra ngày thứ năm hàng tuần, với rất nhiều biếm họa đặc sắc, nhất là biếm họa về các nhà văn, đã để lại dấu ấn lịch sử trong biếm họa Việt Nam” (3).
Xem những bức tranh của Loa còn lại cho đến hôm nay, có thể nhận thấy, ở mọi số báo, hầu hết các trang đều đăng tải tranh biếm họa, nội dung xoáy vào các mặt trái của đời sống thành thị hiện đại thời kỳ này. Loa không chừa bất kỳ ai, ngay cả những người thân thiết của báo chí như họa sĩ, nhà văn, nhà thơ… đều bị châm biếm. Tất cả đều được biểu đạt rất chân thực về hình ảnh cũng như tính hấp dẫn thời sự mà mỗi tờ báo cần có. Loa nhạo báng tất, không vị nể, không khoan nhượng. Điều này thể hiện qua loạt tranh châm biếm nhà văn Khái Hưng, Nhất Linh, nhà thơ Thế Lữ, họa sĩ Côn Sinh (Đỗ Mộng Ngọc). Phê phán thói bợ đỡ, xiểm nịnh chính quyền thuộc địa thì có bức tranh Diễn thuyết gia (không đề tên tác giả) đăng trên Loa, số 90 với ba biểu hiện khác nhau của một con người, đó là bợ đỡ, xiểm nịnh và hèn hạ trước thực dân, phong kiến… Chính vì thẳng thắn nhìn nhận vấn đề nên số phận của Loa còn ngắn ngủi hơn hai người bạn đồng hành là Phong hóa và Ngày nay. Với số tuổi hai năm, như ngôi sao lóe sáng rồi vụt tắt, Loa đã kịp để lại cho lịch sử tranh biếm họa nói chung và tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương nói riêng một kho tàng quý giá. Tranh biếm họa của Loa là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta nhìn nhận và đánh giá khách quan nhất về tranh biếm họa Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương.
Hiện thực xã hội luôn là cảm hứng bất tận với nhiều loại hình nghệ thuật. Có thể nhận thấy, trong thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, hiện thực xã hội đã thúc đẩy tinh thần đấu tranh của biếm họa và đổi lại, biếm họa đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về tư duy cũng như ý chí của các họa sĩ. Họ dám làm những điều tưởng chừng khó nhất như nhìn thẳng vào chính quyền thực dân và phong kiến tay sai. Chính nhờ những yếu tố trên đã nảy sinh tranh biếm họa với nhiều cung bậc khác nhau, nhưng chủ yếu là ái, ố của cuộc sống được điển hình hóa, cường điệu hóa, để từ đó nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam có thêm một loại hình nghệ thuật độc đáo, sáng tạo và dũng cảm.
_______________
1. Khúc Hà Linh, Anh em Nguyễn Trường Tam – Nhất Linh, ánh sáng và bóng tối, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2008.
2. Tôn chỉ có 10 điều: Thứ nhất, tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn sản nước nhà. Thứ hai, soạn hay biên dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn. Thứ ba, theo chủ nghĩa bình dân, soạn những sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân. Thứ tư, dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật với tính cách An Nam. Thứ năm, lúc nào cũng tươi trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Thứ sáu, ca tụng những nết hay và vẻ đẹp của đất nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu đất nước một cách bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Thứ bảy, trọng tự do cá nhân. Thứ tám, làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa. Thứ chín, đem phương pháp khoa học thái Tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam. Thứ mười, theo một trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
3. Lý Trực Dũng, Biếm họa Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2010.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013
Tác giả : Vũ Trang
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày