LTS: Tranh biếm họa là một phương thức phản biện xã hội gắn liền với mỹ thuật và báo chí. Ở Việt Nam, báo chí xuất hiện từ cuối TK XIX nhưng thực sự phát triển cùng phong trào dân chủ tiểu tư sản đầu những năm 30, TK XX. Đây cũng là giai đoạn mà biếm họa Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên cùng với việc xuất hiện thế hệ họa sĩ đầu tiên từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, 1925 – 1945). Một nghiên cứu ban đầu về giai đoạn đặc biệt quan trọng này của biếm họa Việt Nam là hết sức cần thiết, mở ra những tranh luận về vai trò lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật của tranh biếm họa Việt Nam buổi sơ khởi.
Biếm họa là hài hước. Cái hài trong cuộc sống và trong nghệ thuật đều đem lại những tiếng cười sảng khoái. Song không nên lầm tưởng “cái hài” với “cái đáng buồn cười”; đây là hai hiện tượng khác nhau về chất. Cái đáng buồn cười là một hiện tượng sinh lý thường tình. Còn cái hài là hiện tượng thẩm mỹ khách quan, một nội dung xã hội sâu sắc. Vì vậy, cái hài trong tranh biếm họa cần phải được xem xét trong phạm trù cơ bản của mỹ học. Bằng hình thức cười nhạo, nó xác định và đánh giá hành vi mâu thuẫn với những quy luật khách quan, đối lập với lý tưởng thẩm mỹ của lực lượng xã hội tiến bộ. Giá trị của tranh biếm họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương được nhìn nhận bởi hai yếu tố: Biếm họa đóng góp tích cực cho đời sống xã hội và biếm họa là đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam.
Biếm họa đóng góp tích cực cho đời sống xã hội
Những vấn đề được nêu ra trong tranh biếm họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương hoàn toàn mới mẻ. Trong tranh là những câu chuyện cá nhân và sinh hoạt đời thường nên diện đề tài rất rộng. Ngôn ngữ tạo hình được xây dựng trên các nguyên lý mới với ảnh hưởng trực tiếp từ mỹ thuật hiện đại Pháp.
Nhìn vào mỹ thuật Đông Dương nói chung, tranh biếm họa nói riêng, chúng ta thấy nó khác hoàn toàn so với mỹ thuật TK XIX trước đó. Điều quan trọng là dù dưới hình thức nào, bức tranh cũng phải bộc lộ rõ những mâu thuẫn trong xã hội và mang tính hài. Đó là những mâu thuẫn biểu hiện sự tương phản có tính hài giữa bản chất và hiện tượng, giữa lạc hậu và tiến bộ, giữa việc làm với lời nói, giữa khả năng với hiện thực. Nguồn gốc nảy sinh tranh biếm họa là những mâu thuẫn xã hội có tính hài đối lập với lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp, tiên tiến. Chất châm biếm đời sống xã hội thời kỳ này được biểu hiện ở nhiều hình vẻ. Đây có lẽ là sự đóng góp hiển nhiên nhất của biếm họa trong đời sống tinh thần của mỹ thuật cũng như xã hội.
Thoạt nhìn lại những bức biếm họa châm biếm chính các nghệ sĩ đương thời như nhà thơ Tú Mỡ, Lưu Trọng Lư, nhà văn Khái Hưng, hoặc chính bản thân họa sĩ biếm họa châm biếm họ, ai đó hẳn sẽ nghĩ tới sự trêu đùa trên tinh thần tình bạn, đồng nghiệp, đồng thời là cái cười vô tư mà các nghệ sĩ dành cho nhau. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là cả một pho lịch sử Hà Nội bằng hình ảnh rất sống động và thực tế. Xã hội thuộc địa ở Hà Nội tiếp nhận nhanh chóng, cởi mở văn hóa Âu châu qua Pháp nhưng chưa thật sâu sắc. Trí thức Tây học chưa đạt đến mức học giả chuyên sâu. Những họa sĩ biếm họa vẫn mang tính chất trí thức học sinh, sinh viên, có cái hăng hái bồng bột. Nhiều bức tranh biếm họa, nếu không có “phụ đề”, người xem sẽ khó mà hiểu được nội dung bên trong chứa đựng gì.
Trước thời kỳ Đông Dương, mỹ thuật Việt Nam đậm lối trang trí và mục đích chính là phục vụ cho tôn giáo với nhiều phong cách truyền thống được đúc kết qua thời gian. Vì mục đích và hướng đi riêng, biếm họa thời kỳ Đông Dương gần như đi ngược lại với nghệ thuật cha ông trước đó. Thay vì cúi mình trước những tác phẩm phục vụ cho tôn giáo thì giờ đây người dân có thể cười nghiêng ngả trước những nét vẽ hài hước, châm biếm chính họ hay chính xã hội mà họ đang sống. Những nét sinh hoạt rất riêng như: ra đường không đi guốc mà cắp vào nách để guốc khỏi mòn, hoặc nhân vật lẫy lừng Lý Toét đi mua “bánh đú”, cảnh chen lấn tàu xe, sự xuất hiện của những cột điện, chuyện tréo ngoe giữa cha và con,…Tất cả tạo nên sự mới lạ, vừa kín đáo trong ngôn ngữ tạo hình, đồng thời nó cũng là cái phô trương, phơi bày thói hư tật xấu vẫn đang mặc nhiên tồn tại trong xã hội. Làm được những điều ấy, một phần cũng do chính sách cai trị vừa khuyến khích, vừa kìm hãm của thực dân Pháp, tạo nên xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến, và nó chính là hiện thực để họa sĩ biếm họa vịn vào đó làm chủ đề sáng tạo với ngôn ngữ tạo hình xây dựng trên các nguyên lý mới.
Có thể nhận thấy rất rõ tư tưởng xuyên suốt làm nên diện mạo tranh biếm họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương và những nhìn nhận tích cực của nó đối với đời sống xã hội. Có thể quy nhân vật trong biếm họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương thành hai loại. Một loại với bản chất xấu xa, thấp hèn, phản động nhưng khoác cái vẻ bề ngoài là đẹp, cao thượng, tiến bộ. Đó là tuyến các nhân vật như quan lại, lính canh, bà đầm, kỹ nữ…mà chúng ta vẫn thấy xuất hiện đều đặn trên các trang báo của Phong Hóa, Ngày Nay, Tuần báo Loa. Họa sĩ biếm họa sử dụng tuyến nhân vật này với nhiều hình thái khác nhau, tuy ăn mặc chỉn chu nhưng hợm hĩnh, hãnh tiến… Một loại khác, xét về bản chất là tốt song còn biểu hiện mặt này, mặt nọ chưa tốt, chưa thật đẹp với cái mới, cái tiến bộ. Rất dễ dàng nhận thấy tuyến nhân vật này qua hình tượng của các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ và châm biếm chính văn nghệ sĩ… Ở họ vừa có sự thức thời, hiện đại vừa có nét bảo thủ. Họ như những người đa nhân cách, lúc hướng về điều này, lúc hướng qua điều khác. Họa sĩ biếm họa phê phán họ một cách vui vẻ, giúp cho họ và công chúng chung hướng đến điều tốt đẹp, hoàn thiện hơn.
Đóng góp tích cực cho sự tự do ngôn luận, tự do cá nhân, tự do sáng tác là những vấn đề chúng ta nhìn thấy được từ tranh biếm họa Đông Dương. Một Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Pháp rất nặng nề lại vừa rất Việt Nam. Biếm họa là sản phẩm thực sự của xã hội thuộc địa, đô thị nhỏ trong bước đầu tư bản hóa, Âu hóa. Họa sĩ biếm họa vẫn giữ được những mạch ngầm của mỹ thuật truyền thống nhờ tính dân tộc cố hữu. Chủ nghĩa yêu nước vẫn sống động trong tâm hồn hầu hết trí thức Tây học, tuy được Pháp đào tạo nhưng chỉ chờ cơ hội để bộc lộ ra mạnh mẽ, không ít các nghệ sĩ tham gia các tổ chức xã hội chống Pháp. Thông thường, tranh biếm họa có những bản chất: mâu thuẫn đối kháng, không thể khoan nhượng; kiên quyết, phủ định, đả kích. Như chúng ta thường thấy trong tranh biếm họa của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đăng trên tờ báo Người cùng khổ của Pháp không những là tiếng nói của người Việt Nam trước thực tiễn đời sống của một nước thuộc địa mà còn là tiếng nói chung của người dân thuộc địa trên thế giới: không chấp nhận cuộc sống kìm hãm, tù đày về nhân cách cũng như quyền được làm người.
Tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương chẳng những mang nhiều giá trị đối với xã hội đương thời mà trên hết, biếm họa là dấu mốc đáng nhớ, đánh dấu cho thời kỳ phát triển của tranh biếm họa ở Việt Nam. Rời xa loạt tranh hài hước của dân gian, biếm họa đã có tiếng nói riêng, bằng ngôn ngữ của mỹ học, ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình, cùng với đội ngũ họa sĩ biếm họa yêu nghề, yêu đất nước. Biếm họa đã có diện mạo mới, nói lên tiếng nói của xã hội một cách tích cực.
Biếm họa là đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam
Muốn nhìn nhận một quá trình nghệ thuật cho dòng tranh nào đó, xem nó có phải là đặc trưng của một giai đoạn hay rộng hơn là của một đất nước cụ thể, cần phải nhìn nhận trên ba phương diện: lịch sử, ngôn ngữ tạo hình và cá nhân họa sĩ.
Về phương diện lịch sử
Biếm họa luôn gắn với những gì mang tính thời sự mà thời đại của nó tồn tại. Ở Việt Nam, biếm họa xuất hiện từ khá sớm, những nhà báo tiên phong của Việt Nam thời kỳ đầu đã xem biếm họa là một phương tiện, một công cụ để bày tỏ quan điểm, chính kiến qua các hình ảnh mà ban đầu chỉ mang tính hoạt kê – khôi hài rồi mới đến châm biếm. Lịch sử Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương phần nào được tái hiện đầy đủ, chi tiết về đời sống, xã hội chính trị. Với lịch sử, biếm họa là một hiện tượng thẩm mỹ khách quan, có nghĩa là biếm họa được đánh giá theo quy luật cái đẹp. Cái đẹp ở đây nằm ở tinh thần thời đại mà tác phẩm mang theo mình. Lịch sử được “viết” lại bằng hình ảnh, vừa chân thực đồng thời vừa có sự châm biếm.
Biếm họa Đông Dương đã mang sức sống mới, khác lạ đối với lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Ít có loại hình nghệ thuật nào lại đấu tranh trực diện, thẳng thắn vào cái xấu, cái hủ tục cũ kỹ, thói hợm hĩnh của thời đại bằng biếm họa. Xã hội Việt Nam thời kỳ Đông Dương được biết đến là một xã hội lẫn lộn Tây-Ta, nhiều giá trị đời sống bị đảo lộn, những thế lực thù địch được dịp nhiễu nhương, hoành hành. Chính vì lẽ đó mà nhu cầu biếm họa càng lớn, vượt xa khả năng xuất bản và triển lãm (1). Nhu cầu chính đáng này đã đưa biếm họa ở Việt Nam tiến bộ hơn. Sở dĩ nói biếm họa trên phương diện lịch sử là một đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam, bởi vì phần lớn tranh biếm họa gắn liền với các sự kiện thời sự, chính trị, xã hội nóng bỏng. Tranh biếm họa có thể có lời hoặc không lời. Sức nặng của tranh biếm họa có giá trị ngang bằng, hoặc nhiều hơn các bài bình luận, bài diễn văn, những ghi chép lịch sử lê thê…
Tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đã mang trên mình khối lượng lớn về những vấn đề lịch sử. Ở đó chứa đựng biết bao thông tin mà một bài giảng lịch sử phổ thông chưa chắc đã nói hết được. Người xem tranh không những cảm nhận cái tài hoa của họa sĩ mà còn có thể “học” lịch sử bằng hình ảnh, không hề căng thẳng mà vẫn “thuộc” sử. Có thể coi phản ánh lịch sử là một thành công lớn của tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Và ý nghĩa cũng giống như giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, là ở sự thấu đáo của “cái nhìn” có tính thẩm định và chắt lọc, định liệu ngay trên luống cày thẩm mỹ của mỗi họa sĩ (2).
Về phương diện ngôn ngữ tạo hình
Khác với một số tranh dân gian của những thế kỷ trước đó có mang yếu tố gây cười, tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đã mang một diện mạo mới, khác hoàn toàn so với tranh biếm họa trước đó. Không mang nặng hình thái trang trí, tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương có những nét mới của ngôn ngữ tạo hình phương Tây. Luật viễn cận được áp dụng như cách mà các giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương truyền dạy cho học trò của mình. Nếu tác phẩm ấy nói về con người với mặt trái xã hội, chúng ta thấy hình ảnh của nhân vật rất mới lạ, hợp thời: nếu là nhân vật nữ trẻ, cô gái sẽ mặc áo chùng, áo tứ thân, hoặc áo tân thời là trang phục thông dụng của ba thập niên đầu TK XX. Họa sĩ đã biết quan sát kỹ lưỡng đối tượng mình cần miêu tả, chọn lựa nhân vật ấy phải đại diện cho số đông những người cùng tính cách. Tính cách đa dạng của nhân vật Lý Toét – siêu sao của làng biếm họa thời kỳ Đông Dương là một dạng nhân vật như vậy. Tạo hình nhân vật được coi là cổ điển trong tranh biếm họa thời kỳ này… Nhưng sự tuyệt vời nhất của tác phẩm biếm họa là yếu tố chốt của sự bất ngờ, thường đem lại tiếng cười cho người xem, dù sau tiếng cười ấy buộc người ta phải suy nghĩ.
Bằng những thủ pháp nghệ thuật như phóng khoáng, hiện đại, châm biếm, tranh biếm họa Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đã có diện mạo hoàn toàn mới so với tranh dân gian hài hước trước đây. Tùy vào từng loại bút pháp, họa sĩ có thể tự do sáng tạo những cái mới, tuy nhiên vẫn áp dụng vào truyền thống để sáng tác. Điển hình là bức tranh Đám cưới tân thời đăng trên báo Ngày Nay (số 87, ngày 29-11-1937), đã nói lên điều đó. Tác giả bắt chước theo tác phẩm Đám cưới chuột của tranh dân gian Đông Hồ để thể hiện một đám cưới tân thời, vừa hiện đại, sang trọng. Tuy nhiên, hình thức biếu xén, đút lót, đi cửa trên cửa dưới vẫn không thay đổi. Cho đến ngày nay, tính thời sự của bức tranh vẫn còn nguyên.
Đứng trước thời đại mà mọi thứ hầu như bị đảo lộn, hơn một tác phẩm bình thường, ngôn ngữ của tác phẩm hội họa phải có sự tương đồng nội tâm và sự nhạy bén toàn diện nhất, không phải ở bút pháp thông thường mà hướng toàn bộ sức lực, sự quan sát thực tế… vào tranh. Trong khi đi cùng các nền văn minh tiên tiến, ngôn ngữ biếm họa có sự vận động riêng của chính nó, xoay vần bằng cái trục bản ngã của thời đại, luôn tìm đối xứng, soi gương trước hiện tại. Chính ở đó, tranh biếm họa mới được phát huy, sáng tạo, bảo tồn cái nguyên bản ý nghĩa của con người, của nghệ thuật nói chung, bình đẳng trước hiện thực và thời gian.
Ngôn ngữ tạo hình của tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, về hình thức gắn liền với sự có mặt của nước Pháp tại xứ sở này. Tuy nhiên, nội dung trong tranh biếm họa phải là người Việt, xoay quanh những vấn đề tồn đọng của thời đại lên muôn mặt đời sống. Ngôn ngữ của biếm họa phải tự ý thức chuyển dịch các phương pháp tạo hình phương Tây vào tranh biếm họa. Có nghĩa là, khi họa sĩ biếm họa Việt Nam đã có cái nhìn mới và khác với ngôn ngữ tạo hình thông thường của hội họa.
Ngôn ngữ tạo hình tranh biếm họa thời kỳ này được đánh dấu là cuộc tiếp xúc với nghệ thuật Pháp thông qua trường Mỹ thuật Đông Dương. Bằng chứng xác đáng nhất đó là thế hệ họa sĩ đầu quân cho biếm họa hầu hết được xuất thân từ ngôi trường danh tiếng này. Ở trường, họ được đào tạo bài bản về các nguyên lý tạo hình phương Tây – phương pháp khoa học nhất khi thực hiện một bức tranh. Nhưng tranh biếm họa thì khác, để sáng tác được một tác phẩm biếm họa đẹp về nội dung và hình thức theo tiêu chí gây cười của biếm họa, ngôn ngữ tạo hình đó không hề đơn giản. Đó là hình ảnh bị biến thể, vặn vẹo… và người sáng tạo trước tiên phải giỏi hình họa, ký họa tốt, am hiểu các vấn đề xã hội… tác phẩm được “thai ngén” hay “nảy sinh” đều nhờ vào kỹ thuật mà người họa sĩ mang lại.
Tạo hình tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương được xem như tiền đề cho những tạo hình tranh biếm họa sau này. Từ những ngôn ngữ tạo hình của thế hệ đi trước để lại, họa sĩ ngày nay đã có những bước tiến mới hơn nhờ công nghệ với nhiều màu sắc, nhiều thủ pháp tạo hình mới trong tranh biếm họa. Một tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm biếm họa nói riêng cần vượt khỏi giới hạn vật chất của nó, của sự miêu tả ngoại hình, bằng bất cứ đề tài nào.
Về phương diện cá nhân họa sĩ
Nghệ thuật biếm họa Việt Nam trong những thập niên đầu TK XX đã để lại dấu ấn to lớn. Những thành tựu xuất sắc chính là những họa sĩ vẽ tranh biếm họa, khiến biếm họa là một thành phần của nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam. Chính người họa sĩ và tác phẩm của họ đã đem lại sự ảnh hưởng lâu dài tới nghệ thuật tranh biếm họa Việt Nam. Ảnh hưởng này mạnh tới mức, cho cuối TK XX, đầu TK XXI, khi có sự bùng nổ của đô thị hóa thì truyền thống tranh biếm họa vẫn không thay đổi.
Thời kỳ mỹ thuật Đông Dương được xem như thời kỳ mở đầu của nghệ thuật tạo hình với nhiều sự mới mẻ trong sáng tác. Với họa sĩ biếm họa của thời kỳ này, họ không chỉ làm một việc là vẽ tranh biếm họa. Ở họ, sự sáng tạo trên những ngôn ngữ tạo hình khác nhau sẽ tạo được niềm vui thích, kích thích niềm đam mê, một người họa sĩ có thể là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ vẽ tranh sơn dầu, sơn mài…Mỗi công việc, ngôn ngữ tạo hình mới lại đòi hỏi nhiều sự đầu tư về chất lượng sản phẩm mà họ làm ra. Thật may mắn cho nghệ thuật tạo hình nói chung và nghệ thuật tranh biếm họa nói riêng có được những họa sĩ tận tình, yêu nghề. Tác phẩm giúp chúng ta kiểm chứng tâm huyết của họa sĩ với nghệ thuật. Tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương của từng họa sĩ đã không làm người xem thất vọng. Ở đó, chúng ta thấy được cách làm chuyên nghiệp của người họa sĩ, từ cách ký tên dưới tác phẩm, tạo hình chọn lọc… Mỗi bức tranh biếm họa đã “nói” lên được sự quan sát của người họa sĩ, tinh tế hay hời hợt, châm biếm hay đả kích. Biếm họa là loại hình nghệ thuật có chính kiến rõ ràng, dùng ngôn ngữ đặc biệt để biểu đạt một cách cường điệu, khuếch đại được những mâu thuẫn nội tại đối với các quan hệ chính trị, đạo đức, xã hội trong sự hình thành và phát triển của xã hội loài người. Nó chủ yếu giới hạn ở sự biểu đạt mang tính chất đặc trưng các mâu thuẫn đối kháng có khi đến khôi hài, sự mất tương xứng giữa mục đích và phương tiện, giữa hình thức và nội dung, giữa ảo tưởng và thực tế phũ phàng, giữa cái cũ lạc hậu và đổi mới, giữa cái đẹp và cái xấu, giữa cái ác và cái thiện, tồn tại hay không tồn tại… Thông qua tác phẩm, họa sĩ biếm họa bày tỏ được quan điểm của mình một cách trực tiếp hay gián tiếp và buộc người xem phải bày tỏ quan điểm đồng tình hay phản đối.
Khuynh hướng phát triển của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đông Dương cho thấy phần đông họa sĩ biếm họa thời kỳ này chú trọng đến kỹ thuật thể hiện. Vì biếm họa phục vụ cho báo chí, do vậy họa sĩ cũng phải chú ý đến bố cục của tác phẩm của mình khi đưa vào mặt báo. Biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương được xem là một trong những đặc trưng của mỹ thuật Việt Nam, liên hệ với sự quan sát và mô tả, nó trở nên ít trừu tượng, ít phổ quát cao. Biếm họa hay triết lý về nghệ thuật được quan tâm với định nghĩa về cái đẹp, cái xấu, mà cái xấu được sử dụng nhiều hơn cả, bởi nó là “mảnh đất” để biếm họa bám vào nó, nảy sinh nghệ thuật từ nó.
Chức năng của nghệ thuật bao gồm các chiều hướng mà trong đó, nó làm thỏa mãn hay ngược lại của con người, gợi lên sự chán ghét hay ca tụng, giúp giáo dục hoặc tạo cảm hứng. Tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương làm được tất cả những điều trên. Người họa sĩ đã khéo léo vận dụng ngôn ngữ tạo hình của phương Tây, văn hóa phương Đông – cụ thể là văn hóa Việt Nam áp dụng vào tạo hình tranh biếm họa, thổi cho nó sức sống riêng biệt chỉ có ở Việt Nam và đặc biệt nó là nét riêng của tranh biếm họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương.
Tạm kết
Tranh biếm họa Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đã làm tốt vai trò của mình với nền mỹ thuật Việt Nam TK XX. Với đời sống xã hội, biếm họa Việt Nam thời kỳ này đã tìm tòi từ cái bi, cái hài trong cuộc sống để từ đó đúc rút thành những tác phẩm biếm họa vừa hài hước lại châm biếm sâu cay. Qua tìm hiểu, phân tích tác phẩm biếm họa thời kỳ Đông Dương và thấy được biếm họa thời kỳ này phần nào đã là đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam, dựa trên ba phương diện chính: phương diện lịch sử, phương diện ngôn ngữ tạo hình và phương diện cá nhân họa sĩ. Nhờ có sự tổng hợp của ba phương diện trên đã định hình tranh biếm họa thời kỳ Đông Dương, tạo cho biếm họa có ngôn ngữ riêng, là thành phần không thể thiếu của nghệ thuật, thúc đẩy sự sáng tạo của nhiều lớp họa sĩ biếm họa kế cận sau này.
_______________
1. Lý Trực Dũng, Biếm họa Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2010, tr.123.
2. Câu nói của họa sĩ Tô Ngọc Vân khi nói về yếu tố sáng tác của họa sĩ, năm 1939.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013
Tác giả : Vũ Trang
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày