Hát Chèo thờ đền Mưng – Nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo

Đậm đà những lời hát giao duyên ở Lễ hội Đền Mưng

Cũng như nhiều làng quê khác, làng Mưng (xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) xưa đã có những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Nơi đây, không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Đó là một quần thể đền, đài, miếu mạo cùng những lễ hội đặc sắc, trong đó nét văn hóa nổi trội là lễ hội đền Mưng – nơi thờ Thánh Lưỡng Tham Xung Tá Quốc. Từ lễ hội, đã nổi lên những nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp, đó là các hình thức chèo thuyền (trong phần hội) như chèo bơi, chèo đua thuyền trên cạn, chèo thờ vừa thể hiện nét văn hóa qua múa hát, vừa thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Nổi bật là “Trò hát Chèo thờ làng Mưng”,  một hình thức diễn xướng trong lễ hội đã trở thành môn nghệ thuật sân khấu độc đáo, riêng biệt ở làng Mưng

Chèo thờ làng Mưng bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động. Làng vốn nằm ở hữu ngạn sông Lãng Giang (xã Trung Thành, huyện Nông Cống). Theo truyền thuyết, Thánh Lưỡng là em của Tam Giang thần nữ, tức Vua Bà. Thánh Lưỡng hy sinh anh dũng trong chiến trận. Chị gái trên đường từ Nghệ An ra thăm em, đến khu vực Cầu Quan thì biết tin em đã hy sinh anh dũng trong chiến trận. Chị vì quá thương xót em nên đã gieo mình xuống dòng Lãng Giang tự tử, thi thể của bà trôi đến ngã ba nơi hợp lưu giữa sông Lãng, sông Hoàng và sông Yên thì được dân làng đưa lên an táng, lập đền thờ Vua Bà (hiện thuộc xã Tế Tân), cúng bái từ mồng 5 đến mồng 8/3 (âm lịch). Ngày mồng 8 có lệ “Em đến thăm chị” là xuất phát từ việc Đức Thánh Lưỡng được rước bằng thuyền dọc sông Lãng Giang dài gần 10km từ làng Mưng xuống đền Vua Bà. Trò diễn hát Chèo thờ trên sông cũng bắt nguồn từ đó.

Theo điển lễ, mồng 5 tháng 3 là ngày Chính kỵ của Thánh Lưỡng Tham Xung Tá Quốc. Đây là ngày lễ trọng cho nên được tổ chức Đại tế và mở hội Chèo thờ. “Trên đền trò hát, dưới sông chèo thuyền” là câu nói về những trò diễn chính tiêu biểu của lễ hội Đền Mưng. Các hình thức chèo thuyền trong lễ hội được nhân dân ở đây gọi là hát Chèo thờ. Thông lệ hằng năm, tham gia hội Chèo thờ có các đội chèo của 8 làng thuộc hai xã Trung Thành và Trung Chính, sống quanh sông Lãng (thực địa sẽ diễn ra “Chèo nước” – tức hát Chèo dưới nước). Sáng mồng 5/3 âm lịch, sau cuộc đại tế, hát Chèo cạn bắt đầu tại sân đền Mưng. Dân làng lúc này sẽ đặt một thuyền rồng, khung bằng tre đan chính giữa sân, bọc vải đỏ, không có đáy, lấy hướng chính tẩm làm hướng cho đầu thuyền. Phụ nữ mặc áo mớ ba, vấn khăn đỏ, tóc bỏ đuôi gà, yếm đào, váy lĩnh, thắt lưng xanh đứng vào lòng thuyền thành hai hàng dọc theo mạn thuyền, mỗi người cầm một mái chèo, miệng hát tay chèo theo nhịp trống  Hằng năm cứ đến tháng Ba / Vui chung tế kỵ, dân ta chèo thuyền. Trong khi đó, dưới bến đá, 5 chiếc thuyền rồng lớn trang trí nhiều màu sắc rực rỡ, lòng thuyền làm thành nhà có mái che, hai bên mạn thuyền mỗi bên có 6 cửa hoa, mỗi cửa hoa đặt một mái chèo sơn son, phía trong là ghế ngồi của quân bơi đã đậu sẵn ở bến đá, tất cả mũi thuyền đều quay về xuôi. Số lượng quân bơi ở mỗi thuyền là những cô gái thanh tân, ăn mặc hệt như những con hát đang Chèo cạn trên sân đình. Khi nghe hiệu lệnh phát ra từ trên án thờ, các quân bơi bước xuống thuyền, treo nón lên vách, ngồi vào ghế, tay cầm mái chèo son. Theo nhịp trống, nhịp sênh, quân bơi tay chèo, miệng hát khoan thai nhịp nhàng. Đôi khi là hát đối đáp giữa quân bơi dưới thuyền với người trên bờ sông.

Chèo cạn tại sân đền Mưng

Chèo thờ làng Mưng có bốn tấn (vở chèo) khá nổi tiếng: Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân Hiếu Nghĩa, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình. Nếu như chèo nơi khác đệm bằng từ “i” để luyến láy cho óng mượt câu hát, thì chèo làng Mưng lại dùng âm “a” ở mỗi đoạn, mỗi câu. Chèo làng Mưng mặc dù có sử dụng một số làn điệu Chèo đồng bằng Bắc Bộ như nói lối, nói sử, hát cách, nhưng chủ yếu dùng các làn điệu mang sắc thái, âm điệu của dân ca Thanh Hóa như Vãn lên đường, Vãn tuyết sương, Vãn khổng, Hát chú tiếu…

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ hội, người dân trong vùng lại tạm gác lại mọi công việc để kéo nhau đến tham dự. Khi các thuyền chuẩn bị xuất phát cũng là lúc người dân hai bên bờ hò dô, cổ vũ. Sau mõ lệnh, các thuyền xuất phát, đi cách nhau đúng 100m (đo bằng dây thừng). Đi trước là hai thuyền phát đường, kế đến là thuyền hương án, tiếp theo là thuyền Chính ngự và cuối cùng là thuyền Phù giá. Đội thuyền dời bến Đá (sau đền Mưng) đến đâu thì trên bờ, voi nan, ngựa giấy, người đeo mặt nạ, lính cầm bát bửu theo hầu trò đến đấy. Đoàn thuyền theo dòng Lãng Giang uốn lượn xuôi xuống đền Vua Bà (cách đền Mưng 10km), đến mỗi làng trên khúc sông thuyền xuôi qua, theo thói quen, các nữ chèo lại cất lên những câu hát quen thuộc trong 28 làn điệu chèo cổ làng Mưng.

Phần hát chèo khi chèo thuyền trên sông Lãng Giang

Khi thuyền đến làng Vặng, các nữ chèo hát: “Thuyền rồng đã đến Vực Si/ Con gái làng Vặng làm chi ở nhà?” Các nữ chèo vừa đi vừa hát, đến trước cửa Tam Giang (đền thờ thánh nữ Tam Giang) thì thuyền đậu lại. Lúc này, người trên bờ đông nghịt lại cất tiếng hò: “Lạy trời lạy Phật lạy Vua/ Năm nay được mùa, làng họ ăn tham”. Làm lễ xong, ông từ cùng các bô lão phải vào xin rước Thánh về. Trong lúc chờ đợi, làng sở tại lại hát tiếp cho đến khi nào các cụ xin âm dương cho “chị em” chia tay nhau mới thôi. Lễ hội kết thúc trong niềm vui khoan thai của các đội Chèo, cũng như dân làng địa phương và du khách tham dự. Hát Chèo còn được mở rộng, phát triển ở nhiều địa phương khác trong huyện. Ngày 20-12-2019, lễ hội đền Mưng đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, niềm tự hào không chỉ đối với người dân xã Trung Thành mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Nông Cống.

Xưa kia, hội Chèo thờ làng Mưng cứ “Năm năm có một khóa chèo” gồm 18 làng tham gia. Ngày nay, người dân phá lệ nên hằng năm vào ngày kỵ Thánh đều có hội Chèo thờ nhưng chỉ còn 8 làng của 2 xã là Trung Thành và Trung Chính tham gia. Vì vậy, “Chèo thờ” để lại trong lòng nhân dân Cầu Quan, huyện Nông Cống những ấn tượng sâu sắc, không bao giờ quên.

Tác giả: Lê Hường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *