Văn hóa Óc Eo dấu ấn của một nền văn minh rực rỡ


Về với miền Tây sông nước Nam Bộ, dù đặt chân ở vùng đất Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang hay Đồng Tháp, du khách vẫn thấy thấp thoáng những di chỉ còn sót lại từ nền văn hóa Óc Eo (từ thế kỉ I – VII sau Công nguyên). Đã qua 15 thế kỷ, dấu tích của nền văn hóa vẫn còn lưu lại trên vùng đất châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long như một quá khứ vàng son chưa bao giờ tàn lụi.

Dấu tích cổ xưa được lộ thiên

Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chính là cái nôi cổ xưa của nền văn hóa Óc Eo. Theo anh Tư Khoa, một hướng dẫn viên của Phòng Văn hóa địa phương thì Óc Eo là tên gọi kinh đô của vương quốc Phù Nam ở hạ lưu sông Mê Kông, tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Sau đó, Óc Eo được các nhà khảo cổ người Pháp đề nghị đặt tên cho di chỉ ở núi Ba Thê nằm trong lãnh địa của huyện Thoại Sơn.

Thị trấn Óc Eo ngày nay tươi trẻ với những con đường mới mở và những dãy nhà cao tầng của vùng nông thôn đang được đô thị hóa. Trước hình ảnh dòng sông, con kênh nhỏ bé hôm nay phơi mình uốn lượn bên những mảnh vườn xanh tốt, ít ai nghĩ rằng, nơi này từng là thương cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam.

Nắp đậy nồi, hủ thế kỷ V-VII

Gò Cây Thị cách thị trấn Óc Eo chưa đến 10km. Trước khi vào gò Cây Thị, phải đi qua những cánh đồng lúa và ruộng sen đẹp như một bức họa đồng quê. Gò Cây Thị là 2 khu gò cao và nếu không có hướng dẫn viên giới thiệu, chắc có người nghĩ mình lạc bước vào một lò gạch cũ đã bị con người lãng quên.

Nhưng 2 bãi đất này chính là di chỉ của nền văn hóa Óc Eo. Dù không biết “nói chuyện” với con người nhưng các hố khai quật đã được các nhà khảo cổ bắt phải “lên tiếng” minh chứng rằng, từ xa xưa, có một hệ thống kênh đào giữa một khu thương mại sầm uất của vương quốc Phù Nam.

Không gian văn hóa Óc Eo không chỉ bó hẹp trong một khu đất mà còn mở rộng ra các vùng đất khác bằng những chứng tích nền móng sót lại. Nơi đây, cũng hiện lên một sơ đồ những “đường nước cổ” ghi lại dấu tích chưa phai mờ của các dòng kênh nối cửa biển Óc Eo với thủ phủ của vương quốc Phù Nam xưa. Xa xa, núi Ba Thê tuy không cao nhưng vẫn hiện lên rõ mồn một, cũng là một địa chỉ quen thuộc của các nhà khảo cổ khi nghiên cứu nền văn minh cổ đại Óc Eo.

Nằm lặng lẽ và cách biệt với gò Óc Eo và gò Giồng Cát, gò Cây Thị A nổi bật ngay ở phần tiền điện và chính điện. Mấy bậc thềm hình bán nguyệt được xây bằng những viên gạch to lớn, đến nay vẫn giữ được sắc diện riêng với đủ màu trắng, hồng, nâu… Tất cả toát lên vẻ đẹp cung đình mang tính tôn giáo để khẳng định trường phái đền thờ Bà La Môn giáo trong từng kiểu dáng kiến trúc.

Cách đó hơn 20m, một gò đất có hình bầu dục vẫn lặng thầm giữ được dấu tích cổ xưa, chính là gò Cây Thị B. Khi khai quật, các nhà khảo cổ bất ngờ phát hiện dưới nền móng vững chắc là những lớp đất sét lạ trong đó có lẫn than, xương và những mảnh gốm Óc Eo.

Phần lớn những di tích này có tuổi đời trẻ hơn gò Cây Thị A. Cũng nơi đây, hàng nghìn hiện vật của văn hóa Óc Eo như rìu đá, đồ gốm, tượng gỗ, tượng đồng, trang sức bằng đá… đã được các nhà khảo cổ bắt phải lên tiếng.

Trong lòng đất của vùng văn hóa Óc Eo cũng cất giữ những điều bí mật khác qua những hạt lúa cổ, di cốt động vật và con người sau Công nguyên. Dù trải qua bao mưa nắng, dấu tích các ngôi mộ cổ, kiến trúc xưa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chưa một lần bị bào mòn theo năm tháng.

Gò Cây Thị cùng gò Tháp ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã làm nên những điểm sáng bất ngờ trên tấm bản đồ quý giá của văn hóa Óc Eo vừa đa dạng vừa sinh động. Theo các nhà khảo cổ, những hiện vật tìm thấy được càng ngày càng chứng tỏ văn hóa Óc Eo có một nền kinh tế rất phát triển, một trung tâm thương mại phồn thịnh, có quan hệ kinh tế và văn hóa khá rộng rãi với vùng Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, Địa Trung Hải… Điều này dường như được khẳng định thêm thông qua những hiện vật được trưng bày trong nhà trưng bày nền văn hóa Óc Eo tại thị trấn Óc Eo. Ngoài những viên gạch thô sơ còn có những bức tượng gỗ, phù điêu gốm, đồ trang sức bằng đá… Tất cả là bằng chứng minh xác về sự tồn tại một vương quốc thịnh vượng đã đi qua thời kỳ hoàng kim trong lịch sử.

Những sản phẩm được khai quật qua nhiều đợt khai phá của các nhà khảo cổ học tìm thấy từ gò Cây Thị, gò Ba Động, gò Bảy Liếp, gò Thép, gò Xoài… đã về đây hội tụ.

Dù nằm rải rác khắp nơi nhưng sau khi được về sống chung trong một mái nhà bảo tàng, các di vật quý báu của nền văn hóa Óc Eo đã tự mình khẳng định thêm giá trị văn hóa – lịch sử của văn hóa, con người Đồng bằng sông Cửu Long.

Là một vùng đất mới đối với người Kinh từ trong lớp trầm tích của lịch sử, văn hóa Óc Eo càng khẳng định thêm vị trí để tô lên một sắc màu không trộn lẫn đối với nền văn hóa Việt Nam đa dân tộc.

Dấu ấn của nền văn minh rực rỡ Óc Eo không chỉ là một di sản văn hóa, lịch sử quý báu mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh cao của tỉnh An Giang, lưu giữ được những giá trị về bản sắc tinh hoa của một vùng đất.

Cho đến nay, văn hóa Óc Eo vẫn có một sức sống riêng không thể bị vùi lấp, như đánh giá của nhà nghiên cứu khảo cổ TS Nguyễn Thị Hậu – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Nhiều thế kỉ qua dù có thay đổi về kinh tế, xã hội nhưng từ thế kỷ thứ VII đến nay, cuộc sống của cư dân cổ Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống quý giá của nền văn hóa Óc Eo”.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Óc Eo

Là nền văn hóa gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa Óc Eo luôn được tỉnh An Giang quan tâm bảo tồn và phát huy. Trong đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư, nghiên cứu và quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa Óc Eo – Ba Thê với mục tiêu xây dựng nơi này thành trọng điểm du lịch trong tương lai.

Thông qua việc xác định giá trị của nền văn hóa cổ ở Nam Bộ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã khẳng định, tỉnh An Giang là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo. Cư dân cổ đã từng sinh tụ và phát triển tại đây, họ là những người bản địa sớm tiếp nhận tinh hoa của văn hóa Ấn Độ và tạo dựng nên nền văn hóa huy hoàng tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Không gian phân bố văn hóa Óc Eo vô cùng rộng lớn: cả Nam Bộ Việt Nam và ra một số nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, trong đó Óc Eo – Ba Thê (An Giang) được xác định có thể là một cảng thị, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất của nhà nước Phù Nam khi xưa.

Có một tiềm năng văn hóa như thế, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo để phát triển du lịch. Trong đó, có việc hình thành Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang để quản lý trực tiếp về chuyên môn, thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo ở cấp tỉnh. Đây là một tổ chức chuyên ngành văn hóa Óc Eo đầu tiên trong khu vực Nam Bộ. Đồng thời, tỉnh đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư nhân lực, vật lực cho xây dựng hoàn thiện trụ sở làm việc và nhà trưng bày; nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông nối liền các di tích, thống kê xây dựng bản đồ di tích văn hóa Óc Eo toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo và thám sát, khai quật di tích; hoàn thiện báo cáo gửi cấp có thẩm quyền đề xuất UNESCO ghi danh.

Đặc biệt, thông qua việc đề xuất của tỉnh An Giang, Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với địa phương triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu tổng thể di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa từ tháng 8 – 2017 với tổng nguồn vốn gần 200 tỷ đồng. Đây là chủ trương khoa học lớn nhất từ trước đến nay, khi hoàn thành sẽ góp phần tiếp tục làm sáng tỏ thêm các giá trị nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, trong đó lấy tỉnh An Giang làm tiêu điểm để nghiên cứu; xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO; có kế hoạch bảo tồn hiện đại hơn bằng nhiều hệ thống các mái che, cống thoát nước, tường rào bảo vệ… Ngoài ra, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang còn hợp tác với nhiều đơn vị để nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và đầu tư phát triển du lịch.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích văn hóa Óc Eo – Ba Thê còn được sự chung tay góp sức của cộng đồng địa phương. Người dân chính là những chủ nhân thật sự của di sản này, họ đã chấp hành chủ trương đầu tư phát triển của tỉnh, địa phương và hiến tặng hàng ngàn hiện vật văn hóa Óc Eo; quan trọng hơn là đa số người dân đồng thuận trong việc giao đất cho Nhà nước hơn 10ha để thực hiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê. Người dân còn góp phần cùng các cơ quan chức năng phát triển di tích và bảo vệ di tích, tránh tình trạng đào phá, mua, bán trái phép cổ vật, bảo đảm tính toàn vẹn của quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê.

Bảo tồn và phát huy đầy đủ giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê, ngoài việc để UNESCO ghi danh là di sản văn hóa của nhân loại, còn tạo sức hút đối với các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư kinh doanh vào vùng đất của dinh lũy, đền đài từ hàng ngàn năm trước, qua đó để phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Người xưa đã từng xây dựng một cảng thị cổ phát triển sầm uất nơi đây thì chúng ta với thời đại 4.0 hoàn toàn có thể vực dậy, phát triển vùng đất này. Như thế, văn hóa Óc Eo mới có thể trường tồn, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước và du khách gần xa.

Tác giả: Trần Trọng Triết

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *