Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Khúc gia trang dậy sóng trời Nam” của TS. Khúc Minh Tuấn, sau gần hai tháng dàn dựng, tập luyện, vở tuồng lịch sử Tam Khúc chúa đã được các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu với khán giả thật sinh động, hấp dẫn đầy ấn tượng.
Chuyện về ba đời nhà họ Khúc
Tam Khúc chúa là câu chuyện kể về ba đời nhà họ Khúc, đó là Khúc Thừa Dụ – Khúc Chúa, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ. Đây là giai đoạn cuối thế kỷ thứ 9 (năm 880) khi nhà Đường suy yếu, Bắc phương đại loạn. Lúc này ở Giao Châu (Việt Nam), không còn một viên quan nhà Đường nào cai quản. Khi đó, ở phía Nam thành Đại La có vị hào trưởng Khúc Thừa Dụ nổi tiếng tài đức, là người đứng đầu Khúc gia trang. Ông đã liên kết các hào trưởng ở Giao Châu tích trữ lương thực, chuẩn bị lập công. Binh biến loạn lạc, thành Đại La bị giày xéo bởi Quách Ấn – một tên mạt tướng bạo ngược, dâm loạn, tàn độc của nhà Đường. Trước tình cảnh đó, Khúc Thừa Dụ đã kêu gọi các hào trưởng xứ Giao Châu chung tay, đoàn kết diệt trừ tên tướng cường bạo này. Sau khi Quách Ấn bị tiêu diệt, Khúc Thừa Dụ tự xưng Tiết độ sứ cai quản Giao Châu, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Thời kỳ Khúc Thừa Dụ cai quản, ông từng bước xây dựng quyền tự chủ, tạo dựng một nền hành chính nhằm làm cho cuộc sống của người dân được ấm no. Khúc Thừa Dụ mất, ông chuyển quyền cho con trai là Khúc Hạo. Tiếp nối sự nghiệp của cha, Khúc Hạo giữ gìn độc lập, tự chủ, cai quản dựa trên nền tảng lấy dân làm gốc. Đời thứ ba của dòng họ Khúc là Khúc Thừa Mỹ bị giặc ép đi sứ. Ông nhận mệnh cha sang Nam Hán làm Hoan Hảo sứ. Khúc Thừa Mỹ đã khôn khéo bang giao, kết nối với người Khiết Đan vốn đang có mối thâm thù với nhà Hậu Lương để làm cuộc binh biến lớn, ông đã thành công khi đốt kho lương ngay tại Phiên Ngung thành. Cuộc dấy binh của Khúc Thừa Mỹ không thành, ông bị quân Hán bắt, vợ ông gieo mình xuống sông tuẫn tiết khi thành bị công phá. Cái chết của Khúc Thừa Mỹ khiến cho việc tạo dựng nền hành chính, tự chủ của nhà họ Khúc bị dừng lại và đây cũng là cái kết khá bi thảm. Nhưng trên hết, câu chuyện về những nhân vật có thật trong lịch sử đã thực sự thăng hoa khi họ đã anh dũng, quật cường đứng lên đấu tranh, đối đầu với quân xâm lược.
Dàn nghệ sĩ tài hoa, giàu kinh nghiệm
Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai là cái tên khá quen thuộc và giàu kinh nghiệm đối với làng sân khấu hiện nay, rất nhiều vở do chị đạo diễn đã giành được huy chương tại các hội diễn. Trong vở tuồng lịch sử này, phải kể về 3 đời nhà họ Khúc là một thách thức đối với chị. Chị từng chia sẻ: “Tam Khúc chúa là một nhiệm vụ khá nặng nề. đầy áp lực nhưng tôi cùng với ê kíp sáng tạo và các nghệ sĩ sẽ cùng nhau cố gắng, cùng nhau “máu lửa” để sáng tạo”. Quả thật, sau khi vở diễn ra mắt, chị đã tạo được dấu ấn trong lòng người xem khi đưa đến cho khán giả một cái nhìn tổng quát về bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, khắc họa rõ nét tính cách của từng nhân vật trong mỗi hoàn cảnh. Đó là, sự tài ba, trí tuệ, quyết đoán của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ; là sự tác oai, tác quái, cuồng bạo, dâm loạn của những tên tướng giặc; là tình cảm tôn kính của người dân dành cho ba đời Tiết độ sứ họ Khúc. Song song với đó đạo diễn cũng đưa vào các màn diễn đầy tính sáng tạo như lễ dâng áo – đại diện cho việc phong chức Tiết độ sứ, được cụ thể hóa bằng 14 cô gái trong trang phục đen tay thụng vây lấy người được tấn phong; hay điệu múa của các cô gái với những đôi guốc mộc gõ thành nhịp điệu… Những hình ảnh đó được đan cài trong các lớp của vở diễn, làm cho người xem bị cuốn hút với từng tình tiết của câu chuyện.
Không chỉ có đạo diễn tài năng, Tam Khúc chúa còn có sự hội tụ của nhà biên kịch Lê Thế Song – là người thành công với rất nhiều vở kịch sân khấu truyền thống. Anh đã khắc họa thành công sự khát vọng độc lập dân tộc, tự chủ tự cường của người dân Việt được trao truyền qua các thế hệ trong vở tuồng lịch sử này; cùng dàn diễn viên tài năng của Nhà hát Tuồng Việt Nam thăng hoa trên sân khấu. Người xem đã được nhìn thấy một Khúc Thừa Dụ (do NSND Ánh Dương đóng) với tấm lòng nhân ái, khoan hòa, và tình yêu thương đối với người con gái Khúc Thị Ngọc. Ông đã phải dằn lòng đáp ứng yêu cầu của giặc khi phải cung tiến sản vật và cô con gái để tạm thời hòa hoãn trước khi quyết liệt khởi binh, lật đổ ách thống trị tàn độc, cuồng dâm của tên Tiết độ sứ tự phong Quốc Ấn. Nhân vật Khúc Thừa Hạo được NSƯT Trần Long thể hiện đã làm nổi bật lên hình ảnh vị Tiết độ sứ có nhãn quan chính trị, mưu lược trong quân sự; và đời thứ ba của dòng họ Khúc là Khúc Thừa Mỹ do nghệ sĩ trẻ Trịnh Kế Thủy đảm nhận một vị Tiết độ sứ trẻ trung, đầy nhiệt huyết, mặc dù bị bắt đi sứ nhưng đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; rồi một Quách Ấn tàn bạo, cuồng dâm do NSƯT Lê Trung Vân đảm nhận…
Vở tuồng lịch sử Tam Khúc chúa không chỉ giúp khán giả ngược dòng lịch sử tìm hiểu một giai đoạn linh thiêng của dân tộc, mà còn khẳng định khát vọng yêu chuộng hòa bình của người dân Việt, đối với kẻ thù không nhân nhượng mà sẵn sàng xả thân vì độc lập của dân tộc.
Tác giả: Bích Ngọc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)