Đẹp ngỡ ngàng bãi rễ Côn Sơn


Trải khắp một vùng rộng lớn dưới chân núi Côn Sơn, Bãi Rễ mang đến một vẻ đẹp hấp dẫn đến nao lòng, níu chân du khách mỗi dịp về thăm khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc.

Cội nguồn bãi rễ

Bãi rễ nằm ở phía Nam khu di tích Côn Sơn, thuộc khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hoà, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, có diện tích gần 20 ha, trải dài từ dưới chân dãy núi Kỳ Lân, xen kẽ trong tán rừng thông kéo ra đến gần quốc lộ 37.

Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc thì không ai nắm được bãi rễ có từ bao giờ. Nhưng người dân trong vùng vẫn truyền nhau một truyền thuyết thú vị về rừng thông, bãi rễ. Sau khi cáo quan về ở Côn Sơn, Tư đồ Trần Nguyên Đán đã trồng rất nhiều thông ở trên núi Côn Sơn. Sau này cây lớn tạo thành rừng thông đại ngàn. Còn vợ ông thì cấy rễ, hay còn gọi là cây thanh hao, phủ lên khắp vùng đất hoang ở dưới chân núi Côn Sơn. Đời này qua đời khác, cây rễ mọc lan, phát triển thành bãi rễ mang vẻ đẹp kỳ thú. Vì thế nên cây thông, cây rễ gắn liền với đất Côn Sơn trong câu nói cửa miệng từ xưa: “Ông trồng thông, bà cấy rễ”. Trải qua bao năm tháng, cây rễ nơi đây không chỉ thu hút du khách đến chiêm ngưỡng mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Hiện bãi rễ Côn Sơn được tỉnh giao cho phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh quản lý. Đồng thời phường giao cho một số hộ dân khu dân cư Tiên Sơn bảo vệ, chăm sóc và khai thác. Hằng năm, vào khoảng tháng 9 âm lịch, người dân tiến hành thu hoạch rễ bằng cách cắt cành sát gốc, bó thành từng bó mang về đem về phơi khô, đập lá. Lúc này, cây rễ sẽ được buộc chặt lại làm thành cây chổi rễ dùng để quét nhà cửa, sân vườn. Việc thu hoạch rễ diễn ra trong khoảng 2 tháng. Sau khi thu hoạch, người dân tiếp tục chăm sóc cây bằng cách bón phân, làm cỏ,… cho tới khi các nhánh cây mọc dài trải kín đất. Thường thì cây sẽ phát triển nhanh vào mùa Xuân, khi xuất hiện những cơn mưa phùn và thời tiết ẩm ướt.

Ngoài việc làm ra những chiếc chổi, trong sách “Những cây thuốc Việt Nam” GS.TS Đỗ Tất Lợi đã viết: “Cây thanh hao dùng để chỉ cây chổi sể. Cây này có nhiều cành, có thể cao tới 2m, cành rất nhỏ, lá mọc đôi, lá hình kim dài chừng 1cm, có những hạch màu nâu. Hoa nhỏ trắng mọc đơn độc ở kẽ lá… Trong cây có tinh dầu màu vàng, gần như tinh dầu khuynh, dầu tinh diệp. Nhân dân thường lấy về làm chổi quét nhà. Lá dùng cho vào chum vại đựng đậu xanh hay để quần áo, tránh nhậy và sâu bọ cắn hại. Người ta đau bụng thường nằm trên chiếc võng thưa, đốt cây chổi rễ”. Như vậy, cây rễ không chỉ manglại lợi ích về mặt kinh tế cho người dân địa phương mà còn có giá trị y học.

Hiện nay bãi rễ được khoanh vùng bảo vệ như một di sản về danh nhân Trần Nguyên Đán. Đồng thời người dân trong vùng cũng góp công sức chăm trồng rừng thông, bãi rễ để ghi nhớ công ơn của ông, không chỉ là vị quan tài danh nổi tiếng thời Trần mà còn là người góp phần tu tạo, mở mang chốn quốc tự danh thắng Côn Sơn.

Điểm du lịch hấp dẫn

Bên cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa, bãi rễ còn có cảnh quan tươi đẹp. Hình ảnh bãi rễ trải rộng như một tấm thảm xanh mướt, xen kẽ hàng thông cao vút đã tôn thêm vẻ hùng vĩ của dãy Côn Sơn, đồng thời tạo nên một khung cảnh đầy sức cuốn hút. Cây rễ đẹp nhất vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, bởi đó là lúc cây phát triển cao và bắt đầu nở hoa. Mùa này, những bông hoa trắng nhỏ li ti mọc ra từ kẽ lá, phủ gần kín cây, tỏa hương thơm nhẹ khắp một vùng. Những năm gần đây, bãi rễ trở thành điểm du lịch đầy hấp dẫn với du khách mỗi lần về thăm khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc. Mỗi năm có hàng chục ngàn lượt du khách tới tham quan, chụp ảnh tại bãi rễ. Đặc biệt, giới trẻ rất thích thú khi chụp hình lưu niệm tại đây.

Bạn Nguyễn Thu Trang, du khách từ Bắc Ninh cho biết: “Em tới tham quan khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc lần này là lần thứ hai, nhưng lần này mới biết đến bãi rễ qua các trang mạng xã hội. Khung cảnh kỳ vĩ nơi đây khiến em thật sự choáng ngợp khi vừa đặt chân tới. Chắc chắn em sẽ giới thiệu về bãi rễ Côn Sơn tới bạn bè để họ cùng tới tham quan, chụp ảnh”.

“Tôi đã từng đi du lịch tại Hàn Quốc, ghé thăm đảo Nami nổi tiếng với những hàng ngân hạnh lớn. Tuy nhiên khi đến bãi rễ Côn Sơn thì tôi thấy cảnh đẹp nơi đây không hề thua kém. Tôi và gia đình đã chụp được rất nhiều ảnh đẹp. Đồng thời tôi thấy không khí nơi đây dễ chịu, rất thích hợp để tổ chức picnic cho gia đình với những trải nghiệm thú vị” – chị Nguyễn Bích Ngọc, ở Hải Dương chia sẻ.

Nhận ra được lợi thế này, một số hộ dân cũng đã lắp đặt thêm một số hạng mục phía trong bãi rễ để làm phim trường,tạo thêm điểm nhấn trong cảnh quan để các bạn trẻ đến quay phim, chụp ảnh cưới, ảnh lưu niệm… Không chỉ vào hai mùa lễ hội, mà ngày càng nhiều du khách về tham quan khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc và bãi rễ quanh năm, nhất là dịp cuối tuần.

Cũng theo ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc thì bãi rễ, hồ Côn Sơn là những điểm tham quan hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện tại hai điểm này chưa có sự gắn kết, địa phương đang cho thuê thầu. Nếu gắn kết các điểm vùng, cùng với khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc sẽ giúp phát triển tour du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Du khách có thể tham quan, trải nghiệm bãi rễ và nghề làm chổi, câu cá, khám phá hồ Côn Sơn bằng du thuyền; tìm hiểu lịch sử, các danh nhân gắn liền với di tích… Khi trở thành một hệ thống, Hải Dương sẽ có một sản phẩm du lịch vô cùng độc đáo, phong phú, tạo sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước.

Tác giả: Nguyễn Trường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *