Mô hình phát triển du lịch bền vững có sự tham gia của cộng đồng ở Khánh Hòa

Sáng ngày 14/01/2021, tại thành phố Nha Trang, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển du lịch bền vững có sự tham gia của cộng đồng ở Khánh Hòa”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Khoa học và Công nghệ; Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa; đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố; giảng viên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo tập trung phân tích, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến phát triển du lịch bền vững (DLBV) với sự tham gia của cộng đồng ở tỉnh Khánh Hòa – hai mô hình thí điểm về phát triển DLBV với sự tham gia của cộng đồng dân cư 2 xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), Diên Xuân (huyện Diên Khánh). Bước đầu, đề tài đã thực hiện một số công việc trọng tâm đáng ghi nhận đó là xác định các sản phẩm và dịch vụ của du lịch cộng đồng (DLCĐ). Điển hình ở Ninh Vân, các hộ dân đã đầu tư nhiều loại dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, thể thao giải trí, trải nghiệm như tham quan cánh đồng trồng tỏi, dưa hấu, lạc, tham quan di tích lịch sử quốc gia bến Hòn Hèo – một trong những điểm đến của các “con tàu không số” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sản phẩm bưởi da xanh Diên Xuân và tỏi Ninh Vân được dán nhãn

Tại Diên Xuân, Công ty du lịch Nhân Tâm đóng trên địa bàn xã đã có nhiều loại dịch vụ du lịch, liên kết với 20 hộ nông dân để mở ra loại hình tham quan tìm hiểu nông thôn – nông nghiệp; trồng trọt, giới thiệu đặc sản trái cây địa phương.  Đa số các ý kiến tham gia đóng góp đều ghi nhận và nhìn thấy những điều kiện thuận lợi và cả một số khó khăn, trở ngại đối với việc thực hiện mô hình DLCĐ ở 2 điểm Ninh Vân và Diên Xuân, trong đó khó khăn khách quan lớn là ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đã làm ngưng trệ hoạt động du lịch.

Chủ nhiệm đề tài là TS.Phạm Ngọc Bích, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – xã hội cho biết, đề tài này bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2020, đã tiến hành lồng ghép các công việc điều tra khảo sát với việc phân tích, đánh giá để lựa chọn địa điểm thực hiện xây dựng mô hình thí điểm. Từ quý 2/2020, đề tài đã bắt đầu công việc lập kế hoạch xây dựng mô hình DLCĐ ở Ninh Vân và quý 3/2020 ở Diên Xuân.

Quan điểm của các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất trí thông qua nội dung triển khai thực hiện của tác giả và mong muốn nhóm nghiên cứu đạt được mục tiêu quan trọng của phát triển DLBV có sự tham gia của cộng đồng ở Khánh Hòa, tạo ra sản phẩm cung cấp cho khách du lịch một trải nghiệm thú vị nhưng đồng thời phải tạo ra được sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên, duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng, thúc đẩy lợi ích kinh tế, tạo sự công bằng, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương theo hướng cải thiện cuộc sống gắn với lợi ích phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đồng thời nhằm mục đích thúc đẩy DLBV, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.

Tác giả: Vân Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *