Tiếp tục lấy đề tài từ văn hóa truyền thống, vở chèo được tạo dựng từ hình ảnh Quan lớn Đệ Tam được thờ ở đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Quan lớn Đệ Tam là danh thần thời Hùng Vương thứ 18, có công giúp vua Hùng Duệ Vương chống giặc Thục Phán, được vua phong Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần. Từ tài liệu của ông Lê Xuân Huy – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam và ý tưởng của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu – Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam, tác giả Lê Thế Song đã phát triển hình ảnh Quan lớn Đệ Tam thành kịch bản chèo Danh thần Bến Lảnh Giang.
Vở diễn gồm 5 cảnh, nội dung nói về nàng Thị Quý vô cùng xinh đẹp ở trang Hoa Giám, vì cứu dân làng Bến Lảnh Giang thoát khỏi lũ lụt, nàng đã hy sinh thân mình cho Thủy thần. Khi nàng lội xuống dòng sông thì có một luồng sáng quấn chặt lấy nàng rồi trong cơn mê giữa đáy nước rực hồng, nàng đã trở về nhân gian trong hình thù khác lạ và từ đó nàng Quý mang thai. Vì không chịu được những lời gièm pha, khinh miệt, nàng đành phải trốn khỏi làng đến xin ngụ cư ở một nơi khác. Rồi đến một ngày, nàng chuyển dạ và sinh ra một cái bọc, từ cái bọc nở ba con rắn khiến nàng vô cùng sợ hãi nhưng ba con hoàng xà lập tức lột lốt rắn biến thành ba chàng trai vạm vỡ khôi ngô (ba chàng trai đó chính là Phạm Vĩnh, Phạm An và Phạm Lạc). Ba chàng trai đã từ biệt mẹ mình để trở về các xứ, chàng Phạm Lạc trở về trang Đào Động, chàng Phạm An về nơi sông nước xứ Thanh Do, còn Phạm Vĩnh ở lại Bến Lảnh Giang nơi dòng xuôi cửa bể. Ba chàng trai phải ẩn dật trong thân xác hoàng xà cho đến ngày được trao truyền Thiên Mệnh. Phạm Vĩnh ở lại trang Hoa Giám giúp dân làng trồng những bờ tre để chống lũ lụt thiên tai và cũng từ đây chàng đã được gặp lại mẹ của mình. Chàng được nàng Thị Mây – là một người trong thôn trang Hoa Giám đem lòng yêu thương. Lúc bấy giờ đất Văn Lang đang trong cơn nguy biến bởi lũ giặc phương Bắc tràn sang đánh chiếm có ý định cướp ngôi vua nên đức vua đã kêu gọi tìm hiền tài cứu nguy cho quốc thống. Phạm Vĩnh đã xin được đi dẹp giặc, sau đó chàng cho vời hai người em trở về trang Hoa Giám, cùng chiêu nạp quân sĩ, rèn giáo luyện binh, quyết báo đền non sông, dẹp yên giặc dữ. Thị Mây, người con gái thầm thương trộm nhớ Phạm Vĩnh cầu xin được cùng quân binh lên đường giết giặc. Nàng Mây lập mưu chuốc rượu say quân địch nhưng thất bại, bị chúng treo ngược lên cổng thành. Bằng thân pháp của danh thần, với lòng quả cảm và mưu trí hơn người, Phạm Vĩnh cùng hai người em và quân sĩ đã phá tan đạo quân thủy bộ của giặc, giành chiến thắng khải hoàn. Trở về trang Hoa Giám, tướng quân Phạm Vĩnh dùng ngọc Lưu Ly bản mệnh của mình để cứu nàng Mây sống lại. Nhưng chàng mất hết sinh lực và được vua cha Thủy Quốc Động Đình cho đòi trở lại Thủy cung. Nhờ có công dẹp giặc nên ông được vua Hùng phong làm Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần và được tôn vinh là “Quan lớn Đệ Tam”.
Danh tướng Phạm Vĩnh hóa thân trở thành một vị danh thần trong tâm thức của muôn dân. Với niềm kính vọng và sự tôn vinh ngài, nhân dân đã xướng danh ngài là Thái tử Đệ Tam bốn mùa hương khói thờ phụng tại đền Lảnh Giang ngay tại trang Hoa Giám (nay là xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên).
Câu chuyện được kể theo lối dân gian huyền thoại, đặc biệt là hình thức tự sự và ước lệ, đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Tuy nhiên, vở diễn có nhiều đổi mới cho phù hợp với thị hiếu khán giả như tiết tấu nhanh, hành động kịch được đẩy lên nhiều hơn, song về cơ bản vẫn giữ được lề lối và trình tự của chèo.
Đạo diễn, NSND Tự Long cho biết, đây là lần đầu tiên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam mời ông làm đạo diễn vở mới, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng ông vẫn đồng ý tham gia làm vì ông cho rằng Hà Nam là vùng đất có nền văn hiến lâu đời, có đời sống văn hóa và tâm linh phong phú gắn với các danh tướng, danh thần từng vang danh sử sách, là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống… Đây chính là nguồn tư liệu đáng quý để sân khấu khai thác đề tài mang đến một hình thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống một cách sinh động, dễ tiếp cận và cũng là cách thức quảng bá về con người và mảnh đất Hà Nam đến với đông đảo khán giả yêu nghệ thuật truyền thống. Hơn nữa, đây là vở diễn mới nói về một vị danh thần của dân tộc, lại mang yếu tố tâm linh nên phải làm hết sức cẩn trọng vừa đảm bảo tính chân thực vừa góp phần tôn vinh được công lao của vị danh thần đã có công giúp dân chiến thắng giặc ngoại xâm và vượt qua lũ lụt ổn định cuộc sống. Với nhân vật Quan lớn Đệ Tam, tác giả Lê Thế Song đã tạo hóa hình tượng ngài trên sân khấu với màn hóa giá hầu để Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu vào vai Quan lớn Đệ Tam.
Vở diễn với sự góp mặt của dàn diễn viên tài năng của Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Nam: Việt Dũng (vai Quan lớn Đệ Tam), Trang Nhung (vai Thị Quý), Bích Ngọc (vai Thị Mây), Mạnh Thắng (vai Thái Bạch), Ngọc Thân (vai Phạm An), Quang Anh (vai Phạm Lạc)… và đặc biệt có sự tham gia của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu (vai hóa Thánh) vở diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và người dân về dự Lễ hội đền Lảnh Giang và Tuần văn hóa du lịch Lảnh Giang 2020.
Sau khi công diễn khá thành công tại hội trường Nhà văn hóa tỉnh, đền Lảnh Giang và một số điểm diễn khác, đầu năm 2021, vở chèo Huyền tích bến Lảnh Giang đã ra mắt khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Buổi diễn được đánh giá cao bởi lối hát, cách diễn tự nhiên, truyền cảm, dễ đi vào lòng người. Cái hay của vở chèo là lối kể chuyện rất khéo, dân dã, ngắn gọn mà vẫn thể hiện được nội dung và tư tưởng của truyền thuyết.
Tác giả: Hoàng Oanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)