Nhằm phát huy tính xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tại nhiều tỉnh, thành phố, mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” đã và đang được triển khai với nhiều cách làm mới, sáng tạo.
Tặng móc khóa an ninh có số điện thoại đường dây nóng của Công an huyện và Công an xã tỉnh Sóc Trăng cho nhân dân
Những cách làm sáng tạo
Nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình “Móc khóa tiếp nhận thông tin và tố giác tội phạm”, phát 20.500 móc khóa cho các huyện trong toàn tỉnh, trên móc khóa có in số điện thoại đường dây nóng của Công an các địa phương để phát động mọi người cung cấp thông tin, tố giác tội phạm kịp thời. Đây là một trong những mô hình hoạt động ý nghĩa, được bà con nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Thấy được hiệu quả của mô hình, hiện nay nhiều nơi cũng phát động thực hiện. Việc triển khai thực hiện mô hình đã góp phần nâng cao ý thức người dân tham gia tố giác, phòng chống tội phạm.
Mô hình “Móc khóa tiếp nhận thông tin và tố giác tội phạm” là một trong những điểm mới từ mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”. Tuy mới triển khai thực hiện nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an và các tầng lớp nhân dân, mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả như mong muốn.
Tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Đoàn khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Thành Đoàn chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo 100% Đoàn các phường triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư không có Thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”. Định kỳ, hai đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên Công an tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong đoàn viên, thanh thiếu niên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó tập trung tuyên truyền một số luật, nghị định và các văn bản có liên quan về an toàn giao thông, tác hại của rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích và ma túy… nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên không mắc các tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, 2 đơn vị còn phối hợp triển khai cho các chi đoàn, phường đoàn trực thuộc vận động đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, phối hợp với địa phương tuyên truyền, cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia phong trào 3 không: không thử, không giữ, không dùng ma túy.
Hiệu quả từ mô hình
Hiện 28 khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đó là kết quả bước đầu đáng khích lệ của mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”, do Tỉnh Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu phát động từ năm 2019.
Anh Nguyễn Xuân Việt, Bí thư Đoàn thị trấn Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết: “Thị trấn có 13 khu phố. Những năm trước, tình hình ANTT tại đây khá phức tạp, do người dân chủ yếu nhập cư, gây khó khăn trong công tác quản lý. Tình trạng thanh niên ăn chơi lêu lổng, tụ tập sử dụng ma túy, đua xe trái phép, đánh nhau… gây mất ANTT khá phổ biến”. Tháng 8/2020, Đoàn thị trấn đã phối hợp với Công an và trưởng khu phố ra mắt đội thanh niên tình nguyện (TNTN) thực hiện mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” tại khu phố Hải Vân với 9 thành viên, do anh Võ Phúc Bình, Phó Bí thư Đoàn khu phố làm đội trưởng. Các thành viên được tập huấn, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Khi nắm được thông tin về thanh thiếu niên có nguy cơ mắc TNXH, như: tụ tập đua xe, tham gia nhóm thanh niên chơi bời, lêu lổng, sử dụng ma túy…, đội tiếp cận, trao đổi, tìm hiểu tâm tư và đưa ra những lời khuyên để họ hiểu và tự tránh xa các TNXH; đồng thời, phối hợp cảm hóa, giúp đỡ thanh niên yếu thế và phát huy vai trò của người dân trong tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Ông Nguyễn Văn Tiển, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khu phố Hải Vân chia sẻ: “Toàn khu phố có hơn 730 hộ dân, hơn 80% bà con có đời sống gắn liền với biển. Trước đây, một số thanh niên sau khi kết thúc chuyến đi biển, về bờ thường sa đà nhậu nhẹt, gây rối, đánh nhau… Để thay đổi tình hình theo chiều hướng tích cực, cuối tuần, khu phố phối hợp với Đoàn Thanh niên đến tận nhà vận động, cảm hóa thanh, thiếu niên. Cứ vậy, “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, trên địa bàn khu phố không có trường hợp nào vi phạm pháp luật. Danh hiệu Khu phố văn hóa được giữ vững”.
Đoàn Thanh niên thị xã Thuận An – tỉnh Bình Dương phát tờ rơi truyên truyền đến tận các hộ gia đình
Tương tự, tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tháng 11/2019, ấp Phước Bình đã ra mắt đội thanh niên tình nguyện thực hiện mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” gồm 8 thành viên. Ấp giáp ranh với xã Phước Hưng, có nhiều ngõ, ngách phức tạp. Trước đây, ấp có hiện tượng thanh niên tụ tập gây mất trật tự trên địa bàn. Sau khi mô hình triển khai, hiện ấp không có thanh niên phạm tội hoặc gây mất ANTT. Đội đã đi từng nhà, vận động 322 thanh niên ký cam kết “Nói không với tệ nạn xã hội”; vận động các gia đình tăng cường quản lý con em mình trong độ tuổi thanh, thiếu niên. “Chẳng hạn, trong xã có trường hợp anh B.T.T., làm nghề đi biển, trước đây nghiện ma túy, đã đi cai nghiện. Chúng tôi tổ chức đến tận nhà trò chuyện, động viên, mời B.T.T tham gia các buổi sinh hoạt của đội hoặc các hoạt động tình nguyện tại địa phương để T hiểu. Hiện T đã sống tích cực hơn, chí thú làm ăn”- Anh Nguyễn Minh Quân, Bí thư Đoàn thanh niên xã Phước Tỉnh cho biết. Sau ấp Phước Bình, mô hình đã được mở rộng sang ấp Phước Thắng. Không những tuyên truyền đến các đoàn viên thanh niên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thành viên đội TNTN còn chủ động theo dõi và nắm tình hình an ninh trật tự tại khu dân cư, kịp thời hòa giải hoặc xử lý những vấn đề nảy sinh, nhắc người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo quản tài sản cá nhân. Tiêu biểu như thôn Sông Xoài 2 (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức).
Thực hiện triển khai mô hình, Ban Thường vụ các các huyện, thị, thành Đoàn tỉnh Bình Dương đã triển khai đến 100% Đoàn Thanh niên xã, phường, thị trấn. Qua thực tế triển khai, một số cơ quan, đơn vị, đã tổ chức việc đăng ký các nội dung cụ thể để thực hiện phong trào. Trong đó, giao trách nhiệm cho từng thành viên thực hiện tốt các nội dung được ký kết như: nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, triển khai công tác tuyên truyền đề cao cảnh giác trước các loại tội phạm,… thông qua các buổi sinh hoạt, hoạt động khu dân cư, trên các trang mạng xã hội, thành lập đội thanh niên xung kích tại khu dân cư, xây dựng tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự, phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên tại gia đình, trường học…
Tương tự, tại tỉnh Bắc Ninh các huyện, thị, thành đoàn cũng đã triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với việc triển khai cho các cơ sở Đoàn đăng ký xây dựng cơ sở Đoàn không có thanh thiếu niên mắc các tệ nạn xã hội, ma túy; đăng ký thực hiện phong trào “3 không” (không thử, không giữ, không sử dụng ma túy) và tổ chức ký kết giao ước thi đua “Chi đoàn không có thanh niên mắc tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội” tại các khu dân cư. Đến nay, 100% các huyện, thị, thành Đoàn đã triển khai hiệu quả mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” và đã đạt được những kết quả thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, được đông đảo đoàn viên thanh niên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Không dừng lại ở công tác tuyên truyền, nhiều đơn vị đã lồng ghép mô hình này với việc triển khai xây dựng các tuyến đường “Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn” tại địa phương thông qua việc tổ chức ra quân ngày chủ nhật xanh làm đẹp tuyến đường với sự tham gia của hơn 20 đoàn viên thanh niên, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải để bảo vệ môi trường; kích hoạt hệ thống “Tin nhắn cảnh giác” trong đoàn viên thanh niên nhằm nêu cao tinh thần phòng chống tội phạm tại khu dân cư.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” sâu rộng trong toàn tỉnh nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm, tinh thần xung phong, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
(Nguồn: Cục PCTNXH)
Tác giả: Kim Dung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)