Thiên nhiên trong tạo hình trang phục truyền thống của người việt


Quan niệm về thiên nhiên

“Thiên nhiên Việt Nam là điểm xuất phát văn hóa Việt Nam. Đó là văn hóa thích nghi và biến đổi” (1). Quả vậy, thiên nhiên có vai trò to lớn trong cuộc sống của con người, là nguồn gốc tạo nên văn hóa và mang giá trị đặc trưng riêng cho mỗi vùng miền, quốc gia. Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp sớm, con người sống gắn bó với thiên nhiên ngay từ thủa khai thiên lập địa, do đó con người luôn có ý thức sống hòa đồng với thiên nhiên. Từ việc tìm kiếm thức ăn nuôi sống con người cho đến việc khai thác thiên nhiên để xây dựng nhà cửa hay việc dùng những lá cây, rễ cây để làm thuốc chữa bệnh. Đặc biệt người Việt, từ xa xưa đã biết dùng những lá cây, thân cây để làm nguyên liệu tạo ra quần áo (trang phục) bảo vệ cơ thể.

Thiên nhiên có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Việt xưa. Người xưa đã khai thác thiên nhiên để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tồn tại. Vì thế mà người Việt xưa đã coi thiên nhiên như một tiêu chí về định hướng thẩm mỹ – cái đẹp. Quan niệm về cái đẹp xưa của người Việt cũng hết sức thực tế, không hoa mỹ nhưng tiện lợi và hài hòa với môi trường sống. Từ màu sắc đến họa tiết trang trí trên trang phục, được khai thác trong tự nhiên kể cả từ nguyên liệu cho đến tên gọi của chúng. Đặc biệt ở thời kỳ phong kiến, nhiều màu sắc trên trang phục truyền thống của người Việt được đặt theo tên của các loài hoa, lá, như màu hoa hiên, màu tím hoa cà, màu hoa mào gà…, hoặc có màu được đặt theo tên của địa danh tạo ra chúng, như tím Tam Giang, nâu Đồng Lầm…

Ngoài màu sắc, yếu tố họa tiết trang trí cũng được người Việt xưa ý thức rất rõ ràng. Họ đã đưa những hình ảnh có sẵn như hình lá cây, hình bông hoa hay hình cây dây leo trong tự nhiên vào trang trí theo cách giản lược các chi tiết và cô đọng những tạo hình đặc trưng. Điều này thấy rõ nhất trong các mặt vải gấm, vải lụa hay trang phục cung đình xưa. Họa tiết trên vải lụa thường thấy là họa tiết cách điệu từ hoa chanh, hoa đào, hoa mai, hoa cúc… vốn phổ biến và gần gũi với con người.

Về quan niệm thẩm mỹ của người Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Chu Quang Trứ đã viết: “Người lao động quần áo nâu sồng giản dị, nhưng chọn để khẳng định màu nâu cũng phải đầy kinh nghiệm, chẳng những để chan hòa với đồng ruộng, còn lúc nào cũng bền màu như mới” (2). Điều này thêm phần khẳng định, thẩm mỹ về cái đẹp của người Việt xưa chính là sự hài hòa với thiên nhiên và môi trường sống.

Bảng màu thiên nhiên trên trang phục của người Việt

Trong quá trình lao động, con người đã khám phá ra những vật liệu tạo nên chất liệu vải và màu sắc của vải. Nguyên liệu phổ biến như tơ chuối, tơ tre, tơ tằm, cây đay, cây gai, cây bông… đều là những loại cây có sẵn trong tự nhiên. Người Việt đã dệt được nhiều loại vải như lụa, gấm, đoạn, lĩnh, đũi… với màu sắc và họa tiết đa dạng. Mỗi chất liệu lại có những đặc trưng riêng về công nghệ dệt cũng như hình thức, chất cảm trên bề mặt vải. Mỗi vật liệu tạo ra những màu sắc khác nhau, đôi khi phải kết hợp nhiều vật liệu với nhau để tạo ra những sắc màu như ý muốn.

  Có hai cách cơ bản tạo màu trên trang phục là nhuộm sợi tơ trước hoặc sau khi dệt vải. Với cách thứ nhất, người thợ có thể tạo họa tiết hoa văn trên vải ngay trong quá trình dệt, tạo ra vải gấm, vải thổ cẩm. Với cách thứ hai, người thợ sẽ tạo ra những tấm vải đơn màu  như vải lụa, đũi… Muốn tạo họa tiết hoa văn, cần kết hợp dùng phương pháp thêu, đính kết, đắp vải thủ công. Tuy nhiên, ở một số địa phương, người dân lại sử dụng kỹ thuật batik – vẽ họa tiết bằng sáp ong. Người thợ dùng bút vẽ họa tiết hoa văn bằng sáp ong lên mặt vải, sau đó đem đi nhuộm màu, phơi khô rồi dùng nhiệt hoặc chất dung môi để hòa tan hết sáp, làm hiện ra những gam màu và họa tiết đặc trưng trên nền vải.

Những vật liệu nhuộm vải thường được khai thác ở địa phương, đôi khi cũng được lấy ở những vùng lân cận. Trong cuốn Người nông dân ở Bắc Kỳ, tác giả Pierre Gourou viết: “…việc nhuộm nâu áo quần là một trong những đặc điểm dân tộc rõ rệt nhất của người Việt. Họ là những người duy nhất trong số các dân tộc xung quanh, gồm Trung Quốc và các dân tộc miền núi khác, nhuộm quần áo nâu. Như vậy có một tình huống nghịch lý: người miền núi không dùng củ nâu là thứ mọc tự nhiên nơi họ ở, mà lại trồng cây chàm. Còn người Việt lẽ ra có thể trồng cây chàm ở châu thổ thì lại bỏ thứ cây đó để mua củ nâu của người miền núi”. Dù củ nâu không phải là nguyên liệu ở địa phương, nhưng bởi lẽ thứ củ này lại tạo nên được màu sắc hợp với màu của đồng ruộng, màu của thiên nhiên vùng châu thổ Bắc bộ nên người Việt đã ưa chuộng.

Bảng nguyên liệu thiên nhiên tạo nên màu sắc trên trang phục truyền thống:


 

Thiên nhiên trong nghệ thuật tạo hình trang phục

Có thể nói, giá trị của màu sắc, hoa văn từ thiên nhiên trong nghệ thuật tạo hình trang phục của người Việt là rất lớn. Tuy nhiên những yếu tố hội họa này được người Việt sử dụng, sắp đặt như thế nào và có khác gì với tạo hình trên trang phục truyền thống của tộc người Thái, người Mường, và sự khác biệt đó phải chăng đã tạo nên giá trị thẩm mỹ, văn hóa vùng miền. Trong nghiên cứu ban đầu này, chúng tôi chú trọng đến phần nữ phục, bởi đây cũng là phần trang phục được đầu tư công phu hơn cả về màu sắc, tạo hình hoa văn.

Trang phục của người Thái

Tộc người Thái được phân chia thành nhiều nhóm khác nhau theo vùng địa lý, mỗi nhóm có những đặc trưng khác nhau trong tạo hình trang phục. Như nhóm Thái ở miền Tây Bắc có trang phục chủ yếu là màu đen. Nhóm Thái ở Sơn La và Hòa Bình sử dụng màu sắc trên trang phục đa dạng hơn, gồm các màu như đen, trắng, vàng, đỏ, xanh.  Kết cấu nữ phục Thái gồm phần áo và váy, phần áo cả hai nhóm đều là áo ngắn đến ngang thắt lưng (gọi là áo cỏm). Tuy nhiên áo cỏm của hai nhóm có sự khác biệt: nhóm Thái đen mặc áo cỏm có hai vạt áo gặp nhau ở giữa thân, không có cổ áo. Nhóm Thái trắng có áo cỏm giống của nhóm Thái đen, chỉ khác phần cổ áo ôm sát và giữa dọc thân trang trí 2 hàng khuy bướm bằng bạc. Phần váy Thái trắng và Thái đen mặc giống nhau, váy dài chấm gót màu chàm có cạp váy trang trí họa tiết hoa văn đặc trưng.

Điểm đặc biệt trong tạo hình trang phục Thái là chiếc khăn Piêu được trang trí hoa văn thổ cẩm. Họa tiết thổ cẩm lấy ý tưởng từ tự nhiên và mang tính khái quát, tượng trưng cao, thể hiện sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên. Điển hình là hoa văn mặt trời, dạng hoa văn từ một loại cây hoa phát triển ở núi rừng Tây Bắc. Loại hoa văn thứ hai là cỏ đả, chiếm diện tích nhỏ nằm cùng bông hoa cách điệu, loại cây này được người Thái liên tưởng đến hình ảnh nhìn thấy trong mặt trời và mặt trăng. Loại hoa văn thứ ba là hình ảnh về con vật không có thật, thuồng luồng nằm ngủ. Thuồng luồng đại diện cho thần nước, hiện thân sức mạnh của thiên nhiên, có khả năng quyết định đến cuộc sống của con người trong thế giới tự nhiên. Có lúc thuồng luồng lại là hiện thân của vị thần đất và là linh hồn của bản mường. Trong tín ngưỡng của người Thái, thuồng luồng là một vị thần quan trọng và được tôn thờ… Người Thái cũng giống như một số tộc người khác tôn thờ những vị thần trong thiên nhiên, biểu tượng hóa và khéo léo đưa vào trang phục một cách tinh tế. Nhưng điểm đặc biệt của người Thái là đặt những họa tiết hoa văn này chủ yếu ở chiếc khăn Piêu, ít khi thấy xuất hiện trên áo hoặc váy. Chính điều này đã tạo nên giá trị thẩm mỹ đặc trưng của người Thái khác biệt so với các tộc người khác vùng.

Trang phục người Mường

Cũng giống như những tộc người khác, người Mường có nét tạo hình trang phục đặc trưng. Về kết cấu trang phục của người Mường bao gồm phần áo và váy, phần áo ngắn (pắn) mặc ngoài có chiều dài chớm eo, áo cổ tròn, vạt áo có nẹp, tay áo không may nối vai và được thiết kế liền nách, giống áo cánh ở đồng bằng Bắc Bộ. Phần váy bao gồm cạp váy và thân váy, váy dài chớm mắt cá chân. Cũng giống người Thái, trang phục của người Mường có điểm nhấn là cạp váy, được trang trí bằng họa tiết thổ cẩm. Cạp váy thiết kế rời có thể dùng kết hợp với nhiều bộ trang phục khác, đôi khi được cất riêng (trong quá trình lao động).

Họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mường khá phong phú, trên cạp váy người ta trang trí nhiều họa tiết hoa văn thực vật và động vật như rồng, phượng, hươu, rùa, cá, hoa sen, hoa cà, quả trám, quả gấc và những họa tiết hình học. Đây là những họa tiết thiên nhiên rất gần gũi với cuộc sống và sự tích của người Mường. Về màu sắc, người Mường ưa chuộng những màu như màu chàm, màu đen, màu trắng và màu đỏ. Để tạo màu người Mường cũng sử dụng các chất liệu từ tự nhiên như màu đỏ lấy từ cây bang, màu vàng từ cây nghệ, mày đen từ cây chàm.

Như vậy, tạo hình trang phục của người Mường cũng rất gần với môi trường sống và lao động đồng thời thể hiện nhân sinh quan về thiên nhiên vũ trụ.

Trang phục của người Việt

Trang phục của người Việt khá phong phú về chủng loại, tuy nhiên khi nhắc tới trang phục phụ nữ thường nhắc tới các loại trang phục chính sau: áo cánh, áo yếm, áo tứ thân (áo mớ ba mớ bảy) và khăn mỏ quạ.

Nghệ thuật tạo hình trang phục phụ nữ của người Việt cũng có những nét tương đồng với quan điểm tạo hình của một số tộc người ở vùng khác. Thiên nhiên môi trường là yếu tố quan trọng, như đã trình bày phần vai trò của thiên nhiên. Về màu sắc người Việt khai thác những nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên, hòa sắc rất gần với màu sắc đồng ruộng như màu nâu, màu đen. Nếu là màu sắc rực rỡ thì người Việt lại khéo léo đặt nó theo những quan điểm thẩm mỹ rất đặc trưng, như “được mắt ta ra mắt người”, nên vẫn rất tinh tế, nền nã. Hãy xem cách phối màu trên bộ áo tứ thân của phụ nữ miền Bắc: bên trong là áo yếm, màu sặc sỡ, tạo điểm nhấn trang phục, tiếp đó là màu đậm của áo cánh và áo tứ thân, ngoài cùng là màu vải the đen của áo tứ thân, thắt lưng thường trùng với màu của áo yếm. Những màu trên kết hợp với màu đen hoặc nâu đậm của váy đụp. Màu của váy được coi là màu nền nhằm dung hòa những màu sặc sỡ của thân áo. Cách sử dụng màu tương phản này phù hợp với tâm lý kín đáo nhưng vẫn rạng rỡ của người con gái, thể hiện nét duyên thầm và mang đậm chất dân gian.

Về họa tiết hoa văn vừa là sản phẩm mang tính bản địa và vừa là sản phẩm sáng tạo của người Việt xưa. Họa tiết hoa văn có chức năng phản ánh hành vi và thái độ ứng xử của cộng đồng dân tộc với thiên nhiên và với cái đẹp. Ở vùng châu thổ Bắc Bộ có hệ thống cây trồng khá phong phú, trong đó có những cây, hoa, lá… được người Việt cách điệu thành hoa văn trang trí, như cây lúa, hạt thóc, cây hoa cúc, hoa chanh, hoa đào, hoa sen… Điều này tạo sự khác biệt về những vùng khác trong hệ thống họa tiết hoa văn. Ngoài họa tiết hoa văn về thực vật còn có họa tiết về côn trùng, động vật, cũng đa dạng và mang yếu tố bản địa rất rõ. Tuy nhiên, những họa tiết về động vật ít được đưa làm trang trí trên trang phục, có chăng chỉ bắt gặp trong hệ thống trang phục cung đình.

  Tạo hình trang phục của người Việt không đơn thuần là phản ánh môi trường sống thiên nhiên mặc dù thiên nhiên có vai trò lớn với cuộc sống của người Việt, mà nó còn phản ánh được giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian – tư duy nông nghiệp và còn mang giá trị phân tầng xã hội rất lớn.  

 Như vậy, thiên nhiên không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất mà còn có giá trị trong đời sống tinh thần của con người. Thiên nhiên là nguồn cảm hứng trong mọi sáng tạo của người Việt, nó thể hiện qua nghệ thuật tạo hình mỹ thuật nói chung và tạo hình trên trang phục nói riêng. Chiếc áo tứ thân, áo cánh, khăn mỏ quạ và đặc biệt là áo dài luôn là niềm tự hào trong văn hóa của người Việt từ trong truyền thống.

________________

1. Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2010.

2. Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Viện Mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ LOAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *