Văn hóa trang phục qua tác phẩm mân hành thi thoại tập

Lý Văn Phức (1785 – 1849) có tự là: Lân Chi, hiệu: Khắc Trai và Tô Xuyên, sinh tại phường Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, thành Hà Nội. Trong 12 năm (1830 – 1841), vâng mệnh vua, ông thực hiện 11 chuyến công du đến những miền đất, vùng biển xa xôi, từ đó nhiều tác phẩm văn chương ra đời. Năm Tân Mão 1831, Lý Văn Phức hộ tống người nước Thanh là Giám sinh Trần Khải cùng gia quyến gặp nạn gió bão dạt vào vùng biển Bình Định về nước trên con thuyền Thụy Long. Chuyến đi có đích đến là đất Mân (tỉnh Phúc Kiến), cũng chính là quê cha đất tổ của Lý Văn Phức. Từ chuyến đi này, tác phẩm Mân hành thi thoại tập ra đời với tập hợp 111 đơn vị thơ, văn bao gồm 94 sáng tác của Lý Văn Phức trong chuyến đi Mân thuộc các thể loại thơ, ký, phú, biện luận, thư từ, ghi chép… và 21 sáng tác xướng họa của giới quan chức triều nhà Thanh, các thành viên trong đoàn sứ bộ. Dựa trên cơ sở giải mã, phiên dịch văn bản tác phẩm với khảo sát những mô tả về trang phục của giới quan viên, giới bình dân Trung Hoa lúc bấy giờ, cũng như diện mạo y quan của chính phái đoàn sứ thần Việt Nam, chúng tôi mong muốn góp thêm mảng tư liệu minh chứng cho văn hóa trang phục đầu TK XIX của Việt Nam và Trung Hoa.

Y quan theo điển chế cổ Trung Hoa, không phải chỉ là phục sức bề ngoài, mà chính là tiêu chí của văn minh, lễ nghĩa. Lễ quan (lễ đội mũ khi người con trai 20 tuổi) rất được coi trọng. Thiên Quan nghĩa trong Kinh Lễ viết: “Cố quan nhi hậu phục bị, phục bị nhi hậu dung thể chính, nhan sắc tề, từ lệnh thuận. Cố viết quan giả lễ chi thủy dã” (Cho nên đội mũ rồi sau trang phục mới đầy đủ, trang phục đầy đủ rồi sau dung mạo mới chính đáng, nhan sắc mới tề chỉnh, mệnh lệnh mới cung thuận. Cho nên lễ đội mũ là mở đầu của lễ vậy) (1). Do đó, một nước có văn hiến ắt không thể thiếu áo mũ tề chỉnh, đường hoàng, đúng với điển lễ. Việt Nam cũng như các nước đồng văn khác nằm trong khu vực văn hóa Hán, đều chịu ảnh hưởng quan niệm đề cao sự trang trọng của trang phục này. Áo mũ không chỉ là những vật dụng trang phục bình thường, mà chính là biểu hiện bề ngoài của lễ nghĩa, điển chế, là nấc thang phản ánh trình độ, đẳng cấp văn minh. Vì thế, trong chuyến công cán sang đất Mân lần này, Lý Văn Phức đã có những sự quan sát, mô tả tinh tế, những nhận định sâu sắc về áo mũ trang phục, được ghi chép lại trong tác phẩm Mân hành thi thoại tập.

1. Văn hóa trang phục Trung Hoa triều nhà Thanh đầu TK XIX

Tác phẩm Mân hành thi thoại tập của Lý Văn Phức đã phác họa về văn hóa trang phục của người Trung Hoa từ giới quan lại đến người bình dân. Trong một cuộc yết kiến quan địa phương Hạ Môn, Lý Văn Phức đã mô tả tỉ mỉ về trang phục của quan viên triều nhà Thanh: “Thanh chế quan phục dụng Mãn tục. Bào tắc đoản tụ bổ phục, mạo tắc chiêm lạp, duy dĩ lạp đỉnh chi hồng, lam, bạch, bích đẳng thái sắc vi đẳng sai” (Quan chế nhà Thanh dùng trang phục theo tục người Mãn. Áo khoác tay ngắn, mũ nón lá, ở đỉnh sơn các màu sắc khác nhau như hồng, lam, trắng, ngọc bích để phân biệt) Văn thượng tỉnh chi tín tác.

Lý Văn Phức nhận định trang phục của quan viên triều nhà Thanh theo phong tục của người Mãn, từ hình thức, kiểu dáng áo, độ ngắn dài của tay áo cho đến sắc màu của mũ nón. Nhà Thanh là triều đại do người Mãn Châu thành lập, đã thay thế nhà Minh của người Hán thống trị Trung Hoa suốt từ 1644-1912. Trong thời gian trị vì gần 3 thế kỷ, nhà Thanh ra sức củng cố địa vị cả về chính trị, quân sự, lẫn kinh thế, văn hóa… Nhà Thanh có tham vọng đồng hóa người Hán, cưỡng chế người Hán quy về những tập tục của người Mãn (tục cạo nửa đầu, tết tóc đuôi sam đối với nam giới…). Qua ghi chép của Lý Văn Phức, có thể thấy đặc trưng y quan của giới quan chức triều Thanh cũng là một minh chứng rõ nét cho màu sắc Mãn Châu hiện hình rất rõ trong trang phục triều đình.

Không chỉ chú ý đến trang phục của giới quan chức, trang phục giới bình dân Trung Hoa cũng làm Lý Văn Phức lưu tâm. Đặc biệt, lối phục sức trang điểm của những người phụ nữ thường dân tình cờ gặp trên đường đã làm ông để mắt, viết nên câu thơ:

Biệt thị nhất ban lão phụ nữ.

Hoa chi đầu thượng diệc đình đình

                              (Đồ gian ký kiến)

 Tạm dịch:

Đặc biệt là những người phụ nữ

Trên đầu một nhành hoa cũng thật xinh

 (Ghi lại những điều nhìn thấy trên đường)

Dường như cách làm đẹp rực rỡ sắc màu ấy gây được ấn tượng sâu sắc nên ông còn thêm vào những dòng chú thích tỉ mỉ: “Kỳ tục phụ nữ giai tháp trâm kết dĩ hoa chi. Hoa tài thái nhược bố vi chi, nhiễm hồng, hoàng, lam, bạch sắc tương gian. Tuy lão xú chi phụ, vô bất hữu thử sức giả” (Phụ nữ có tục cài trâm kết bằng nhành hoa. Hoa may bằng vải thô nhuộm nhiều sắc màu hồng, vàng, lam, trắng xen lẫn. Tuy là người phụ nữ có tuổi hay xấu xí, không ai là không trang sức như vậy).

Lý Văn Phức đã ghi lại một phong tục rất khác biệt của phụ nữ Trung Hoa, đó là tục bó chân. Ông viết: “Hựu kỳ tục phụ nữ giai thượng tế cước, cái tự ấu thời thúc chi, ký trưởng đa bất năng đương phong, vãng vãng ỷ trượng phương hảo hành động” (Phụ nữ đều chuộng bàn chân nhỏ, đại khái từ lúc bé đã bó chân, khi lớn lên nhiều người không chịu được gió, thường xuyên phải chống gậy mới dễ dàng đi lại).

Tục bó chân đã xuất hiện từ thời nhà Tống (960 – 1279). Một giả thuyết khác cho rằng xuất xứ từ Triệu Phi Yến – một cung phi của Hán Thành Đế. Nàng vũ công nhan sắc tuyệt trần này đã quấn những dải lụa quanh bàn chân để nhảy múa. Điệu múa trên đôi chân được bó gọn đã rất mê hoặc Hán Thành Đế, ông gọi đôi bàn chân bé nhỏ ấy là “kim liên tam thốn” (gót sen ba tấc). Từ đó, các cung phi trong triều đều bắt chước Phi Yến bó chân để có được đôi chân nhỏ bé xinh đẹp. Tập tục này ban đầu chỉ lưu hành trong giới thượng lưu, nhưng dần dần đã lan khắp mọi tầng lớp nữ giới trong xã hội Trung Hoa. Người con gái phải chịu đau đớn, bẻ gẫy xương bàn chân để bó chặt lại từ khi còn là những cô gái nhỏ (2-5 tuổi) thì khi trưởng thành mới mong lấy được chồng. Tập tục này phản ánh sự áp chế của nam quyền lên sức khỏe, phẩm giá của phụ nữ trong xã hội Trung Hoa. Một chi tiết được ghi chép lại trong tác phẩm Mân hành thi thoại tập của Lý Văn Phức, đã xác thực rằng vào thập niên 30 của TK XIX, trên đất Mân (Phúc Kiến), tập tục bó chân phổ biến ngay cả trong giới bình dân. Ông viết rằng khi lớn lên nhiều người không chịu được gió, thường xuyên phải chống gậy mới dễ dàng đi lại. Có thể thấy ông đã nhìn nhận tập tục này dưới một góc độ thật nhân văn và giàu lòng trắc ẩn. Vượt lên trên định kiến mang màu sắc bất bình đẳng giới của người Trung Hoa, Lý Văn Phức hiểu rằng đôi bàn chân dị dạng ấy làm người phụ nữ suy giảm về thể chất, khó khăn trong vận động. Một chi tiết nho nhỏ, một ghi chép thực tế nhưng giúp chúng ta phần nào thấy được một nét cảm thông, thấu hiểu trong tâm hồn của vị sứ thần họ Lý.

Trong tác phẩm Mân hành thi thoại tập, Lý Văn Phức đã có những quan sát, mô tả tuy chấm phá nhưng khá tinh tế về những màu sắc trang phục, phong tục sức trang của người Trung Hoa đầu TK XIX.

2. Thái độ tiếp nhận trang phục Việt của phái đoàn sứ thần triều Nguyễn trên đất Trung Hoa

Trong tác phẩm Mân hành thi thoại tập, Lý Văn Phức đã có một đoạn văn nhận định về nền văn hiến, giáo hóa của nước Nam ta, trong đó có văn hóa trang phục: “Kỳ học dã nguyên Tả Quốc nhi lưu Ban Mã; kỳ văn dã, thi phú tắc Chiêu Minh văn tuyển nhi dĩ Lý Đỗ vi y quy; tự họa tắc Chu lễ lục thư nhi dĩ Chung Vương vi giai thức, tân hiền thủ sĩ Hán Đường chi khoa mục dã, bác đới nga quan Tống Minh chi y phục dã” (Việc học thì bắt nguồn từ Tả Quốc chảy đến Ban Mã. Văn học thì thi phú có Chiêu Minh văn tuyển, lấy Lý Bạch, Đỗ Phủ làm quy phạm. Về văn tự, hội họa thì Chu lễ lục thư lấy Chung Vương làm khuôn mẫu. Tuyển hiền chọn sĩ thì theo khoa mục thời Hán Đường, đai rộng mũ cao theo chế độ y phục thời Tống Minh) (Di biện luận).

Như vậy, theo Lý Văn Phức, trang phục của nước Nam dưới triều Nguyễn theo đúng chế độ trang phục của triều nhà Tống, Minh. Nhận định này của ông gần 200 năm sau đã được giới nghiên cứu nước nhà xác thực. Năm 2013, Trần Quang Đức công bố chuyên luận Ngàn năm áo mũ về lịch sử trang phục Việt Nam. Bằng sự khảo cứu, đối chiếu tư liệu hết sức công phu và khả tín, Trần Quang Đức đã đi đến kết luận: “triều đình nhà Nguyễn vẫn tiếp tục tham khảo chế độ trang phục của các triều đại Trung Hoa là nhà Tống, nhà Minh và nhà Thanh, trong đó, trang phục Tống – Minh là nguồn tham khảo chính thống” (2). Cụ thể hơn, “sau khi nhà Nguyễn thành lập, năm 1831, vua Minh Mạng lại tham khảo quy chế Tống – Minh đặt ra trang phục Cổn Miện dành cho vua quan triều Nguyễn, đánh dấu sự hoàn bị về văn hiến áo mão của đế quốc Đại Nam”(3). Tác giả chuyên luận đã chứng minh một cách thuyết phục luận điểm này qua một loạt những bảng biểu so sánh tỉ mỉ về quy chế áo cổn, mũ miện, cho đến màu sắc, họa tiết trên giầy, tất… của hoàng đế, hoàng tử, hoàng thân, bá quan triều Nguyễn với triều Tống triều Minh của Trung Hoa.

Y phục, cũng như các thiết chế khác về chính trị, văn hóa, giáo dục của nước Nam đều tuân theo những điển chương, chế độ của Trung Hoa. Điều đó dường như làm Lý Văn Phức rất tự hào. Văn hóa, văn minh Trung Hoa thời trung đại với những giá trị cao đẹp, sức lan tỏa sâu rộng đã trở thành một tiêu chuẩn, một giá trị chung cho cả khu vực chứ không phải chỉ mang màu sắc quốc gia, dân tộc. Nước Nam ta từ khi giành được độc lập tự chủ, các triều đại kế tiếp nhau đều chủ động lựa chọn chữ Hán làm văn tự chính thức, cùng với đó là cả một hệ thống giáo dục, khoa cử, văn hiến Nho giáo theo phương thức của Trung Hoa. Thế nên những mẫu mực của mô thức ấy đã trở thành điển phạm lý tưởng cho sự thiết lập các thiết chế chính trị, giáo dục cho đến văn hóa của Việt Nam. Có thể thấy niềm tự hào của Lý Văn Phức khi y phục nước Nam cũng đai rộng mũ cao y hệt triều Tống Minh là một cảm thức tự tôn dễ hiểu, không hề mang màu sắc lệ thuộc hay tâm lý nhược tiểu. Trái lại, điều đó khẳng định sự tự tin, tự hào của sứ thần họ Lý khi nước Nam ta đã bước lên được nấc thang cao của văn hiến văn minh khu vực, là thành viên của một cộng đồng văn minh, có giáo hóa, lễ nghĩa, và phân biệt với khu vực còn lại không được soi rọi ánh sáng của lễ giáo ở bốn phía xung quanh như man, di, nhung, địch.

Theo lời Lý Văn Phức kể lại trong tác phẩm Mân hành thi thoại tập, tại buổi yết kiến quan địa phương Hạ Môn, y quan cũng như phong khí của đoàn sứ thần nước Nam đường mạo, uy phong không kém gì nước chủ nhà, có lẽ vì thế mà nhận được sự đón tiếp rất trang trọng của họ:

Doanh tiền nghênh hậu tự bôn mang

Xa thặng ung dung túc lưỡng bàng

Bác đới nga quan văn hiến quốc

Đông tân tây chủ Lễ Thi đường.

 (Kiến Hạ Môn địa phương quan)

 Tạm dịch:

(Họ) Chạy trước đón sau bận rộn vất vả

(Ta) Ung dung ngồi trên xe giữa hai hàng (quân) tề chỉnh

Đai rộng, mũ cao, nước văn hiến

Khách đông, chủ tây, một nhà Thi Lễ.

 (Yết kiến quan địa phương Hạ Môn)

Khi nhìn thấy trang phục của sứ thần nước Nam, người dân triều Thanh lúc bấy giờ lại ngậm ngùi rơi lệ nhớ tiếc, vì trang phục của họ quy theo tục Mãn đã lâu rồi: “Mỗi kiến ngã quốc chi bác đới nga quan vô bất thán tiễn, chí hữu thùy lệ giả, thậm hữu tự trịch kỳ lạp giả, sở chi vi quan giả như chức” (Khi thấy nước ta mũ cao đai rộng thì ai cũng thán phục ngưỡng mộ, đến nỗi có người còn rơi nước mắt, thậm chí có người còn ném mũ của mình đi, người đến xem vây quanh đông nghịt) (Văn thượng tỉnh chi tín tác).

Đoàn sứ bộ nước Nam đã nhận được sự chào đón hân hoan trong cuộc sứ trình này, một phần cũng vì giữ được truyền thống y quan đúng với điển chế cổ ấy:

Khách dị y thường thiên ngoại hợp

Nhân khan tu mấn độ đầu nghênh

 (Đồng hành dữ Lai Tham Quân tự thoại)

 Tạm dịch:

Áo xiêm khác lạ của khách hợp với cõi ngoài

Người xem râu tóc ra đón ở đầu bến

(Vừa đi vừa chuyện trò với Lai Tham Quân)

Chi tiết này trùng khớp với niềm tự tôn kiêu hãnh của vua Minh Mệnh trong đạo dụ năm 1830 được ghi chép lại: “Cổn miện triệu tự Hiên Viên, nhi Tam Đại tiên hữu hành giả… Bắc triều tự Thanh dĩ lai diệc dĩ cửu phế. Kim cử hành chi, Thanh nhân điển lễ ký thất, diệc tương ư ngã thủ chính. Thị chi Bắc triều, cánh hữu quang yên” (Cổn miện được tạo ra từ thời Hiên Viên, nhưng thời Tam Đại đã hiếm người dùng… Bắc triều từ đời nhà Thanh lại đây cũng phế bỏ đã lâu. Nay (ta) thi hành nó, điển lễ của người Thanh đã mất, sẽ theo ta mà giữ lại cho đúng. Trông sang Bắc triều, (ta) lại càng thêm rạng rỡ vậy) (Minh Mệnh chính yếu).

Tự hào về y quan đạt đến trình độ mẫu mực của điển lễ cổ, Lý Văn Phức viết:

Tự cổ y thường biệt giới lân

Khí tòng thiên địa phán thiên thuần

(Để công quán kiến môn đề “di” tự tác)

 Tạm dịch:

Từ xưa áo xiêm đã khác với vùng biên viễn

Khí theo trời đất tách biệt trong ngoài

(Đến công quán thấy cổng đề chữ “di”, làm thơ)

Như vậy, về trang phục của nước Nam, Lý Văn Phức một lần nữa khẳng định đó là một truyền thống văn hóa đã có từ xưa, là học theo đúng điển chế mẫu mực về trang phục của văn minh Hoa Hạ, hoàn toàn phân biệt với áo xiêm của các vùng biên viễn xa xôi. Có thể nhận ra niềm hãnh diện thoáng chút kiêu ngạo về trang phục này của Lý Văn Phức trong cuộc hội ngộ tình cờ với phái đoàn sứ giả của vương quốc Lưu Cầu. Lưu Cầu là một vương quốc thống trị phần lớn quần đảo Ryukyu (Okinawa, Nhật Bản) từ TK XV-XIX. Về mặt đối ngoại, các vua Lưu Cầu đã định kỳ cho sứ giả sang tiến cống nhà Minh, rồi nhà Thanh. Trong một cuộc gặp mặt với sứ giả Lưu Cầu trên đất Mân, Lý Văn Phức đã quan sát, mô tả về trang phục của họ: “Y phục diệc trường khâm đại tụ, đãn thường dụng văn bố, như man tập” (Y phục cũng áo vạt dài và tay thụng rộng, nhưng thường dùng vải có hoa văn, như tập quán của người Man) (Kiến Lưu Cầu quốc sứ). Bình phẩm trang phục của phái đoàn sứ bộ đến từ phương xa ấy là “giống như tập quán người Man”, chúng ta dường như thấy một nụ cười kiêu hãnh thoáng hiện trên môi viên sứ thần họ Lý.

Y phục theo quan điểm truyền thống quả thật là quan trọng, là tín hiệu của lễ nghĩa, của văn minh. Tác phẩm Mân hành thi thoại không chỉ phác họa  một đôi nét về trang phục Trung Hoa từ quan phục cho đến quần áo bình dân, chấm phá ấn tượng về trang phục của đoàn sứ bộ Việt Nam, mà còn bộc lộ cảm thức tự hào về nền văn hiến dân tộc của sứ thần Lý Văn Phức. Đó cũng chính là giá trị tư liệu lịch sử, văn hóa khai thác được từ tập thơ văn bang giao này.

______________

1. Nguyễn Tôn Nhan, Kinh lễ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.356.

2, 3. Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.278, 298.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : PHAN THỊ THU HIỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *