Không có nhiều lợi thế về câu chuyện, các kịch tính nhưng phim phim khoa học lại hấp dẫn người xem bởi lượng kiến thức trong mỗi vấn đề mà bộ phim truyền tải.
Phim Những vùng đất hồi sinh
Bắt nguồn từ một vấn đề có liên quan mật thiết đến các chỉ số, định lượng hay các nghiên cứu… phim khoa học thường sử dụng khá nhiều số liệu, thống kê đòi hỏi sự chính xác, cụ thể. Tuy khó tìm đề tài nhưng một số phim khoa học vẫn thu hút dù chỉ sáng tạo trong khuôn khổ hẹp. Do quy định của thể loại mà ngay từ đề tài, cách triển khai, êkip làm phim đã phải tìm hiểu, tra cứu hàng loạt thông số liên quan đến lĩnh vực, vấn đề mà mình muốn phản ánh. Khát khao mang lại kiến thức, sự hiểu biết cho người xem, không ít tác giả đã dành trọn cả cuộc đời cho đam mê, sáng tạo với thể loại này như NSƯT Nguyễn Như Ái, NSND Lương Đức, NSND Nguyễn Như Vũ và gần đây là các đạo diễn trẻ như Trịnh Quang Tùng, Nguyễn Sỹ Bằng, Nguyễn Tài Văn…
Trong các kỳ Liên hoan Phim (LHP) dù đứng riêng một hạng mục nhưng số lượng phim khoa học dự thi cũng không nhiều. Sự ít ỏi đến từ các khó khăn khi tìm chọn đề tài, cách phản ánh trong mỗi tác phẩm. Tuy vậy, nói đến thể loại này vẫn có những bộ phim mà cái đẹp, sự thu hút đến từ đối tượng được phản ánh dù trong phim vẫn dành nhiều thời lượng cho việc đưa ra những số liệu, thống kê như phim Đất tổ ngàn xưa (đạo diễn: NSND Lương Đức) hay Bướm – côn trùng cánh vẩy (đạo diễn: Trịnh Quang Tùng).
Phim Asen – sát thủ vô hình
LHP Việt Nam lần thứ XXII sắp tới cũng không có nhiều phim khoa học tham dự. Khoảng cách giữa hai lần LHP là hai năm nhưng chỉ có 15 phim đến từ Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch, Trung tâm Tài liệu – Phóng sự và Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong số phim ít ỏi ấy, phim Phải sống (kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Tài Văn) đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Bộ phim dựa trên ca bệnh của chị Nguyễn Thị Liên – người phụ nữ phát hiện ung thư giai đoạn cuối khi đang mang thai gần 4 tháng.
Kiên trì vượt qua đau đớn, người mẹ trẻ quyết không bỏ con và rồi phải sinh ngồi khi thai mới được 31 tuần tuổi. Sau sinh, hai mẹ con phải nằm điều trị tại hai bệnh viện khác nhau. Số phận đã mỉm cười khi chị dần khỏe lại và cậu bé cũng đủ điều kiện để được xuất viện. Kỳ tích đó không chỉ của riêng chị mà còn là của y học Việt Nam khi cứu sống, giúp duy trì thai kỳ và kéo dài thời gian cho mẹ. Kỳ tích ấy đã được nhiều báo chí phản ánh và nhân vật người mẹ, chị Nguyễn Thị Liên cũng xuất hiện trong nhiều bản tin, chương trình như Điều ước thứ bẩy. Chị cũng được bầu chọn trong tốp 5 Nhân vật của năm trong giải thưởng VTV Award 2019. Nói về câu chuyện của chị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng gọi đó là: Cổ tích giữa đời thường.
Phim Tắc mạch xạ trị
Là bộ phim khoa học duy nhất của Điện ảnh Quân đội góp mặt trong hạng mục này, phim Tắc mạch xạ trị (đạo diễn: Hà Xuân Trường) đề cập tới một phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả nhất hiện nay, được các nhà Khoa học Bệnh viện Quân y 108 nghiên cứu áp dụng điều trị tại Việt Nam. Phương pháp tắc mạch xạ trị với hạt vi cầu gắn đồng vị phóng xạ Yttrium-90 an toàn, ít tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao và đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ưng thư. Đây là một phương pháp điều trị mới mở ra hy vọng sống cho những bệnh nhân.
Cũng chỉ có một phim duy nhất góp mặt tại hạng mục này, phim Hãy hiểu rõ cơ thể bạn (đạo diễn: Lê Thanh Lịch, Đào Kim Thành) của Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch lại đặt một lát cắt mỏng để xem xét về tác động của môi trường tới cơ thể khi con người có những hoạt động bất thường, ở đây là hoạt động thể thao. Từ đó tìm ra phương pháp và nguyên tắc ứng xử đúng của mỗi cá thể trước, trong và sau hoạt động.
Trung tâm phim Tài liệu và Phóng sự – Đài Truyền hình Việt Nam mang tới một chùm 4 phim là Asen – sát thủ vô hình (kịch bản và đạo diễn: Trịnh Quang Bách), phim Điểm mù giao thông (kịch bản và đạo diễn: Triệu Văn Đô), phim Ma túy không dược chất và phim Mối liên hệ (kịch bản và đạo diễn: NSƯT Vũ Hoài Nam).
Điểm chung của cả 4 bộ phim này là khai thác những tác hại trong cuộc sống thường nhật mà đôi khi vì bận bịu, thiếu hiểu biết con người đã vô tình tiếp tay, bỏ qua. Asen – sát thủ vô hình đề cập tới độc tố asen (thạch tín) có trong nước ngầm, trong cây trồng đang ở mức cao tác động rất xấu đến sức khỏe con người, gây ra những căn bệnh khủng khiếp. Phim Điểm mù giao thông đề cập đến “vùng điểm mù chết người” trong các tai nạn thảm khốc. Các phương án khắc phục điểm mù cố hữu từ các nhà sản xuất ô tô cũng như ý thức, văn hóa trong giao thông góp phần đảm bảo an toàn cho mọi người. Phim Ma túy không dược chất lại phân tích các hành vi nghiện đánh bạc dưới dạng một nghiên cứu khoa học và xem đây như một căn bệnh với những tính chất của bệnh nghiện hành vi điển hình. Thông qua các nhân vật cụ thể của các vụ án đánh bạc, phim cảnh báo căn bệnh này cũng đáng sợ không kém gì ma túy. Phim Mối liên hệ đề cập tới sự suy thoái của hệ sinh thái biển vì những hành vi khai thác, phá hoại của con người có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường cho hiện tại và tương lai.
Công ty TNHH MTV hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là đơn vị có nhiều phim tham dự nhất tại hạng mục này với 5 bộ phim Một giải pháp mềm (đạo diễn: Nguyễn Sỹ Bằng), Năng lượng mặt trời (đạo diễn: Dương Ngọc Hòa), Lũ miền núi (đạo diễn: Trịnh Quang Tùng), Những vùng đất hồi sinh (đạo diễn: Đỗ Thị Huyền Trang), Ô nhiễm trắng (đạo diễn: Dương Văn Huy).
Phim Lũ miền núi
Vốn có truyền thống với phim tài liệu và khoa học, các vấn đề được đề cập, khai thác trong chùm phim khoa học dự thi của Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương khá đa dạng. Từ việc phát phiển giống Vịt biển tạo sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu (phim Một giải pháp mềm) đến phát triển năng lượng mặt trời để giải quyết các vấn đề về năng lượng, bảo vệ môi trường an toàn, bền vững (phim Năng lượng mặt trời).
Trong Lũ miền núi, phim không chỉ đi sâu phân tích các nguyên lý hình thành lũ ống, lũ quét một cách khoa học mà còn đề ra nhiều giải pháp giúp người dân có những hành động và giải pháp an toàn, phòng tránh lũ. Phim Những vùng đất hồi sinh lại chọn đi vào một vấn đề đã tồn tại suốt mấy chục năm tại Việt Nam. Đó là những vùng đất bị nhiễm chất Dioxin trong chiến tranh, những giải pháp khắc phục từ cấp nhà nước đến các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học nhằm hồi sinh nhiều vùng đất, mang lại cuộc sống mới và xoa dịu nỗi đau da cam. Phim Ô nhiễm trắng đặt vấn đề về xử lý rác thải, đặc biệt là túi ni lông, các đồ nhựa dùng một lần. Phim trích dẫn phân tích của các nhà khoa học cũng như các giải pháp của Chính phủ nhằm kiểm soát ô nhiễm trắng, hạn chế bớt những tác động nguy hại.
Với 15 bộ phim tuy không nhiều về số lượng nhưng các vấn đề nóng về môi trường, khí hậu, giao thông, an ninh năng lượng… đều được các nhà làm phim đề cập. Không chỉ là những phân tích khoa học, nhiều bộ phim còn đem tới các giải pháp, cách phòng cách cũng như thành tựu của nền y học nước nhà. Với biên độ hẹp về sáng tạo, phim khoa học vẫn có lượng khán giả của riêng mình khi người xem tìm thấy sự hấp dẫn về kiến thức, khoa học hay lý giải các hiện tượng tự nhiên, xã hội và cả hành vi con người.
NGỌC HUYỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình